Những bước trớ trêu của lịch sử [2] (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 124)

Tương Lai

Trong bài tưởng niệm Albert Camus, Jean Paul Sartre viết: “Trong thế kỷ này, chống lại lịch sử, anh tiêu biểu cho con người hôm nay có lẽ độc đáo nhất trong văn học Pháp”. Trước đó, Voltaire – nhà Khai sáng Pháp –thì viết một cách dí dỏm: “Đế quốc La Mã Thần thánh không thần thánh, chẳng La Mã, cũng chẳng phải là đế quốc. Phải chăng vì thế mà Thomas Jefferson – tác giả của Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ – nói rằng “Tôi thích những giấc mơ về tương lai hơn là lịch sử quá khứ”! Cho dù, Victor Hugo nói rằng: “Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ. Vậy mà ý tưởng của đại văn hào Pháp thường được trang trọng trích dẫn như một chân lý.

Đi tìm tưởng của lời giải đáp cho những ý tưởng lớn lao ấy không là mục tiêu cho bài viết này, mà lý do duy nhất là tôi không đủ sức. Vả chăng, “Chỉ máu là xoay vần bánh xe lịch sử “. Đó là sự đúc kết quá khủng khiếp nhưng đó lại là một sự thật – điều mà Martin Luther, nhà thần học người Đức thế kỷ XV, tu sĩ Dòng Augustinô, đã khẳng định. Và sự khẳng định đó được xem như là một chân lý trần trụi. Bởi lẽ, theo nhà cải cách tôn giáo nổi tiếng ấy thì “Chỗ nào Thiên Chúa xây nhà thờ, chỗ đó Ma quỷ cất nhà nguyện”. Với niềm vui tìm ra chân lý, Martin Luther khởi sự giảng dạy niềm xác tín rằng cứu rỗi là sự ban cho bởi ân điển của Thiên Chúa, được nhận lãnh bởi đức tin và lòng tin cậy vào lời hứa của Thiên Chúa tha thứ tội lỗi, dựa trên sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, điều đó cũng không làm nhoè đi đi sự trần trụi của chân lý vừa tàn nhẫn vừa rất “trần gian” (tôi muốn mượn lại ca từ tuyệt vời của Trịnh Công Sơn: “Tôi là ai mà còn trần gian thế”)! Sự thật đó có lẽ không chỉ nói lên bước trớ trêu của lịch sử, mà còn là sự tàn nhẫn đến nghiệt ngã mà loài người đã phải trải qua.

Nhưng nói như vậy không nhằm phủ lên cuộc sống nhân loại một màn u tối, toàn màu xám. Để chứng minh cho điều này, xin hãy tìm hiểu về quan điểm duyên sanh của Phật giáo, tức quan điểm cho rằng: Mọi tồn tại chỉ tồn tại trong tương quan với những tồn tại khác. Chính quan điểm duyên sanh cơ bản này giúp người Phật giáo có một cái nhìn bao dung không những với chính mình mà còn đối với những người khác và thế giới quanh mình dù mục tiêu cuối cùng của đời sống Phật giáo là sự giải thoát, tức là sự đạt đến tự do tuyệt đối cho mỗi con người. Đây là sự giải thích của Thiền sư Lê Mạnh Thát: Phật giáo biết bám vào sức sống của dân tộc để tồn tại, còn triều đại nào không hợp lòng dân thì triều đại đó sẽ bị loại bỏ”. Triết lý của đạo Phật cho rằng, cuộc đời con người nhìn trong diễn trình vận hành bao la của vũ trụ quá nhỏ bé và phù du.

Cái vĩ đại nhất mà con người có thể có trong diễn trình đó là ý chí vươn lên không chút gì sợ hãi trước bất cứ thay đổi nào của thế giới tự nhiên cũng như thế giới con người. Xuất phát từ một nhân sinh quan như thế, Phật giáo Việt Nam đã tránh cho mình cái họa tham quyền cố vị cho đến khi bị hất ra dòng lịch sử.

Cũng bắt nguồn từ hoàn cảnh lịch sử của đất nước như vậy, dòng thơ thiền Việt Nam khi suy gẫm về thân phận con người, lúc mô tả về phong cảnh của đất nước, cũng không thoát khỏi quy định của chức năng Phật giáo nói trên. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì Phật giáo đặt sự tồn vong của mình trong sự tồn vong của dân tộc. Vì sự tồn vong của dân tộc có liên hệ mật thiết đến sự tồn vong của mỗi cá thể làm nên dân tộc đó.

