Bài: Hoàng An – Hoàng Ly
Ảnh: Trần Long – Huy Hậu
Thiết kế: Hương Xuân
1. Khi nơi mạnh nhất cũng bị quật “đo ván”
Là một người sống ở TP. HCM – tâm dịch lớn nhất cả nước, trong thời gian cũng căng thẳng nhất, giờ nhìn lại, ông thấy năm 2021 điều gì khiến ông không thể quên?
Nhiều giáo lý hay tôn giáo, như Phật giáo chẳng hạn, nhấn mạnh tính vô thường, giả tạm như bản chất của mọi sự vật và hiện tượng. Trong năm 2021, chúng ta đối diện trực tiếp với nó, thực chứng nó một cách cụ thể, không qua ngôn từ hay bất kỳ trung gian nào. Sự vô thường, tính bất trắc, thậm chí sự phù du của kiếp người được thực chứng hàng ngày chứ không phải những lý thuyết hay giáo lý trừu tượng nữa.
Nhà tôi gần bệnh viện, có những thời điểm, từ sáng tới đêm là tiếng còi xe cấp cứu. Mọi thứ đập thẳng, không chỉ vào thính giác, mà vào nhận thức của mình, ở mọi khía cạnh khác nhau.
Mặt khác, tôi cũng là một người tiếp cận trực tiếp với những nhà làm chính sách. Dưới góc độ của những người phân tích chính sách như tôi, đó lại là một trạng thái khác nữa. Chúng tôi không chỉ nhìn thấy những thứ hiển hiện ra bên ngoài, như sự quá tải của hệ thống y tế, số người nhiễm bệnh, số ca tử vong, mà còn nhìn thấy sự vận động của hệ thống chính sách từ bên trong. Từ góc nhìn này, tôi thấy chúng ta chưa được chuẩn bị để ứng phó với tốc độ lây nhiễm quá nhanh của dịch Covid-19.
Nếu không nói đến những thiệt hại về con người do dịch bệnh, theo ông, điều gì đã xảy ra trong năm 2021 tại TP. HCM mà trước đó ông không bao giờ có thể tưởng tượng ra?
Có lẽ nhiều người cũng giống như tôi, rất khó để hình dung được trung tâm kinh tế quan trọng nhất cả nước, đóng góp khoảng ¼ ngân sách, ¼ GDP, lại có lúc nguồn lực gần như cạn kiệt, ngay cả khi chưa tới đỉnh dịch.
Dịch bệnh đã vắt kiệt sức lực của Thành phố trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 2 tháng. Vào tháng 8, Thành phố phải xin trung ương 28.000 tỷ đồng hỗ trợ chống dịch, trong khi dịch chỉ mới thực sự bắt đầu từ tháng 6. Nơi giàu nhất cả nước mà chỉ 2 tháng thôi đã hết tiền, thì những tỉnh thành khác sẽ phải hứng chịu điều gì nếu gặp hoàn cảnh tương tự?
Đứng từ góc độ kinh tế mà nói, đây là một thảm họa, một thảm họa xảy ra rất nhanh. Còn đứng từ góc độ thống kê, nếu như kinh tế quý 2 đang hồi phục mạnh mẽ, tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 5,64% so với cùng kỳ, thì quý 3 đã âm 24,4%.
Âm như thế, thì đồng thời hàng triệu người lao động sẽ không có việc làm hoặc bị cắt giảm giờ làm. Làn sóng lao động phổ thông tháo chạy khỏi TP. HCM là chuyện tất yếu phải xảy ra.
Bức tranh kinh tế TP. HCM bị đảo ngược gần như hoàn toàn chỉ trong 2-3 tháng. Từ chỗ kinh tế hồi phục xán lạn trong quý 1, quý 2, ai cũng hào hứng lạc quan, thì đến tháng 8 đã không còn gam màu sáng nào nữa. Khủng hoảng y tế đã chuyển thành khủng hoảng kinh tế một cách vô cùng nhanh chóng. Nơi giàu nhất, được coi là mạnh nhất cũng bị quật ngã đo ván.
