Không coi Covid là ‘giặc’ nữa, và cái giá của ‘hòa bình’

26.09.2021 12:10

Nguyễn Huỳnh

(VNTB) – Việt Nam sẽ chuyển từ mục tiêu “không có Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.


VNTB – Không coi Covid là ‘giặc’ nữa, và cái giá của ‘hòa bình’

Trong cụm từ COVID-19, ‘CO’ là viết tắt của ‘corona’, ‘V’ là ‘virus’ và ‘D’’ là ‘disease’ (bệnh tật). Như vậy, việc dùng từ ngữ quân sự hóa của cả hệ thống chính trị Việt Nam khi xem COVID-19 là ‘giặc’, cho thấy sớm hay muộn cũng sẽ dẫn đến các quyết định chính trị tồi.

Khi chính khách nhìn đâu cũng thấy giặc thù…

Trong các kỷ nguyên trước, khi con người đối mặt với một dịch bệnh như Cái chết Đen, họ không biết căn nguyên cũng như cách ngăn chặn. Khi dịch cúm năm 1918 bùng phát, các nhà khoa học giỏi nhất thế giới lúc bấy giờ đã không thể nhận diện được loại virus chết người, nhiều biện pháp đối phó được triển khai không có tác dụng và những nỗ lực nhằm phát triển một loại vắc xin hữu hiệu đã chứng minh vô ích.

Trong bài viết đăng trên tờ Financial Times, “Lessons from a year of Covid”, nhà sử học Yuval Noah Harari, cho rằng những hồi chuông cảnh báo đầu tiên về một đại dịch tiềm ẩn mới đã bắt đầu vang lên từ cuối tháng 12-2019. Đến ngày 10-1-2020, các nhà khoa học không chỉ phân lập được loại virus gây bệnh, mà còn giải trình tự bộ gen và công bố thông tin trên mạng. Chỉ vài tháng sau đó, thế giới đã sáng tỏ việc những biện pháp nào có thể làm chậm lại và ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm.

Trong không đầy một năm, một số loại vắc xin có hiệu quả đã được đưa vào sản xuất đại trà. Trong cuộc chiến giữa con người và các mầm bệnh, chưa bao giờ con người lại mạnh mẽ đến như vậy.

Tuy nhiên tất cả những điều trên không phải là cách hiểu của Bộ Chính trị Việt Nam, khi người đứng đầu Đảng đã phát lời kêu gọi mà cho đến tháng cuối tháng 7 năm nay người ta vẫn còn thấy hô hào: “Chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong “Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19”, ngày 29-7-2021.

Trong chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình/ Thành tựu quyền con người Việt Nam” trên báo Quân đội Nhân dân (cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng), ngày 8-6-2020 có bài “Thắng ‘giặc Covid-19’ – minh chứng rõ tính ưu việt của Nhà nước Việt Nam”.

Bài viết có đoạn mở đầu như sau:

“Đến thời điểm này, có thể coi cuộc chiến chống “giặc Covid-19” của Việt Nam đã giành thắng lợi. Ngay từ đầu, khi Covid-19 tràn qua biên giới, Việt Nam đã nhận biết và đánh giá đúng tác hại không thể lường trước nếu lơ là, mất cảnh giác, coi thường nó và đã xác định ngay chống Covid-19 như chống giặc.

Mà đã coi là giặc tức là phải đánh, phải tiêu diệt chứ không chỉ chống. Vì vậy, ngay từ đầu, cả hệ thống chính trị ở Việt Nam đã vào cuộc và tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của “Bộ Tổng tư lệnh”. Chiến thuật đánh Covid-19 tuân thủ nguyên tắc của chiến dịch đánh giặc. Các hình thức chiến thuật vận dụng từ đánh nhỏ đến đánh lớn, từ bao vây, phục kích, đánh chặn đến dốc toàn lực lượng đánh một trận tổng lực để quyết giành thắng lợi và tiến tới thắng lợi hoàn toàn!” (dừng trích).

Bài báo ký tên Hồ Anh Thắng, và đây rất có thể là Thiếu tướng Hồ Anh Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội.

Cái giá của hòa bình?

Với cách nhìn nhận ở trên đưa đến hệ lụy là trong ‘cuộc chiến chống giặc Covid-19’, khi lãnh đạo mang tâm thế ‘tướng lãnh’ để vào cuộc, thì việc đi đến quyết định về chính sách sẽ lơ là các khuyến cáo là phải tính đến nhiều lợi ích và giá trị. Và vì không có phương thức khoa học nào để xác định những lợi ích và giá trị nào quan trọng hơn, nên không có phương thức khoa học nào để quyết định những gì mà người ta nên làm.

Ví dụ, khi quyết định liệu có áp lệnh phong toả, sẽ không đầy đủ nếu hỏi: “Có bao nhiêu người sẽ ngã bệnh vì Covid-19 nếu chúng ta không triển khai phong toả?”. Chúng ta cũng nên đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu người sẽ trải qua trầm cảm nếu chúng ta áp phong toả? Bao nhiêu người sẽ chịu đựng tình trạng dinh dưỡng tồi tệ? Bao nhiêu người sẽ thất học hoặc mất việc làm? Bao nhiêu người sẽ bị bạn đời của họ đánh đập hoặc sát hại?”.

Ngay cả khi tất cả dữ liệu là chính xác và đáng tin cậy, người ta cũng luôn nên hỏi: “Chúng ta coi trọng điều gì? Ai quyết định việc này? Làm thế nào để chúng ta đánh giá những con số đối chọi nhau?”. Đây là một nhiệm vụ chính trị hơn là khoa học. Chính các chính trị gia phải cân bằng giữa các suy tính về y tế, kinh tế và xã hội với việc đưa ra một chính sách toàn diện.

Tuy nhiên một khi tất cả được xem là cuộc chiến sinh tử để tiêu diệt bằng được giặc Covid, thì tất cả băn khoăn trên đều vô nghĩa, vì nó sẽ ngăn trở các trận đánh gọi là ‘bóc tách F0 khỏi cộng đồng’ như một thứ tù binh giặc Covid.

Kết cuộc thì sao?

Nước Nga có vắc xin Sputnik được đánh giá là rất hiệu quả qua nhiều con số được công bố. Nhưng chỉ trong ngày 25-9-2021, nước Nga ghi nhận có 22.041 trường hợp Covid-19 mới trong 24 giờ; và có 822 trường hợp tử vong.

Thế nhưng nhiễm cứ nhiễm, tử vong cứ tử vong, nhưng ai nấy đều sống bình thường, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Moscow còn vượt năm 2020, chứ không ngăn sông, cấm chợ, nhốt dân trong nhà để ‘truy sát giặc’ như Việt Nam… Và mặc dù bị cấm vận, nhưng y tế và giáo dục Nga hoàn toàn miễn phí, an sinh xã hội cũng rất tốt…

Tại cuộc họp sáng 25-9-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 và các địa phương đã thống nhất: Việt Nam sẽ chuyển từ mục tiêu “không có Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Vậy là từ nay ở Việt Nam đã không còn ‘giặc Covid’ nữa, và cái giá phải trả cho ‘hòa bình’ là quá đắt: Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến ngày 25-9-2021 là 18.400 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc, và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

N.H.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Chính sách của nhà nước trong đại dịch, Đại dịch Covid-19. Bookmark the permalink.