Như vậy là triết lý của Phật giáo đã tránh được phần nào lời cảnh báo của Martin Luther King Jr., người lãnh đạo phong trào dân quyền bất bạo động, chủ nhân giải Nobel hòa bình thế kỷ XX và là viên gạch đặt nền móng cho bình đẳng sắc tộc tại Mỹ: “Lịch sử là câu chuyện dài và bi thương về sự thật rằng nhóm người có đặc quyền hiếm khi tự nguyện từ bỏ đặc quyền của họ. Đó cũng là nguyên nhân sâu xa nhất để chỉ máu là xoay vần bánh xe lịch sử, cái sự thật trần trụi mà nhà thần học thế kỷ XV đã thẳng thắn đúc kết. Và chính đó là cái chân lý tàn nhẫn của lịch sử.

Khỏi phải dẫn giải đâu xa, cứ nhìn ngay vào thảm trạng của đất nước ta trong vòng hơn ¼ thế kỷ qua với cuộc chiến giành quyền lực được bọc ra ngoài câu chuyện chống tham nhũng với củi tươi, củi khô tống vào cái lò của ông Trọng cũng đủ thấy. Ở bài trước tôi đã có nhắc lại một thời đoạn rối ren thối nát cung Vua, phủ Chúa, dân tình điêu đứng. Sách Hoàng Lê nhất thống chí có đoạn: “Nước Nam ta từ khi có đế có vương tới nay chưa thấy bao giờc có ông vua luồn cúi đê hèn như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì viết là Càn Long, việc gì cũng do viên Tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào Trung Quốc?”[1].Chính sự đã vậy thì tất yếu đạo lý xã hội không tránh được sự suy đồi, bung bét . Điển hình là câu nói của tuần huyện Nguyễn Trang nói với thầy học của y là danh sĩ Lý Trần Quán: “Sợ thầy chưa bằng sợ giặc, yêu chúa chưa bằng yêu thân mình[2].

Chuyện này không lạ, vì đó là quy luật tồn vong của các triều đại trong lịch sử. Vào buổi mạt triều, sự đảo lộn thang giá trị xã hội thường bộc lộ một cách phổ biến. Chính vào lúc nhân dân quần chúng bị xem như cỏ rác dùng để lót đường cho cuộc tranh bá đồ vương, thì những kẻ chóp bu trong tầng lớp cầm quyền lại hay diễn tấn bi hài kịch kêu gào đạo đức, lạm phát ngôn từ nhân dân, răn dạy phải giữ danh dự, trọng liêm sỉ… Cứ nghe những lời đường mật như cuốc kêu ngày gần đây thì hiểu sự lố bịch đã đến cỡ nào. Chao ôi, cần gì phải “bổn cũ soạn lại” với giọng dạy đời như dạy trẻ con khiến người nghe phải phì cười: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Đúng thế. Vâng, danh dự! Xin hãy sờ lên gáy các ngài.

Xin mượn lại lời của nhà văn Nguyễn Khải trong Đi tìm cái tôi đã mất, để nói lên cái nguồn cơn của những lời rao giảng, răn dạy ngông nghênh kia:

Nói dối lem lém, nói dối lì lợm không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại… Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không. Nói để giao tiếp đã trở thành nói để không giao tiếp gì hết, nói để mà nói, chả lẽ làm người lại không nói. Thật ra nói thế mà vẫn hiểu nhau cả… nhân dân thì biết người cầm quyền đang nói dối… Nhưng hãy mặc họ với những lời lẽ dối trá của họ….

Khi “cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần”, lời cảnh báo ấy của M. Gorki – đã nhiều lần tôi dẫn ra trong những bài viết trước đây – một lần nữa lại cho thấy cái hệ luỵ mà chúng ta đang phải gánh chịu là khủng khiếp đến mức nào.

Để đỡ nặng đầu, xin chép lại đây một câu chuyện thoạt nghe cứ tưởng như là chuyện tiếu lâm đời mới, nhưng đọc kỹ thì, như câu ông bạn vừa gửi cho tôi đây: “Mình hay kể chuyện tiếu lâm Liên Xô, nhưng chuyện này là nghiêm túc 100%: Lược sử các Lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô.

Sau khi Lenin qua đời (1924), người thứ hai trong đảng là đồng chí Trotsky. Nhưng hoá ra đồng chí Trosky lại là một kẻ phản bội. Kamenev, Zinoviev, Bukharin và Stalin lật đổ Trotsky và trục xuất khỏi Liên Xô vào năm 1927.

Nhưng sau vài năm, hóa ra Kamenev, Zinoviev và Bukharin cũng là kẻ thù và là loài sâu bọ. Sau đó đồng chí dũng cảm Heinrich Yagoda bắt họ (1936).

Chưa đầy 1 năm sau, Yagoda bị Yezhov bắt giữ vì làm điệp viên cho kẻ thù (1937). Nhưng sau một năm nữa, hóa ra Yezhov không phải là đồng chí, mà là một kẻ phản bội tầm thường và là tay sai của kẻ thù. Và Yezhov bị Beria bắt (1938).