2. Chuyện gì xảy ra với các dự báo
Trong 2 năm gần đây, hầu như tất cả dự báo về chính sách hay tăng trưởng kinh tế đều nhanh chóng trở nên lạc hậu bởi các diễn biến mới của dịch bệnh. Dưới góc nhìn của ông, điều gì đã xảy ra với các dự báo hoặc chính sách chống dịch, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng tại TP. HCM?
Hồi còn làm nghiên cứu sinh, một vị thầy của tôi dạy “bí quyết của dự báo là dự báo liên tục”.
Không có dự báo nào đúng một lần cho mãi mãi, vậy nên bí quyết là dự báo liên tục, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Gần đây, chúng ta hay nói về VUCA, là thuật ngữ viết tắt của biến động, bất trắc, phức tạp và mơ hồ. Đó chính là bối cảnh dịch bệnh.
Trong dịch bệnh, thông tin đến một cách dồn dập và liên tục. Thông tin ngày hôm qua, hôm nay có thể đã lạc hậu mất rồi. Chẳng hạn, số ca bệnh chỉ 2-3 ngày là tăng gấp đôi, do vậy rất khó dự báo chính xác, nhất là khi hệ thống thống kê không được chuẩn bị để đo lường những biến số này một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Một chỉ số rất quan trọng, như con số tử vong, tôi tin là trong thời điểm căng thẳng của dịch bệnh, không ai dám quả quyết rằng mình biết con số chính xác là bao nhiêu. Với con số nghiêm trọng nhất còn như vậy, thì những con số ít nghiêm trọng hơn, ai dám chắc chắn? Trong bối cảnh như vậy, chỉ có một cách là không ngừng cải thiện chất lượng dữ liệu và cập nhật dự báo.
Khi dự báo, chúng ta luôn cố gắng sử dụng các dữ liệu tốt nhất có thể, sử dụng mô hình tốt nhất chúng ta có. Tóm lại là mọi vũ khí tốt nhất đều phải mang ra dùng hết, nhưng vẫn cần phải cập nhật liên tục nếu không muốn lạc hậu. Chắc bạn cũng nhớ, ở Mỹ, đã từng có dự báo cả đợt dịch sẽ có khoảng 100.000 đến 200.000 ca tử vong, nhưng chúng ta đều biết, đến nay con số thực tế đã cao gấp nhiều lần.
Cũng cần nói thêm là từ dự báo đến khuyến nghị chính sách, và rồi từ khuyến nghị của nhà tư vấn đến quyết định chính sách của chính quyền là một chặng đường rất dài.
Dự báo kinh tế gắn liền và phụ thuộc vào dịch bệnh. Như chúng ta thấy, chỉ cần dịch bệnh tăng vọt trong quý 3, lập tức tất cả các xu thế của quý 1, 2 bị đảo ngược hoàn toàn. Khi khó dự báo được về y tế, thì cũng khó dự báo được về kinh tế, chưa nói tới các hiệu ứng lan truyền và các vòng lặp phản hồi.
Đối diện với một tình huống phức tạp như vậy, mà biến cơ bản đầu vào là dịch bệnh đã khó dự báo như thế, thì để dự báo các chỉ số kinh tế một cách chính xác gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Bây giờ nhìn lại, ông thấy được bài học nào cho việc dự báo những biến động của dịch bệnh sau này không?
Có nhiều bài học, nhưng bài học cơ bản đầu tiên là chúng ta phải có hệ thống chỉ tiêu, cách thức đo lường và phương pháp thu nhập dữ liệu tốt. Bởi vì kết quả dự báo phụ thuộc vào độ tin cậy của thông tin đầu vào.
