Nam Anh | 29/10/2021 06:30
Tờ WSJ cho biết, vì thất vọng trước các khoản đầu tư từ Trung Quốc, một số quốc gia ở châu Âu cảm thấy họ chẳng còn gì để mất khi tăng cường quan hệ với Đài Loan.
Việc các quốc gia Trung và Đông Âu đang tăng cường quan hệ với Đài Loan trong khi quan hệ với Trung Quốc đại lục đang dần nguội lạnh đang khiến chính quyền Bắc Kinh “nóng mặt”.
QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC NGUỘI LẠNH
Căng thẳng bắt đầu leo thang đáng lo ngại khi các nhà làm luật EU mới đây đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết không ràng buộc nhằm kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) thực hiện các động thái cần thiết liên quan một thỏa thuận đầu tư với Đài Loan, cũng như tăng cường quan hệ với hòn đảo này.
Nghị quyết cũng kêu gọi phòng thương mại của EU tại Đài Bắc đổi tên thành văn phòng Liên minh châu Âu (EU) tại Đài Loan.
Trong động thái mới nhất, người đứng đầu Cơ quan ngoại giao Đài Loan, ông Joseph Wu sẽ thăm Slovakia và Cộng hòa Czech trong tuần này.
Trước đó, Lithuania đã khiến Bắc Kinh tức giận khi đồng ý với Đài Loan mở cơ quan đại diện tại vùng lãnh thổ của nhau. Ba Lan và Slovakia gần đây cũng đã tài trợ hàng trăm nghìn liều vắc-xin Covid-19 cho Đài Loan.
Và đối với nhiều nước trong khu vực, sự phụ thuộc vào một “gã khổng lồ” ngày càng quyết đoán khiến họ nhớ lại những ký ức tồi tệ trong thời Chiến tranh Lạnh.
Milos Vystrcil, Chủ tịch Thượng viện Czech, cho biết: “Chúng tôi hiểu rất rõ việc chơi với “một người anh cả” là như thế nào. Và đây là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ Đài Loan”.
Vào tháng 8, Lithuania cho phép Đài Loan thiết lập cơ quan đại diện tại Vilnius với tên gọi “Văn phòng đại diện Đài Loan tại Lithuania”.
Các văn phòng đại diện của Đài Loan tại châu Âu chỉ sử dụng từ “Đài Bắc” thay vì Đài Loan nên động thái của Lithuania khiến Bắc Kinh thực sự nổi giận.
Trung Quốc đã triệu hồi đại sứ tại Lithuania và trục xuất đại sứ của Lithuania tại Bắc Kinh.
Tuần trước, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích EU sau khi các nhà làm luật của khối này thông qua nghị quyết kêu gọi việc thúc đẩy quan hệ với Đài Loan và khởi động thỏa thuận đầu tư với hòn đảo.
Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ chuyến đi của ông Wu đến Cộng hòa Czech và Slovakia, và rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ lãnh thổ của mình. Khi một phái đoàn quan chức Czech do ông Vystrcil dẫn đầu đến thăm Đài Loan vào năm 2020, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “họ sẽ phải trả giá đắt cho những hành vi thiển cận và chủ nghĩa cơ hội chính trị của mình”.
Trung Quốc “đuối sức”
Việc các nước châu Âu tăng cường liên kết với Đài Bắc trong khi mối quan hệ với Bắc Kinh ngày càng xấu đi phản ánh căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc về các vấn đề thương mại, quân sự và nhân quyền.
Ở châu Âu, các quốc gia lớn phụ thuộc vào thương mại Trung Quốc, bao gồm Đức và Pháp, đã bác bỏ sức ép của Mỹ trong việc cắt giảm dần mối liên hệ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, các nước Trung Âu thì khác. Họ giao dịch ít hơn với Trung Quốc và coi mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ là yếu tố quan trọng đối với an ninh.
Các quan chức và chuyên gia cho biết, thất vọng về việc thiếu nguồn đầu tư lớn của Trung Quốc đã khiến một số nước ở châu Âu mất đi niềm tin vào Bắc Kinh và tìm kiếm các đối tác khác.
Nhận thức về Trung Quốc cũng đang thay đổi trong khu vực. Tại Cộng hòa Czech, theo một cuộc thăm dò dư luận năm 2020 của Đại học Palacký Olomouc có trụ sở tại Czech và Slovakia- có trụ sở tại Viện Nghiên cứu Châu Á Trung Âu, Trung Quốc ngày càng ít được ủng hộ. Ở Slovakia, chỉ 18% những người được khảo sát cho biết họ tin tưởng Trung Quốc.
Những căng thẳng mới xảy ra đánh dấu sự thay đổi tâm trạng trong một khu vực vốn đặt nhiều kỳ vọng vào các khoản đầu tư của Trung Quốc trong vài năm trở lại đây.
Ivana Karaskova, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Hiệp hội các vấn đề quốc tế có trụ sở tại Praha cho biết: “Chắc chắn là Trung Quốc đang đuối sức với chiến lược ngoại giao ở khu vực này. Dòng đầu tư dự kiến của Trung Quốc đã không thành hiện thực… và các nước hiện đang quan tâm hơn đến việc khám phá các cách thức hợp tác với Đài Loan”.
Một nhóm được gọi là 17 +1, một sáng kiến do Bắc Kinh dẫn đầu nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và 17 quốc gia Trung và Đông Âu được thành lập gần một thập kỷ trước, đã không đạt được nhiều tiến bộ.
Năm nay, Lithuania đã rút khỏi nhóm. Tại một số ngôi làng ở Bulgaria, người dân đã học tiếng Trung Quốc trong bối cảnh hy vọng các nhà máy Trung Quốc mở cửa gần đó, nhưng rồi mọi việc đã không thành hiện thực.
Nhiều chính trị gia trong khu vực hiện đang xem xét lại sáng kiến Vành đai và Con đường, chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh, vì nhiều hoài nghi và lo ngại các khoản nợ cao.
Trong khi đó, Đài Loan có các khoản đầu tư lớn trong khu vực, bao gồm cả một nhà máy mà Foxconn Technology Co. Ltd., nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, vận hành tại Cộng hòa Czech.
Đài Bắc gần đây đang tìm cách tăng cường thương mại với Czech và một phái đoàn gồm hơn 60 nhà lãnh đạo doanh nghiệp do Bộ trưởng Hội đồng Phát triển Quốc gia Kung Ming-hsin dẫn đầu sẽ thăm khu vực này trong tuần này cùng với ông Wu.
N.A.
Nguồn: soha.vn