Ukraine

Tho Nguyen

Phần 1: Ukraine – Tuy xa mà gần

Đế quốc nào bành trướng thì cũng sẽ lụn bại. Nga từng là một để quốc lớn và từ 1991 đến nay đang là một đế quốc thất bại.

Nó thất bại không phải vì thiếu tiền, thiếu vũ khí, thiếu máu người, mà vì thiếu văn minh. Dân tộc Nga vĩ đại có một nền văn hóa rực rỡ. Nhưng điều đó không tránh được việc họ đã để những tên độc tài khát máu thống trị mình.

Nền độc tài của Stalin đã đưa nước Nga và Liên Xô thành một siêu cường.

Nhưng kho hạt nhân lớn nhất thế giới, nền công nghiệp vũ trụ hàng đầu cũng như trữ lượng dầu khí tưởng như vô hạn đã không giữ được đế quốc Liên Xô khỏi bị sụp đổ. Nó sụp đổ vì thiếu vắng những giá trị của thời đại. Đó là dân chủ, tự do, nhân đạo.

Những kẻ độc tài kiểu Putin hay Tập Cận Bình chỉ nghĩ đến được những việc như thay đổi hiến pháp để cầm quyền suốt đời. Họ chỉ thích tập hợp quanh mình những kẻ khiếp nhược mà ta thấy trong cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia của Putin. Vì vậy mà khi kẻ độc tài lên cơn điên thì không có ai cản được, khi vua cởi truồng mà tất cả vẫn phải nhắm mắt khen đẹp.

Tổng thống Trump ở Mỹ có thể muốn làm nhiều việc động trời. Nhưng quanh ông ta là cả một thiết chế dân chủ, là quốc hội, là tòa án, là những con người có tư tưởng dân chủ nằm ở mọi nơi. Người Đảng Cộng hòa, do ông ta đưa vào các vị trí quan trọng cũng vẫn hành động theo lương tâm và luật pháp. Đó chính là sự khác nhau về đẳng cấp văn minh.

Giờ đây Putin nuối tiếc vị thế của hoàng đế, khi có cảm giác là mình đã bình định được thiên hạ ở Nga và các nước Trung Á. Những cuộc chiến ông ta phát động ở Georgi (Gruzia) hay nay ở Ukraine là để thỏa mãn mộng bá của vương cá nhân ông ta chứ không liên quan gì đến lợi ích của 140 triệu người Nga. Mọi câu chuyện về lịch sử Ukraine mà ông ta kể ra hôm nọ chỉ để lừa bịp những kẻ nhẹ dạ.

Cho dù chúng có đúng đi nữa thì việc dùng bom đạn để sửa lại lịch sử cũng giống như giả sử người Đức đòi lại vùng Đông Phổ nằm ở Ba-Lan và kể cả thành phố Kaliningrad của Nga, hay giả sử người Hungary, người Tiệp đòi lại các lãnh thổ họ bị mất trong hai cuộc đại chiến. Người Việt còn nhớ đến các vùng đất Cham-pa, Chân-Lạp, Cao Lãnh, Trà Vinh từng là của ai?

Cái lý người Nga bị tàn sát ở Ukraine thì rõ là bốc mùi của vụ Nạn-Kiều-Hoa mà Đặng Tiểu Bình dựng ra năm 1978-1979 hay Hitler dựng ra vụ Sudeten ở Tiệp-Khắc 1938.

Tất nhiên Putin không tấn công sang ba nước Pribaltic bé tí tẹo, mặc dù cộng đồng Nga ở đó cũng không nhỏ. Ba nước này tuy nhỏ nhưng hơn Nga về đảng cấp văn minh. Người ta vẫn nhớ đến cuộc nổi dậy bất bạo động của người dân ba nước Estonia, Latvia và Litva trong năm 1990 đã khiến cho hàng chục sư đoàn Liên Xô đóng ở các lãnh thổ đó phải im lặng và rút lui. Quân Nga dù chiếm đóng các nước này nhưng vẫn ngước nhìn lên (lính Nga ở CHDC Đức khi xưa cũng vậy). Người Nga vẫn kiềng nể hai nước nhỏ có biên giới với mình ở phương Bắc là Phần Lan và Na-Uy.

(Người Phần Lan với trình độ phát triển hơn, không dựa vào chiến tranh lấy thịt đè người nên với 200.000 quân ít trang bị hơn, đã cầm chân 600.000 quân Liên Xô trong cuộc chiến Lappland 1939-1940.)

Putin đánh vào Ukraine vì đó là mắt xích yếu nhất của cái gọi là “vòng vây dân chủ” thắt quanh nước Nga. Tại sao Ukraine, nước đông dân nhất, to nhất và và có nền công nghiệp nặng, công nghiệp quốc phòng mạnh nhất trong các nước cộng hòa Xô Viết, chỉ sau Nga, lại là mắt xích yếu nhất?

Không thể đem quan hệ Nga- Ukraine so với quan hệ Trung-Việt. Khác hẳn với bang giao đầy thù hận Trung-Việt, hai dân tộc Nga-Ukraine có huyết thống với nhau, có văn hóa và ngôn ngữ rất cận kề. Trong lịch sử, hai dân tộc này đã từng thống nhất với nhau và gần đây nhất là hơn 70 năm Xã hội Chủ nghĩa. Hàng triệu gia đình Nga-Ukraine đã xóa nhòa nhiều mỗi hận thù lịch sử để lại. Do đó kích động hận thù giữa hai dân tộc này là một tội ác kinh khủng.

