Tham dự bàn tròn của BBC

Nguyễn Đình Cống

Chiều ngày 14/10 tôi tham dự cuộc hội thoại oline “Bàn tròn ngày thứ năm” của BBC về chủ đề “Ông Lê Đức Thọ – Ảnh hưởng ở trong nước và quốc tế”, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông. Bàn tròn được điều hành bởi BTV Quốc Phương, tham dự có tôi, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh từ Đại học Nhân văn Hà Nội và GS Ngô Vĩnh Long, từ đại học Maine ở Mỹ. Đường dẫn là: https://youtu.be/WP6KszMGihU?t=160

Hội thoại có thời gian hạn chế nên tôi chỉ phát biểu ngắn gọn và một vài đoạn âm thanh không được tốt. Nay tôi viết để giải thích cho rõ hơn, vừa là để giới thiệu với các vị, các bạn không theo dõi được cuộc hội thoại đó.

Đảng CSVN đã tổ chức kỷ niệm ngày sinh thứ 110 của ông Lê Đức thọ với mit-tinh, hội thảo và những bài tham luận ca ngợi, cho rằng ông Thọ là chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, là nhà lãnh đạo tài ba, sáng suốt, là học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, là người có công to lớn trong việc đàm phán với Kissinger và ký Hiệp định Paris. Ông còn từ chối nhận giải Nobel vì hòa bình năm 1973.

Kỷ niệm và ngợi ca là việc của Đảng. Còn nhân dân? Một số người tin theo Đảng thì hưởng ứng sự kỷ niệm trên với những lời tâng bốc, biểu dương, còn đại đa số thì thờ ơ vì họ còn nhiều việc khác cấp thiết cần quan tâm, và hơn nữa họ không yêu mến ông hoặc không biết gì về ông. Riêng tôi chỉ tán thành một phần nhỏ trong đánh giá của Đảng, còn phản bác phần lớn.

Ông Thọ đúng là một chiến sĩ cộng sản trung kiên, có ý chí và bản lĩnh vững vàng, có đạo đức cách mạng khá cao. Ông đã giữ chức Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng trong thời gian khoảng 30 năm. Ở cương vị đó ông đã làm được một số việc về tổ chức, là cần, có lợi cho Đảng, nhưng đó chỉ là những cái lợi bé nhỏ, thiển cận, còn về lâu dài thì để lại một di sản xấu, rất khó sửa chữa, đến nỗi hiện nay ông Nguyễn Phú Trọng loay hoay mãi mà vẫn không thoát ra được một đống bùng nhùng. Vì sao vậy? Vì ở ông Thọ thiếu hai phẩm chất quan trọng của một cán bộ cao cấp. Đó là trí tuệ và Đạo đức nhân bản.

Về trí tuệ, ông Thọ được huấn luyện những điều về giai cấp và đấu tranh giai cấp, về cách mạng vô sản để tiêu diệt giai cấp thù địch, về đảng Cộng sản và Chủ nghĩa xã hội, v.v. chủ yếu từ phong trào, từ trong nhà tù của Pháp. Ông chưa tỏ ra có sự hiểu biết sâu rộng về triết học, lịch sử, xã hội học và tâm lý học. Ông có nhiều mưu mô nhưng thiếu thông minh.

Làm một cán bộ cao cấp, đạo đức cách mạng là rất cần, nhưng chưa đủ. Còn phải có đạo đức nhân bản để trước hết làm được con người lương thiện và tử tế. Đó là tình yêu thương và tôn trọng đồng loại dù họ ở tầng lớp nào, thuộc giai cấp nào. Không những yêu thương con người mà còn yêu thương vạn vật, là biết ơn và kính trọng Trời Đất. Đó là Tâm từ bi, là lòng trắc ẩn đối với chúng sinh, là đức khiêm tốn, là lòng nhân ái, bao dung. Không có được đạo đức nhân bản con người ta dễ trở thành những kẻ máu lạnh, chỉ biết dùng thủ đoạn lao vào cắn xé nhau, lừa bịp nhau để tranh đoạt vật chất và quyền lực.

Đạo đức cách mạng có phần giống với đạo đức nhân bản, thí dụ chống tham nhũng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nhưng cũng có phần mâu thuẩn với nó, thí dụ lòng căm thù và tiêu diệt những người của giai cấp đối kháng, đàn áp người bất đồng chính kiến.

Vì thiếu trí tuệ nên ông Thọ rất dễ bị bọn quan thầy Trung cộng huấn luyện những lý thuyết về tổ chức và xây dựng đảng cách mạng theo mô hình kiểu mới của Lê-nin và Mao Trạch Đông mà không biết gì đến các đảng chính trị cầm quyền, được dạy về những biện pháp cứng rắn và xảo quyệt, dùng kỷ luật nghiêm minh để làm tổ chức mà không biết cách liên kết lòng người, giống như chỉ biết dùng dây để bó nhiều chiếc đũa mà không biết dùng keo để gắn. Vì thiếu trí tuệ nên ông dùng quyền uy và ý thích cá nhân trong đề bạt cán bộ, vượt qua quyền của Thủ tướng chính phủ. Ông nắm trọn quyền sinh sát cán bộ.

