Cách dạy lỗi thời của GD nước ta: Dùng “văn mẫu” và “nêu gương”

Nguyễn Ngọ & Kỳ Lân Ca

Bài này muốn nêu lên chặng đường muôn vàn khó khăn để xóa bỏ những cách dạy rất lạc hậu hiện nay vẫn đang tồn tại trong giáo dục nước ta. Dẫn chứng sử dụng của bài là cách dạy môn Văn bằng văn mẫu và dạy nhân cách bằng nêu gương. Thành quả đấu tranh, tuy “có”, nhưng rất thấp và tốn rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết. Nguyên nhân: Cách dạy này chỉ là ngọn, xuất phát từ cái gốc rất khó sửa đổi. Do vậy, bài cũng cần nói sơ lược về mục tiêu gốc của GD nước nhà.

Vắn tắt nhiệm vụ GD ở nước ta


Đó là dạy thế nào để mọi thế hệ học sinh khi dời ghế nhà trường phải có lòng tin vững chắc rằng: CNXH “vốn tốt đẹp và dân chủ gấp triệu lần” nhất định sẽ thay thế CNTB trên phạm vi toàn cầu. Đây là sự thay thế mang tính quy luật, không phải từ ý đồ riêng của bất cứ ai. Đồng thời phải dạy để họ vững tin rằng chỉ có ĐCS mới đủ điều kiện và năng lực đặng gánh vác trọng trách dắt dân đi lên CNXH. Đây là sứ mệnh lịch sử của ĐCS, chứ không phải sự tham quyền cố vị.

Nói như trên là quá cô đọng. Nếu muốn hình dung cụ thể hơn, bạn đọc chỉ cần dành ra ít phút đọc công trình của cụ tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – vẻn vẹn chục trang, nhan đề Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (2021) khi cụ đắc cử lần 3 chức tổng bí thư ở tuổi 77.

Tuổi thọ trung bình của dân ta vào khoảng 75-76, do vậy cụ Trọng rất ý thức rằng đây là công trình “để đời” của mình. Nếu sự nghiệp mỹ mãn, tên tuổi cụ sẽ mãi mãi gắn với CNXH.

Nếu GD nước ta thành công thì sản phẩm do nó đào tạo ra sẽ được coi là “con người XHCN” đúng nghĩa. Tất nhiên, theo mô tả (trên giấy) thì đây là con người đẹp lung linh, vì phát triển toàn diện (đức dục, trí dục, mỹ dục, thể dục), có phẩm chất cao cả, có đầu óc tự chủ, suy nghĩ độc lập và năng lực tràn đầy để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam… v.v và v.v…

Thế nhưng, cách dạy lại tạo ra kết quả ngược lại. Đó là do nguyên tắc tư duy sai trái. Cụ thể là, nó đòi người học phải luôn luôn “vững vàng trên lập trường XHCN”. Ví dụ, nguyên tắc “cứ XHCN là tốt, cứ TBCN là xấu”. Những cái xấu (có thật) của ta chỉ là tạm thời, sẽ được khắc phục trên con đường phát triển. Còn những cái xấu của địch là không thể khắc phục, sẽ đưa đến sụp đổ… còn cái tốt (dẫu rành rành) chỉ có tính chất giai đoạn… v.v.

Tóm lại, đó là cách nhìn sự vật từ một góc độ hẹp, thậm chí nhìn sự vật qua một khe hẹp. Đây là cách nhìn đơn nguyên (nhất nguyên), trong khi cuộc sống luôn luôn thể hiện tính đa nguyên cuae nó. Muốn thấy, phải nhìn sự vật dưới nhiều góc độ.

Dưới đây, chỉ xin nêu hai cách dạy khiến “con người XHCN” không còn ra “người” mà thành công cụ. Đó là dạy bằng văn mẫu và nêu gương – mặc dù vẫn đang tồn tại nhiều cách dạy bất cập khác.