Không biết có phải vì mối quan hệ huyết thống này hay không mà khi Liên-Xô tan vỡ, Ukraine độc lập đã không đi con đường riêng mà tiếp tục dính vào nước Nga một cách dị thường, từ thể chế, từ nền kinh tế đến văn hóa.

Khác với các nước vùng Baltic, Tiệp, Slovakia hay Ba-Lan, người Ukraine đã ngủ quên trong 24 năm liền, từ 1990 đến 2014. Thời kỳ đầu của chế độ hậu Cộng sản, Nga cũng lúng túng trong vũng bùn của chính mình, đó là cơ hội mà Ukraine đã bỏ qua. Kiew vẫn duy trì một nhà nước phi dân chủ, bị đám tài phiệt lũng đoạn. Quân đội và công an vẫn làm việc theo kiểu Nga và chịu ảnh hưởng của Nga. Vì vậy nên khi Nga đưa quân vào lấy Crime và gây hấn ở hai tỉnh miền Đông (Donesk và Luhansk), Ukraine thua toàn tập. Quân đội có mà như không.

Sau cách mạng Maidan và vụ Crime, Ukraine thay đổi 180°, hướng về phương Tây và hoàn toàn cự tuyệt với Nga. Các trường học đã không dạy tiếng Nga, các viên chức liên quan đến Nga bị đào thải. Tất nhiên việc đó dẫn đến nỗi bất bình và lo sợ trong cộng đồng Nga, một lý do cho các phần tử ly khai phất cờ.khứ quân phiệt nên phải hòa bình” mà họ nấp trong đó lâu nay. Đức tuyên bố cung cấp ngay vũ khí made in Germany cho Ukraine và nâng ngân sách quốc phòng lên 100 tỷ EURO (tức là 2,6% của 3800 tỷ EUR GDP). Nghị sỹ Gysi (được coi như lãnh tụ của cánh tả) xưa nay vẫn bênh vực Putin, nay đã quay sang lên án Putin. Cựu thủ tướng Schröder, bạn thân của Putin, có chân trong công ty dầu khí quốc gia ROSNEFT, đang bị dư luận Đức lên án vì không rời bỏ các chức vụ ở Nga. Câu lạc bộ bóng đá BVB Dortmund đã tước thẻ hội viên danh dự của Schröder. Liên đoàn bóng đá Đức và ngay cả đảng SPD đã ra tối hậu thư cho kẻ ngậm miệng ăn tiền này [2].

Ví dụ của Đức và muôn vàn ví dụ nữa, từ thể thao, nghệ thuật, kinh doanh… cho thấy cuộc chiến tranh Ukraine còn là cuộc chiến tranh của lương tâm, của cái thiện chống cái ác.

Các lý lẽ về dân chủ, về NATO, về lịch sử nước Nga/Ukraine về xung đột lãnh thổ thời Liên Xô khó có thể thống nhất được, vì đó là nhận thức, là lý trí.

Con người ngoài lý trí còn có lương tâm. Người lương thiện không thể bênh vực việc dùng bom đạn tàn phá một nước không hề và cũng không bao giờ đủ sức đe dọa mình. Lương tâm trong lành không thể bênh vực các cuộc ném bom vào dân thường.

Giờ đây tình hình ở Ukraine rất nguy hiểm.

Mọi cải cách dân chủ từ 2014 đến nay đã làm cho những kẻ độc tài như Putin và Lukaschenko khó chịu. Những ông vua mới thay đổi hiến pháp này không thể chấp nhận việc một tỷ phú Poroscheko chúc mừng một “anh hề” như Zelenskiy lên làm tổng thống. Cái gai này phải nhổ để ngai vàng của họ không bị “bọn khi quân” đe dọa.

Nhưng các bước tiến dân chủ đó chưa đủ để vực dậy một nền kinh tế tuy đầy công nghiệp nặng, nhưng lạc hậu vài chục năm, không làm lành mạnh được một xã hội đầy tham nhũng, vẫn bị thao túng bởi đám cá mập (Oligarch).

Điểm yếu nhất của Ukraine là quân đội bị Nga thao túng quá lâu, bị rút ruột thảm hại (Hạm đội của Ukraine hầu như mất hết về tay Nga). Lo ngại rằng quân Nga sẽ đè bẹp quân Ukraine trong những ngày đầu là có cơ sở.

Những ai phê phán phương Tây bỏ rơi Ukraine cũng nên hiểu rằng: Sự sống còn và nền độc lập của dân tộc nào cũng phải do dân tộc đó tự lo. Vũ khí phương Tây có đổ vào cho một quân đội không được chuẩn bị thì cũng vô nghĩa. Chẳng người Mỹ hay người Đức nào có thể chết thay để bảo vệ nền độc lập của Ukraine, dù có thương tiếc nó.