Sau cái chết của Stalin, mọi người đều nhận ra rằng Beria cũng là một kẻ phản bội. Sau đó Zhukov bắt Beria (1953).

Nhưng ngay sau đó Khrushchev biết được Zhukov là kẻ có âm mưu. Và ông đã đày Zhukov đến Ural, tước mọi quyền hành cho đến chết.

Và một thời gian sau, người ta tiết lộ rằng Stalin là kẻ thù, kẻ phá hoại và kẻ phản bội (1956). Và cùng với ông ta là hầu hết Bộ Chính trị đương thời. Sau đó, Stalin được đưa ra khỏi lăng, Bộ Chính trị và Shepilov, những người cùng hội cùng thuyền với họ, đã bị giải tán bởi các đảng viên trung thực do Khrushchev lãnh đạo (1957).

Nhiều năm trôi qua và các lãnh đạo trẻ hơn phát hiện: hóa ra Khrushchev là một người bốc đồng, bất hảo, phiêu lưu và cũng là kẻ thù của đảng và nhân dân Xô Viết. Sau đó Brezhnev tống Khrushchev về hưu và sống ẩn dật (1964).

Sau cái chết của Brezhnev, mới thấy hóa ra ông là kẻ gây hại và là nguyên nhân của sự trì trệ (1964-82).

Sau đó, có một hai người nữa mà không ai đủ rảnh để nhớ ra, hình như đang làm lãnh đạo thì chết nên không ai nỡ quy tội phản bội (82-85). Rồi một Gorbachev trẻ trung, năng động lên nắm quyền. Và hóa ra toàn bộ đảng là đảng của những kẻ tàn phá và kẻ thù. Gorbachev bắt tay vào sửa chữa mọi thứ ngay lập tức. Cái mà người ta gọi là Cải tổ, Đổi mới, Perestroyka… đó

Thế rồi, cải không kịp, Liên Xô sụp đổ (1991). Và Gorbachev thành ra kẻ tội đồ, là kẻ thù và kẻ phản bội lại tất cả những kẻ phản bội trước đó. … Rồi Elxin lãnh đạo nước Nga khi về hưu cũng bị quy là kẻ phản bội này nọ. Giờ đến lượt Putin thì chưa thôi chức, nhưng cũng đã thấy trước rất rõ là ai rồi.[3]

Sự thật chỉ được phơi bày khi các hồ sơ được giải mật và Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô phanh phui những việc làm mờ ám của Stalin khi mà trước đó, vai trò của Stalin trong cuộc chiến tranh vệ quốc đánh bại phát xít Hít-le đã làm mờ tất cả tội ác của ông. Từ 1 tháng 1 năm 1935 cho tới tháng 7 năm 1940 các cơ quan mật vụ đã thẩm vấn 19.840.000 dân Xô Viết; 7 triệu trong số đó, hơn 1/3, đã bị kết án tù giam tại các trại lao động, nhà tù. Ngay từ trong thập niên 1920 Stalin đã bắt đầu loại trừ những đối thủ hoặc những người ông cho là đối thủ chính trị của mình ra khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau đó những người này thường bị kết án với những cáo trạng giả tạo để xử họ qua những vụ án điển hình nhằm thao túng dư luận quần chúng, hay xử ngầm, bị xử tử, nhốt tù hay tù lao động trong các trại tù Gulag. Trong cái gọi là cuộc khủng bố vĩ đại (đại khủng bố) từ 1936 tới 1938, cũng còn được gọi là cuộc đại thanh trừng, đỉnh cao các cuộc thanh trừng chính trị, trong khoảng thời gian này mỗi ngày có tới 1.000 người bị xử bắn.[4]

Và những điều vừa dẫn ra (cho dù xác suất là 50% hoặc thấp hơn nữa) thì sự đúc kết của nhà thần học thế kỷ XV Martin Luther “chỉ máu là xoay vần bánh xe lịch sử”, là một chân lý nghiệt ngã không có gì phải nghi ngờ!

Điều trớ trêu là, cái mà nhà thơ cách mạng Tố Hữu cảm nhận được “Mặt trời chân lý chói qua tim”..1 được bắt đầu với “Cách mạng tháng Mười Nga”. Vì khi chưa có cuộc cách mạng ấy, thì

nhân loại chưa thành người,

đêm ngàn năm man rợ…

để rồi…

Từ khi Anh đứng dậy
Trái đất bắt đầu cười
Và loài người, từ đấy
Ca bài ca Tháng Mười
2.