3. Phòng chống dịch đòi hỏi sự tổng lực về chính sách
Là một nhà nghiên cứu, trải qua một giai đoạn rất đặc biệt, với vai trò cũng đặc biệt ở tâm dịch lớn nhất cả nước, nhìn lại năm 2021, ông thấy điểm sáng lớn nhất về mặt chiến lược chống dịch của chúng ta là gì?
Có lẽ là tốc độ phủ vaccine. Cho đến tận cuối tháng 8, Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực, vẫn còn trong nhóm “đội sổ” về vaccine, nhưng chỉ 3 tháng sau, Việt Nam đã có mức độ tiêm chủng vaccine gần ngang với Hoa Kỳ. Trong khi Hoa Kỳ tiêm mũi đầu tiên vào cuối tháng 12 năm 2020, tức là họ tiêm trước chúng ta tới nửa năm, và lại là nước có mức độ phát triển cao hơn, chủ động nguồn vaccine, và ngân sách dư dả hơn rất nhiều.
Tham gia vào Tổ tư vấn cho Thành phố về chính sách chống dịch cũng như phục hồi kinh tế và hứng chịu nhiều thị phi, giờ nhìn lại, ông có cảm thấy tiếc về điều gì không?
Nếu lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ làm, thậm chí ngay cả khi biết sẽ phải hứng chịu nhiều phê phán, chỉ trích của nhiều người, nhiều giới.
Với những người giảng dạy và phân tích chính sách công thì đây là sứ mệnh. Nếu sợ bị phê phán mà từ bỏ sứ mệnh, thì chúng tôi không xứng đáng là người dạy chính sách công nữa. Cũng như người lính cứu hỏa, trong đám cháy lớn luôn có rủi ro tử vong, nhưng có thể vì thế mà giải ngũ không? Như vậy đâu phải người lính nữa?
Chắc sẽ không ai thắc mắc về vế “phục hồi kinh tế” trong tên gọi của Tổ tư vấn chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế (“Tổ tư vấn chính sách”). Nhưng có một điều mà mọi người dễ hiểu lầm, từ đó dẫn đến tranh cãi, là tại sao Tổ tư vấn “chính sách phòng chống dịch” mà trong 8 thành viên thì 7 là chuyên gia kinh tế, luật và chính sách, trong khi chỉ có một chuyên gia y tế.
Từ góc độ quản lý nhà nước, quyết định về thành phần của Tổ tư vấn chính sách là thẩm quyền của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố, vì vậy tôi không bình luận. Còn từ góc độ tư vấn chính sách, tôi thấy một hiểu lầm phổ biến của đa số mọi người là việc phòng chống dịch chỉ liên quan đến y tế và dịch tễ. Sự thực không phải như vậy.
Chẳng hạn như để có thể phòng chống dịch tốt, cần có sự phối hợp hiệu quả của rất nhiều mảng chính sách khác nhau, bao gồm huy động và phân bổ nguồn lực, hậu cần và logistics, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, chăm lo an sinh xã hội cho người dân, truyền thông về chiến lược và chính sách, tổ chức và phân tích dữ liệu, v.v. Hầu như tất cả những lĩnh vực này không thuộc chuyên môn của các bác sĩ hay các nhà dịch tễ.
Thậm chí, ngay cả những việc tưởng chừng như thuần túy chuyên môn y tế thì cũng cần các góc nhìn khác. Chẳng hạn như phòng chống dịch rất cần chuyên môn về quản lý. Việc thay đổi phân tầng điều trị từ 5 tầng xuống 3 tầng, tổ chức tiêm vaccine quy mô lớn sao cho hiệu quả và an toàn, phát triển hệ thống y tế cơ sở, tổ chức dữ liệu dịch tễ… là những ví dụ điển hình. Các bác sĩ rất giỏi về chuyên môn, nhưng về mặt tổ chức hệ thống và thực thi chính sách chưa chắc họ đã giỏi bằng các nhà quản lý.
Tôi hy vọng đến thời điểm này, đa số mọi người đã hiểu, chống dịch là tổng hợp những chính sách phức tạp nhất, đa diện nhất, đa chiều nhất và liên ngành nhất, đặc biệt là khi dịch bệnh diễn biến rất nhanh và phức tạp.