Việc Putin có chiếm được Kiew và thành lập chính phủ thân Nga hay không, phụ thuộc vào sức đề kháng của quân Ukraine. Đó là trước mắt, nhưng về lâu về dài Putin sẽ sa vào một cuộc chiến dai dẳng, vì Ukraine khác Afghanistan một trời một vực. Đế quốc đang lụn bại sẽ càng lụn bại thêm.

Vấn đề của Ukraine hiện tại là đã bỏ lỡ mất mấy chục năm, không hiện đại hóa, đưa đất nước mình lên một thang bậc văn minh hơn. Chưa kể đến sức sống và khả năng đề kháng cao của xã hội dân chủ, mà ngay cả người Nga ở các nước Baltic hay ở Bắc Âu cũng mừng vì được sống trong xã hội đó hơn là để ông Putin vào làm phiền.

Có lẽ đây là điểm mà người Việt nên học từ câu chuyện Nga với các láng giềng.

Phần 2: Ukraine – Cuộc chiến của lương tâm

Cuộc xâm lăng Ukraine của Putin đã thay đổi thế giới. Mặc dù Putin coi đây là chiến dịch quân sự để gìn giữ hòa bình, nhưng sự tàn bạo trong những ngày qua cho thấy đây là một cuộc chiến tranh tổng lực nhằm xóa bỏ một nhà nước, vẽ lại đường biên giới, chia lại lãnh thổ.

Khác với mọi cuộc chiến tranh vũ khí thông thường (conventional weapons), đây là cuộc chiến tranh công nghệ IT đầu tiên trong lich sử. Hai bên đang tìm cách đánh vào các trung tâm dữ liệu và mạng của nhau. Trong lĩnh vực này Ukraine không thua kém Nga như tương quan về quân đội và vũ khí nặng.

Đáng sợ nhất là cuộc chiến tranh mang dấu ấn hạt nhân. Không nói đến những lời đe dọa dùng bom hạt nhân của Putin, việc quân Nga chiếm giữ khu vực nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và đang tiến đến các nhà máy khác của Ukraine khiến cả nhân loại lo sợ. Năng lượng hạt nhân chiếm 52% tổng sản lượng điện lực của Ukraine với 16 lò phản ứng lắp đặt trong 4 nhà máy. Ngày 4/3, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Zaporizhzhia đã bị tấn công. Người ta không chỉ lo sợ vì Putin đang hành động như một kẻ mất trí, mà vì kẻ mất trí đó đang kiểm soát một thể chế độc tài, và không ai quanh ông ta dám hé môi khuyên can.

Mục tiêu đánh nhanh thắng nhanh của Putin càng xa vời thì viễn cảnh thảm họa hạt nhân càng trở nên nhãn tiền. Để diệt kẻ thù ở Chechnya hay Syria, Putin đã hủy diệt các thành phố Grozny, Aleppo, Holms cùng hàng trăm ngàn dân thường.

Trong cuộc điện đàm với tổng thống Pháp Macron hôm 03/03, Putin đe dọa: Điều tồi tệ nhất còn ở trước mắt!

Trong mọi cuộc chiến, hai bên đều phát động chiến tranh tâm lý, nhưng chiến tranh Ukraine là cuộc chiến truyền thông ở mức độ khác thường.

Tháng 8.1965 Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng, bắt đầu trực tiếp tham chiến nhưng phải hai năm sau, phong trào phản chiến ở Mỹ mới phát triển và năm 1968, những hình ảnh của cuộc chiến thảm khốc mới tạo ra làn sóng phản đối của thanh niên toàn châu Âu. Ngày đó nhân loại chưa có khái niệm về live stream về photoshoping. Mỗi đoạn phim từ mặt trận mất vài ngày mới lên được sóng TV ở Mỹ. Người miền Bắc chờ cả mấy tháng sau mới xem được những thước phim vượt Trường Sơn.

Bom đạn của Putin vừa dội xuống các thành phố Ukraine rạng sáng 24.02, chỉ mấy phút sau cả thế giới thấy những video live từ các mặt trận. Những người lính Nga trước khi chết còn kịp nhắn tin cho mẹ ở xa hàng ngàn cây số. Trên mạng xã hội tràn ngập tin tức, thật giả lẫn lộn. Cả hai bên đều sử dụng lợi thế của Internet để tuyên truyền cho mình. (Đáng nói là Internet của Ukraine vẫn hoạt động tốt, ngay khi bom nổ gần nơi người được phỏng vấn).

Mạng xã hội Việt tràn ngập các ý kiến và tin tức về cuộc chiến này. Trong khi chính phủ Việt Nam chỉ tuyên bố ba phải, không lên án ai, không ủng hộ ai thì dân chúng và giới tinh hoa Việt chia thành hai phe đánh nhau trên mạng. Tôi không thể biết tỷ lệ trên toàn mạng, nhưng phần đông những người bạn FB của tôi đứng về phía dư luận toàn cầu, phản đối Putin xâm lược và ủng hộ nhân dân Ukraine đang bảo vệ quyền tự quyết của mình.

Ngược lại cũng có những ý kiến, chủ yếu của các bậc được học hành, thuộc tầng lớp tinh hoa đứng về phía Putin, coi việc ông ta đem quân sang Ukraine là để bảo vệ nước Nga trước đe dọa của NATO.