Cảm hứng nghệ sĩ có thể thăng hoa tuỳ lúc, nhưng tác động của hình tượng nghệ thuật thì khá dai dẳng trong tâm hồn, ý tưởng và hành động của công chúng, nhất là lớp trẻ của một thời. Khi nhà thơ cách mạng không ngần ngại hạ bút viết “nhân loại chưa thành người” [lúc chưa có cuộc cách mạng tháng Mười Nga], ông ta không hiểu được rằng “Chính trị là miếng đất trên đó các loại cây gai của sự thù địch độc hại, các nghi kỵ xấu xa, các sự lừa dối trơ trẽn, vu khống, các thói háo danh bệnh hoạn và sự khinh thường nhân cách, phát triển nhanh chóng và um tùm” như cảnh báo của M. Gorki mà tôi đã có lần dẫn ra, thì sức lay động và lan toả của hình tượng nghệ thuật sẽ bám chặt vào đời sống tinh thần của cả một thế hệ, tính nguy hại của nó quả là hết sức khó lường, nhất là khi nó đã chiếm lĩnh được tâm hồn của đám đông.

Đừng quên rằng, “khi một nền văn minh sẵn sàng rơi vào tay đám đông, nó sẽ bị phó mặc cho quá nhiều may rủi để có thể tồn tại lâu dài. Bởi lẽ, “cho đến nay, những nền văn minh chỉ được tạo ra và được dẫn dắt bởi một nhóm nhỏ quý tộc trí thức chứ không bao giờ bởi những đám đông… Do sức mạnh duy nhất là sự phá hoại, đám đông tác động như một loại vi trùng, đẩy nhanh sự tan rã của những cơ thể ốm yếu hay những thây ma. Khi toà lâu đài của một nền văn minh đã bị mục ruỗng, thì bao giờ cũng chính những đám đông sẽ đưa nó tới chỗ sụp đổ. Chính lúc đó, xuất hiện vai trò của chủ đạo của đám đông, và trong một khoảnh khắc, triết lý số đông hình như là triết lý duy nhất của lịch sử[5]. Xin đừng quên “trong một khoảnh khắc”.

Vì, “bao giờ những khía cạnh tuyệt diệu và hoang đường của những biến cố cũng tác động vào đám đông nhất. Khi phân tích một nền văn minh, ta sẽ thấy rằng trên thực tế, cái tuyệt diệu và cái hoang đường là những bệ đỡ thực sự của nền văn minh đó.Trong lịch sử, vẻ bề ngoài luôn đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với cái thực chất. Ở đó, cái phi thực luôn trội hơn cái thực”.[6]

Còn một lý do nữa không thể không lưu ý: “Trong đám đông, tư tưởng, tình cảm, niềm tin có một khả năng lây nhiễm mãnh liệt như khả năng của vi trùngChính bằng cơ chế lây nhiễm, chứ không bao giờ bằng cơ chế suy luận, mà những ý kiến và niềm tin của đám đông được truyền bá[7]. Chính vì thế mà nhà tâm lý xã hội Pháp đưa ra một nhận định không khỏi làm choáng váng một số người: “Khi con người nằm trong đám đông, kẻ ngu dốt và nhà bác học đều không có khả năng nhận xét[8]. Lý do mà Gustave Le Bon đưa ra thật đơn giản: “trước những vấn đề xã hội, nơi bao gồm vô vàn ẩn số, thì tất cả những dốt nát đều ngang nhau[9].

Vào phút thăng hoa của cảm xúc dâng trào, nhà thơ cách mạng – từng là thần tượng của không ít những người trẻ tuổi khao khát lý tưởng – đã không kịp nghĩ hoặc không có thông tin về “bài ca tháng Mười” (liệu có phải vì thế mà bài ca bốc đồng ấy đã không có mặt trong “Tố Hữu - Thơ” xuất bản năm 2005). Chúng ta không nỡ trách nhà thơ, nhưng không thể không nói rằng chính sự thiếu cẩn trọng và quá nông cạn ấy đã gây hại không nhỏ cho cả một thế hệ. Và hơn nữa, đã vô tình biện minh cho tội ác đáng ghê tởm của “Vô sản chuyên chính”, sản phẩm của của cái gọi là “Chủ nghĩa Mác-Lênin”, chính xác hơn là của Stalin (Stalinism) và của Mao Trạch Đông (Maoism) truyền vào nước ta.

Tác giả của Tâm lý học đám đông từng chỉ ra: “Đám đông chỉ có thể suy nghĩ bằng hình ảnh, chỉ bị ấn tượng bởi hình ảnh[10]. Chính vì thế, “nếu đám đông đã đôi lúc suy luận và chất vấn về quyền lợi trực tiếp của mình thì có lẽ chẳng có nền văn minh nào được phát triển trên bề mặt hành tinh của chúng ta, và nhân loại sẽ không có lịch sử”.[11] Ấy thế mà thiên tài Einstein lại khẳng định rằng: “Sự bí ẩn vĩnh hằng của thế giới chính là điều lớn lao nhất mà chúng ta có thể hiểu. Việc con người có thể tìm hiểu về thế giới chính là điều kỳ diệu”. Phải chăng một trong những sự bí ẩn vĩnh hằng ấy là những điều vừa dẫn ra về đám đông? Việc ai đó từng chơi chữ “quần chúng không quần chúng như người ta tưởng” đã diễn đạt khá tinh tế và rành mạch về sức tàn phá của “quần chúng” khi được khai thác và sử dụng để đập phá chứ không phải là để xây dựng.

