Hội phụ nữ, Hội nhà văn, Hội nhà báo… sao lại câm miệng như hến lúc này?

Tuấn Khanh

7-4-2022

Câu chuyện về một tay tài xế được cất nhắc trở thành cai phó của báo Văn Nghệ, trong quá trình hãnh tiến của hắn, đã cưỡng bức một nữ nhà văn trẻ trong suốt nhiều năm, có vẻ lọt thỏm mất tăm trên báo chí nhà nước Việt Nam cũng như trên công luận của mạng xã hội.

Trước đó ít ngày, câu chuyện một người mẫu nữ nước ngoài đến Hội An chụp hình để lộ đồ lót – chỉ trong vài tiếng đồng hồ – được cả hệ thống báo chí sùng sục điên cuồng như tổ quốc bị xúc phạm, đám đông bị dẫn dắt dư luận cũng điên cuồng góp lời chửi rủa không chán. Thậm chí công an cũng lập tức vào cuộc để truy tìm như một vụ án hình sự.

Vậy mà câu chuyện của một trí thức Việt Nam bị cả một đám người nhân danh trí thức bao che tội ác và thỏa hiệp bóp méo sự kiện suốt trong nhiều năm trời, không thấy có một cuộc điều tra nào từ báo chí đến công an.

Vụ án này, là phần cặn bã đáng được phơi bày trong hệ thống phân phối quyền lực trong xã hội Việt Nam, không có chỗ đứng cho trí thức, mà chỉ có chỗ cho một tay lái xe – rất biểu trưng – trở thành lãnh đạo chỉ vì kẻ này biết vâng lời, và giỏi làm dân phòng kiểm duyệt chữ nghĩa. Và từ đó quyền lực phát sinh tỷ lệ thuận với thú tính được bảo bọc.

Đây không phải là lần đầu tiên. Năm 2010, một trong những vụ án ép bán dâm nổi tiếng từ một hiệu trưởng trường trung học ở Hà Giang là Sầm Đức Xương, mà những kẻ mua dâm là các quan chức lại được giấu tên, nhưng các cô gái nhỏ vị thành niên đó thì lại được trưng tên và hình ảnh đầy đủ. Và đó chỉ là một trong những câu chuyện khác chìm nổi trên khắp đất nước này, trong thời kỳ phát triển rực rỡ hôm nay.

Nhà văn nữ bị cưỡng bức nhiều năm, bị vu oan, bị ép nhận là chuyện “tình cảm riêng tư” để xóa bỏ tội ác, cô ấy không phải là người vô danh, cô là một cái tên quen thuộc trong xã hội văn chương Việt Nam, nhưng cô còn bị vùi dập đến vậy, hãy tự hỏi, còn những người không có tiếng nói khác, sẽ như thế nào?

Trong thư ngỏ tố cáo, nhà văn nữ nói rằng cô đã trải qua nhiều năm dài trầm cảm và nghĩ đến chuyện tự tử. Cuộc sống vào đời của một cô gái tuổi 20 cho đến tận hôm nay đã hoàn toàn thay đổi, trở thành năm tháng dài địa ngục bởi tổn thương từ một tay cai văn nghệ, và còn bị xã hội nhỏ chung quanh cô chà đạp, che đậy. Hãy thử tưởng tượng, vì quá tuyệt vọng mà nhà văn nữ đó đã tự tử và đem theo mình nỗi đau đớn đó xuống mồ, thì tội ác này được mãi mãi chôn dấu và những người biết đến cô chỉ có thể tiếc thương mơ hồ cho một sinh mạng bị hủy diệt.

Hội phụ nữ, Hội nhà văn, Hội nhà báo… và tất cả những thứ đoàn thể có liên quan khác sao lại câm miệng như hến lúc này? Hay họ cũng là những nạn nhân bị cưỡng bức suốt bao nhiêu năm nay nhưng lại không đủ dũng cảm lên tiếng chống lại?

T.K.

Nguồn: FB Tuấn Khanh

Đọc thêm:

1. Kẻ từng cưỡng hiếp tôi đang là Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ

Dạ Thảo Phương

6-4-2022

Ngày 3.4 là ngày sinh nhật tôi, ngày mẹ cha mang tôi đến với cuộc đời.

