Tại sao tàu ngầm hạt nhân của Úc là một động thái quân sự thông minh và có thể răn đe Trung Quốc

Đỗ Kim Thêm dịch

@Yonhap News Agency/AAP

Lời người dịch: Ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison đã ký kết Hiệp định Đối tác Tăng cường An ninh mang tên AUKUS.

Mục tiêu của AUKUS là Mỹ và Anh sẽ cung cấp công nghệ và huấn luyện kỹ thuật để Úc triển khai chương trình chế tạo hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trong khuôn khổ AUKUS này, Úc sẽ đóng ít nhất tám tàu ngầm.

Hiện nay, chỉ có sáu nước trên thế giới là Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ và Nga là có các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Với AUKUS, Úc sẽ trở thành quốc gia thứ bảy.

Trong lời tuyên bố chung, AUKUS không trực tiếp đề cập đến mục tiêu là chống chính sách bành trướng của Trung Quốc, nhưng rõ ràng là trước nguy cơ mới của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Úc cần có thêm phương tiện quốc phòng để ngăn chận các thách thức ngày càng tăng từ Quân đội Trung Quốc.

Phản ứng đầu tiên và gay gắt nhất là Pháp. Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, theo yêu cầu của Tổng thống Emmanuel Macron, đã cho triệu hồi hai đại sứ từ Mỹ và Úc trở lại Paris để tham vấn trong tranh chấp mới về liên minh AUKUS. Biện minh cho “quyết định bất thường” này, Pháp nói rằng các thông báo của Washington và Canberra là “cực kỳ nghiêm trọng”.

Nguyên nhân chính cho phản ứng này là khía cạnh hợp tác kinh tế giữa Úc và Pháp. Thỏa thuận của AUKUS đánh dấu sự kết thúc của một hợp đồng mà Paris đã ký với Canberra năm năm trước về việc đóng 12 tàu ngầm trị giá 56 tỷ euro. Tại châu Á, chỉ có Indonesia lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về các chuyển biến mới này.

John Blaxand biện minh cho quyết định của Úc khi tham gia AUKUS là tình thế nguy cơ của Úc khi bị Trung Quốc tấn công trong khi công nghệ của Pháp tụt hậu và Mỹ sẽ không giải cứu cho Úc. Dù không đề cập trực tiếp đến tầm quan trọng của Bộ Tứ, nhưng trong hai khuôn khổ hợp tác mới, AUKUS và Bộ Tứ sẽ giúp cho Úc đối phó khi Trung Quốc chiếm Đài Loan hay Biển Đông, Úc không còn cách nào khác hơn để chống trả. Sau đây là bản dịch.

***

Chính phủ Morrison đã quyết định rằng tốt nhất cho Úc là nên đẩy nhanh việc sản xuất một nền tảng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, có khả năng tích hợp hơn với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.

Điều này sẽ đưa Úc vào quỹ đạo của Mỹ chặt chẽ hơn. Về mặt công nghệ và quân sự, điều đó có nghĩa là nếu Mỹ tham gia vào một cuộc xung đột ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, thì việc Úc không trực tiếp và gần như tự động tham gia sẽ khó khăn hơn.

Mặt khác của lập luận cho rằng đây là một điều tốt vì nó ít nhất sẽ tăng thêm sức răn đe đối với Trung Quốc.

Các nhà chiến lược và nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải cân nhắc rủi ro và có lẽ ít có khả năng quyết định rằng việc vượt qua ngưỡng cửa chiến tranh là điều họ chuẩn bị làm. Người ta hy vọng rằng sự răn đe bổ sung sẽ khiến cho người Trung Quốc đặt cược cao hơn và triển vọng thành công thấp hơn.

Thủ tướng Úc Scott Morrison (giữa) thông báo về quan hệ đối tác an ninh ba bên mới, AUKUS, với các đối tác Úc, Mỹ và Anh. Mick Tsikas / AAP

Sự khác biệt giữa tàu ngầm hạt nhân với thông thường?

Trong những năm gần đây, chính phủ và Bộ Quốc phòng Úc đã chú trọng nhiều hơn đến khả năng quân sự tầm xa hơn, đặc biệt là với Bản cập nhật Chiến lược Quốc phòng vào năm 2020.

Điều này bao gồm việc mua hoả tiễn, cũng như các khả năng không gian và mạng. Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân hiện đã vượt qua khả năng hải quân hiện có của chúng ta.

