Sen Hoa
Mấy hôm nay, trên không gian mạng và báo chí bùng lên cuộc thảo luận về danh xưng “thầy/cô” và “con” trong trường học. Ý kiến xem chừng có nhiều khác biệt. Ông Vương Trí Nhàn phản đối kịch liệt cách gọi này, Báo Lao động cũng có bài dài phản ánh, nhưng chả thấy nhà giáo hay nhà nghiên cứu/quản lý giáo dục nào mở miệng. Nhân tiện, xin đưa lại bài đã đưa lên FB cách đây vài năm để hưởng ứng cuộc thảo luận này.
Có lẽ phải đến những năm cuối của thế kỷ 20, các phương tiện thông tin của nhà nước vẫn sử dụng từ “đồng chí” để tương tác với công chúng. Trong các bài phát biểu, người ta thường bắt đầu bằng “thưa các đồng chí” hay “các đồng chí thân mến”. Cách gọi công chúng là “đồng chí” thực ra là khiên cưỡng, áp đặt và sai bét. Trong số chín chục triệu dân của nước Việt, chỉ có khoảng dưới 5 triệu người mới gọi nhau là đồng chí thôi. Đại đa số dân chúng còn lại, bao gồm trẻ em, những người có chủ kiến khác, hoặc chả có chủ kiến gì, họ chả có “đồng chí” gì với các đồng chí cả, đừng có nhận vơ.
Khi đất nước đi vào kinh tế thị trường, người ta bỗng sổ toẹt vào mớ lý thuyết hổ lốn về giai cấp và nhà nước xã hội chủ nghĩa không tưởng. Thành phần xã hội trở nên đa dạng hơn, nhiều chủ thuyết và niềm tin hơn, một lằn ranh giữa kẻ bóc lột và bị bóc lột, kẻ cai trị và người bị trị ngày càng rõ hơn, thuật ngữ “đồng chí’ bỗng trở nên lạc lõng và vô lối, nếu tiếp tục cái kiểu vơ đũa cả nắm ấy thì rất buồn cười, nên thuật ngữ này chỉ còn được dùng trong tương tác có tính hình thức của “các đồng chí” với nhau thôi. Từ những năm 1990 trở đi, giới truyền thông chuyển sang “thưa quý vị”. Nghe danh xưng đồng chí đến mức quen tai, lúc đầu thấy “thưa quý vị” cứ thấy ngường ngượng, sao sao ấy. Sau cũng quen dần, và giờ nếu bị gọi ai đó là đồng chí thì không khéo khối kẻ sẽ ăn tát nổ đom đóm mắt.
Ngoài cách gọi “đồng chí” được phổ thông hóa trong mọi quan hệ xã hội, các đồng chí cũng đưa vào đời sống công sở và học đường một hệ thống các thuật ngữ nhân xưng vốn chỉ để sử dụng trong quan hệ gia đình, như chú, bác, anh, chị, em, cháu, con. Có nhiều bài viết đã ca ngợi cách xưng hô như vậy trong công việc là một hình thức giản dị, trong sáng, gần gũi và thân mật. Người ta thường phải cố đoán tuổi của người đối diện để gọi nhau cho đúng thứ bậc, nếu sai thì “ngại lắm”. Hình như chính các đồng chí cũng không thích lối gọi không phân biệt trên dưới già trẻ tuốt tuột đều là “đồng chí” nên dễ dãi chấp nhận. Có người giỏi moi móc bảo chính Ông Cụ là người đầu tiên xưng Bác và gọi cấp dưới là các cô, các chú chứ trước đó, trong giao tiếp công sở và xã hội mà gọi nhau thế thì suồng sã lắm. Nhiều bài viết đã xúm xít vào ngợi ca lối xưng hô quê mùa dân dã này là “gần gũi”. Thế mà gần đây người ta đã quên phắt “các cô”, “các chú”, lãnh đạo thích được gọi là ngài, là quý vị, là “sếp”, còn trong văn bản và hội họp chính thức thì phải đọc đầy đủ chức danh. Cứ vào mỗi cuộc hội họp, nghe tay dẫn chương trình thưa gửi một loạt cái chức của đại biểu là ngứa cả … tai. Nghe nói khối tay mất chức mất việc vì không đọc đủ chức danh của lãnh đạo. Đúng là một hình thức nửa tây nửa ta, nửa phong kiến, nửa tư sản, chả ra đâu vào đâu, lắm lúc nghe chức danh mà cười ra nước mắt.
Có lẽ các đồng chí bắt đầu ý thức được tầng lớp và giai cấp của mình là “ăn trên ngồi trốc”, tổ chức của mình là “tổ chức cầm quyền”, không thể bình đẳng với đám tiện dân nên bỏ gọi họ là “đồng chí”? Vậy nên thuật ngữ “đồng chí” bây giờ chỉ còn dùng khi các đồng chí choảng nhau trong cuộc họp. Mỗi khi họ không còn gọi nhau là anh em chú bác hay sếp, sir, ngài gì nữa, mà là đồng chí, thì phải hiểu là tình hình căng lắm rồi, choảng nhau to rồi, hoặc cạn tình rồi, thì gọi nhau đồng chí.