Sinh nhật tôi năm nay, tôi muốn được sinh ra một lần nữa – Bằng việc mang ra ánh sáng một Sự Thật tôi đã phải chôn giấu trong im lặng thống khổ 23 năm nay.

Có lẽ những gì tôi kể ra sẽ hơi dài với bạn. Nhưng đó là gần một nửa thời gian tôi đã sống trên mặt đất này, với rất nhiều khổ đau, mất mát, oan ức.

Tôi hy vọng tiếng nói này của tôi sẽ được bạn lắng nghe.

Tôi hy vọng tôi sẽ được tái sinh trong một thế giới được chiếu sáng bởi Sự Thật, lòng Chính Trực, Tình Người.

Xin cảm ơn tất cả các bạn.

Dạ Thảo Phương

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

THƯ NGỎ

(Tố cáo hành vi cưỡng hiếp của Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ Lương Ngọc An)

Kính gửi: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Kính gửi: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Kính gửi: Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Kính gửi: Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

Kính gửi: Nhà văn Khuất Quang Thuỵ, Tổng biên tập Báo Văn nghệ.

Kính gửi: Ban biên tập Báo Văn nghệ.

Kính gửi: Các nhà văn, nghệ sĩ, trí thức và tất cả những người yêu văn chương nghệ thuật

Tôi là Dạ Thảo Phương (Tên khai sinh: Phan Thị Thanh Thuý, sinh ngày 03.04.1974). Từ năm 1996 đến năm 2003, tôi là phóng viên, biên tập viên tại ban Văn nghệ Trẻ, thuộc Báo Văn nghệ, trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.

Tôi viết thư này để tố cáo hành vi cưỡng dâm và vu khống trước đây của Lương Ngọc An, kẻ hiện nay đang là Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

Tôi sẵn sàng đối chất với Lương Ngọc An trước sự chứng kiến của lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, lãnh đạo Báo Văn nghệ, chồng tôi, và các luật sư. Nếu không dám đối chất công khai với tôi trước sự chứng kiến của những bên này, mọi bịa đặt được đưa ra từ phía Lương Ngọc An đều vô giá trị và là vu khống.

Nếu cho là tôi nói sai sự thật, Lương Ngọc An hãy kiện tôi ra toà.

Tôi bị cưỡng hiếp

Trưa ngày 14.04.2000, khi tôi ở một mình trong phòng biên tập Văn nghệ Trẻ, Lương Ngọc An đã xông vào cưỡng hiếp tôi. Trong lúc chống cự hoảng loạn, tôi kêu cứu, nhiều đồng nghiệp đã chạy tới và bắt quả tang Lương Ngọc An đang nằm đè lên tôi, bóp cổ tôi, trong khi tôi đang giãy giụa chống cự, váy áo bị xô vò, ngón tay bị bật máu. Nhờ sự can thiệp của các đồng nghiệp, hành vi cưỡng hiếp [của] hắn chưa kịp thành công.

Sự việc này đã được các nhân chứng thuật lại trong bản tường trình gửi báo Văn nghệ vào ngày 20.4.2000 (có văn bản đi kèm).

Nhưng đây chỉ là một lần tôi may mắn thoát khỏi hành vi bỉ ổi của Lương Ngọc An.

Trước đó, từ tháng 7.1999 đến tháng 4.2000, Lương Ngọc An đã nhiều lần thao túng, khống chế, bạo hành, cưỡng bức tôi như một nô lệ tình dục.

Tôi bị vu khống

Khi sự việc xảy ra, tôi là một cô gái trẻ mới ngoài 20 tuổi, chưa chồng, vừa tốt nghiệp đại học đã về ngay báo Văn Nghệ làm việc. Khi đó, tôi chỉ có kiến thức sách vở và niềm đam mê sáng tác, nhưng không nhiều kinh nghiệm sống và bản lĩnh xã hội.