Vậy thì, ai đã xây đắp nên những công trình kiến trúc vĩ đại được xem là những kỳ quan của thế giới như Kim tự tháp Ai Cập, Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc, Tượng Cristo Redento Brazil, Taj Mahal Ấn Độ… và bao kỳ quan khác nữa?

Hãy chỉ nói riêng về Taj Mahal ở Ấn Độ, vẻ đẹp của kiến trúc này là thứ mà không công trình nào khác vượt qua được. Taj Mahal được xây dựng hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng. Cảnh quan tuyệt đẹp đặc biệt là lúc bình minh và hoàng hôn. Taj Mahal dường như phát sáng rực rỡ nhất dưới ánh trăng. Nhờ được xây bằng đá cẩm thạch trắng và sa thạch đỏ trên cao nên chất liệu đặc biệt này, Taj Mahal có thể đổi màu tùy vào cường độ ánh sáng mặt trời, mỗi một khung giờ, lăng mộ lại có một màu sắc riêng, đặc biệt hơn cả là vào những đêm trăng sáng, Taj Mahal như một viên ngọc lấp lánh.

Ustad Tsa kiến trúc sư người Iran vẽ thiết kế và giám sát xây dựng. Ông là kiến trúc sư giỏi nhất thời đại đó. Để hoàn thành đền Taj Mahal ước tính cần đến 20.000 công nhân và thợ thủ công của Ấn Độ. Để chuyên chở nguyên vật liệu chủ yếu là đá, phải có hơn 1.000 con voi. Nhiều loại nguyên liệu quý đã được tìm mua và đưa về ở nhiều vùng đất xa xôi từ Á sang Âu.

Quả là không có sức lao động, mồ hôi và máu của hàng vạn con người thì không thể có được những kỳ quan mà Taj Mahal ở Ấn Độ là một trong số đó. Nhưng ngoài một số thợ khắc và chạm trổ ngọc có tay nghề tinh xảo được nêu tên, hàng vạn người góp sức xây nên kỳ quan này đều không có ai được lưu danh cả. Cũng như mọi kỳ quan khác, người được lưu danh là các kiến trúc sư, những nhà thiết kế chịu trách nhiệm xây dựng và hoàn thành công trình.

Liệu như vậy có bất công? Có và không. Với thời gian, những hiện tượng, sự kiện, con người… đều nhạt nhoà, mờ phai đi.

Đó là sự trớ trêu của lịch sử. Vì rằng, “cá nhân nằm trong đám đông là một hạt cát giữa vô vàn hạt cát khác mà gió sẽ bốc lên tuỳ thích”.[12] Vả chăng, “thời gian đã tích tụ vô vàn mảnh vụn của niềm tin, ý tưởng, trên đó nảy sinh tư tưởng của một thời đại[13]…. Thời gian làm cho mọi niềm tin nảy sinh, chết đi, chính nhờ thời gian những niềm tin đạt được sức mạnh và cũng qua nó những niềm tin mất đi sức mạnh[14]. Hơn nữa, “chắc chắn đám đông bao giờ cũng vô thức, nhưng chính cái vô thức ấy có lẽ là một trong những bí ẩn của sức mạnh đám đông”. Phải chăng vì thế mà Gustave Le Bon dám khẳng định rằng: “Lịch sử khó giữ được cái gì vĩnh hằng ngoài những huyền thoại”.[15]

Chỉ dừng lại một ví dụ: khi những người làm du lịch cả nước nói chung và Thừa Thiên – Huế nói riêng ra sức quảng bá cho đền đài, chùa chiền, lăng tẩm ở cố đô Huế để thu hút du khách, chắc họ không nhắc đến câu ca dao quen thuộc dạo nào nói về Lăng Tự Đức: “Vạn niên là vạn niên nào, thành xây xương lính, hào đào máu dân”. Vậy thì sự thật lịch sử được dội vào trong hình tượng nghệ thuật cần xử lý thế nào đây?

Đâu phải chỉ chuyện Lăng Tự Đức, ý của một ông vua muốn lưu danh thiên cổ. Có lẽ hầu như mọi kỳ quan mà nhân loại tự hào lưu danh đều xuất phát từ ý muốn cá nhân, một ông vua, một bà hoàng hậu hay một khát vọng ngông cuồng của một cá nhân nào đó muốn tên tuổi mình được thiên hạ biết đến… Đại loại như thế.

