Từ “Đổi mới” bị lạm dụng quá mức

Nguyễn Đình Cống

Ngạn ngữ có câu: Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ. Trong câu này, “chữ” dùng để chỉ các âm chữ Hán chưa được Việt hóa, chèn vào câu nói hàng ngày. Đó là thời trước, khi mà dân ta đa số mù chữ, trong mỗi làng chỉ có vài người học chữ Nho. Hiện nay người dốt lại thích “nói chữ” bằng cách chèn vài tiếng Anh vào câu tiếng Việt.

Nói chữ chứng tỏ người ta biết nhiều, tại sao lại bảo họ dốt? Đó là dốt tiếng mẹ đẻ! Phải chăng vì không tìm được một từ tiếng Việt thích hợp để dùng mà phải mượn chữ Hán (trước đây) hoặc chữ Anh, chữ Pháp, chữ Nga (ngày nay). Nhưng mắc phải tật “nói chữ” có lẽ chủ yếu không phải vì dốt mà vì thói sĩ diện, thích phô trương, thể hiện ta đây (Truyện Kiều: Ta đây nào phải ai đâu mà rằng).

Trong thời gian gần đây, từ “Đổi mới” được dùng rất nhiều trong các văn kiện của Đảng. Nhiều đến độ lạm dụng quá mức, một số chỗ dùng sai. Mà không thể tùy tiện nhận xét những người lạm dụng từ đổi mới là dốt hoặc thích phô trương vì họ có bằng cấp, học hàm học vị và chức vụ rất cao, họ vẫn tự nhận là thông minh, sáng suốt. Thế thì vì lẽ gì? Đoán là họ sợ. Họ sợ gì? Sợ mang tiếng là không có “tính đảng”, không theo kịp xu thế của thời đại.

Những người sính dùng từ đổi mới biết rằng lãnh đạo ĐCSVN rất tự hào về sự đổi mới. Trong một bài viết, bài nói có dính đến chính trị, kinh tế, xã hội và các hoạt động liên quan đến Đảng mà chưa dùng được từ đổi mới là còn thiếu “tính đảng”, là còn coi thường sự lãnh đạo của Đảng.

Từ điển Bách khoa Việt Nam không có mục từ ‘đổi mới’ trong khi có từ Đổi đất (trong rối nước), Đổi mới công nghệ, Đổi tiền (trang 857 tập 1). Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên cho định nghĩa: Đổi mới đg (hoặc d.): Thay đổi cho khác hẳn với trước, tiến bộ hơn, khắc phục tình trạng lạc hậu, trì trệ và đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.

Đổi mới là động từ (hoặc danh từ) có nghĩa chủ yếu là “Khác hẳn với trước”. Nếu chỉ khác cục bộ, chút ít thì chỉ là cải tiến, thay đổi, bổ sung chứ chưa phải là đổi mới.

Từ đổi mới được Đảng dùng nhiều từ ĐH VI (1986) với ngụy biện đánh tráo khái niệm!

Việc xóa bỏ ngăn đường cấm chợ, xóa bỏ phần lớn hợp tác xã nông nghiệp, cho phát triển kinh tế tư nhân thực chất là sửa sai, quay lại cách làm cũ chứ đổi mới cái gì!

Việc mở cửa cho các tập đoàn nước ngoài vào đầu tư là bình thường chứ đổi mới ở đâu?

Nhưng nhờ những việc đúng đắn đó mà phát triển được phần nào nền kinh tế kiệt quệ, cứu được dân tộc khỏi suy sụp vì đói kém. Người ta ngụy biện, cho đó là đổi mới, thế rồi người ta say sưa với đổi mới, thần thánh hóa hai từ đổi mới.

Một ngôi nhà cũ, gọi là đổi mới sau khi phá đi, xây lại bề thế hơn, hoặc it nhất cũng được đại tu và bổ sung. Còn nếu chỉ tiểu tu, sơn lại vài mặt tường hoặc thay vài cánh cửa mà vội gọi là đổi mới thì đó là láo khoét. Một dây chuyền sản xuất được bổ sung vài máy mới thì chưa thể nói là đổi mới công nghệ. Một đơn vị đang rệu rã, chỉ thay vài cán bộ còn cơ bản vẫn giữ nguyên thì không thể nói đã đổi mới tổ chức, một phương pháp làm việc, nghiên cứu được sửa đổi hoặc bổ sung chút ít thì không thể nói là đổi mới phương pháp.

Từ đổi mới được dùng trong “đổi mới sáng tạo” gây ra một cách hiểu tù mù. Phải chăng đây là cách suy nghĩ của một đầu óc bệnh hoạn? Họ nghĩ rằng đổi mới là tuyệt vời, sáng tạo là đỉnh cao của trí tuệ, thế thì ghép chúng lại chắc sẽ thành một thứ trên cả tuyệt vời, vượt xa sáng tạo. Có ngờ đâu đó là một cách ghép của kẻ “dốt hay nói chữ”.

Sáng tạo, theo Từ điển của Hoàng Phê, là động từ hoặc tính từ. Có thể ghép đổi mới với sáng tạo theo một số cách. Khi xem hai từ cùng là động từ thì ghép đồng cấp, thêm liên từ và. Đổi mới và sáng tạo.

Viết đổi mới sáng tạo thì đổi mới là động từ. Hỏi đổi mới cái gì? Trả lời: Sáng tạo. Như vậy sáng tạo phải là một danh từ, làm bổ ngữ trực tiếp. Nhưng sáng tạo không phải là danh từ. Nhưng thôi, cứ tạm cho là bị nhầm. Sáng tạo có gì xấu, lạc hậu mà phải đổi mới?

Có thể dùng sáng tạo làm trạng ngữ cho đổi mới, lúc đó cần phải biểu đạt là: Đổi mới một cách sáng tạo. Như thế tuy đúng ngữ pháp nhưng thừa, vì trong bản chất của đổi mới đã có sáng tạo.

Cứ tưởng chỉ những người vì dốt, thích phô trương hoặc sợ bị mang tiếng thiếu tính đảng mới cần dùng nhiều từ đổi mới. Không ngờ, một nơi như Hội đồng Lý luận trung ương mà cũng dùng từ đổi mới một cách quá thoải mái, thí dụ : Hội đồng Lý luận Trung ương cần đổi mới hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác (Phát biểu của ông Võ Văn Thưởng tại Hội đồng ngày 12 tháng 9/2021).

Không những đổi mới mà còn đổi mới hơn nữa, thế mới ghê. Trời ơi! Hội đồng Lý luận mà đổi mới được nội dung thì không khéo nhân dân được nhờ. Vì sao vậy? Vì nội dung từ trước đến nay là kiên trì Mác Lê. Đổi mới phải chăng là vứt bỏ nó? Còn nếu làm cho Mác Lê mạnh hơn lên thì đó không phải là đổi mới mà kéo lùi. Thế thì dân tộc này, nhân dân này còn chịu ngu tối dài dài. Và như vậy phải chăng người ta dùng từ đổi mới để lừa bịp?

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Đổi mới. Bookmark the permalink.