Có một đồng nghiệp cùng ngành với mình, nay đã ngoài bát tuần, vẫn còn tinh anh lắm, phàn nàn về danh xưng “đồng chí” thế này: Ở cơ quan tớ, mỗi khi họp, chúng nó giới thiệu đồng chí này là giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, không thì chức vụ này nọ, đến mình thì không có chức có danh gì cả, họ bí, bèn gọi là đồng chí. Bị gọi là đồng chí thì cũng tức, nhưng chưa biết phản ứng ra sao. Một hôm, tại một cuộc họp có nhiều lãnh đạo dự, tay dẫn chương trình giới thiệu hết các chức danh lãnh đạo “bề trên”, đến lượt mình không chức danh gì nên được họ giới thiệu là đồng chí. Chờ cho màn kịch giới thiệu xong, mình xin phát biểu: “Tôi không đồng đảng với các ông, cũng chả đồng chí hướng với ai, đề nghị lần sau không gọi tôi là đồng chí nữa, tôi đếch đồng chí với các ông, tôi có tên thì cứ tên tôi mà gọi, ha ha…
Ở chốn công quyền đã vậy, ở học đường cũng gay cấn không kém. Các cô các thầy ở bậc phổ thông thích học trò gọi mình là thầy/cô và xưng con. Các đồng chí quân sự/công an khi dạy nội/ngoại khóa ở các trường cũng hớn hở được gọi là thầy/cô, và rất ghét đứa nào dám gọi họ là đồng chí. Ở bậc đại học, tình trạng nhân xưng cũng loạn xà bần. Có người thích xưng là thầy/cô với học trò và gọi họ là em (TÔI vs EM). Có người thích xưng tôi và gọi sinh viên là bạn (TÔI vs BẠN). Lại có người xưng tôi và gọi sinh viên là cô/cậu (TÔI vs CÔ/CẬU). Nhiều sinh viên công khai chia sẻ trên mạng họ cảm thấy khoảng cách với thầy cô ở trên lớp quá xa nếu bị gọi là cô hay cậu. Còn các nữ sinh viên thì rất ghét bị gọi là cô, nghe nó cứ như nào ý! Một lần đọc được ý tưởng của một sinh viên than phiền bị mình gọi là cô, thấy sờ sợ, xa xa, mình quyết định cho cả lớp thảo luận về nhân xưng giữa thầy/cô với sinh viên, có bạn thậm chí còn đề xuất hay là cứ xưng hô như ở lớp mẫu giáo, thầy/cô và các con, cho nó thân mật! Có cô còn phản đối kịch liệt, bảo: Thầy mà còn gọi em là “cô” thì em ứ chơi với thầy nữa.
Còn nhớ hồi mình là sinh viên những năm đầu 1970, các thầy cô đa phần đều dùng từ “đồng chí” trong tương tác thầy/trò thì GS Trần Quốc Vượng lúc ấy lại gọi sinh viên là ÔNG và BÀ, một sự lạ lẫm trong học đường. Nhiều học trò ở chiến trường về, không quen kiểu gọi TƯ SẢN ấy, đã phản đối. GS Trần Quốc Vượng ôn tồn giải thích: Sinh viên khác với học sinh, họ cần được tôn trọng, và bình đẳng với người thầy trong tư duy. Gọi họ là Ông là Bà cũng là cách thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng trong học giới! Không phải ai cũng đồng ý với thầy, vì họ thấy nó cứ là lạ thế nào ý. Ngoài ra, mình cũng thấy khối ông/bà giáo thích cách gọi mày/tao với học trò, cho đó là sự thân mật dân dã. Bị ấn tượng bởi câu chuyện này, mỗi lần ra nước ngoài, đi học hay đi dạy, mình thường để ý xem thầy/trò họ xưng hô với nhau như thế nào. Có hai cách xưng hô phổ biến, không phân biệt cấp học, dù là tiểu học hay đại học:
(1) Trong tương tác chính thức, thầy/cô gọi trò theo họ chứ không bằng tên tục, có danh xưng Mister hay Miss ở trước. Ví dụ học trò có họ tên đầy đủ là John Founder thì thầy/cô sẽ gọi anh ta là Mister Founder, rất lịch sự và trang trọng;
(2) Ngoài lối gọi chính thức thì trong đời sống hàng ngày, thầy/cô thích gọi học trò bằng tên cúng cơm của họ, ví dụ John, và học trò cũng gọi thầy bằng tên cúng cơm, ví dụ: Otto. Tương tác giữa họ hoặc là sự tôn trọng hoặc là sự thân mật tùy thuộc vào cảnh huống cụ thể mà có cách xưng hô cho hợp thức.
Tiếc là giáo dục ở xứ An Nam ta đến nay vẫn bùng nhùng trong cách dùng từ nhân xưng. Có vẻ nó cũng giống như tình trạng hỗn loạn của hệ thống giáo dục ở ta hiện nay, đang thiếu một chuẩn mực rõ ràng về cách sử dụng từ nhân xưng thích hợp khi tôn trọng nhau và khi thân thiết với nhau?
Xin các bậc thức giả rộng đường chỉ giáo.
S.H.
Nguồn: FB Sen Hoa