Ngọc Hà
Nhân lực là điểm yếu của du lịch Việt Nam. Việc đào tạo là vô cùng cần thiết, nhưng vấn đề là ngay cả lúc khỏe mạnh nhất chúng ta cũng không làm được.
Nhân lực bất cập thì du lịch cũng thất bại
Tại Hội thảo “Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới” vừa diễn ra, nguyên lãnh đạo cấp cao của Saigontourist, quản lý 6 khách sạn, công ty lữ hành, sân golf, trường đào tạo, ông Nguyễn Hữu Thọ kể lại câu chuyện mà bản thân cảm thấy xấu hổ.
Cách đây nhiều năm, Royal Caribbean Group, tập đoàn sở hữu những con tàu du lịch lớn nhất thế giới, có tàu chở 5.000 khách, cần số nhân viên phục vụ là 2.700 người. Họ hợp tác với Saigontourist muốn đào tạo và cung cấp 1.700 nhân viên cho tàu Quantum of the Seas, về nghề nghiệp, kỹ năng, tiếng Anh… Sau một thời gian, họ mời ông lên tàu tham quan xem nguồn nhân lực của Việt Nam như thế nào.
“Tôi đi khắp, tìm mãi trên chiếc tàu to lớn chạy vòng quanh thế giớI, nhưng tìm hoài không ra người Việt Nam, gặp toàn lao động người Singapore, Trung Quốc, Malaysia,… Đang ngồi ăn sáng, thấy một nhân viên quét dọn, tôi hỏi có phải người Việt Nam không thì được trả lời “đúng”. Khi hỏi ra, số nhân viên Việt Nam đào tạo cung cấp cho tàu chỉ được làm buồng, khu vệ sinh, nhà hàng,… ”, ông tâm sự và thấy thật đau lòng.
Ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, dù cố gắng đến mấy mà nguồn nhân lực bất cập thì chúng ta cũng thất bại.
Vì thế, ông Thọ đúc kết, du lịch Việt Nam dù có xây tòa lâu đài đẹp tới đâu đi nữa, cảnh quan đẹp tới đâu đi nữa mà nhân lực không có thì toàn bộ sẽ thất bại, toàn bộ sẽ không thể vận hành. Trong khi đó, nhân lực du lịch hiện nay đòi hỏi phải được đào tạo theo chuẩn quốc tế, đào tạo kỹ năng (miệng nói tay làm) để cạnh tranh quốc tế, đào tạo tiếng Anh.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thừa nhận: nhân lực là điểm yếu của du lịch Việt Nam. Theo ông, ngay trong giai đoạn du lịch thịnh vượng nhất (năm 2019), vấn đề nhân lực đã bộc lộ rất nhiều vấn đề: phát triển ào ạt, không có định hướng rõ ràng, không có hệ thống quản lý chặt chẽ, các tiêu chuẩn nghề nghiệp không được tuân thủ,… Tất cả làm méo mó hình ảnh du lịch Việt Nam.
“Khi dịch Covid-19 xuất hiện, nguồn nhân lực còn thê thảm hơn rất nhiều, nay còn thiếu trầm trọng. Việc đào tạo là vô cùng cần thiết, nhưng vấn đề là ngay cả lúc khỏe mạnh nhất chúng ta cũng không làm được nữa là giờ còn đang yếu”, ông lo ngại.
Thực tế hiện nay, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy chỉ ra rằng, do dịch bệnh, có tới 80% nhân sự du lịch, vì áp lực cuộc sống, đã phải chuyển đổi công việc. Nay Việt Nam mở cửa du lịch, có những lao động tự nguyện quay lại, có lao động đã ổn định công việc mới, thu nhập cao hơn nên không trở lại nữa. Ông yêu cầu cần đánh giá thực trạng đó để có giải pháp, xem nhân lực du lịch của Việt Nam thiếu hụt như thế nào, đang ở đâu so với khu vực và thế giới.
