Hồng Hà
Thi bá Nguyễn Gia Thiều đúng là bậc linh thiêng! Ông từng tiên tri về đường sắt Cát Linh – Hà Đông, nó là biểu tượng “môi – răng” giữa hai huynh đệ cộng sản:
Khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào;
Miếng tình nghẹn mãi biết làm sao?
Muốn kêu một tiếng cho to lắm;
Rằng ối ai ơi khốn thế nào!
Nguyễn Gia Thiều
(VNTB) – Liệu những việc gọi là ‘diễn tập’ đối với đường sắt Cát Linh – Hà Đông, phải chăng cũng nằm trong cảnh báo hồi tháng 6-2021 của tư vấn?
Theo phản ánh của một số hành khách, khoảng 18g30 ngày 7-12, tuyến đường sắt đô thị (metro) Cát Linh – Hà Đông bất ngờ thông báo dừng chở khách do gặp sự cố. Một số khách đã mua vé đi tàu từ ga Cát Linh được trả lại vé để khắc phục sự cố, trong khi các đoàn tàu khác không vào được ga Cát Linh.
Sau đó thì ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) cho hay đây chỉ là phương án diễn tập để ứng phó với sự cố bất ngờ về tín hiệu của đoàn tàu có thể xảy ra với metro Cát Linh – Hà Đông, nằm trong số 63 tình huống mà tư vấn đánh giá độc lập về an toàn ACT đã đưa ra khuyến cáo trong giai đoạn khai thác vận hành.
Ông Trường không cụ thể 63 tình huống được cho là phía ACT đưa ra là gì, chỉ biết vào ngày 9-6-2021, liên danh tư vấn Apave-Certifer-Tricc (tư vấn ACT – Pháp) cho biết, đã đưa ra 16 cảnh báo dẫn tới nguy cơ mất an toàn hệ thống khi vận hành đối với Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội).
Trong báo cáo này, tư vấn ACT cho rằng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông không đáp ứng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật trong vận hành hệ thống metro của châu Âu – cụ thể:
Dự án không bảo đảm an toàn hệ thống điện kéo, hệ thống phanh điện; hệ thống chưa sẵn sàng xử lý tình huống khẩn cấp trong khai thác, khi thử nghiệm 10 quy trình khẩn cấp của hệ thống có 8 quy trình thất bại.
Tổng thầu EPC – Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc không cung cấp đủ tài liệu liên quan tới an toàn vận hành hệ thống; Hệ thống an toàn cháy nổ nhà ga trên tuyến không bảo đảm; an toàn hệ thống cầu cạn cũng chưa bảo đảm.
Qua đánh giá 76 mối nguy hiểm, 31 chức năng an toàn, quản lý rủi ro và 10 tình huống xử lý khẩn cấp của hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông, tư vấn ACT đã đưa ra 16 khuyến cáo về nguy cơ mất an toàn trong vận hành thương mại tuyến đường sắt này.
ACT nhấn mạnh nếu vận hành hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, chủ đầu tư (Bộ Giao thông vận tải/Ban Quản lý dự án đường sắt) phải chấp nhận các rủi ro và hệ quả tương ứng.
Phía Bộ Giao thông vận tải đã ‘biện minh’ thay cho phía Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, là “Dự án thực hiện phần lớn theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, từ thiết kế, thi công, nghiệm thu tới vận hành khai thác. Trong khi Tư vấn ACT lại đánh giá theo tiêu chuẩn châu Âu. Ngoài ra, dự án được phê duyệt thiết kế từ năm 2010 – 2011, trong khi một số nội dung được Tư vấn ACT đánh giá theo công nghệ hiện nay”.
Cụ thể, tiêu chuẩn tàu điện đô thị của Trung Quốc chỉ yêu cầu đánh giá và cấp chứng nhận an toàn với Hệ thống tín hiệu, không đánh giá và cấp chứng nhận an toàn cho các hạng mục: Hệ thống điện kéo, phanh điện của đoàn tàu và các hệ thống còn lại của dự án. Trong khi tiêu chuẩn châu Âu lại yêu cầu đánh giá.
Tư vấn ACT cũng yêu cầu cung cấp tài liệu để đánh giá 6 nội dung, gồm: Loại phương tiện, hệ thống báo hiệu điều khiển tàu, hệ thống cung cấp động lực; Đánh giá rủi ro của các biện pháp sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp; Đánh giá tương thích điện từ; Đánh giá tích hợp hệ thống; Đánh giá vận hành thử hệ thống; Đánh giá hệ thống quản lý an toàn vận hành.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam ‘giải thích’ rằng phía Tổng thầu EPC sở dĩ không cung cấp được đầy đủ tài liệu theo yêu cầu, do tiêu chuẩn của Trung Quốc cũng không chi tiết các vấn đề này.
Bộ Giao thông vận tải tái khẳng định, các đoàn tàu đã đầy đủ hồ sơ chứng minh chất lượng theo chỉ dẫn kỹ thuật được duyệt về độ bền, khả năng ứng cứu trong các trường hợp khẩn cấp, cứu hộ cứu nạn. Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất và nhà thầu cung cấp đoàn tàu cũng cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng và an toàn đoàn tàu.
Về một số nội dung khác, như hệ thống hút gió riêng biệt sử dụng khi có sự cố cháy nổ; chưa có hệ thống cảnh báo cháy tự động; không có hệ thống tự động mở cửa khoang khách trong tình huống khẩn cấp (hệ thống mở khoá an toàn thủ công); một số khuyến cáo cần đầu tư thêm (hỗ trợ người khuyết tật, lắp thêm rào chắn ke ga…)… Bộ Giao thông vận tải cho biết, một số nội dung sẽ được bổ sung khi đưa tàu vào khai thác, một số nội dung sẽ được bố trí thêm nhân sự, biển báo để hướng dẫn hành khách….
Tin tức cho biết, sau khi nhận các cảnh báo từ tư vấn Pháp, Metro Hà Nội đã quyết định thuê tư vấn Trung Quốc hỗ trợ 1 năm vận hành hệ thống quản lý an toàn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
H.H.
VNTB gửi BVN