Cả tòa án lẫn viện kiểm sát và công an vẫn chịu sự chỉ đạo án

Thới Bình

(VNTB) – Toà án đang phải chịu lệ thuộc vào ý kiến chỉ đạo liên ngành.

Ban Nội chính Trung ương vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 7 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề cập về ba vụ sai phạm có tính chất thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sau đó được Ban Nội chính Trung ương chỉ đạo xử lý là vụ nhóm “Báo sạch”, gần đây là xử lý vụ bà Nguyễn Phương Hằng, và mới đây là vụ thao túng thị trường chứng khoán.

Ông Thưởng nói rằng chuyện “phối hợp, tham mưu chỉ đạo xử lý” một số vụ án, vụ việc còn chậm so với kế hoạch của Ban Chỉ đạo; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn xử lý khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu, đánh giá chứng cứ, quan điểm xử lý… vẫn còn hạn chế.

Ông Thưởng có những phát biểu tiếp theo mang tính định hướng của ‘chỉ đạo án’, như “Phối hợp tham mưu chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp… không để phát sinh “điểm nóng”, bị động, bất ngờ”.

Nếu như đã có chuyện “quy chế phối hợp” và “cầm chịch” trong vai trò chỉ đạo là Ban Nội chính Trung ương, vậy thì nguyên tắc “Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” là nguyên tắc đặc thù của ngành tòa án, phải chăng phải phụ thuộc vào định hướng xét xử từ Ban Nội chính Trung ương?

Lưu ý, thẩm phán và hội thẩm là những chức danh thực hiện chức năng xét xử của tòa án. Khi xét xử, họ chỉ dựa trên các tình tiết của vụ việc được làm rõ qua các chứng cứ trình bày tại phiên tòa, và căn cứ vào pháp luật điều chỉnh về vụ việc đó để ra phán quyết. Ngoài hai yếu tố này, khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm không chịu sự chi phối hay chỉ đạo nào khác, không lệ thuộc vào thẩm phán cấp trên hoặc thẩm phán cùng hội đồng xét xử.

Nguyên tắc “Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” đặt người thẩm phán vào vị trí chịu trách nhiệm cá nhân và duy nhất đối với mỗi phán quyết của họ.Thẩm phán cấp trên hay chánh án không phải chịu trách nhiệm về những quyết đó. Nguyên tắc độc lập này, vì vậy, tương phản với nguyên tắc “tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành” của Viện kiểm sát.

Khác với thẩm phán, khi thực hiện các công việc thuộc chức năng của Viện kiểm sát, kiểm sát viên vừa phải tuân theo pháp luật, vừa chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình và cao nhất là sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trách nhiệm cuối cùng đối với hoạt động công tố và kiểm sát, do vậy, cũng trực tiếp đặt lên vai của Viện trưởng Viện kiểm sát mỗi cấp và cao nhất là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Tương tự, những đánh giá của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 7 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cho thấy với vai trò là trọng tài giữa bên buộc tội và bên bào chữa, toà án đang phải chịu lệ thuộc vào ý kiến chỉ đạo liên ngành, thay vì phải luôn có thái độ khách quan và công minh.

Các thành viên hội đồng xét xử thay vì phải quan tâm ở mức độ như nhau đối với tất cả những nguời tham gia phiên toà (Công tố viên, luật sư bào chữa, bị cáo, người bị hại,..) và có thái độ khách quan, không thiên vị đối với các chứng cứ, các yêu cầu, đề nghị của các bên đưa ra cũng như đối với việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật dành cho họ, thì lại buộc trước tiên phải điều chỉnh vụ việc theo khuôn phép mà liên ngành định ra.

Nguyên tắc trên trường luật: “Đối với quan toà, thì không có cấp trên nào khác ngoài luật pháp”, dường như không còn đúng trong trường hợp những vụ án được sự quan tâm chỉ đạo của liên ngành theo yêu cầu ‘định hướng’ của Ban Nội chính Trung ương, hay đúng hơn là từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

T.B.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Pháp chế CS. Bookmark the permalink.