Còn dè dặt, nếu quay lại nghề đòi lương cao
Tổng giám đốc Công ty TMDV Dân chủ Hà Nội (đơn vị sở hữu khách sạn Hotel de l’Opera Hanoi), ông Nguyễn Hồng Hải, cho hay, có thời điểm nhân viên tại khách sạn không đến 60 người, chỉ 30% số lao động có công ăn việc làm, làm luân phiên, thu nhập giảm 35-45%. Sau 2 năm, nguồn nhân lực du lịch suy giảm, không kịp bổ sung mới do gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng. Đến tháng 2/2022, tổng số nhân lực của khách sạn giảm gần 40%.
Ông kể rằng, ngay cả khi gọi nhân viên đi làm lại họ cũng dè dặt, nói chờ khi nào có việc làm đủ 100% thời gian mới quay lại. Chưa kể, còn có chuyện nhân viên đề nghị phải tăng lương mới đi làm, trong khi DN cũng khó khăn nên không thể đáp ứng ngay. Rõ ràng, đang có sự ‘lệch pha’ giữa kỳ vọng của nhân sự và ngân sách trả lương của DN, ông Hải nói.
Rồi cạnh tranh trong tuyển dụng. Ông Hải cho biết, Hà Nội có 12 khách sạn 5 sao, trước đây cạnh tranh quyết liệt từng vị trí. Sau dịch Covid-19 đã khó, nếu các DN không cùng chia sẻ sẽ lại dẫn tới tình trạng tranh giành lao động của nhau.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT&DL), đến nay, tổng số cơ sở đào tạo nhân lực du lịch là 278 trường, gồm 101 trường đại học, 110 trường cao đẳng và 67 trường trung cấp. Thời gian qua, Bộ VH-TT&DL cũng xây dựng và đề xuất Bộ LĐ-TB&XH ban hành 7 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia về du lịch, 13 bộ chuẩn đầu ra, danh mục các ngành nghề trọng điểm quốc gia, ASEAN và quốc tế,…
Song, ông Lê Anh Tuấn cho rằng, vấn đề nhân lực du lịch vẫn còn nhiều bất cập.
Thứ nhất, tỷ lệ nhân lực được đào tạo bài bản dù có tăng nhưng số chưa được đào tạo vẫn cao.
Thứ hai, tính cân đối trong nhân lực chưa phù hợp, như mất cân đối trong ngành nghề, lĩnh vực, cấp độ chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ nhân lực cấp cao và ngoại ngữ; mất cân đối về quy mô, số và chất lượng nhân lực du lịch giữa các địa phương, vùng miền.
Thứ ba, vấn đề nhảy việc trong lĩnh vực du lịch.
Thứ tư, vấn đề đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp và tính nhạy cảm của người làm du lịch vẫn còn bất cập.
Thứ năm, việc tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn hạn chế.
Chưa kể, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu thực tập của sinh viên rất nhiều nhưng các DN khách sạn, lữ hành đóng cửa, lại giãn cách xã hội nên các trường phải đổi sang hình thức đào tạo online. Chất lượng đào tạo vì thế cũng có một số vấn đề về kỹ năng hành nghề, khi sinh viên không có cơ hội thực tập, rèn luyện thực tế.
Theo ông Trần Xuân Mới, chuyên gia tư vấn cao cấp về du lịch, chúng ta đang làm thuê trên mảnh đất của chính mình. Chúng ta giỏi, nhưng tại sao lại để người nước ngoài quản lý mãi vậy? Ngay trên sân nhà đã thất bại thì làm sao ra quốc tế được, ông đặt vấn đề.
Trước đây, các dự án do Liên minh châu Âu tài trợ, đã hỗ trợ đào tạo cho Việt Nam hơn 3.000 đào tạo viên. Ông băn khoăn, có cách nào huy động được không, bởi họ đều làm ở các khách sạn 4-5 sao. Nếu không tận dụng được, đó là sự lãng phí.
N.H.
Nguồn: Vietnamnet