GS Trọng: ‘miếng ăn là miếng tồi tàn’ và tiếp tục hô hào ‘đạo đức cách mạng’

BBC Tiếng Việt

Tổng bí thư Đảng CS VN, Giáo sư Nguyễn Phú Trọng lại vừa đăng đàn lên tiếng cảnh báo về nguy cơ ‘suy thoái’ trong cán bộ của đảng này, hiện có trên 5 triệu thành viên ở quốc gia 97 triệu dân.

NGUỒN HÌNH ẢNH,XINHUA

TBT Nguyễn Phú Trọng uống trà tại Bắc Kinh cùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm đầu năm 2017. Trong một lần khác, khi đón ông Tập Cận Bình tại HN, ông Trọng khen ‘trà Việt Nam không ngon bằng trà Trung Quốc”, theo VTV hôm 13/11/2017

Theo trang báo Chính phủ VN hôm 09/12/2021, GS Trọng đã nhắc lại một lần nữa nhu cầu “tự phê”, và chỉnh đốn Đảng.

Mô hình Leninism cho rằng một thiểu số cầm quyền có vai trò lịch sử là lãnh đạo xã hội, và chỉ cần họ tự sửa chữa các vấn đề nội bộ là sẽ giải quyết được các vấn đề khác của bộ máy nhà nước và xã hội.

GS Nguyễn Phú Trọng dùng cả các câu trích từ văn học nước ngoài, ca dao tục ngữ trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

“Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người”…

“Tôi nhớ nhà văn Nga Maxim Gorky có nói: “Con người – hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao!”.

“Nhưng con người cũng có không ít tật: “Kém một miếng không chịu được”, “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu!

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Xã hội VN ngày càng phát triển thì nhu cầu ẩm thực càng trở nên sang trọng, thậm chí đắt giá. Reuters ngày 10/12 nói về nhà hàng bò dát vàng đầu tiên khai trương ở Hà Nội gần đây, với giá 45 USD/suất

“Vì vậy, thường rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của đảng và sự tồn vong của chế độ…”

Nhiều vấn đề mà dư luận và báo chí VN đã nêu từ lâu, liên quan đến tham nhũng, lợi ích nhóm, được GS Trọng giải thích là có nguyên nhân từ đạo đức, lý tưởng, theo sau cuộc cách mạng đã diễn ra nhiều thế hệ về trước, vào năm 1945.

“Nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của đảng;

“Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân…”

Việt Nam là một trong số ít quốc gia gắng duy trì mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô cũ, nên thế giới bên ngoài, theo nhãn quan của GS Trọng, có vẻ nhiều kẻ thù sẵn sàng “quyến rũ” cán bộ ĐCSVN

“Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của đảng và dân tộc.”

Bài phát biểu cũng liệt kê ra hàng chục tệ nạn của bộ máy công quyền VN, với một số điều nếu ở các nước có tiêu chuẩn luật hình sự cao có thể coi là hoạt động tội phạm có tổ chức (tham khảo luật EU):

“Chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc “người thân”, “cánh hẩu” được tiếp nhận, tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, khen thưởng, phong tặng danh hiệu, đi học, đi nước ngoài;

“Thực hiện chế độ, chính sách cán bộ trái quy định; can thiệp, tác động vào các hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

“Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để vụ lợi, tham ô, hối lộ, lãng phí, tiêu cực (cụ thể là can thiệp, tác động để vợ (chồng) và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để chạy chọt, được làm dự án, công trình, mua sắm thiết bị…);

“Bao che cho các hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, bè phái, cục bộ,… “

Để giải quyết các vấn nạn trên, GS Trọng cho biết Đảng CS VN “đã có các quy định” riêng.

Ngoài ra, ông cho hay Đảng còn bổ sung những quy định mới “về công tác giám sát việc chứng nhận, công nhận bằng cấp, quốc tịch, thu nhập, chuyển tiền, mua tài sản ở nước ngoài…” và tin tưởng đây là các “biệt dược” để trị bệnh cho tổ chức này.

Nhiều giải pháp “chỉnh đốn Đảng” mà GS Trọng, năm nay 77 tuổi nêu ra, được một số lý thuyết cho là thuộc phạm trù Đức Trị nên không phù hợp với xã hội Việt Nam ngày nay.