Dạy bằng “văn mẫu”

Đó là đưa ra những bài mẫu để học sinh tham khảo đặng làm các bài tập ở môn Văn. Điều này ngày càng thịnh hành từ nhiều chục năm nay, bắt đầu ngay ở bậc tiểu học – nghĩa là từ rất sớm. Tới năm 2011 (cách nay 10 năm), trên mạng internet đã xuất hiện nhiều trang đưa ra cả trăm, cả ngàn bài văn mẫu, thuộc mọi đề tài, đủ đối phó với mọi bài tập mà thầy cô ra đề.

Ví dụ: Hãy tả con mèo (hoặc con chó) nhà em.

Dẫu không nuôi mèo (chó), các em vẫn tả “đâu ra đấy”, chỉ có điều các bài cứ na ná nhau; ví dụ: tới 60-70% bài mở đầu bằng câu: “nhà em nuôi một con mèo”…

Khi thầy cô cho bài tập “hãy tả ông nội” các em cũng “vận dụng sáng tạo câu mở đầu như sau (trích vài bài):

Bài 2: Nhà em có nuôi một ông nội từ 80 năm nay. Tuy ông già nhưng rất ít khi ngủ vì bị lao phổi, ho suốt cả đêm. Vì vậy nhà em suốt mấy chục năm nay không bị mất trộm vì chúng tưởng trong nhà em lúc nào cũng có người còn thức.

Bài 3: Nhà em có nuôi một ông nội. Ông không có răng. Sáng sáng mẹ em cho ông nội ăn. Trưa trưa ba em cho ông nội ăn. Hôm nào không có ba và mẹ ở nhà thì ông nhịn đói.

Bài 4 : Nhà em có nuôi một ông nội. Năm nay ông 70 tuổi. Ông nội em ăn rất khoẻ, lại còn biết trông nhà.

Bài 5: Nhà em có nuôi một ông nội. Suốt ngày ông chẳng làm gì cả chỉ trùm chăn ngủ, đến bữa ăn ông ló đầu ra hỏi: Cơm chín chưa bây?

Bài 7: Nhà em có nuôi một ông nội. Thứ mà ông nội quý nhất chính là cái mũ phớt. Cái mũ ấy mỗi lần ông đội giống y như cái mâm lật ngược.

Đấu tranh đòi xóa bỏ cách dạy bằng văn mẫu quả là muôn vàn gian khó, vì một “thiểu số tuyệt đối” – tuy tiến bộ – nhưng đã không tự lượng sức, cứ nằng nặc muốn thay đổi những bất cập do một “đa số tuyệt đối” chủ trương. Hơn nữa, họ có quyền lực. Ngoài các thầy cô, thì đa số học sinh và đa số phụ huynh cũng rất ưa “văn mẫu” vì công sức học hành được giảm xuống mức tối thiểu, mặc cho kết quả học hành rất thảm hại, đạt mức tối đa.

Để khắc phục, thoạt đầu giới thiểu số (tiến bộ) chỉ dám dè dặt đề nghị tới giới quyền lực: Xin hãy để các cháu “nhìn sự vật dưới nhiều góc độ”. Ví dụ đưa ra rất đơn giản để dễ thuyết phục các vị này (và các thầy cô): Nếu thầy cô giúp các cháu quan sát con mèo dưới nhiều góc độ: Hình thù, cách nhõng nhẽo chủ, cách nằm ngủ, cách rình chuột, cách ăn, khi giận dữ… mỗi cháu sẽ tả con mèo rất khác nhau, đầy sáng tạo. Rất khác với cách tả dựa vào “văn mẫu”.

Cách quan sát được kiến nghị chính là để hình thành tư duy đa nguyên ngay từ bậc tiểu học, nhưng có người coi là nguy hiểm (!) về chính trị, đường lối. Cũng do vậy, phải 10 năm sau, ông Bộ trưởng GD tân nhiệm Nguyễn Kim Sơn mới dám quyết định Chấm dứt văn mẫu. Đó là ngày 13-8-2021.