Tôi sinh ra trong một gia đình miền Bắc truyền thống vốn rất sợ đàm tiếu xung quanh. Khi bị tấn công, điều tôi lo nghĩ nhất không phải là bản thân, mà là gia đình mình. Tôi đã sợ nếu mình bị đàm tiếu liên quan đến người khác giới, bố mẹ tôi sẽ chết vì nhục nhã. Trước những hành động đốn mạt của Lương Ngọc An, cô gái trẻ non nớt là tôi khi đó chỉ biết chống cự kịch liệt đến sức cùng lực kiệt nhưng không dám kêu cứu, không dám tố cáo thủ phạm, thậm chí còn lo sợ lộ ra mình đã bị cưỡng hiếp.

Cũng vì những sợ hãi này, tôi đã chưa bao giờ dám nói ra, ngay cả với mẹ mình, cũng như với cơ quan, dư luận: Do bị Lương Ngọc An cưỡng hiếp, tôi đã có thai, và đã không giữ được đứa con đầu tiên của mình. Đó là một đau đớn khôn tả, một ám ảnh khôn nguôi mà tôi đã phải một mình ôm giữ đến tận hôm nay.

Sau sự kiện ngày 14.4.2000 đã nhắc ở trên, vì có nhiều người làm chứng nên tôi mới dám viết đơn tố cáo Lương Ngọc An. Tuy nhiên, anh ta không những không sợ hãi, ăn năn mà còn quay ngược lại trắng trợn vu khống tôi. Lương Ngọc An đã bịa ra một câu chuyện, trong đó nói anh ta và tôi có quan hệ tình cảm, anh ta muốn bỏ tôi nên tôi gây căng thẳng. Vụ việc ngày 14.4.2000 đã bị anh ta thay đổi bản chất từ sự thật là cưỡng dâm thành “xô xát”!

Sự bịa đặt này là hoàn toàn trắng trợn và vô lý. Tôi chưa bao giờ có mối quan hệ tình ái hay tình dục đồng thuận với anh ta. Mọi hành vi tình dục anh ta có với tôi đều do anh ta đánh đập, đe doạ, cưỡng bức tôi.

Anh ta viết tường trình bịa đặt là muốn bỏ tôi và “cố tình tránh tiếp xúc” với tôi, vậy tại sao lại xông vào phòng biên tập khi tôi chỉ có một mình, dùng vũ lực đè tôi xuống?

Tôi chỉ là một người phụ nữ gầy yếu. Anh ta là một người đàn ông khi đó ngoài 30 tuổi, cựu lính tăng và nhiều năm lái xe cho báo Văn nghệ. Tôi không thể nào đủ sức khoẻ ép buộc anh ta vào phòng, kéo anh ta nằm đè lên mình. Nếu muốn níu kéo anh ta, tại sao tôi lại chống cự đến mức bị anh ta cắn bật máu ngón tay, tại sao tôi lại kêu cứu đến mức bị anh ta bóp cổ?

Nếu là sự đồng thuận, tại sao tôi lại phải gọi điện cho gia đình và bạn gái anh ta nhờ họ bảo vệ tôi khỏi sự đeo bám của anh ta? Anh ta đã tráo đổi bản chất những cuộc điện thoại này của tôi thành “ghen tuông”, nhưng chính họ lại khẳng định với đại diện của Công đoàn Báo Văn nghệ là tôi không hề ghen tuông. (Biên bản cuộc họp ngày 26.3.2003 tại báo Văn nghệ – Vì điều này liên quan đến một phụ nữ khác, đã có chồng, nên tôi chưa công bố văn bản ở đây).

Tôi đã luôn phủ nhận rõ ràng những bịa đặt trắng trợn của anh ta trong mọi đơn thư khiếu nại, đòi hỏi thủ phạm phải nhận trách nhiệm, cơ quan phải có văn bản rõ ràng về bản chất sự việc.

Lãnh đạo cơ quan trực tiếp xử lý vụ việc của tôi là ông Trương Vĩnh Tuấn – Phó Tổng biên tập phụ trách hành chính Báo Văn nghệ, lúc đó mới kiêm thêm phụ trách ban Văn nghệ Trẻ. Lương Ngọc An nhiều năm là nhân viên phòng hành chính chuyên lái xe và giúp việc cho ông Tuấn.