Tin giả và sự cường điệu tràn ngập cả hai phe. Bên này ca ngợi tinh thần chiến đấu của người dân Ukraine bằng hình ảnh của các nữ binh xinh đẹp, của các câu chuyện tình lãng mạn. Họ chế nhạo những cái chết thảm khốc của lính Nga, trong khi những thanh niên mặt còn bụ sữa này bị đẩy vào chỗ chết là nỗi đau bất tận của các bà mẹ Nga. Ho lạc quan tiên đoán thất bại nay mai của Putin bởi hình ảnh các đoàn xe tăng Nga cháy trụị. Thực tế là sau những tổn thất của 8 ngày đầu, quân Nga đang thận trọng tiến chậm lại để đảm bảo khâu tiếp tế. Putin sẽ dần tung hết lực lượng dự trữ cho chiến dịch này đang còn nằm ở bên kia biên giới, quyết bao vây các thành phố lớn. Nếu cần Putin sẽ đưa thêm hàng trăm ngàn quân nữa sang.

Mục tiêu hủy diệt còn ở phía trước, tiềm lực chiến tranh của Putin còn nhiều.

Phe ủng hộ Putin thì luôn tung ra lập luận: “Ukraine vì theo phương Tây mà buộc Nga phải đánh để bảo vệ an ninh của mình”. Người hung hăng thì chế nhạo Zelenski là thằng hề bù nhìn của Mỹ, so sánh chế độ của Ukraine với Khmer Đỏ đáng bị xóa sổ. Người mềm dẻo hơn thì phán là chiến tranh “luôn do cả hai bên”, là Zelenski “cũng có lỗi vì không khéo léo với Putin”.

Họ bênh vực việc Putin coi Ukraine là “đe dọa nước Nga” và quyết “phi quân sự hóa” nước này trong khi quân đội Ukraine không có nổi một cuộc phản kích nào bằng pháo binh, tên lửa hoặc không quân vào các căn cứ của Nga bên kia biên giới. Hải quân Ukraine hầu như không hoạt động. Thực tế quân đội Ukraine so với Nga chỉ là một quân đội du kích. Cho đến nay họ chống cự được với đại quân Nga chính nhờ chiến thuật du kích, bởi lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm.

Ai đó ủng hộ Putin xóa bỏ chế độ “Phát-Xít Ukraine” mà không biết rằng, chỉ riêng việc “anh hề” Zelenski được bầu làm tổng thống trong một cuộc bầu cử đa đảng, và việc chuyển giao quyền lực một cách êm đẹp từ cựu tổng thống Poroschenko, một nhà tài phiệt, đã chứng tỏ nền dân chủ bám rễ chắc ở đó.

Trong khi đó Putin cầm quyền từ 2000 đến nay, đã có lúc phải giả vờ làm thủ tướng để lách hiến pháp rồi thay đổi hiến pháp để có thể cầm quyền suốt đời.

Nhà sử học Mỹ Tymothy Snyder từng nói: “Bước chuyển sang chủ nghĩa chuyên quyền cực hữu có lẽ là bậc thang cuối cùng của Chủ nghĩa Cộng sản – dù mới nghe có vẻ rất quái gở” [1]Chủ nghĩa chuyên quyền cự hữu chính là chủ nghĩa Phát Xít. Tập Cận Bình đã xây dựng chế độ này ở Trung Quốc nhưng chưa ra tay. Putin đã ra đòn trước.

Hành động này khiến NATO và EU đang chia rẽ bỗng đoàn kết lại. Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và Orban của Hungary, vốn bị coi là hai tay trong của Putin ở NATO và EU cũng phải lên án cuộc xâm lăng. Hai phe Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ bỗng đồng thanh vỗ tay diễn văn của ông Biden về thái độ của Mỹ. Các ngân hàng Thụy Sỹ bỏ nguyên tắc trung lập từ hàng trăm năm nay để tham gia vào cuộc cấm vận các ngân hàng Nga…

Chỉ năm ngày sau khi Putin tấn công Ukraine, giới chính trị Đức, cả tả lẫn hữu cùng nhất trí rũ bỏ chiếc áo “Vì quá

Việc một quốc gia lựa chọn thể chế cũng giống như con người ta lựa chọn lối sống. Nếu ông bố chỉ vì sợ con mình cũng bị lây thị hiếu nhạc Rock và ăn mặc diêm dúa của con nhà hàng xóm thì nên đóng cửa lại và dạy con mình trò khác “bản sắc dân tộc” hơn. Nhưng nếu lấy cớ “chơi với tây là đe dọa tao” để tràn sang đốt nhà và tàn sát gia đình hàng xóm thì đó là tội ác.

Người có lương tâm phải biết phân biệt thiện – ác.

Phần 3: Ukraine– Giấc mơ Antonov

Ist möglicherweise ein Bild von 1 Person

Ist möglicherweise ein Bild von Flugzeug und außen

Vụ phá hủy chiếc máy bay Atonov AN-225 tại sân bay Gostomel phía Bắc Kiew trong ngày thứ ba của cuộc chiến đã gây chấn động ngành vận tải hàng không toàn cầu. [1]

AN-225, chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới với cái tên Mriya (Giấc mơ) là niềm tự hào của Ukraine. Toàn bộ chiều dài 84 m của nó được sơn màu xanh vàng, tạo thành lá quốc kỳ Ukraine hùng vĩ trên bầu trời. Mỗi lần nó hạ cánh và cất cánh ở đâu, báo chí đều thông báo trước để dân chúng ra chiêm ngưỡng con chim sắt khổng lồ.