Tuy thế, Đảng do TBT Trọng lãnh đạo bác bỏ quan điểm khá phổ biến trên thế giới rằng để chống tham nhũng, suy thoái của bộ máy công một cách hiệu quả, VN cần nhà nước pháp quyền, tự do báo chí và cư chế tư pháp, cảnh sát độc lập với giới chính khách.

Với quan điểm gần như không thay đổi thuần chất của hệ thống Xô Viết đã tan rã 30 năm trước về nhà nước và xã hội, GS Nguyễn Phú Trọng được Tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm ở Hoa Kỳ gọi là “người cộng sản cuối cùng” của nước Việt Nam (xem bài đã đăng).

Các câu nói nổi tiếng của TBT Trọng:

Tháng 2/2013 ông nói về tiềm năng của Hà Nội và huyện Thạch Thất:

“Hà Nội nói chung và huyện Thạch Thất nói riêng đang có đầy đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước năm 2020.

“Công nghiệp hóa càng phải giữ gìn môi trường, càng hiện đại hóa càng phải sống với nhau có nghĩa tình, con người nhân ái với nhau, thương yêu đùm bọc nhau. Thế mới là Việt Nam, thế mới là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Tháng 10/2017 ông nói về Nghệ An “Cán bộ có trình độ thế mà chưa bứt phá mạnh”

“Tại sao một vùng đất anh hùng, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, lại được nhân dân đồng tình hưởng ứng, Trung ương quan tâm ủng hộ, cán bộ có trình độ như thế mà Nghệ An vẫn chưa bứt phá mạnh mẽ?”

Tháng 11/2017 nói về ‘chán Đảng khô Đoàn’

“Cần hết sức thấm thía, từ đó ngăn chặn tình trạng chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị, ngăn chặn cho được tình trạng tha hóa, hư hỏng, tư tưởng dao động không vững vàng, kèn cựa nhau…”

Tháng 7/2015: nói với TT Barack Obama khi thăm Hoa Kỳ về “niềm tin và nhân quyền”

“Vấn đề nhân quyền là vấn đề mà chính giới và dư luận Hoa Kỳ rất quan tâm, cũng là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước. Tôi khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề quyền con người.”

“Đất nước chúng tôi tuy còn không ít vấn đề cần tiếp tục phải giải quyết, trong đó có vấn đề quyền con người, nhưng chúng tôi đang nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.”

Tháng 2/2018 GS Trọng nhắc lại lần thăm Trung Quốc cuối 2017: “Ông Tập không tự ái”

“Tôi nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất chân tình. Tôi nói tình đồng chí anh em muốn giữ được thì phải tin nhau, mà muốn tin nhau thì việc làm phải đúng như lời nói. Tôi nói thẳng như thế mà không thấy ông ấy tự ái gì.”

Tháng 6/2018: “Sắp xếp bộ máy công an đụng chạm ghê gớm lắm”

“Lo nhất là ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’, cho nên phải có biện pháp.”

“Nhân dịp này, các cơ quan hữu quan, trong đó có lực lượng công an cần sơ kết, kiểm điểm rút kinh nghiệm, xem đã làm được gì, chưa làm được gì, cần rút kinh nghiệm việc gì…”

Tháng 4/2018 ông nói về chống tham nhũng

“Bất kỳ là ai, đã tham nhũng, tay nhúng chàm đều phải xử lý triệt để.”

Tháng 12/2018 ông nói về bóng đá Việt Nam “đã khơi dậy niềm tự hào và tinh thần đoàn kết dân tộc, tạo không khí phấn chấn trong xã hội”.

Tháng 5/2015 nói với cử tri Hà Nội về việc ghép hai chức vụ Đảng và chính quyền

“Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát?

“Ở trung ương thì Quốc hội giám sát Chính phủ, còn ở địa phương Hội đồng nhân dân giám sát hoạt động của chính quyền địa phương.”

Tháng 12/2016: Nói về quyết tâm bắt bằng được ông Trịnh Xuân Thanh

“Bây giờ chúng ta đã phát lệnh truy nã ra cả quốc tế, phối hợp với các cơ quan của các nước và tinh thần là bắt bằng được, không trốn được đâu.”

Nguồn: BBC Tiếng Việt

This entry was posted in Nguyễn Phú Trọng. Bookmark the permalink.