Ví như lịch sử xây dựng Taj Mahal là nhà vua dồn sự đau xót tiếc thương người vợ trẻ vào một công trình vĩ đại thế kỷ XVII dành cho người quá cố. Đó là câu chuyện về tình yêu bất diệt của hoàng đế Shah Jahan (lên ngôi năm 1627) với người vợ yêu quý là hoàng hậu Mumtaz Mahah qua đời ở tuổi 39. Từ câu chuyện tình yêu ấy, nhân loại ghi nhận kỳ quan có một không hai!

Cũng na ná như thế, Vườn treo Babylon do nhà vua Nebuchadrezzar II xây dựng nhằm làm nguôi ngoai bớt nỗi nhớ quê hương của nàng Amytis xứ Media – bà hoàng hậu của ông – luôn da diết nhớ phong cảnh núi rừng tươi xanh ở Ba Tư của mình. Để an ủi vợ, huyền thoại Vườn Treo được tạo ra, nhân loại thêm một kỳ quan.

Ấy vậy mà, nhờ có những ngẫu nhiên mang tính riêng tư hoặc ý muốn ngông cuồng của một cá nhân đang thao túng sức mạnh của quyền lực trong một thời đoạn lịch sử nào đó, đã đem lại những hệ quả khách quan khó ai ngờ: lịch sử lại ghi nhận thêm những kỳ quan như ta đã thấy.

Nếu xâu chuỗi các sự kiện, hiện tượng ngẫu nhiên đó lại, thì nhân loại thấy ra những tất yếu mang tính quy luật. Nói như Gustave Le Bon, “Chúng là con đẻ của quá khứ, là mẹ của tương lai, và bao giờ cũng là nô lệ của thời gian”.[16]

Mà sự nghiệt ngã của thời gian lại không dành riêng cho một ai. Không ai có thể thoát ra khỏi sự nghiệt ngã ấy, nên chính vì vậy mọi sự nôn nóng, manh động, đốt cháy giai đoạn, v.v. đều phải trả giá. Mà cái giá phải trả ấy thường rất đắt. Đắt đến độ không còn có dịp để nhận ra bài học mà “rút kinh nghiệm”. Đó là một sự thật cay đắng. Cho nên, “đem lại cho con người phần hy vọng và ảo tưởng, mà không có nó con người không thể sống, đó là lý do tồn tại của các thần thánh, các anh hùng và các nhà thơ”.[17]

Tôi có một kỷ niệm nhỏ về lập luận này xin kể ra đây như một minh hoạ:

Vào quãng giữa những năm 90 của thế kỷ trước, vào một ngày thứ Sáu như thường lệ, tôi nhận được lời mời đến trao đổi với Cố vấn Phạm Văn Đồng về chuyến đi thăm Đài Loan theo sự sắp xếp của một Công ty lớn ở Đài Bắc. Đang ngon trớn quanh câu chuyện thoải mái và thú vị về các cuộc trao đổi với một số trường Đại học của Đài Loan thì anh Năng, trợ lý của Cố vấn Phạm Văn Đồng vào báo là có anh Tố Hữu đến thăm.

Thấy bác Tô thoáng có ý chần chừ, tôi đứng dậy: “Xin để anh tiếp anh Lành, tôi xin phép về, chiều 2g30 tôi sẽ đến”. Cụ Đồng đưa tay ngăn lại: “Anh cứ ngồi cùng tôi gặp anh Lành”. Anh Tố Hữu bước vào cười vui: “Tôi lại cắt ngang buổi làm việc của anh Tô với nhà xã hội học rồi đây”, vừa nói anh vừa ngồi xuống chiếc ghế vừa được đưa thêm vào. “Chẳng làm việc gì đâu ạ” – tôi trả lời – Biết được là tôi vừa đi Đài Loan về, Bác Tô cho gọi tôi đến để trao đổi về chuyến đi”.

Anh Tố Hữu. vui vẻ: “Hay quá, cho tôi cùng được nghe, có tiện không ạ”. Tôi chưa kịp trả lời thì bác Tô quay sang: “Anh cứ kể lại câu chuyện anh vừa nói với tôi cho anh Lành nghe”.

Vâng”, tôi trả lời cụ Đồng, và quay sang anh Tố Hữu, “Biết tôi vừa có chuyến đi tìm hiểu và trao đổi về văn hoá với một số trường Đại Học ở Đài Bắc, ở Cao Hùng và Viện Bảo tàng Tôn Trung Sơn, bác Tô muốn biết ấn tượng sâu sắc nhất về chuyến đi đối với tôi là gì. Tôi thưa là: Tôi thấy sinh viên Đài Loan thích học và hình như họ thấm nhuần chủ nghĩa Tam Dân hơn sinh viên ta ngại học và chắc là chẳng mấy thấm nhuần Chủ nghĩa Mác-Lênin”.