AN-225 được sản xuất tại nhà máy Antonov ở Kiew từ cuối 1988, nhưng cho đến nay chưa máy bay nào phá được kỷ lục 250 tấn hàng hóa và 640 tấn tổng trọng của nó (hàng hóa + máy bay + nhiên liệu).[2] Máy bay lớn nhất của Airbus là A380 chỉ dài có 73m và chỉ chở đươc 150 tấn. Ngay cả đứa em nhỏ AN-124 của AN-225 (tên là Ruslan) với 150 tấn hàng hóa cũng đã hơn hẳn 134 tấn của Boeing 747-8F.

Điều khôi hài là các máy bay AN-124 và AN- 225 vốn được Liên Xô thiết kế trong cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ và phương Tây, nhằm chuyên chở các khí tài quân sự và phi thuyền vũ trụ Buran, nay là phương tiện được Mỹ và NATO ưa thích nhất mỗi khi phải vận chuyển trực thăng và xe tăng sang các chiến trường xa.

Antonov AN-124 và AN-225 được ưa chuộng và vô địch không chỉ vì kích thước và tải trọng, mà còn vì các ưu điểm: Cánh cửa và khoang chứa rất cao, trong khi sàn rất thấp, khiến việc nạp các khí tài lớn như máy bay trực thăng hay tàu hỏa rất đơn giản. Hơn thế nữa là chúng không kén đường băng vì được thiết kế để đáp xuống các sân bay tạm bợ như ở Afghanistan. Trong vụ khủng hoảng Covid-19, phi cơ Antonov đã chuyên chở hàng ngàn tấn thuốc men, trang bị y tế đến các sân bay của châu Phi chậm phát triển.

AN-225 ra đời vào lúc Liên Xô đang khủng hoảng rồi sụp đổ nên không có chiếc thứ hai. Hiện nay chỉ có một cái thân thứ hai hoàn chỉnh đã nằm kho từ hàng chục năm nay. Hãng Antonov rất muốn sản xuất chiếc thứ hai, nhưng thiếu vốn. Chỉ riêng việc sửa chữa lại chiếc Mriya bị phá hủy hôm rồi đã mất khoảng 3 tỷ USD.

Năm 2016 hãng công nghiệp hàng không Trung Quốc (Aviation Industry Corporation of China, AVIC) và tập đoàn Antonov ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ để hoàn thiện chiếc thứ hai này.[3]

Mục tiêu AVIC đặt ra là 2019 sẽ xuất xưởng, nhưng cho đến nay cái thân AN-225 vẫn nằm phủ bụi ở Kiew. Điều này cho thấy tiền bạc không phải lúc nào cũng rút ngắn được khoảng cách công nghệ và bí quyết (Know How). Những gì Airbus, Boeing, Martin Lookheed không làm được thì AVIC còn lâu mới với tới.

Liên Xô đã sụp đổ 31 năm, nhưng công nghệ hàng không vũ trụ của nó để lại vẫn dẫn đầu thiên hạ. Cho đến nay những cái tên Mikoyan (MIG)), Sukhoy (SU), Tubolev (TU), ILyushin (IL) hay Antonov (AN) vẫn là các cây đại thụ của hàng không thế giới.

Tôi gắn bó với máy bay AN không chỉ vì năm 2010 đã từng tiếp xúc với hãng Antonov-Airlines trong một thương vụ cho Mali ở Tây Phi, mà còn vì tôi luôn kính nể ông Antonov, cha đẻ ra nó.

Oleg Antonov là một công dân mẫu mực. Ông sinh ra ở Nga năm 1906, có vợ người Armenia là bà Elizaveta Shahkhatuni. Từ năm 1946 ông sống và làm việc ở Ukraine. Tổ hợp công nghiệp mang tên ông ở Kiew là nơi sản xuất ra các thế hệ máy bay vận tải với ký hiệu AN, từ AN-2 cho đến AN-225. Thiết kế AN-225 do ông khởi xướng. Nhưng 4 năm sau khi ông mất, chiếc Mriya mới ra đời.

Oleg Antonov là một công dân dũng cảm, tôn trọng sự thật. Năm 1965 Antonov đã công khai lên tiếng bảo vệ Ivan Dziuba. Nhà khoa học Ukraine này bị thanh trừng vì phê phán chính sách “Nga hóa” các dân tộc khác ở Liên Xô [4]. Dù là người Nga, Antonov luôn bảo vệ sự bình đẳng giữa các dân tộc trong liên bang.

Antonov coi Ukraine là quê hương thứ hai. Thi hài của ông chôn tại nghĩa trang Kiew-Baikove. Ukraine coi Antonov là một công dân lớn. Tên ông được đặt cho đường phố, trường học, sân bay ở đây. Người ta lập ra Bảo tàng Antonov ở Kiew. Chân dung ông được in trên tem ở Nga và Ukraine chính là sự gắn bó truyền thống giữa hai dân tộc.