Tôi không thể hiểu sao khi đó, với hành vi đó, với văn bản tường trình giấy trắng mực đen đó, cơ quan chỉ kết luận anh ta “gây lộn xộn ở cơ quan”?! Ông Trương Vĩnh Tuấn cũng nhiều lần, trong các cuộc họp, tráo đổi bản chất sự việc thành “hai người đánh nhau, làm mất trật tự nơi làm việc”.

Ông Trương Vĩnh Tuấn đã nhiều lần ngăn cản quyền tố cáo, khiếu nại của tôi, trù dập và vu khống tôi, thậm chí cấm tôi in bài, đe doạ đuổi việc tôi. Nhiều cuộc họp, văn bản liên quan đến sự việc đã bị ém nhẹm, không được kịp thời thông báo cho tôi và công bố trước cơ quan. Thái độ mập mờ khó hiểu của lãnh đạo cơ quan khi đó đã đặt những dấu hỏi trong dư luận, gây nhiều tổn thương sâu sắc đến danh dự và tinh thần tôi.

Thủ phạm Lương Ngọc An, chưa từng nhận trách nhiệm về hành vi cưỡng dâm và vu khống của mình, vẫn thường xuyên đến báo Văn nghệ, có những cuộc gặp gỡ khó hiểu ở phòng làm việc của Phó Tổng biên tập Trương Vĩnh Tuấn. Tháng 4.2002, anh ta chính thức trở lại làm việc tại báo Văn nghệ. Và hiện nay, anh ta đang là Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam!

Thật là một sự ngang nhiên chà đạp Sự Thật, nhạo báng Công Lý.

Tại sao bây giờ tôi lên tiếng

Tội ác cưỡng dâm, vu khống của Lương Ngọc An cùng những trù dập, vu cáo của Trương Vĩnh Tuấn cho đến nay vẫn chưa từng một lần được nhìn nhận công khai, công bằng. Bóng tối của Cái Ác đè nặng lên Sự Thật năm xưa luôn âm thầm ám ảnh cuộc sống hiện tại của tôi.

Trong thời gian bị đánh đập, cưỡng hiếp rồi lại bị trù dập, bị vu cáo, tôi đã nhiều lần tự tử không thành.

Hậu quả của nó làm tôi từng phải vật vã trải qua những năm tháng dài sợ hãi giao tiếp, có những thời điểm thậm chí nói chuyện bình thường với chồng con cũng là việc rất khó khăn. Tôi bị mất kết nối với ngôn ngữ, né tránh xuất hiện lại trong giới văn chương. Là một người viết, yêu mến cuộc sống và nhận diện bản thân qua công việc sáng tạo, đây là một nỗi đau có sức phá huỷ sâu sắc đối với tôi.

Gần đây, tôi có theo dõi một số vụ nạn nhân bị xâm hại tình dục đứng ra tố cáo. Đọc những bình luận tiêu cực như làn mưa dao trút xuống họ và người thân, tôi bàng hoàng. Con quỷ là tệ nạn xâm hại tình dục đã cán vụn vỡ cuộc đời của cô gái trẻ là tôi 23 năm trước, đến giờ vẫn không ngừng săn đuổi các nạn nhân tiếp theo của nó. Xu hướng tấn công, đổ lỗi cho nạn nhân của một bộ phận thiếu hiểu biết trong xã hội vẫn vô tình dung dưỡng cho con quỷ này, làm nó ngày càng trở nên hung hiểm.

Thực trạng này cần phải thay đổi.

Tôi không muốn có thêm bất cứ nạn nhân nào phải trải qua những nỗi thống khổ tôi từng trải.

Tôi cần phải lên tiếng. Đó là một đòi hỏi bức thiết của cá nhân tôi, với tư cách là một nạn nhân khổ đau oan ức, cũng là một đòi hỏi của thực tế xã hội đối với trách nhiệm của một công dân, đòi hỏi của Lương Tri đối với một người cầm bút.

Tôi hiểu, sự việc của tôi xảy ra ở giai đoạn trước. Một số người trong quý vị có thể nghe nói tới nhưng không biết được Sự Thật, nhiều người trong quý vị không biết hoặc không liên quan. Bản thân tôi cũng đã sợ hãi, không dám trình bày hết nỗi đau của mình. Tôi hoàn toàn không muốn việc tố cáo của tôi gây ảnh hưởng tới ai ngoài cá nhân thủ phạm.

