Sự hiện diện của Trung Quốc tại Cam Bốt ngày càng đậm nét, đặc biệt trong lãnh vực kinh tế, với các dự án xây dựng khổng lồ được Bắc Kinh tài trợ mọc lên khắp nơi. Ảnh hưởng lan rộng nhanh chóng của Trung Quốc tại xứ Chùa Tháp ngày càng khiến Washington lo ngại, nhất là khi một số cơ sở mà Bắc Kinh được quyền kiểm soát đều nằm ở các vị trí chiến lược và có thể dễ dàng biến thành căn cứ quân sự.
Ảnh tư liệu chụp ngày 26/07/2019: Chiến hạm Cam Bốt neo đậu tại Căn Cứ Hải Quân Ream, gần Sihanoukville, miền tây nam Cam Bốt. AP – Heng Sinith
Đặc phái viên nhật báo Pháp Le Monde – Brice Pedroletti – đã đến tìm hiểu thực hư tại khu du lịch khổng lồ đang được hình thành ở Dara Sakhor, tỉnh Koh Kong, miền Tây Nam Cam Bốt, cạnh Vịnh Thái Lan, một cơ sở mà chính quyền Phnom Penh đã đồng ý nhượng quyền khai thác cho Trung Quốc trong vòng 99 năm.
Trong một phóng sự dài đăng ngày 15/02/2022 mang tựa đề: “Đô thị mới, khu công nghiệp, căn cứ quân sự… Trung Quốc trên đà khống chế Cam Bốt”, đã nêu bật tính chất quy mô to lớn của khu vực có diện tích 380 km2, có thể gọi là “nhượng địa” Trung Quốc tại Cam Bốt.
Ở nơi này, thông qua UDG, một tập đoàn tư nhân tại Thiên Tân, Bắc Kinh đã rót vào khoảng 2 tỷ đô la từ năm 2008 đến nay để xây dựng các cơ sở du lịch như sòng bạc, khách sạn, sân golf, và nhất là một sân bay quốc tế có khả năng tiếp nhận loại phi cơ chuyên chở hành khách cỡ lớn. Trong số các công trình được dự trù, còn có dự án xây một hải cảng cho tàu 100.000 tấn.
Vỏ bọc kinh tế và thương mại
Theo Le Monde, mối quan tâm của Trung Quốc đối với miền nam Cam Bốt không phải là không có tính kinh tế: Đó là vấn đề kiếm lợi từ việc giải tỏa được các địa điểm du lịch gần như bị bão hòa của thủ đô Phnom Penh, và trung tâm du lịch tại Siem Reap, nơi có ngôi đền Angkor Wat.
Tờ báo cho rằng những gì đang diễn ra tại Dara Sakor tương tự như quá trình hình thành của Singapore hay Hong Kong, những công trình sáng tạo của Đế chế Anh vào thế kỷ 19, nơi đã trở thành những đô thị tài chính và thương mại hùng mạnh. Và tiền Trung Quốc hiện đứng sau đà phát triển này.
Kin Phea, tổng giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Phnom Penh thuộc Học viện Hoàng gia Cam Bốt xác nhận: “Nếu không có Trung Quốc, chúng tôi không thể phát triển nhanh như vậy. Chúng tôi không thể chờ đợi. Phương Tây liên tục nói về nhân quyền, dân chủ, nhưng (trong thực tế) chúng tôi lái xe trên đường của Trung Quốc”.
Công thức giống nhau ở mọi nơi: Tạo các khu dân cư và du lịch cho người Trung Quốc (2 triệu người trong số họ đã đến thăm đất nước này vào năm 2019), tích hợp các sòng bạc xung quanh các khu kinh doanh và cơ sở hạ tầng hậu cần. Bất chấp Covid-19 đã khiến du khách thưa thớt, những máy xúc đất vẫn làm việc không ngơi nghỉ.
Năm 2016, Phnom Penh tham gia sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc – gọi tắt tiếng Anh là BRI – một siêu dự án kết nối hàng hải và đường sắt giữa Trung Quốc và châu Âu. Năm đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Cam Bốt. Hàng chục dự án cơ sở hạ tầng sắp ra đời hoặc đã có sẵn, sau đó được gắn nhãn “BRI”.
Năm 2019, Dara Sakor trở thành một trong 19 “dự án trọng điểm” của “Con Đường Tơ Lụa” ở Cam Bốt, dưới sự tên gọi chính thức là “khu thí điểm cho đầu tư và phát triển toàn diện giữa Cam Bốt và Trung Quốc”. Cách đó khoảng bốn mươi km đường chim bay, là thành phố cảng Sihanoukville, nơi mà toàn bộ tỉnh đã được công nhận vào năm 2021 là “đặc khu kinh tế, theo mô hình Thâm Quyến, ở Trung Quốc.
