Nguyễn Hoàng Văn
Đây không phải là thiên tài tuyên truyền mà là những “vĩ nhân” được dựng lên theo những chiến lược tuyên truyền, cái sự “vĩ đại” xây dựng trên muôn vạn thủ đoạn nhỏ nhặt và ty tiện vào bậc nhất.
Tập Cận Bình (Xi Jinping), theo… nghị quyết đảng, đã trở thành một vĩ nhân như thế. Tập nối gót Mao và Đặng nhưng xem ra còn nung nấu tham vọng cao hơn [1].
Mao từng túm cả nước vào bàn tay của mình để CHINA hiện ra như một… MA-INA với những trò mania mang tên “Đại nhảy vọt”, “Tứ hiện đại”, “Đại cách mạng văn hóa”. Nếu Đặng lôi Trung Quốc ra khỏi cơn điên loạn này thì Tập lại tiếp tục lôi đất nước vào cơn điên khác và, cơ hồ, cứ theo nhịp độ này, China sẽ là một… Xina.
Một Xina – Trung Quốc trong nắm tay của Tập – qua mặt Mỹ để đi đầu thế giới.
Một Xina thâu tóm Đài Loan, thâu tóm cả Biển Đông.
Một Xina vươn vòi ra khắp thế giới, cái vòi vành đai con đường trông thật là vĩ đại nhưng thật là ty tiện và nhỏ mọn với những cái bẫy nợ đang là chuyện nhãn tiền.
Trong góc độ lịch sử thì bối cảnh của tham vọng này, theo nhiều nhà quan sát, trông giống với tham vọng của nước Đức quân phiệt khi gây nên Đệ nhất thế chiến (WWI) [2].
Nhưng đó là một cái nhìn vĩ mô, trên phương diện quốc gia. Trên góc độ cá nhân, tham vọng của Tập giống với Hitler hơn, cựu binh với ẩn ức bại trận trong WWI nhưng lại là thủ phạm đầu têu của WWII.
Hiler có “tông tộc vĩ nghiệp Aryan”, Tập có giống nòi “Đại Hán”.
Hitler khai thác ẩn ức từ thất bại nhục nhã của WWI, Tập có có mối căm hờn “bách niên quốc sỉ”.
Hitler muốn tạo ra một nước Đức thuần chủng với những trại tập trung ở Ba Lan, Tập có trại tập trung ở Tân Cương.
Hitler bắt người Do Thái phải mang dấu hiệu riêng để nhận diện, Tập thiết lập hệ thống nhận diện người Duy Ngô Nghĩ tự động, trên mọi hang cùng ngõ hẻm.
Hitler có chủ nghĩa quốc gia – xã hội, Tập có “Tư tưởng Tập”.
Và cả hai, Hitler cũng như Tập, ai cũng hăm he phục hưng dân tộc và, qua đó, được dân tộc mình tôn lên hàng thánh, đời đời.
Qua sự giống nhau này, Tập làm chúng ta nghĩ đến bài diễn văn của Edgar Jung mà Phó Thủ tướng Đức Franz von Papen đọc tại Đại học Marburg ngày 17/6/1934 với sự ủng hộ của Tổng thống Paul von Hindenburg, để mắng nhiếc Hitler, lúc đó vẫn còn là Thủ tướng, chưa phải là Quốc trưởng. Trước đó gần một năm rưỡi, Papen đã trao ghế Thủ tướng cho Hitler để rồi bất lực chứng kiến lực lượng Quốc xã của y hoành hành. Với bài diễn văn, Papen kêu gọi chấm dứt tình trạng khủng bố này và trả lại tự do và phẩm giá cho dân tộc Đức [3].
Gần một thế kỷ đã trôi qua nhưng bài diễn văn không bao giờ cũ, bất kể là ở đâu, nước Đức của năm 1934 hay Trung Quốc ngày hôm nay. Nó không hề cũ với những ý tưởng mà tôi tạm dịch dưới đây, từ bản tiếng Anh:
“Chức năng của báo chí phải là thông báo cho chính quyền những khiếm khuyết đang len lỏi đến đâu, nạn tham nhũng đã được giải quyết ở đâu, những sai lầm nghiêm trọng đang bộc lộ ở đâu, những người không thích hợp đang nắm giữ những vị trí nào và những hành vi xâm phạm đến tinh thần của Cách mạng Đức… Một dịch vụ thông tin ẩn danh hoặc bí mật, dẫu được tổ chức tốt đến đâu, cũng không thể nào thể thay thế nổi báo chí…
[…] Một khi một cuộc cách mạng đã hoàn thành, chính quyền chỉ đại diện cho toàn thể nhân dân, và không bao giờ là nhà dẫn đầu cho một các nhóm cá nhân; bằng không sẽ không thể nào tập hợp nổi một cộng đồng quốc gia…
[…]
Những vĩ nhân không hề hình thành từ sự tuyên truyền, mà là phát triển nhờ những hành động của họ và được lịch sử ghi nhận.
