RFA Tiếng Việt
Ảnh minh họa: Một bãi biển thuộc tỉnh Quảng Nam – AFP Photo
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều này 27/3/2022 đã kiến nghị được phép giảm từ 3.600 hecta rừng phòng hộ ven biển xuống còn 2.000 hecta để có quỹ đất xây dựng, phát triển kinh tế…
Trong kiến nghị được truyền thông nhà nước đăng tải, ông Lê Trí Thanh cho rằng số rừng phòng hộ ven biển này không phải rừng tự nhiên mà được trồng từ những năm 1990. Ngoài ra theo ông Thanh, số diện tích rừng phòng hộ này nằm tại các xã đặc biệt khó khăn ven biển, đất cát không trồng được cây gì tạo sinh kế, chỉ trồng cây keo, phi lao chắn gió… nên xin bỏ để có đất phát triển hạ tầng (!?)
Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí, Tổng thư ký Ủy ban Con người & Sinh quyển, khi trả lời RFA hôm 28/3 nhận định về đề xuất này:
“Nếu đã phát biểu xin phép Thủ tướng thì là mang danh nghĩa tập thể, để làm một việc gì đó mà có ích cho tập thể thì hãy làm… Cho nên giảm bớt rừng phòng hộ đi, có thể là 1600 hecta, có thể là 100 hecta… trong khi nó mang chức danh rừng phòng hộ thì nó đã có ý nghĩa là phòng hộ… chứ không phải để khai thác. Do đó mà việc xin phép xóa rừng phòng hộ thì phải có một cơ quan nghiên cứu, cơ quan chức trách mà họ nghiên cứu thật kỹ phương án để sử dụng diện tích rừng đó như thế nào thì mới hợp lý. Do đó bất đắc dĩ chúng ta mới hy sinh môi trường để phát triển kinh tế, dù là bất cứ mục đích kinh tế nào.”
Theo Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí, quan điểm của các nhà khoa học nói chung là bảo vệ môi trường, kết hợp với phát triển kinh tế. Nhưng ông Trí cho rằng, việc này không dễ thực hiện. Ông giải thích:
“Nói thì dễ, nhưng làm thì rất khó, chỗ nào thì mình có thể hy sinh, chỗ nào thì mình có thể giải quyết vấn đề… theo một lý thuyết là ‘lý thuyết đánh đổi’… tức là anh trồng rừng bổ sung thêm, bù đắp thêm bao nhiêu hecta rừng phòng hộ chẳng hạn. Nhưng về mặt nguyên tắc, ta nên theo cách đó, vì phát triển kinh tế chỉ nhìn được trước mắt thôi, còn rừng phòng hộ thì phải mang tính lâu dài, mang tính bền vững… Mà phát triển bền vững là có vấn đề xã hội, xóa đói giảm nghèo… Như vậy phải đủ các yếu tố đó thì mới bền vững được.”
Tại Việt Nam trước đây, trong các văn bản pháp luật, chữ ‘rừng phòng hộ’ hay ‘rừng ngập mặn’ không có, thường chỉ được biết đến như là rừng ven biển. Việc Chính phủ đổi tên là ‘rừng phòng hộ’ được cho là theo xu hướng nghiên cứu của các nước trên thế giới, nhằm nhấn mạnh tác dụng ‘phòng hộ’ của rừng ven biển, chống biến đổi khí hậu…
Một vụ sạt lở đất rừng do thiên tai ở tỉnh Quảng Nam năm 2020. AFP PHOTO.
Theo Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí, phát triển rừng tất nhiên tốt về mặt môi trường về lâu dài. Tuy nhiên theo một số nhà nghiên cứu kinh tế thì đối với những đối tượng người dân có nguồn kinh tế không phụ thuộc vào rừng sẽ cần diện tích đất để nuôi trồng thủy, hải sản… hay địa phương cần phát triển hạ tầng, thì việc phát triển rừng có thể không phải là tốt nhất.
Với đề xuất của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam giảm từ 3.600 hecta rừng phòng hộ ven biển xuống còn 2.000 hecta, tương đương giảm hơn 40% hecta rừng ven biển. Liệu việc đánh đổi này có hợp lý? PGS. TS. Mai Sỹ Tuấn, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Rừng Ngập mặn – Đại học Sư Phạm Hà Nội, khi trao đổi với RFA hôm 28/3 cho biết, việc bỏ rừng phòng hộ phải tùy thuộc vị trí nào:
“Bỏ 40% (rừng phòng hộ ven biển), hay bỏ nhiều hơn, bỏ ít hơn… thì nó cũng khá nguy hiểm. Nhưng bỏ 40% thì nằm ở vị trí nào? Nếu vị trí nằm bên ngoài, sóng gió khắc nghiệt thì rất nguy hiểm. Nhưng nếu người ta bỏ 40% nằm ở vị trí không đầu sóng ngọn gió thì có thể hậu quả đỡ hơn. Nhưng thật ra 10% cũng đã nguy hiểm rồi, tùy vị trí nào, sự phát triển kinh tế là tất nhiên, các địa phương đều muốn phát triển kinh tế, nhưng phải để các chuyên gia đánh giá vị trí nào thuận lợi?”
PGS. TS. Mai Sỹ Tuấn giải thích rõ hơn về vai trò quan trọng của rừng phòng hộ ven biển:
“Rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng, nó giữ đất bồi ven biển, chống xói lở ven biển, hạn chế được nước biển dâng… Nó cũng bảo vệ được bờ biển không bị lấn đất, trong hai ba chục năm có thể lên đến vài cây số. Cho nên Việt Nam ngày xưa nhận thức khác, nhưng giờ thay đổi rồi, có phong trào trồng rừng, cố gắng khắc phục nhược điểm phá rừng để phát triển kinh tế.”
Đài Á Châu Tự do hôm 28 tháng 3 năm 2022 đã nhiều lần liên lạc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam để hỏi về chi tiết đề xuất giảm từ 3.600 hecta rừng phòng hộ ven biển xuống còn 2.000 hecta… Tuy nhiên mọi cố gắng đều không thành công.
Tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu – COP26, diễn ra tại Glasgow, Scotland hôm 2/11/2021, Việt Nam cùng hơn 100 quốc gia đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Các quốc gia tham gia cam kết này đại diện cho hơn 85% rừng toàn cầu, nhấn mạnh vai trò quan trọng và phụ thuộc lẫn nhau của các loại rừng, đa dạng sinh học và sử dụng đất bền vững trong việc giúp thế giới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Vậy nếu đề xuất của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam giảm từ 3.600 hecta rừng phòng hộ ven biển xuống còn 2.000 hecta để có quỹ đất xây dựng, phát triển kinh tế, được thông qua… thì làm sao Chính phủ Việt Nam có thể giữ cam kết đã ký tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu – COP26?
Nguồn: RFA Tiếng Việt