Vì thiếu trí tuệ và kém đạo đức nhân bản nên ông nhanh chóng tiếp thu những thủ đoạn thâm hiểm, tàn bạo do Trung cộng truyền dạy, như chế độ công an trị đối với dân, thủ đoạn tàn bạo và dối trá đối với kẻ bại trận hoặc với các đồng chí bị nghi ngờ không cùng phe cánh, không cam chịu sự sai bảo của ông. Tai họa do ông gây ra trong vụ “bè lũ xét lại chống Đảng” với những nạn nhân như Tướng Đặng Kim Giang, bộ trưởng, như cựu thư ký riêng của Hồ Chí Minh là Vũ Đình Huỳnh và con ông là Vũ Thư Hiên, như Lê Trọng Nghĩa trợ lý của Võ Nguyên Giáp, như Hoàng Minh Chính viện trưởng Viện Triết học, như Nguyễn Kiến Giang, tỉnh ủy viên Quảng bình, phó giám đốc nhà xuất bản Sự thật và rất nhiều những cán bộ cao cấp khác. Đành rằng vụ này có sự chỉ đạo của TBT Lê Duẩn, nhưng ông Thọ là người chịu trách nhiệm chủ yếu. Những ai đã đọc cuốn Hồi ký ‘Đêm giữa ban ngày’ của Vũ Thư Hiên, biết gia đình và cái chết thê thảm của Đặng Kim Giang thì không thể nào tha thứ cho việc làm của Lê Đức Thọ. Rồi sau 1975, về “thảm họa thuyền nhân”, về việc lừa dối và đối xử vô nhân đạo với những người bên thua trận ông Thọ phải liên đới chịu trách nhiệm vì lúc đó ông là Phó Ban đại diện của Đảng và Chính phủ tại Miền Nam.

Lê Đức Thọ nổi tiếng như cồn về sự thông minh, tài trí, nhanh nhạy trong ứng đối, kiên quyết trong đàm phàn với Kissinger khi chuẩn bị ký kết Hiệp định Paris. Xem ra cũng có vài phần sự thật, nhưng chủ yếu là tuyên truyền những mánh khóe trong đời thường. Ký được Hiệp định Paris có một phần nào đó là công của ông Thọ nhưng chủ yếu không phải nhờ vào tài năng của cá nhân ông mà chính là nhờ vào sự hy sinh, dũng cảm chiến đấu của quân dân ta, nhờ vào sự đấu tranh phản chiến của nhân dân Mỹ. Việc ông từ chối cùng nhận giải Nobel với Kissinger chẳng phải là một hành động anh hùng gì. Ông có nói ra lý do không nhận, nhưng chẳng mấy ai tin vào lý do đó, đoán rằng ông chỉ bịa ra, còn lý do thật có lẽ là vì Lê Duẩn không cho ông nhận. Chỉ mình Lê Duẩn thôi chứ không phải quyết định của Bộ Chính trị.

Việc ông là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải chăng là một bịa đặt sau khi ông đã chết. Lúc ông còn sống hình như chưa có người nào nghe được ông công nhận là học trò của ai cả. Ở Việt Nam, một vài người có thói quen là muốn đề cao ai đó thì gán cho họ là học trò của lãnh tụ, ngay cả những người như Trần Phú, Trường Chinh, Lê Duẩn. Chỉ là sự gán ghép xảy ra sau khi họ đã chết chứ khi còn sống họ không nhận cái vinh dự ấy đâu.

Nhiều người thiếu trí tuệ, kém đạo đức nhân bản mà lại được đặt vào vị trí cao trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo và hiện nay Đảng đang loay hoay chỉnh đốn để làm trong sạch và vững mạnh. Tại sao vậy? Tại vì đường lối cán bộ của Đảng phạm phải một số sai lầm, có một số điều phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học, phản đạo lý. Đây cũng là một di sản xấu để lại từ ông Thọ. Nghe điều này nhiều người phản bác lại, cho rằng đó là luận điệu phản động từ thế lực thù địch. Họ viện dẫn rằng, đường lối cán bộ của Đảng, từ những người đề xuất và soạn thảo, những người xét duyệt và thông qua, những người tổ chức thi hành, đều chặt chẽ, đúng đắn, phù hợp với Chủ nghĩa Mác Lê thế thì sai ở đâu, phản ở đâu.

Các vị không thấy, nhưng những người phản biện thấy. Nếu các vị đã tìm rồi mà chưa tìm ra thì mời một vài trí thức phản biện đến để đối thoại và tranh luận.Tôi sẵn sàng tham dự vào việc này. Không phải chỉ ĐCSVN mà bất kỳ đảng cầm quyền hoặc thống trị nào trên thế giới từ trước đến nay đều chủ quan, tự cho là đúng, là hay, là sáng suốt, là chính nghĩa. Khi chưa bị những người đối lập hoặc phản biện vạch ra chỗ sai thì những đảng độc tài không bao giờ tự công nhận sai lầm.

Trong sự việc Lê Đức Thọ nên rút ra bài học về dùng người. Cổ nhân có câu “Dụng nhân như dụng mộc” mà thỉnh thoảng Hồ Chí Minh có nhắc đến. Dùng người nào vào vị trí nào phải phù hợp với năng lực và xu thế phát triển của người đó thì họ mới phát huy được tốt. Những chiến sĩ trung kiên, có ý chí, có bản lĩnh nhưng thiếu trí tuệ, thiếu đạo đức nhân bản thì chỉ nên dùng vào công việc đấu tranh cụ thể. Chỉ nên đưa vào vị trí lãnh đạo những người mà ngoài đạo đức cách mạng ra còn cần có trí tuệ cao và có đạo đức nhân bản vững chắc.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Lê Đức Thọ, Vụ án "Xét lại chống đảng". Bookmark the permalink.