Mỹ báo động về nguy cơ sân bay dân sự biến thành quân sự
Công việc xây dựng rầm rộ ở Dara Sakor đã gióng lên hồi chuông báo động tại Washington về các mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh trên dải bờ biển giữa Thái Lan và Việt Nam.
Tập đoàn UDG đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ đặt vào lệnh trừng phạt vào tháng 9 năm 2020, dưới thời Donald Trump, với các cáo buộc “trục xuất cưỡng bức người dân Cam Bốt” và “phá hoại môi trường” khi xây dựng ở Dara Sakor.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã lập luận là theo những “thông tin đáng tin cậy” Dara Sakor “có thể được sử dụng để chứa các cơ sở quân sự của [Trung Quốc]” như hải cảng và phi trường.
Đường băng dài 3,4 km của phi trường Dara Sakhor có thể đón một chiếc Boeing 777. Hợp lý cho “thành phố toàn cầu về du lịch sang trọng và công nghệ cao” trong tương lai này, theo một tờ rơi quảng cáo, nhưng cũng tiện lợi cho mọi loại máy bay chiến đấu hoặc máy bay ném bom của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại Drake Long, khi đề cập đến các đảo và rạn san hô ở Biển Đông được Trung Quốc cải tạo thành các căn cứ quân sự, đã viết vào năm 2020 trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat như sau: “Trong trường hợp xảy ra xung đột, Trung Quốc có thể ‘tung hoành ngang dọc trên bầu trời Việt Nam bằng oanh tạc cơ và chiến đấu cơ, cất cánh từ Dara Sakor và hạ cánh trên các đường băng của Trung Quốc ở Biển Đông, Đá Chữ Thập, Đảo Phú Lâm hoặc Đá Subi, trước khi rời đi”.
Theo đánh giá của nhà địa lý học Gabriel Fauveaud, chuyên gia về Cam Bốt ở trung tâm nghiên cứu Châu Á của Đại học Montreal, đối với Trung Quốc, Cam Bốt là một chỗ dựa chính trị hàng đầu ở Đông Nam Á, cung cấp cho Bắc Kinh một vị trí chiến lược trong tranh chấp Biển Đông và trong cuộc cạnh tranh với sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Do đó, Trung Quốc có thể đang ở trong quá trình “thử nghiệm các hình thức đối tác quân sự mới và đảm bảo các lợi ích chiến lược của mình”.
Tàu nạo vét khả nghi ngoài khơi một căn cứ Hải quân Cam Bốt
Mỹ cũng cảnh giác trước những công trình cải tạo bí ẩn tại căn cứ hải quân Ream của Cam Bốt, cách Sihanoukville 25 km về phía đông nam, nơi mà hai nhà chứa tàu “chiến thuật” trước đây do Mỹ cung cấp đã bị chính quyền Cam Bốt tháo dỡ vào năm 2020.
Vào năm 2020, Washington đã tiết lộ rằng một thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc tiếp cận Ream. Căn cứ là nơi chứa các tàu tuần tra do Bắc Kinh tặng vào năm 2007. Diện tích của căn cứ là 19.000 m2, rộng hơn gấp đôi so với căn cứ của quân đội Trung Quốc ở Djibouti (9.000 m2).
Năm 2016, một tập đoàn nhà nước Trung Quốc, tập đoàn Luyện Kim Trung Quốc (MCC), đã ký “thỏa thuận hợp tác với Bộ Quốc phòng Cam Bốt” để mở rộng “căn cứ hải quân quân sự”. Trang web của MCC thông báo một ụ tàu 5.000 tấn, một ụ cơ khí 1.500 tấn, một bến tàu mở, một xưởng sửa chữa, và gần 2 ha đất lấn biển.
Tuy nhiên, cảng Ream không đủ độ sâu để tiếp nhận các tàu lớn: Hai tàu chiến Trung Quốc lần đầu tiên ghé cảng Cam Bốt vào năm 2016 đã phải cập bến Sihanoukville.
Vào giữa tháng 1 năm 2022, hai tàu nạo vét xuất hiện ngoài khơi Ream, một dấu hiệu của các công trình cải tạo đang diễn ra. Sau đó, Washington ngay lập tức yêu cầu Phnom Penh “minh bạch hoàn toàn” về “ý định, bản chất và quy mô của việc xây dựng đang tiến hành”.
T.T.
Nguồn: RFI Tiếng Việt