Một nền kinh tế thiếu minh bạch đã biến thị trường tài chính thành chiếu bạc bịp

Chu Trí Thành

Những năm 1990’s, hàng loạt Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) ra đời, mục đích chính không phải là để trở thành kênh huy động vốn, làm “bà đỡ của nền kinh tế”. Mà lúc đó, các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân hùn vốn thành lập NHTPCP để huy động vốn từ nền kinh tế về cho chính doanh nghiệp của mình vay với các chế độ ưu đãi, điều kiện đảm bảo là số cổ phần đã hùn vốn vào NHTMCP cho vay, gọi là “Tín chấp trên cơ sở giá trị cổ phiếu”

Mệnh giá vốn cổ phần chính là vốn điều lệ của NHTMCP.

Cho vay đảm bảo bằng cổ phiếu của ngân hàng đó tức là nhận đảm bảo bằng chính vốn điều lệ của mình.

Thế chấp là nhằm mục đích san sẻ rủi ro cho khách hàng. Nhưng nhận thế chấp bằng chính vốn điều lệ của mình thì NHTMCP đã san sẻ rủi ro cho chính mình.

Khủng hoảng ngân hàng năm 1995 cũng một phần từ những khoản vay nhận “tín chấp trên cơ sở giá trị cổ phiếu” như thế. Họ bỏ 10 tỷ vào hùn vốn thành lập NHTMCP để được vay ưu đãi tín chấp 20 tỷ rồi không trả được nợ, nền kinh tế gánh hậu quả.

Trong 2 năm 1994-1995, tôi (Chu Trí Thành) đã liên tục nhiều lần phản đối trên các tạp chí chuyên ngành Ngân hàng, Tài chính, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải có quy định nghiêm cấm “Cho vay tín chấp trên cơ sở giá trị cổ phiếu”.

Sau này có thị trường chứng khoán và Luật chứng khoán ra đời đã nghiêm cấm các NHTMCP nhận thế chấp bằng chính cổ phiếu của ngân hàng mình, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tương tự như vậy, những nhà đầu tư dài hạn bỏ vốn sáng lập các công ty phải nhằm mục đích kinh doanh trong phạm vi đăng ký của công ty cổ phần, đem lại giá trị nội tại cho doanh nghiệp. Để rồi trên thị trường chứng khoán, các trader kinh doanh chứng khoán thực chất là kinh doanh cái sự kỳ vọng vào giá trị nội tại của công ty cổ phần đó.

Nhưng hiện nay, các ông chủ công ty cổ phần (cổ đông sáng lập, cổ đông nắm cổ phần chi phối) vẫn ngang nhiên đầu cơ, lướt sóng trên chính cổ phiếu của công ty mà mình nắm giữ cổ phần chi phối và tham gia quản trị điều hành. Mà lại còn ngang nhiên mua bán chui.

Các thành viên điều hành không dành tâm lực để quản trị công ty, đem lại giá trị nội tại cho nó. Mà họ dành thời gian và công sức với những mánh khóe lọc lừa để đầu cơ, lướt sóng chính cổ phiếu công ty mà mình tham gia điều hành.

Những cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối và các thành viên điều hành công ty cổ phần là những kẻ nắm chắc thông tin nội bộ công ty rõ ràng nhất. Khi họ bán tháo cổ phiếu công ty, bỏ quần chạy lấy người, thì lúc đó sẽ gây nên tình trạng hoảng loạn cho nhà đầu tư.

Tình trạng thao túng để lũng đoạn thị trường đó không có chế tài xử lý rốt ráo, gây nên thiệt hại lớn cho nhà đầu tư và phá hoại nền kinh tế.

Một cú bán tháo chui đem lại lợi nhuận cho họ hàng trăm tỷ, gây thiệt hại cho thị trường hàng ngàn tỷ, gây mất ổn lớn tới thị trường, làm mất lòng tin của nhà đầu tư. Nhưng theo quy định tại Nghị định 128/2021-NĐ-CP thì mức phạt cao nhất đối với cá nhân cũng chỉ 1.5 tỷ. Họ vẫn lãi hơn buôn ma túy.

Cũng như thế, Tân Hoàng Minh bỏ cọc chấp nhận mất 600 tỷ, nhưng băng nhóm của họ đã thu lãi hàng ngàn tỷ khi đẩy giá đất lên để bán ra các khu đất và các mã cổ phiếu bất động sản.

Việc băng nhóm của các trùm bất động sản đẩy giá đất Thủ Thiêm lên không chỉ đơn giản gây thiệt hại cho những người mua đất trong thời gian gần đây, mà phá hoại chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng của Chính phủ và cướp đến từng ổ bánh mỳ của anh công nhân hay gói mỳ tôm của em sinh viên khi mà giá thuê mặt bằng tăng sẽ kéo theo sự tăng giá hàng hóa.

Luật pháp sinh ra để làm gì khi một doanh nghiệp không đủ năng lực thực hiện hợp đồng vẫn ngang nhiên trúng thầu mà Hội đồng đấu giá đất không phải chịu trách nhiệm?

Pháp luật có tồn tại nữa không mà để Chủ tịch Quốc hội phải phím Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn Tân Hoàng Minh bằng cách cấm các NHTM cho Tân Hoàng Minh vay tiền mua đất Thủ Thiêm? Cớ sao Hội đồng Đấu giá không loại ngay được Hồ sơ dự thầu của Tân Hoàng Minh?

Công bằng mà nói, gây sốt thị trường bất động sản trong những tháng qua, ngoài nguyên nhân đến từ các chiêu trò của những trùm bất động sản, còn có tâm lý lo lắng của nhà đầu tư khi lo sợ nền kinh tế yếu kém, tham nhũng lớn và sai lầm trong chính sách điều hành phòng chống dịch của Chính phủ làm cho ngân sách càng thêm thâm hụt trầm trọng, chính phủ sẽ in tiền gây lạm phát trong trung hạn và ngắn hạn. Nên các nhà đầu tư đã chuyển vốn trú ẩn vào bất động sản.

Một nền kinh tế không minh bạch đã để cho những kẻ lừa đảo câu kết với chính quyền biến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản nói riêng và thị trường tài chính nói chung thành chiếu bạc bịp.

C.T.T.

Nguồn: FB Chu Hồng Quý

This entry was posted in kinh tế, Thị trường tài chính. Bookmark the permalink.