Nhưng tôi phải viết thư tố cáo này gửi tới các quý vị, vì: Lương Ngọc An, thủ phạm cưỡng dâm tôi năm xưa, sau khi gây ngần đó tội ác vẫn chưa một lần nhận trách nhiệm về tội lỗi của hắn – biểu hiện đầu tiên của việc hối cải, sửa mình. Giờ đây, y trong Ban biên tập Báo Văn nghệ và Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam – những nơi lẽ ra chỉ nên có những người cầm bút vừa có tài vừa có nhân cách, xứng đáng gánh vác trách nhiệm quy tụ và phát triển nền văn học ở Việt Nam.

23 năm trước, khi cưỡng dâm tôi, Lương Ngọc An chỉ là một lái xe mới được cất nhắc lên làm phóng viên của báo Văn nghệ, về chính danh chưa có quyền lực gì đặc biệt. Nay hắn đã tha lôi sự đồi bại của mình leo lên những vị trí quyền lực lớn hơn nhiều, công việc cho phép gặp gỡ giao tiếp và quyết định cơ hội nghề nghiệp của bao nhiêu cộng tác viên, văn nghệ sĩ trí thức, trong đó có nhiều người là phụ nữ trẻ.

Vì vậy, tôi thấy mình phải có trách nhiệm tố cáo sự thật này với quý vị, với giới văn chương, trí thức, với cộng đồng, góp phần vạch trần và ngăn chặn Cái Ác.

Mong đợi

Hiện, tôi là một phụ nữ 48 tuổi, có gia đình. Chồng tôi 52 tuổi, là nhà báo lâu năm, làm việc tại một trong những hãng thông tấn uy tín nhất thế giới. Con trai tôi 14 tuổi và con gái tôi 6 tuổi. Bố mẹ tôi nay đều đã già yếu, chỉ mong được sống nốt những ngày tháng yên bình, nhìn con cháu an vui.

Đứng ra tố cáo sự thật này, tôi biết mình đang đặt cuộc sống ổn định của bản thân và gia đình trước những nguy cơ tổn thương, thậm chí nguy hiểm. Nhưng tôi không có lựa chọn khác.

Tôi hy vọng Sự Thật này sẽ được lắng nghe và đáp lại bằng những hành động thiết thực của quý vị để cộng đồng chúng ta ngày càng trong sạch, văn minh hơn.

Điều này rất có ý nghĩa với tôi cũng như nhiều nạn nhân bị xâm hại tình dục khác còn phải chịu đựng âm thầm trong bóng tối.

Tôi hy vọng ai đó cũng là nạn nhân của bạo lực tình dục sẽ thấy họ không còn hoàn toàn đơn độc và sợ hãi khi muốn lên tiếng, không còn phải mất đến hơn hai mươi năm quý giá của cuộc đời để âm thầm cố gắng vá víu tổn thương như tôi.

Xin chân thành cảm ơn.

Nicosia, ngày 03 tháng 04 năm 2022.

Kính thư

Dạ Thảo Phương

(Phan Thị Thanh Thuý)

Nguồn: FB Dạ Thảo Phương

2. Bằng chứng của tội ác?

Thái Hạo

7-4-2022

Tôi biết Dạ Thảo Phương tình cờ qua Facebook, nhờ mấy bài thơ gõ vội và ném lên màn hình. Một hôm Phương bỗng vào Inbox, chị nói thích chúng. Tôi search google thì thấy… à ra là một nhà thơ từng nổi tiếng. Chúng tôi nói chuyện về thơ, mỗi lúc một nhiều. Bỗng một ngày Phương bảo với tôi rằng chị sắp công bố một sự thật chấn động mà bản thân đã giấu kín suốt 23 năm qua. Tôi nghe. Ừ, một nạn nhân của cưỡng hiếp. Nhưng đã 23 năm rồi…

Trong cảm giác của tôi, câu chuyện của 23 năm trước chỉ là một ký ức, giờ là lúc nói ra khi người ta đã bình tâm và an ổn. Chúng tôi chat với nhau, rồi Phương nói “chị call được không”…

– Mình xin lỗi Hạo, mình không gõ được nữa…

Rồi Phương òa khóc. 23 năm rồi còn khóc nấc lên như vậy ư… “Ba ngày rồi mình không ngủ được, từ khi vụ Ngô Hoàng Anh quấy rồi các bạn nữ, nỗi đau của mình sống lại, cơn trầm cảm lại tái phát…”.