Dạy bằng nêu gương

Xin nói ngay: Trong cuộc sống, người này coi người khác là tấm gương để noi theo là chuyện bình thường. Đó là chuyện giữa các cá nhân. Người này khâm phục người khác là quyền của người ta. Dẫu như vậy, một em bé có thiên bẩm về âm nhạc cũng chẳng cần noi gương một nhà Toán Học hoặc nhà Luật Học dù đó là những người nổi tiếng, đáng kính trọng.

Còn cái chuyện “nêu gương” để bắt buộc học sinh cả một nước, thậm chí toàn dân, phải noi theo một cá nhân nào đó… chỉ xảy ra dưới chế độ (thực chất là) quân chủ – dù nó mang danh là dân chủ.

Chuyện đã xảy ra

Thế hệ ông bà chúng ta, khi còn là nhi đồng đã phải học theo tấm gương hy sinh dũng cảm của anh Kim Đồng 12 tuổi. Thế hệ cha mẹ ta phải noi gương anh Lý Tự Trọng và sau đó là anh Nguyễn Văn Trỗi. Cả hai anh đều hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, rất vẻ vang. Thời đó, mọi người trong chi đoàn Thanh Niên đều viết “quyết tâm thư” nộp lên cấp trên, nhưng không ai dại dột để hứa “quyết chết” (oanh liệt như hai anh), mà chỉ tìm những ưu điểm (nào đó) của liệt sĩ để hứa học theo mà thôi.

Câu hỏi: Tại sao ta không phát động phong trào học vị tướng thiếu niên Trần Quốc Toản? Hoặc là “học và làm theo” tướng Lý Thường Kiệt? Các cụ bảo: Vì các vị tướng này chưa đủ tiến bộ để theo đuổi lý tưởng XHCN và CSCN.

Hỏi tiếp: Tại sao chỉ noi gương những người đã chết (ví dụ chị Võ Thị Sáu)?. Các cụ cho biết: Đã là tấm gương thì không được phép có bất cứ khuyết điểm nào (khi sống) và phải “đã chết” để không thể mắc thêm khuyết điểm náo nữa. Hỏi thêm: Nếu phấn đấu đạt được trình độ mọi mặt ngang với “tấm gương”… thì sẽ ra sao? Trả lời: Thì sẽ loạn. Ví dụ, nếu toàn dân ta (100 triệu người) quyết noi gương cụ Hồ, chỉ cần “một phần triệu” số người đạt trình độ cụ, nước ta sẽ cùng lúc xuất hiện tới 100 cụ Hồ… thì có mà “loạn” (!).

Chuyện suýt xảy ra

Trong Giáo dục nước ta mọi học sinh, mọi giới, mọi tuổi… đều có những tấm gương thích hợp để noi theo cả đời. Không ai bảo ai, nhưng triệu người như một, đều trung thành với chế độ, với ĐCS.

Chỉ các cháu mẫu giáo, vỡ lòng là chưa có tấm gương. Bởi vì, ở tuổi này, chưa có đảng viên và chưa thể hy sinh để nêu gương. May, đây là lứa tuổi rất mê truyện cổ tích.

Thế là, cách nay 10 năm (2011) các nhà quản lý GD nước ta muốn nêu cô Tấm làm tấm gương mới. Cô Tấm rất ngoan ngoãn, chăm chỉ, nết na, chịu đựng… xứng đáng là “tấm gương”, chỉ có điều… ở đoạn kết câu chuyện, cô này đã xử sự quá tàn bạo với người cùng gia đình, cùng huyết thống. Thế là… lập tức bùng lên đợt thảo luận khi ý đồ sửa đổi đoạn kết ở sách giáo khoa bị báo Vietnamnet tiết lộ. Báo này đưa một tin vắn tắt, nhưng đủ nhạy cảm. Đó là bài:

Sách giáo khoa sửa đoạn kết Tấm Cám

Hướng sửa: Cô Tấm giảm tàn bạo, để các cháu nghe chuyện khỏi sợ hãi.

