Đừng tranh cãi về “đúng quy trình”, hãy tìm cách giải quyết!

Song Nghi

(KTSG) – Năm nay, cũng như vài năm trước, sau trận lũ tràn ngập nhiều khu vực ở miền Trung trong tuần qua, cuộc tranh cãi về xả lũ lại tái diễn. Các tỉnh miền Trung ở hạ nguồn cho rằng thủy điện ở thượng nguồn xả lũ ồ ạt gây ngập diện rộng. Còn các tỉnh Tây Nguyên phía thượng nguồn lại nói trách nhiệm thuộc về các tỉnh dưới hạ nguồn do không điều tiết xả lũ kịp thời.

Báo cáo sáng 4-12 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống Thiên tai cho biết, mưa lũ trong những ngày vừa qua đã làm 17 người chết và mất tích, gần 1.000 héc ta lúa bị thiệt hại, hơn 1.000 con gia súc và 67.000 con gia cầm bị chết. Hàng chục ngàn người dân phải qua đêm ở các khu lánh nạn tạm thời tại địa phương khi có đến gần 60.000 ngôi nhà bị ngập, có nơi ngập sâu đến 1-2 mét.

Cho dù trách nhiệm thuộc về ai thì dân luôn là người lãnh đủ phần thiệt hại. Đằng sau những con số này là gia sản tích cóp được của những người dân nghèo chỉ trong phút chốc bị mất trắng. Việc hoa màu, gia súc, gia cầm của họ trôi theo dòng nước đồng nghĩa với những khoản thu nhập chuẩn bị cho cái Tết đang đến gần không còn nữa. Trong khi người dân trắng tay thì các nhà máy thủy điện vẫn an toàn và tiếp tục yên ổn kiếm tiền sau khi xả lũ ồ ạt.

Một trong những nguyên nhân chính khiến người dân trở tay không kịp do nước lũ lên quá nhanh, khiến họ không thể cứu tài sản mà chỉ kịp bỏ chạy thoát thân. Lũ lên nhanh là do thủy điện Sông Ba Hạ (nằm trên sông Ba, thuộc địa phận huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) nằm cuối bậc thang thủy điện trên sông Ba xả lũ với lưu lượng lớn bất thường. Chỉ trong vòng bảy giờ (từ 8 giờ đến 15 giờ ngày 30-11), thủy điện Sông Ba Hạ đã tăng lượng xả lũ về sông Ba từ 4.000 mét khối/giây lên 9.000 mét khối/giây.

Dù có đủ quy trình vận hành hồ, công bố, ký lệnh xả lũ thủy lợi, thủy điện để điều tiết lũ tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, nhưng cứ mỗi trận lũ về thì các tỉnh này lại tranh cãi và quy trách nhiệm cho nhau.

Khi thủy điện chồng lên thủy điện thì việc kiểm soát các thủy điện dưới thấp sẽ rất khó. Lỗi không chỉ ở quy trình vận hành mà còn là bài toán quy hoạch đầu tư từ ban đầu và quá trình điều phối liên hồ chứa. Trong trường hợp vừa qua, hồ thủy điện Sông Ba Hạ chỉ có sức chứa 150 triệu mét khối, trong khi trong 24 giờ, lượng nước xả lũ từ hai thủy điện thượng nguồn là Đắk Srông và Krông Hnăng đổ về hồ Sông Ba Hạ lên đến 600 triệu mét khối(**).

Với các bất cập về quy hoạch thủy điện hiện hữu như vậy, khi xảy ra lũ thì người dân sẽ còn phải tiếp tục lãnh đủ hậu quả nặng nề. Đã đến lúc ngưng các cuộc tranh cãi không có hồi kết này lại để tập trung tìm giải pháp. Đã đến lúc các thủy điện phải chịu sự điều phối liên vùng thống nhất trên toàn hệ thống sông và khi cần thiết, các thủy điện buộc phải xả lũ sớm. Tất nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ nhưng đây là biện pháp bắt buộc phải làm dựa trên cả luật pháp lẫn đạo lý.

Cơ quan điều phối liên vùng này có quyền buộc các thủy điện phải xả hồ chứa trước để có chỗ chứa nước khi lũ về. Quy trình điều phối liên vùng này mới đúng nghĩa là “điều tiết” trong xả lũ. Điều tiết dựa trên khoa học là phải dự báo được kịch bản mưa trước đó nhiều ngày để có thể điều tiết sớm. Khi nước đã tràn hồ và người dân thì bì bõm trong biển nước mênh mông thì điều tiết không còn tác dụng đáng kể.

Không thể tiếp tục cách điều phối xả lũ kiểu cắt khúc theo địa giới từng tỉnh như hiện tại.

Phải chấm dứt tình trạng người dân tiếp tục phải trắng tay vì gánh chịu thiệt hại thay cho các nhà máy thủy điện trong thời gian tới!

Ghi chú:

(*)https://baodantoc.vn/mua-lu-lam-17-nguoi-chet-va-mat-tich-1638607763102.htm

(*)https://tienphong.vn/mua-lon-keo-dai-gan-60-000-ngoi-nha-o-mien-trung-ngap-sau-trong-nuoc-post1397374.tpo

(**)https://tuoitre.vn/lu-lon-qua-nhanh-qua-nguy-hiem-o-mien-trung-do-thuy-dien-xa-lu-20211201223526866.htm

S.N.

Nguồn: TheSaigontimes

This entry was posted in Thủy điện miền Trung xả lũ. Bookmark the permalink.