Nghe đến đấy, anh Tố Hữu nói ngay: “Đúng rồi. Chủ nghĩa Mác-Lênin dễ hiểu như hạt lúa củ khoai chứ đâu có rắc rối hàn lâm như các anh”, Tố Hữu nhìn vào tôi rồi quay sang cụ Đồng: “Chắc anh Tô còn nhớ báo cáo của Ngô Gia Khảm, Nguyễn Thị Chiên, Trần Đại Nghĩa tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đó là Chủ nghĩa Mác Lênin chứ còn gì nữa”.

Thoạt đầu tôi nín lặng, nhưng khi anh nhắc lại chuyện “rắc rối, hàn lâm” lần thứ hai thì tôi không nín nhịn nữa: “Thưa anh, không phải chúng tôi làm cho rắc rối, ra vẻ hàn lâm đâu ạ. Mà chính từ Ban Tuyên giáo của anh và các trường Đảng cao cấp, trung cấp ở trung ương, rồi các tỉnh thành soạn các giáo trình mẫu ấn vào đầu chúng tôi, bắt phải theo đúng chuẩn, thì mới nảy ra cơ sự đáng buồn này chứ. Khi Hồ Ngọc Đại giảng về Hegel, hoặc khi tôi giảng về Đạo đức học và Mỹ học thì sinh viên Khoa Triết khoá I của Đại học Tổng hợp Hà Nội thích, nhưng người ta lại ngại, cho làphóng khoáng quá, không đúng chuẩn””.

Bác Tô cười hiền lành: “Có chuyện đó à? Tôi chưa được nghe nói”. Câu chuyện còn dài và tôi cũng đã có dịp kể, nay không dài dòng thêm. Vắn tắt đôi điều chỉ nhằm thuyết minh cho luận điểm: “Khi đã trở thành chân lý đại chúng, bằng cách nào đó, một tư tưởng cao siêu quay ngược về nguồn và bấy giờ tác động đến tầng lớp trên của một dân tộc. Rốt cuộc, chính trí tuệ đã dẫn dắt, nhưng thực ra nó dẫn dắt thế giới từ rất xa. Các triết gia sáng tạo ra những tư tưởng đều đã trở về với cát bụi từ rất lâu rồi, trong khi tư tưởng của họ, nhờ hiệu quả của cơ chế mà tôi vừa mô tả [cơ chế lây nhiễm. TL], cuối cùng đã chiến thắng”.[18]

Phải chăng đó là chiến thắng của trí tuệ, chiến thắng của bộ phận tinh hoa nằm trong nội lực dân tộc, chiến thắng của quốc sách trân trọng và tìm mọi cách phát huy đến mức cao nhất tài năng và cống hiến của bộ phận tinh hoa ấy. Ngược lại, diễn biến thực tiễn của việc không biết trọng dụng hiền tài ở Miền Nam sau năm 1975 đưa đến một hệ luỵ ra sao thì quá rõ. Nhưng đâu phải chỉ ở Miền Nam sau năm 1975.

Ngược về cho đến ngọn nguồn lạch sông thì phải nhìn cho thấu bệnh ấu trĩ tả khuynh trong khẩu hiệu của Xô Viết Nghệ Tĩnh “trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ”. Trong Hồi ký “Một thời để nhớ” của Tố Hữu, tác giả của những bài thơ hừng hực ngọn lửa đấu tranh khi được “mặt trời chân lý chói qua tim”, vì thế mà hiểu được “thảm cảnh” của cái thuở “nhân loại chưa thành người” nói ở trên, đã thấm thía về hệ luỵ đau đớn của sự manh động, nôn nóng mà cái giá phải trả là máu xương của nhiều lãnh tụ phong trào và quần chúng nhân dân.

Nếu phân tích kỹ, dám nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật, thì không chỉ là “tả” khuynh, manh động mà sự ấu trĩ, thiếu hiểu biết, ít nhất là không biết và không hiểu được những điều tối thiểu về tâm lý và chức năng, cũng như những tính cách và đặc điểm tâm lý “đám đông” và vai trò của họ mà bài viết cố gắng gợi ra đôi điều. (Không biết chính xác đến mức nào câu chuyện trong chiếc va ly mây của kỹ sư Trần Đại Nghĩa đem theo, ngoài vài cuốn sách kỹ thuật cơ khí, có cuốn Tâm lý học đám đông của Gustave Le Bon mà Bác Hồ dặn cần mang theo khi lên đường về nước. Chuyện này gợi ra nhiều suy tư và cảm nhận).