Truyền thống này được tiếp tục sau khi Liên Xô sụp đổ. Hãng Antonov Kiew tiếp tục sản xuất các loại máy bay vận tải AN, trong đó có 12 chiếc AN-124 cho hãng hàng không Wolga-Dniepr của Nga. Hãng hàng không Antonov-Airlines của Ukraine có 7 chiếc AN 124 và một chiếc AN-225. Tất cả chúng đều được bảo hành tại 2 nơi: Sân bay Gostomel Kiew và xưởng của Wolga-Dniepr ở Leipzig (Đức). Đến trước ngày Putin phát động chiến tranh, hai hãng này vẫn hữu hảo với nhau. Nếu tổ hợp Antonov ở Kiew bị phá hủy, hoạt động của các máy bay vận tải AN trên toàn cầu sẽ chấm dứt vì không có ai bảo dưỡng nữa.

Khi quân Nga tràn qua biên giới rạng sáng 24/02, phiên bản quý hiếm AN-225 đang nằm ở sân bay Gostomel, cách Kiew 20km về phía bắc. Vài giờ sau xe tăng Nga áp đảo lực lượng Ukraine ở đây và chiếm được sân bay. Nhưng ngay đêm hôm đó quân Ukraine phản công chiếm lại được. Cả hai bên đều tránh phá hủy chiếc AN- 225. Đối với Ukraine, đó là bảo vật quốc gia. Nga cũng mong chiếm được con chim khủng cho ngành vận tải của họ. Không quân Nga đủ sức đưa AN-225 bay về Nga, nhưng tình thế không cho phép.

Những ngày sau, quân Nga tìm mọi cách chiếm lại sân bay Gostomel để làm căn cứ đổ quân và vũ khí vào Ukraine. Có ý kiến cho rằng: Kháng cự kiên cường của chủ nhà đã khiến quân xâm lược phải ném bom hủy diệt sân bay, từ bỏ ý đồ “bắt sống” Antonov-225.

Khi đưa tin này hôm 27/02, ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói: “Nga có thể phá hủy máy bay “Giấc mơ” của chúng tôi, nhưng họ sẽ không bao giờ phá hủy được giấc mơ của chúng tôi về một nhà nước châu Âu, hùng mạnh, tự do và dân chủ. Chúng tôi sẽ thắng”. (This was the world’s largest aircraft, AN-225 ‘Mriya’ (‘Dream’ in Ukrainian). Russia may have destroyed our ‘Mriya’. But they will never be able to destroy our dream of a strong, free and democratic European state. We shall prevail!)

Người Ukraine quyết khôi phục lại chiếc Mriya, kinh phí sẽ bắt Nga phải đền.

Phía Nga cũng đổ lỗi cho Ukraine phá hủy Mryia. Ukraine đã mở hồ sơ điều tra tội ác chiến tranh. Dù chưa khẳng định được thủ phạm vụ phá hủy kiệt tác hàng không này, nhưng rõ ràng cuộc chiến do Putin phát động đã phá hủy giấc mơ của Oleg Antonov.

Ông luôn mơ về tình yêu giữa các dân tộc.

(Cảm ơn chị Nataliya Zhynkina, đại diện Ukraine tại Việt nam về những thông tin liên quan đến “Mryia”)

[1]https://edition.cnn.com/…/antonov-an-225…/index.html

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Antonov_An-225_Mriya…

[3] https://www.ainonline.com/…/antonov-sells-dormant-225…

[4] https://en.wikipedia.org/wiki/Ivan_Dziuba

Phần 4: Ukraine – Phát xit và Phát xít Mới (Fascism – Neonazi)

Ist möglicherweise ein Bild von 1 Person, steht, Pferd und außen

Cuộc đời Oleg Antonov là tấm gương cho sự gắn bó giữa hai dân tộc Nga và Ukraine. Nhưng không phải giữa họ chưa từng có những hố hận thù sâu thẳm.

Người Ukraine vẫn nhớ nạn đói Holodomor (Голодомор) do Stalin gây ra trong những năm 1929-1932. Lúa mỳ và các loại lương thực khác của Ukraine bị vơ vét hết để bán lấy ngoại tệ cho công nghiệp hóa. Stalin muốn dùng nó để bẻ gãy sự kháng cự của các lực lượng chống đối chính sách Nga hóa. “Nông dân bị tịch thu ruộng đất, bị dồn vào các hợp tác xã. Lượng thực tích trữ trong nhà bị chính quyền thu sạch. Người bị đói không được ra khỏi vùng để kiếm ăn. Đói thê thảm, người ta phải ăn cả thịt người chết. Nhiều nghiên cứu đưa ra con số từ 3-6 triệu người Ukraine chết đói trong Holodomor”.[1]

Khi Đức tấn công Liên-Xô, một số lực lượng phục thù Ukraine đã tập hợp xung quanh hai tổ chức Organisation of Ukrainian Nationalists (OUN) và Ukrainian Insurgent Army (UPA), hợp tác với phát xít Đức chống lại Liên Xô.[2]

Nhưng sự gần gũi về văn hóa, lịch sử đã giúp hai dân tộc này trở lại chung sống với nhau khi chiến tranh chấm dứt. Hàng triệu cặp vợ chồng Nga-Ukraine và những câu chuyện như máy bay Antonov đã xóa nhòa vết thương xưa. Sau khi Liên xô tan vỡ rồi Ukraine thành một nước độc lập, cuộc sống ở Donetsk, Luhansk hay trên bán đảo Crimea vẫn an bình, tiếng Nga và tiếng Ukraine vẫn sử dụng như nhau.

