Manh mối có thể từ ai?

Lưu Trọng Văn 

“Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy: dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu thì chủ đầu tư (Bộ GTVT), Ban Quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành Dự án; Tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư; Chủ đầu tư của phần giải phóng mặt bằng (UBND TP. Hà Nội) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng; Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng”.

Anh Thể đã vạch kẻ “chịu trách nhiệm chính là chủ thầu Trung Quốc”, nhưng lại không dám vạch ra bộ GTVT tổng quản lý tất cả các thành viên của dự án phải chịu trách nhiệm gì.

Tìm ra dễ thôi mà anh Thể.

Hãy bắt đầu trình tự nhé thưa anh Thể.

1. Giai đoạn tìm đối tác vay vốn, quyết định chọn đối tác vay vốn là ngân hàng Trung Quốc, chấp nhận tổng thầu Trung Quốc do chủ cho vay vốn áp đặt, ký kết hợp đồng, thông qua dự án từ 2006-2008, Bộ trưởng Bộ GTVT là Hồ Nghĩa Dũng.

2. Giai đoạn chuẩn bị khởi công do nhà thầu Trung Quốc là tổng thầu từ 2008-2011 vẫn Hồ Nghĩa Dũng là Bộ trưởng Bộ GTVT.

3. Giai đoạn thi công cho đến theo hợp đồng phải hoàn thành 2011-2015 Bộ trưởng GTVT là Đinh La Thăng.

4. Giai đoạn phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.769,97 tỉ đồng lên 18.001,59 tỉ đồng (vượt 10.000 tỉ đồng), tại Quyết định 513/QĐ-BGTVT ngày 23.2.2016, khi chưa báo cáo Thủ tướng để xem xét và xin chủ trương của Quốc hội về điều chỉnh dự án đầu tư, Bộ trưởng GTVT là Đinh La Thăng.

5. Giai đoạn vẫn triển khai Quyết định sai trái do Đinh La Thăng ký chấp nhận đội vốn gấp đôi 2016-2017 Bộ trưởng GTVT là Trương Quang Nghĩa và từ 2017 đến nay Bộ trưởng GTVT là Nguyễn Văn Thể.

Vậy những ai phải chịu trách nhiệm chính và những ai chống lưng, chủ mưu gây nên thảm hoạ kinh tế làm phẫn nộ toàn Dân này?

Nên nhớ rằng, Dự án được chuẩn bị chọn nguồn vốn vay, chấp nhận tổng thầu do chủ nợ chỉ định và ký kết với tổng thầu TQ, tức là giai đoạn tự rúc đầu vào bẫy trói buộc của Trung Quốc diễn ra cùng lúc Trung Quốc ồ ạt đầu tư, cho vay vốn, làm tổng thầu rất nhiều dự án công trình lớn như Bô xít Lâm Đồng, Thép Thái Nguyên đầy tai tiếng.

Và đó là giai đoạn ông Nông Đức Mạnh là Tổng bí thư, ông Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng.

Dự án tai tiếng – vết ô nhục trong ngành giao thông huyết mạch QG trải qua bốn đời Bộ trưởng GTVT, trong đó Bộ trưởng Đinh La Thăng bị tống giam nhưng các tội lại không hề liên quan đến dự án Cát Linh trên.

Có lẽ đã đến lúc Uỷ ban Phòng chống Tham nhũng tiêu cực của TBT Nguyễn Phú Trọng phải đáp ứng đòi hỏi của Nhân Dân, đưa ngay Dự án Cát Linh này vào diện đặc biệt để Uỷ ban xem xét, điều tra.

Đầu mối phanh phui chả khó gì. Cứ nên bắt đầu từ ông Hồ Nghĩa Dũng.

Ông Dũng “thép” là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam vào năm 1998. Đột nhiên năm 2002, ông được điều động giữ chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi – vùng không có lò sắt thép nào. Năm 2006 khi ông Đào Đình Bình phải từ chức do nhiều bê bối, ông được Trung ương điều quay lại Hà Nội làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thay ông Bình vào tháng 6.2006.

Ai là bắt mối, bắc cầu, chỉ đạo cho ký kết dự án này, vay vốn của Trung Quốc ra sao, chọn nhà thầu Trung Quốc ra sao, xin Uỷ ban Phòng chống Tham nhũng, Tiêu cực của TBT Nguyễn Phú Trọng cứ “nã” ông Hồ Nghĩa Dũng là khắc ra.

Ông Dũng có dính dấp tiêu cực gì khi ký kết dự án Con rắn quái dài 13,1 km này hay không, không biết, nhưng khi đã về hưu được 8 tháng với chức vụ Bộ trưởng GTVT, ông đã tham gia Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả, một công ty do ông chỉ định làm nhà đầu tư của dự án xây hầm đường bộ Đèo Cả (một dự án cũng do chính ông ký phê chuẩn khi tại nhiệm).

Cựu Phó trưởng Ban tổ chức trung ương, Nguyễn Đình Hương, coi việc ông Hồ Nghĩa Dũng nhận trách nhiệm tại công ty Đèo Cả không phải là chuyện tình cờ mà là có chuẩn bị trước và gọi đây là “hành động lót ổ”, đồng thời là “một tiền lệ xấu”.

Trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ GTVT của mình, ngoài dự án Cát Linh – Hà Đông ông Dũng còn đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam dài 1.570 km, với kinh phí lên tới 55 tỷ USD. Tuy nhiên, rất may là dự án này sau đó đã bị Quốc hội khóa XII biểu quyết bác bỏ.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Bookmark the permalink.