Bên cạnh đó, cũng không nên quên rằng bên cạnh Tổ tư vấn chính sách thì TP.HCM còn có Tổ chuyên gia y tế của Thành ủy và Tổ chuyên gia tư vấn điều trị bệnh COVID-19 bao gồm những bác sỹ, chuyên gia y tế và dịch tễ hàng đầu. Và chuyên gia y tế duy nhất trong Tổ tư vấn chính sách là Trưởng khoa Y tế công cộng của trường ĐH Y dược TP.HCM, đồng thời là thành viên của Tổ chuyên gia y tế của Thành ủy, và nhờ đó đóng vai trò cầu nối giữa các khía cạnh chính sách và y tế.
Những điều tôi vừa chia sẻ không phải ai cũng biết, vì vậy tôi không trách những người chỉ trích, nhất là khi họ thiếu thông tin, thậm chí cần một nơi xả bức xúc và dồn nén.
Và tôi vẫn sẽ làm, ngay cả khi biết sẽ chịu nhiều “gạch đá”. Có một số ý kiến phê phán chúng tôi là hám danh lợi nên tham gia tổ tư vấn. Nhưng sự thật là tham gia Tổ tư vấn chính sách trong lúc “nước sôi lửa bỏng” rủi ro rất lớn, chứ không có danh lợi gì như một số người nghĩ đâu.
4. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lấy lại những gì đã mất
TP. HCM giờ đã quay trở lại nhịp sống bình thường mới, nhìn từ góc độ chính sách, theo ông, điều gì đã giúp Thành phố đẩy lùi được dịch bệnh?
Về mặt chính sách, chiến dịch tiêm vaccine đóng vai trò quan trọng nhất, mà nhờ nó dịch bệnh mới bắt đầu suy giảm từ tháng 9, và suy giảm tương đối ổn định trong tháng 10. Chiến dịch tiêm vaccine được thực hiện đúng đắn và kịp thời là bài học đắt giá nhất, và quan trọng nhất, đứng từ phương diện dịch tễ và chính sách dịch tễ.
Yếu tố tiếp theo là phân tầng điều trị. Khi phân tích về tầng điều trị, lúc đó, TP. HCM không giống như cả nước, không giống với Bình Dương, là chia thành 5 tầng điều trị. Trong đó, tầng 4, tầng 5 là các tầng dành cho bệnh nhân nặng nhất.
Thời điểm đó, phân tích số liệu tử vong của TP. HCM cho thấy tới 1/3 bệnh nhân tử vong trong vòng 48 tiếng nhập viện. Có nghĩa là tình trạng bệnh nhân đã quá nặng trước khi nhập viện, không đủ thời gian cho các bác sĩ cứu chữa. Vậy tức là phản ứng của chúng ta ở các tầng dưới quá chậm và việc chuyển tầng bị tắc nghẽn. TP. HCM sau đó đã chuyển từ 5 tầng điều trị xuống còn 3 tầng. Điều này tạo được sự thông suốt cho việc điều trị, giúp các ca bệnh được xử lý tốt hơn.
Yếu tố thứ ba là củng cố y tế tuyến cơ sở. Các bác sĩ tuyến đầu cho biết, giai đoạn quan trọng nhất kéo dài 6 tiếng, từ lúc một người chuyển triệu chứng cho tới khi họ rơi vào trạng thái nguy kịch, gọi là “6 giờ vàng”.
Trong 6 giờ vàng này, biện pháp can thiệp quan trọng nhất chưa phải là thuốc, cũng không nhất thiết là nhập viện cấp cứu, mà là phải cho người bệnh thở ô-xy. Mà thở ô-xy thì ai là người tiếp cận người bệnh nhanh nhất? Phải là y tế cơ sở, không thể nào là bệnh viện được, nhất là trong điều kiện quá tải cao độ.