Trong khi ở Ukraine có 18% người Nga sinh sống, chủ yếu ảnh hưởng bởi tôn giáo chính thống (Orthodox) thì 80% người bản xứ theo đạo thiên chúa (Catholic). Ảnh hưởng của văn hóa Âu ở đây lớn hơn ở Nga rất nhiều. Người Ukraine cảm thấy mình gần gũi với châu Âu, với Ba-Lan, Tiệp, Slovakia hơn là với Nga. Điều này dẫn tới các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Yanukovich thân Nga, khi ông này bác bỏ Hiệp định Hợp tác với EU ngày 21/11/2013.

Yanukovich thẳng tay đàn áp bằng đạn thật khiến hàng trăm người chết và bị thương trên quảng trường Maidan. Cuộc nổi dậy bùng nố khiến nhà độc tài phải bỏ chạy hôm 21/2/2014, dưới sự bảo vệ của lực lượng đặc nhiệm Nga Spetsnaz.[3] Chính phủ mới ra đời.

Việc Ukraine hướng tây là một lựa chọn liên quan đến lịch sử, văn hóa của họ, nhưng bị Putin coi là mối đe dọa. Ông ta lo sợ thể chế dân chủ, cuộc sống tự do ở đó sẽ khiến dân Nga không còn chịu nằm yên nghe ông nói sao làm vậy. Thế là ngày 27/02/2014 Putin chiếm bán đảo Crimea, trong khi chính quyền mới ở Kiew chưa có chút ý đồ gì về NATO.

Ukraine từng là một nước có bom hạt nhân, từng là một lò sản xuất vũ khí nổi tiếng của Liên-Xô, nhưng suốt từ 1991 đã ngủ quên, đã để cho Nga thao túng bộ máy an ninh và quân đội, không nâng cao sức đề kháng của mình. Nga chiếm Crimea không hề bị kháng cự.

Và cũng từ đó bỗng nổi lên câu chuyện “Người Nga bị đàn áp và đòi ly khai ở vùng Donbas”.

Những vết thương xưa bỗng được khoét lại. Ukraine nổi giận, đưa quân đến Donbas đánh nhau với quân ly khai. Nội chiến Donbas không chỉ gây tang tóc cho cư dân, cả gốc Nga lẫn gốc Ukraine, không chỉ phá hoại công cuộc dân chủ hóa Ukraine, mà còn thổi bùng ngọn lửa “dân tộc cực đoan”.

Thực hư ra sao về việc Putin đòi “xóa bỏ Chủ nghĩa Phát xít ở Ukraine”?

Tân Phát xit (neonazi) là một căn bệnh của loài người, ở bất cứ nước nào. Ngay ở các nước Ả-Rập cũng tồn tại các nhóm neonazi. Ở Việt Nam, chỉ qua mấy trận bóng đá quốc tế, người ta đã thấy mùi phát xít trên mạng. Ở Nga bọn đầu trọc skinhead còn đông hơn ở Ukraine hay ở Đức. Những kẻ theo tư tưởng Supremacy (thượng đẳng trắng) ở Mỹ là điển hình của neonazi.

“Tiểu đoàn Azov” (Battalion Azov) [4] ở Donbas, tập hợp của các thế lực neonazi ở Ukraine, ra đời tại cảng Mariupol bên bờ biển Azov trong những ngày đầu của nội chiến, khi quân ly khai tấn công thành phố. Quân Azov được tài trợ bởi các chính khách và doanh nhân có tư tưởng cực đoan ở trong và ngoài Ukraine. Chúng đã gây nhiều tội ác với người gốc Nga từ 2014 đến nay. Nếu không có đám ly khai ở Donbas thì 2.500 tên Skinhead này sẽ chỉ là lũ gây rối trong một quốc gia 40 triệu dân.

Chính quyền Kyiv nói rằng họ không liên quan đến tiểu đoàn Azov, cũng như điện Kremlin nói là không liên quan đến quân đánh thuê Wagner.

Cho dù quân đội Ukraine có hợp tác với “Tiểu đoàn Azov” trong cuộc chiến chống ly khai ở Donbas (như các phong trào chống Pháp ở VN đã hợp tác với quân phỉ, quân “Cờ đen” của Lưu Vĩnh Phúc ở Bắc Bộ cuối thế kỷ 19) thì đó chỉ là một chiến thuật đáng phê phán, nhưng không phải là bản chất của nhà nước Ukraine.

Giờ đây Putin cũng thấy lố nên rút khỏi mục tiêu xóa bỏ chủ nghĩa phát xit ở Ukraine.