– Xin lỗi Hạo, nếu mình nói có lộn xộn khó hiểu, mình bị mất kết nối ngôn ngữ. Phương khóc…

Cuộc điện thoại bị gián đoạn liên tục vì Phương không thể tiếp tục nói. Chúng tôi đã gọi điện cho nhau nhiều lần sau đó, có những lần cuộc thoại kéo dài cả 2 giờ đồng hồ. Lần nào chị cũng khóc. Việc kể lại câu chuyện như tự mình cầm dao mổ lại vết thương đã liền sẹo từ lâu, hay đúng hơn là tự mình chọc vào vết nội thương chưa lành, làm cho nó bị hở miệng, sâu hoắm.

Một tháng nay không mấy khi chị ngủ. Một tháng gần như thức trắng. Chị không ngủ được. Sự đau đớn và cơn trầm cảm làm chị hoảng loạn. Lần nào đang nói chuyện chị cũng òa khóc và không thể tiếp tục.

Tôi đọc những gì chị viết. Đọc được vài đoạn lại phải bỏ máy đứng dậy đi ra sân hút thuốc. Nó quá sức chịu đựng của một con người. Nếu đúng là sự việc đã diễn ra như thế thì đó là một tội ác man rợ, bắt một người con gái yếu đuối làm nô lệ tình dục, khống chế cô ta, cười cợt, nhạo báng và khiêu khích con người trước mắt thiên hạ – một thiên hạ toàn văn nhân thi sĩ danh nổi như cồn. Người con gái bị mang ra làm trò tiêu khiển như một con chuột nhắt trong nanh vuốt của con mèo, giữa thanh thiên bạch nhật, trải suốt mấy năm trường thống khổ.

Phương nói, chị sẽ đưa sự việc ra ánh sáng, nhưng giờ chị không làm được việc gì cả, đầu óc quay cuồng, không biết bắt đầu từ đâu. Rồi một tuần trôi qua, hai tuần… một tháng… Phương loay hoay, vấp té, nhớ nhớ quên quên… Một hôm Phương nhắn “ngày mai”. Rồi ngày mai cũng đi qua, không thấy gì. Chị bấn loạn. Đã biết bao cái “ngày mai” như thế trôi đi…

23 năm! 23 năm rồi, tôi là một người không phải loại vô cảm nhưng cũng không tài nào tưởng tượng được một sự việc đã xảy ra ở 23 năm trước mà lại còn có thể “thao túng” con người ta đến mức khủng khiếp như vậy. Nói chuyện với chị, nghe giọng run rẩy, nghe tiếng khóc và và sự lộn xộn trong ngôn từ, tôi mới dần dần cảm nhận được sự tàn hủy ghê gớm của tội ác cưỡng hiếp.

Đó là một bản án chung thân, là một nhà tù khổ sai vĩnh viễn đối với đời một con người.

Ai có thể hiểu chị? Ai có thể cảm nhận được nỗi đau của những người phụ nữ bị cưỡng hiếp đang khiếp đảm co rúm trong bóng tối ở ngoài kia? Từ bản thân mình mà suy, tôi đã bật ra trong đầu cái câu cay đắng rằng “không ai cả”, không ai có thể hiểu và cảm thấu nỗi đau ấy. Và tôi hiểu tại sao chị đã nhiều lần tự tử, nhiều lần cha mẹ đã phải đưa chị đến bệnh viện để rửa ruột. Và tôi lại càng hiểu vì sao nạn nhân cô độc, không ai có thể cảm nhận được cơn đau ấy. Nó xé nát nạn nhân ra như người ta xé một con cua sống.