[…]
Người dân ý thức về sự hy sinh lớn lao của mình. Họ chấp nhận và đi theo nhà lãnh đạo quốc gia với lòng trung thành không lay chuyển, khi mà họ được can dự vào kế hoạch và công việc, khi mà những lời chỉ trích không được xem là ác ý, và khi mà người yêu nước tuyệt vọng không bị xem là kẻ thù của nhà nước” [4].
Theo nhiều sử gia thì số phận của nước Đức, và cả Âu châu, có thể đã khác nếu Tổng thống von Hindenburg sáng suốt và quyết đoán hơn ngay trong thời điểm đó. Ông Tổng thống này có thể ký lệnh cách chức Thủ tướng của Hitler theo Hiến pháp nhưng tỏ ra chần chờ, thiếu sáng suốt, nên chưa đầy hai tuần sau bài diễn văn trên, lực lượng phát xít của Hitler đã tiến hành đảo chính với sự đồng lõa của những nhà quân phiệt chăm hăm đợi ngày phục hưng quân đội.
Hitler được sùng bái như là thần thánh với tham vọng phục hưng, cấu trúc lại trật tự thế giới để đưa nước Đức lên hàng đầu, nhưng không lâu lắm, chỉ 11 năm sau đó, y đã phải tự kết thúc đời mình bằng một phát đạn vào đầu, thậm chí còn mưu toan biến ra khỏi cuộc đời, không để lại dấu vết nào theo một can xăng trong một cái hố cạn choẹt mà đại bác của Nga vừa mới xới lên.
Hitler đã chết và ngày hôm nay chỉ còn sống trong nghi thức của những băng đảng cực hữu, những thành phần neo-facism trọc đầu, mà những quốc gia sở tại xem là thành phần vô lại, bất hảo, vẫn lén lút lén lút tùng tam tụ ngũ để tôn sùng Hitler như một vị thần.
Bây giờ thì Tập cũng đi theo con đường này, và liệu dân tộc Trung Hoa có phải trả giá như dân tộc Đức? Và liệu mai sau sẽ nảy ra những nhóm neo-comumism tiếp tục thờ Tập như là ông thánh mà không nhận ra rằng y chỉ là một “vĩ nhân tuyên truyền” như đã thấy trong bài diễn văn Marburg?
Mà không chỉ là nước Đức thời trước hay Trung Quốc của ngày hôm nay. Bài diễn văn ấy, với mấy ý tướng đã trích dẫn ấy, còn chứng nghiệm với đất nước của chúng ta, từng lời, từng chữ, chứng nghiệm đến một trăm phần trăm, với những vĩ nhân tuyên truyền, với hệ thống báo chí bất lực như những hoạn quan, và với những nhà cai trị lúc nào cũng có thể xem nhân dân là kẻ thù…
[1] https://www.theguardian.com/world/2021/nov/11/chinese-communist-party-elevates-xi-jinping-status-historical-resolution
[2] https://www.smh.com.au/opinion/chinas-parallel-with-germany-before-wwi-20140820-10631j.html
[3] https://wwx.fandom.com/wiki/Marburg_speech
[4] “The function of the press should be to inform the government where deficiencies have crept in, where corruption has settled, where serious mistakes are being made, where unsuitable men are in the wrong positions, and where transgressions are committed against the spirit of the German revolution. An anonymous or secret news service, no matter how well organized, can never be a substitute for this responsibility of the press.
[…]
But once a revolution has been completed, the government represents only the people as a whole, and is never the champion of individual groups; otherwise it would have to fail in forming a national community
[..]
The people know that great sacrifices are expected from them. They will bear them and follow the Führer with unwavering loyalty, if they are allowed to have their part in the planning and in the work, if every word of criticism is not taken for ill will, and if despairing patriots are not branded as enemies of the state. …”.
N.H.V.
Nguồn: Văn Việt