Nếu Putin thực chất muốn diệt đám giặc cỏ này thì chỉ cần một trung đoàn đặc nhiệm có không quân hỗ trợ, hợp tác với quân ly khai là trong một tuần là xóa sổ chúng. Nhưng khi Putin bác bỏ quyền tồn tại của nước Ukraine, đưa đại quân tấn công, phá hủy các thành phố, giết chết rất nhiều dân thường ở đó, ông ta đã hành động như một tên phát xít chính hiệu.

Cần phân biệt phát xít và tân phát xít. Tuy cùng một nguồn gốc: chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa chủng tộc, chủ nghĩa quân phiệt, chế độ độc tài v.v. nhưng chế độ phát xít là một dạng nhà nước, khi nó bác bỏ quyền sống của các dân tộc khác, dùng vũ lực tiêu diệt họ. Tân phát xit (neonazi) chủ yếu là các nhóm cực hữu, chỉ tìm cách gây ảnh hưởng trong một quốc gia. Các nhà nước của Hitler, Mussolini, Nhật hoàng, Stalin, Putin hay Tập Cận Bình khác với các nhóm neonazi hung hăng nhưng không có tiềm lực ở chỗ đó.

Giá như còn Bộ Chính trị (BCT) như thời đảng Cộng sản Liên Xô thì Putin đã bị truất từ lâu. BCT đã hạ bệ Khrutshev khi thấy tình thế lâm nguy. BCT đã chi phối quyết định của tất cả các Tổng bí thư, từ Malenkov (1953) đến Gorbachov (1991), trừ Stalin.

Putin là một Stalin không có đảng cộng sản, lại là một người Nga nên nguy hiểm hơn nhiều. Nguy hiểm vì ông ta kết tinh chủ nghĩa “Đại Nga” vào lúc mà dân tộc Nga đang hụt hẫng. Trong khi hàng chục ngàn trí thức Nga bất chấp dùi cui và nhà tù, rầm rộ biểu tình chống cuộc chiến Ukraine thì một bộ phận lớn người Nga vẫn hậu thuẫn cho Putin.

Điều này cắt nghĩa sự sợ hãi và dè dặt của phương Tây đối với Putin. Cho dù NATO 2022 khác xa đồng minh chống Hitler 1938, nhưng việc Ba-Lan, Đức và kể cả siêu cường Mỹ nằm tít bên kia đại dương đùn đẩy cho nhau việc cấp máy bay MG-29 cho Kyiv là biểu hiện của nỗi sợ. Người ta không chỉ sợ cho an ninh quốc gia, mà còn lo sợ một cuộc thế chiến thứ 3 bằng hạt nhân.

Mối lo này không phái là vô căn cứ. Khi Putin chửi chính phủ Ukraine là “một lũ xì ke ma túy”, người ta thấy ông mắc bệnh tâm thần. Đáng sợ nhất là bệnh nhân tâm thần cầm va-ly hạt nhân khi mà hai kẻ còn lại luôn cúi gầm mặt trước ông ta.

Phương Tây có cách xử lý các nhóm neonazi trong từng nước, nhưng họ luôn rụt rè trong đối đầu với các nhà nước phát xit. Họ đã bán đứng Tiệp Khắc năm 1938 cho Hitler, đã chần chừ trước các đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông, ở Đài Loan và nhắm mắt trong vụ Hongkong. Cho đến ngày chót, họ vẫn không tin là Putin dám phát động chiến tranh. Khi chiến tranh nổ ra, họ không tin là Ukraine dám chống cự nên mời Zelenski đi tỵ nạn. Họ còn tính đến một chính phủ Ukraine lưu vong thân phương Tây đề phòng khi Zelenskyi bị giết.

Chính nhà chính trị nghiệp dư Zelenski đã cứu khối “Đại diện cho Dân chủ-Tự do” khỏi sụp đổ. Chàng trai này đã khước từ lời mời tỵ nạn, quyết ở lại chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Quyết định của Zelenski đã khiến phương Tây bừng tỉnh và đoàn kết lại. Thế giới sẽ ra sao, nếu Zelenski, linh hồn của cuộc kháng chiến Ukraine bỏ chạy hôm 25/02? Mỗi lần lên sóng trong chiếc áo lính, tôi chỉ thấy anh nói thẳng vào những vấn đề cụ thể, không rào đón, không dùng nhiều mỹ từ.

Tôi tin rằng, nếu Ukraine chiến thắng rồi Zelenskyi được coi là anh hùng dân tộc, được cả thế giới tung hô, anh sẽ không diễn trò đấu Judo, lái máy bay hay cưỡi ngựa, dù năng khiếu diễn viên của anh hơn hẳn tay Rambo ở Kremlin.

Còn quá sớm để nghĩ đến lúc đó. Giờ đây anh công dân dũng cảm này phải sống sót qua cơn bão lửa của tên Rambo phát xít.

Trong khi đó chính phủ Đức sợ giá xăng lên cao nếu phải cấm vận dầu của Putin.

[1]https://en.wikipedia.org/wiki/Holodomor

[2]http://museum.khpg.org/en/1164113212

[3]https://en.wikipedia.org/wiki/Viktor_Yanukovych…

[4] https://en.wikipedia.org/wiki/Azov_Battalion

T.N.

Nguồn: FB Tho Nguyen

This entry was posted in Ukraine. Bookmark the permalink.