Câu chuyện của chị, tôi không chứng kiến, nó cũng chẳng có bằng chứng nào thuyết phục ngoài một bản tường trình của những người như họa sĩ Thành Chương, nhà thơ Nguyễn Việt chiến, Lê Tâm, Phong Điệp… những người đã chạy tới và trực tiếp nhìn thấy Lương Ngọc An đang nằm đè lên chị trong phòng làm việc khi họ nghe tiếng la hét, kêu cứu của chị. Và hình ảnh ấy sau này đã được lãnh đạo báo văn nghệ kết luận là “xô xát, đánh nhau”! Nhưng, qua triền miên mất ngủ, qua sự hoảng loạn, qua nước mắt, qua sự run rẩy, qua cơn loạn thần, qua tiếng nấc nghẹn của chị, tôi biết chắc rằng chị đã phải trải qua một cuộc hành hình tàn bạo nhất trong đời một con người, mà di chứng còn để lại là những cơn trầm cảm, những hồn xiêu phách lạc, những sự ngây ngây dại dại cho tới bây giờ…

Chúng ta đòi bằng chứng của tội ác, đúng vậy, cần bằng chứng. Nhưng chừng ấy chưa đủ, phải đến với nhau bằng sự thấu cảm và lòng tri âm, bằng không ta cũng chỉ thấy kẻ ác và nạn nhân, mà không thấy con người.

T.H.

Nguồn: FB Thái Hạo

3. Những bình phẩm hèn hạ

Đinh Đức Hoàng

Một đêm muộn, nhà thơ Dạ Thảo Phương gọi cho tôi từ Đức. Chị bày tỏ sự bối rối trước những điều chính mình đang nghĩ và cảm thấy. Chị gửi cho tôi biên bản của một cuộc cưỡng hiếp, bạo hành, vu khống và hãm hại chính trị từ hơn 20 năm trước – dài nhiều nghìn chữ. Những gì tôi đọc đêm đó tạo cảm giác đau đớn và dằn vặt hơn những gì các bạn đọc bây giờ rất nhiều. Văn bản trên mạng bây giờ, đã là một sự kìm nén cảm xúc của tác giả.

Tôi đã khách quan và sẽ khách quan. Tôi nói với nữ nhà thơ, rằng tất cả những điều này, về một con người khác, chỉ có chị có thể chịu trách nhiệm. Không ai nói thay lời chị được. Tôi cũng không thể khuyên chị nên tố cáo, hay đừng tố cáo. Khi người ta đang khủng hoảng, đẩy người ta về đâu cũng là tạo nghiệp, khuyên gì cũng là tôi có tội. Chị tự quyết định. Tôi chỉ bảo, vì chị nói rằng tâm lý mình đang yếu – mà không ai biết rằng cuộc công bố này có thể dẫn đến đâu – nên chị hãy tìm cách giải quyết tâm lý của mình trước khi làm bất kỳ điều gì, vì khi đã bàn đến “trầm cảm”, thì kẻ thù số 1 cho tính mạng của chúng ta, chính là bản thân mình.

Hôm nay chị đã quyết định xuất bản lời tố cáo. Đẩy viên đá từ đỉnh đồi và nhìn nó lăn, chấp nhận đất có thể sụt dưới chân mình. Dù tôi tin những gì đã đọc, nhưng đó là một cảm giác rất cá nhân, tôi không có ý định thuyết phục người khác tin theo.

Tôi viết status này chỉ để chia sẻ một điều. Lác đác đã có người hỏi: “Tại sao đến giờ mới tố cáo?”. Hơn hai mươi năm rồi, chẳng phải thế là vô lý hay sao? Tôi sẽ chỉ phân tích một đoạn ngắn trong status của Dạ Thảo Phương, để nói về một điều mà tôi hiểu.

Đó là khi nữ nhà thơ nói rằng chị muốn tố cáo, vì chị đọc được các bình luận trong những vụ bạo lực tình dục gần đây. Những bình luận tấn công nạn nhân, và chính là loại dư luận đã làm nhân vật 23 năm trước không dám lên tiếng. Nó làm chị đau lòng và cảm thấy cần lên tiếng.

Khoan bàn đến sự thật. Hãy nói về tính hợp lý: đó là một mệnh đề mà tôi hiểu. Vì tôi cũng ngột ngạt khi đọc được, nghe được những bình phẩm về nạn nhân của bạo lực tình dục gần đây. Những luận điểm kiểu “Con này thật ra cũng là loại…”, hoặc “Lúc đầu toàn tự nguyện, xong đến lúc cơm không lành canh không ngọt mới tố cáo…”, hoặc “Làm gì có ai hiếp được, chẳng qua là…”.