Từ tháng 7, tháng 8, đặc biệt là khi có mô hình chăm sóc F0 tại cộng đồng của Đại học Y dược TP HCM, cùng với các tổ y tế cộng đồng, trạm y tế lưu động … y tế cơ sở mạnh lên giúp khả năng tiếp cận người có triệu chứng chuyển nặng tăng lên, nhờ vậy cứu được rất nhiều người. Mãi sau này mơi có thuốc, thực tế thuốc điều trị là thứ đến sau cùng.
Hiện tại, nếu đưa ra một nhận xét hoặc dự báo về triển vọng về tình hình dịch bệnh cũng như phục hồi kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh, ông sẽ nói gì?
Tôi tin một cách chắc chắn là TP. HCM sẽ phục hồi, và phục hồi mạnh mẽ.
Thứ nhất, điều then chốt là chúng ta đã có những lớp phòng vệ cũng như đã có thời gian đủ để học những bài học quan trọng. Nhờ đó, Thành phố thích ứng được với dịch bệnh, duy trì hoạt động gần như bình thường đồng thời đảm bảo ở mức độ chấp nhận được về an toàn.
Bốn tháng qua, chúng ta đã tiêm chủng rất tốt. Vào thời điểm này, nếu so sánh với London hay New York thì tỷ lệ tiêm chủng cho dân số trên 18 tuổi của TP. HCM còn cao hơn.
Cùng với hệ thống điều trị thông suốt, phác đồ điều trị đã được kiểm định, hệ thống y tế cơ sở đã tốt hơn trước nhiều lần, thì nếu có làn sóng dịch mới xảy ra, mức độ thiệt hại cũng sẽ thấp hơn rất nhiều so với vừa rồi.
Vì thế, tôi tin Thành phố sẽ không phải trở lại giai đoạn đóng cửa, phong tỏa như trước. Kinh tế chắc chắn sẽ hồi phục.
Thứ hai, trên nền của năm 2021 suy giảm nặng nề như vậy, thì năm 2022 tăng trưởng sẽ cao hơn bình thường, sẽ lấy lại những gì đã mất của năm 2021, và những gì xứng đáng của năm 2022.
Rủi ro lớn nhất của Thành phố bây giờ nằm ở biến chủng mới. Một điều chắc chắn là biến chủng mới lây lan cực nhanh, nhưng vẫn còn hai ẩn số lớn là độc lực và khả năng kháng vaccine.
Thời điểm này, các nhà dịch tễ trên thế giới cũng chưa dám khẳng định. Nếu dịch diễn biến theo chiều hướng xấu, biến chủng mới có độc lực cao hơn Delta và mức độ kháng vaccine cao, thì có khả năng Thành phố sẽ giới hạn lại một số hoạt động. Chỉ trong trường hợp đó thì kinh tế TP. HCM, mặc dù vẫn hồi phục, nhưng sẽ không cao.
Sau tất cả những biến cố đã qua, ông có thấy có điều gì thực sự tích cực giữa đại dịch không?
Điều làm tôi cảm động nhất là nhân tính và phẩm giá con người. Trong bối cảnh bình thường, những đức tính tốt đẹp của con người ít có cơ hội để hiển lộ. Nhưng khi bị đẩy vào tình trạng hết sức ngặt nghèo, thậm chí là hiểm nghèo, thì những phẩm chất ấy lại bộc lộ một cách hết sức tự nhiên, chân thật.
Tôi thấy có những người chấp nhận những rủi ro mà không cần ai đòi hỏi và cũng chẳng cần ai đền đáp. Họ lăn xả vào để giúp người khác. Đúng là chỉ khi rơi vào tình huống ngặt nghèo, hiểm nghèo như thế thì những đức tính tốt đẹp nhất của con người mới được thể hiện rõ nét nhất. Đại dịch làm ta có thêm hy vọng vào nhiều phẩm chất tốt đẹp của con người.
Cảm ơn ông!
Nguồn: cafef.vn