Trong cuộc chiến tranh nhân dân, sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân được huy động và phát huy cao độ đã đưa các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đi đến thắng lợi. Nhưng lại không thể không thấy rằng, khi quản lý việc xây dựng đất nước, vận hành guồng máy xã hội về kinh tế, văn hoá thì vai trò và sức mạnh của quần chúng lại không được như mong muốn. Hơn 70 năm xây dựng và phát triển Miền Bắc, gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta vẫn còn lạc hậu quá xa so với khu vực và thế giới. Nếu nhìn lại nước Nhật sau khi phát xít bại trận và gánh chịu hai quả bom nguyên tử, họ đã trở thành một cường quốc về kinh tế, khoa học và công nghệ như thế nào nhờ biết trọng dụng nhân tài, phát huy tài năng và tiềm lực của bộ phận tinh hoa, đầu tư ở mức cao nhất cho giáo dục và khoa học công nghệ, thì sẽ hiểu tại sao nước ta vẫn đang phải nhục nhã gánh chịu số phận một nước chậm tiến. Nước ta không phải là không có những nhà lãnh đạo biết nhìn xa, trông rộng và biết cách quy tụ và phát huy bộ phận tinh hoa, vốn quý của dân tộc mà Võ Văn Kiệt là một trong số đó. Chỉ có điều, bị cầm tù trong những giáo điều của hệ tư tưởng, không ít những nhà lãnh đạo từng được thử thách và tôi luyện trong ngọn lửa chiến đấu một mất một còn với kẻ thù cướp nước, chưa thể bứt phá để đưa dân tộc đi tới.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng nếu chỉ đưa ra một nguyên nhân cốt lõi, thì đó chính là chúng ta không biết, thậm chí không muốn, tạo điều kiện cho bộ phận tinh hoa của dân tộc phát triển, không dám phát huy tài năng và sức mạnh về mọi mặt của trí thức đích thực, có hoài bão cống hiến. Chẳng những thế, chính cái cơ chế hiện tồn đang làm thui chột và thất thoát tài năng của đất nước, lại dung dưỡng cho sự nịnh bợ, háo danh, mua bằng, bán điểm, học vờ bằng giả.

Đương nhiên, đúng là, không phải lúc nào dân tộc cũng được tuỳ ý lựa chọn cho mình một thể chế cũng như không chọn được màu mắt hay màu tóc của mình. Hơn nữa, một thể chế tốt ở một thời điểm nhất định cho một dân tộc này có thể là đáng ghét với một dân tộc khác. Nước Đan Mạch cũng như nước Anh theo thể chế quân chủ lập hiến, nhưng người ta lại cho rằng đây là những nước dân chủ nhất trên thế giới. Trong khi đó, nhiều nước cộng hoà Mỹ Latinh theo chế độ Cộng hoà thì chế độ chuyên chế còn đè nặng lên số phận nhân dân. Vấn đề đặt ra không là tên gọi, mà là thực chất của số phận nhân dân.

Phải chăng đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Hồ Chí Minh sáng lập sang Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một bước lùi, đi ngược lại mong muốn của dân tộc Việt Nam? Vậy thì kiên trì “con đường xã hội chủ nghĩa” có phải là vì hạnh phúc, vì số phận của người dân hay vì cái ghế quyền lực đang lung lay cần được gia cố, hà hơi tiếp sức từ “người đồng chí cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa”, tức là người đồng chí của ông Nguyễn Phú Trọng?

Tiến hay lùi không ở tên gọi, mà ở số phận của nhân dân. Nay người ta đang cố thêu hoa dệt gấm cho “con đường mà Bác và Đảng đã chọn” nhưng không thấy đả động gì đến sự chọn lựa của nhân dân thì cớ làm sao?

Xin mượn lại lời của nhà văn Nguyễn Khải để tạm kết thúc bài “Những bước trớ trêu của lịch sử” phần I và phần 2:

Nhân dân biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực tiễn là biết ngay họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời dối trá của họ.

Ngày 27.12.2021

T. L.

Tác giả gửi BVN.

_____________

[1] Hoàng Lê nhất thống chí, tr.344.

[2] Hoàng Lê nhất thống chí, tr. 105.

[3] Tài liệu này do anh Ng Th Ng gửi cho tôi, tác giả là ai thì tôi chưa được biết rõ.

[4] Theo Bách Khoa Toàn Thư mở WIKIPEDIA.

[5] Gustave Le Bon, Tâm lý học đám đông. NXB Tri thức, tr. 178.

[6] Gustave Le Bon, tr. 63.

[7] Gustave Le Bon, tr. 178.

[8] Gustave Le Bon, tr. 63.

[9] Gustave Le Bon, tr. 270.

[10] Gustave Le Bon, tr. 99.

[11] Gustave Le Bon, tr. 87.

[12] Gustave Le Bon, tr. 50.

[13] Gustave Le Bon, tr. 217.

[14] Gustave Le Bon, tr. 126.

[15] Gustave Le Bon, tr. 74.

[16] Gustave Le Bon, tr. 127.

[17] Gustave Le Bon, tr. 160.

[18] Gustave Le Bon, tr. 189.

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.