Kinh tởm hơn nữa – và có thể bạn không nhận ra cái u nhọt này trong não mình – là trong các vụ việc mà kẻ bị tố cáo có địa vị chính trị – rất hay có luận điểm “con này gài bẫy”. Gài bẫy chứ, vì từ đầu sao vào phòng với người ta, hay đồng thuận đi hát karaoke với ông kia; vì chẳng qua là chuyện đấu đá chính trị ấy mà; vì thích thì gào to lên lúc đấy là được sao giờ mới tố; và vì cơ bản, là các bạn biết con mẹ nó hết về cuộc đời rồi, làm gì có tình huống nào làm khó được các bạn, các bạn có bao giờ biết chịu nhục trước cường quyền là cái gì đâu (thề).

Nhưng các bạn không nhận ra rằng ngay trong thời điểm các bạn hạ thấp những cô gái này trong hệ quy chiếu với quyền lực, tiền bạc, nam tính; ngay trong thời điểm bạn bình phẩm “con này gài bẫy (ấy mà)”, chính bạn đã tôn thờ cường quyền đến mức ngu muội. Chính bạn, nói với bản thân: “Có cái gì trên đời quan trọng bằng tiền và quyền đâu? Trong chuyện này không có gì để xem xét hết, nhân phẩm con cặc. Đầu tao lúc này chỉ nghĩ đến tiền và quyền của ông kia thôi đéo nghĩ được cái gì khác chúng mày ạ. Đây là gài bẫy, chỉ có thể là gài bẫy”.

Luận điểm này, chính là bằng chứng cho thấy chúng ta có thể hèn hạ đến mức độ nào khi nghĩ về quyền lực.

Tất nhiên, bạn biết tính tôi, ngày thường đọc những điều đó, tôi chỉ lầm bầm: “ĐM bọn hèn hạ”, rồi đóng facebook đi làm việc. Nhưng hôm nay, tôi cầu khẩn mọi người nghĩ lại về cách ứng xử với những người tố cáo tấn công tình dục. Bạn hỏi rằng tại sao những người bị lạm dụng, bị tấn công không tố cáo? Vì bầu không khí chung của cả xã hội, vẫn đang sẵn sàng ném vào mặt một người phụ nữ thứ giọng điệu kiểu: “Chẳng qua là” và “Con này cũng là loại”. Người ta có quyền sợ. Và thật ra, họ rất nên sợ. Thứ dư luận này đáng sợ đến mức, nếu có ai đó khuyên nhau thôi nhịn nhục mà sống tiếp, cũng không hẳn là lời khuyên sai.

Làm ơn đi, nghĩ kỹ một chút và nhận ra rằng trong đầu mình – ngay cả khi bạn là nữ giới – vẫn còn định kiến giới, vẫn còn cái tư tưởng nhìn phụ nữ từ trên xuống và nghĩ “cũng phải như nào thì thằng kia mới thế”. Bạn có quyền khách quan, và nói thẳng ra rằng lời tố cáo này với tôi không đáng tin – nó chỉ là cáo buộc – và ủng hộ nguyên tắc suy đoán vô tội cho anh kia. Nhưng khách quan không đồng nghĩa với bình phẩm. Không đồng nghĩa với tấn công nạn nhân.

Kịch bản mà Dạ Thảo Phương viết trong lời tố cáo của mình, rằng một tay đàn ông có thể dễ dàng diễn ngôn một cuộc lạm dụng tình dục, có đơn tố cáo, thành (Thật ra là) lúc đầu đồng thuận nhưng (chẳng qua là) chia tay cô ấy muốn làm ầm lên, vì sao đó vẫn rất dễ tưởng tượng. Dù đã hai mấy năm đi qua và xã hội tưởng đã rất trưởng thành.

Đ.Đ.H.

Nguồn: FB Đinh Đức Hoàng

This entry was posted in Dạ Thảo Phương, Hội Nhà văn Việt Nam. Bookmark the permalink.