Khá nhiều bài phản đối, nhưng không bài nào phát hiện sẽ có một tấm gương mới. Quan điểm chung cho rằng, đã là di sản văn hóa (dù là vật thể hay phi vật thể) thì không ai có quyền sửa. Dưới đây là một số bài để làm ví dụ.

Viết lại Tấm Cám là xóa lịch sử? (06/11/2011)  

Cởi yếm, mặc váy đầm cho cô Tấm? (04/11/2011)

Sửa kết cục “Tấm Cám”: Méo mó cái nhìn thời đại (14/11/2011)

Thạc sĩ ĐH Paris 7 bàn chuyện Tấm Cám (07/11/2011)

Tất nhiên, các vị chủ trương phải phân trần. Ví dụ, bài:

Tại sao tôi chọn Tấm Cám? (10/11/2011)

Cái kết có hậu của cuộc thảo luận

Hầu hết các bài tranh luận đều đăng trong tháng 11 (dự định chấm dứt thảo luận vào cuối tháng). Nhưng đã 4 ngày sang tháng 12 bất ngờ có thêm bài Nàng Tấm và triết lý giáo dục Việt – tuy quá muộn – nhưng đây là bài duy nhất đề cập tới triết lý giáo dục, được tòa soạn đặc cách đăng lên để kết thúc thảo luận.

Dẫu vậy, phải tới đoạn cuối, bài “đặc cách” này mới đề cập tới “triết lý” tuy rất vắn tắt, nhưng rất minh bạch trong phê phán, (nguyên văn): Muốn đào tạo con người “gọi dạ, bảo vâng”, ta có 2 cách: hoặc là sửa di sản để phục vụ một ý đồ (gọi là) tốt, hoặc là loại bỏ nó khỏi sách giáo khoa. Ngược lại, muốn tạo ra những con người có óc nhận xét độc lập thì cứ cho họ phê phán Tấm Cám. Nói rằng, chọn cách nào là tùy bản lĩnh ông thầy – cũng đúng. Nhưng rộng hơn, là giáo dục nước ta đang bị loại triết lý nào chi phối.

Thật là may mắn cho lũ cháu ngây thơ, chưa làm gì nên tội. Cái chuyện biến cô Tấm thành tấm gưởng chỉ… suýt xảy ra.

Tạm kết

Chưa nói chuyện cải cách hoặc chấn hưng giáo dục, như các vị Hoàng Tụy, Phạm Toàn, Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Huệ Chi…, Phạm Xuân Yêm và nhóm trí thức hải ngoại… chủ trương, mà chỉ riêng chuyện làm lành mạnh hóa một vài bất cập trong GD cũng đủ “thiên nan, vạn nạn” rồi.

Lời nhắn từ đáy lòng: Chuyện thay đổi GD ở nước ta đang và sẽ diễn ra với tốc độ càng nhanh, dưới áp lực của cải cách thể chế khi nước ta buộc phải hòa nhập với nhân loại tiến bộ. Nhưng phải là cả một cuốn sách Lịch Sử rất dầy mới gói ghém hết các sự việc quan trọng đã diễn ra trong GD từ nay tới khi GD nước nhà được cải cách triệt để.

Rất mong các bạn nào ham thích Lịch Sử hãy kịp sưu tầm tư liệu ngay, một khi chúng vẫn còn khai thác được trong các văn bản và trên mạng internet. Các bạn sẽ có đóng góp lớn trong tương lai để giúp thể hệ con và cháu ôn lại sự gian khổ và kiên trì của lớp trí thức cha ông.

N.N. & K.L.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.