Lợi điểm của các tàu ngầm hạt nhân là không cần lên mặt nước, chúng cho phép ở dưới nước và tàng hình lâu hơn. Các tàu ngầm chạy bằng động cơ thông thường (diesel/điện) không có cùng tầm hoạt động, (phải thường nổi lên, nên dễ bị phát hiện, ND). Do đó, chúng có phạm vi tàng hình ít hơn và bị phát hiện khi nổi lên.

Điều này sẽ biến đổi khả năng của Lực lượng Phòng vệ Úc trong phạm vi hoạt động xung quanh Úc và xa hơn thế nữa, đồng thời hoạt động chặt chẽ hơn theo cách tích hợp với Mỹ và Anh.

Thỏa thuận trị giá 90 tỷ đô la Úc trước đây của chúng ta ký với DCNS, doanh nghiệp Pháp, để đóng tới 12 tàu ngầm luôn ít được kết nối với Mỹ và Anh.

A Barracuda submarine under construction in France.

Một tàu ngầm Barracuda đang được DCNS, một doanh nghiệp Pháp, đóng. DCNS đã được chọn để thiết kế 12 chiếc tàu ngầm Barracuda cánh ngắn, chạy bằng động cơ diesel cho Úc vào năm 2016. @Thibault Camus / AP

Trớ trêu thay, người Pháp đã có động cơ hạt nhân trong tàu ngầm Barracuda của họ, và nếu chúng ta đã chọn lựa điều đó khi ký thỏa thuận vào năm 2016, họ có thể nói: “Được rồi, hãy để cho chúng tôi tái tạo những gì chúng tôi làm và chuyển giao nó cho bạn”. Nếu chúng ta lựa chọn điều đó, chúng ta sẽ đi trên con đường có được chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của mình.

Nhưng chúng ta nói rằng, chúng ta muốn lực đẩy của tàu ngầm theo cách thông thường. Điều đó đã làm trì hoãn chương trình của Pháp, vì vậy, giờ đây họ có lý do để bực bội với thỏa thuận mới này.

Câu hỏi đặt ra là những chiếc tàu ngầm mới này sẽ được đưa vào sử dụng nhanh chóng như thế nào, bởi vì những chiếc do Pháp thiết kế còn hàng chục năm nữa mới được đưa vào hoạt động.

Thỏa thuận mới này có thể cho thấy một cách tiềm tàng là khả năng Úc tạm thời thuê các tàu ngầm của Anh và/hoặc Mỹ để phát triển khả năng chuyên môn của Úc về động cơ hạt nhân, hoặc ít nhất là vận hành với họ và có thủy thủ đoàn Úc trên tàu để học các kỹ năng.

Nhưng trong hiện tại ở Úc, chúng ta không có khả năng vận hành và bảo trì tàu ngầm hạt nhân, vì còn thiếu cả một cơ sở hạ tầng.

Điều này có nghĩa là chúng ta phải chi một số tiền khổng lồ để phát triển nó, hoặc ký hợp đồng phụ với Vương quốc Anh hoặc Hoa Kỳ, điều này khiến chúng ta phải chịu ơn họ và phụ thuộc vào các động lực chính trị trong nước của họ.

Đâu là sai lầm?

Chúng ta đã tìm ra quả bóng trong việc xử lý khả năng tàu ngầm cho tương lai của mình trong hơn một thập kỷ rưỡi qua. Lẽ ra, chúng ta nên đưa ra quyết định về một thiết kế tàu ngầm mới từ lâu – một thiết kế khả thi – và đã đúc kết vấn đề.

Chúng ta đã bỏ qua một số lựa chọn khác, bao gồm nâng cấp tàu ngầm lớp Collins hiện tại của chúng ta – một phiên bản mới, nhanh, có khả năng hơn so với những gì chúng ta đã biết.

Thay vào đó, chúng ta đã đi đến một thiết kế mới triệt để mà ngay cả người Pháp cũng chưa từng xây dựng trước đây. Bất cứ thứ gì có trong công nghệ tiên tiến đều sẽ bị chậm trễ và vượt quá chi phí. Và đó chính xác là những gì chúng ta phải đối mặt.

Trong khi đó, ở khu vực của chúng ta mây đen đang vần vũ và nhu cầu có được những chiếc tàu ngầm mới, có khả năng trở nên cấp bách và quan trọng hơn.

Sự kết hợp của những yếu tố đó đã thúc đẩy việc đánh giá lại kỹ lưỡng các quyết định nửa vời trước đây của chúng ta về các yêu cầu tàu ngầm trong tương lai của chúng ta.

Điều thú vị là trong giới công nghiệp quốc phòng đang nổi lên một cảm giác tán thành mạnh mẽ rằng Úc hiện đang sử dụng một nền tảng công nghệ quen thuộc – đáng tin cậy, được tích hợp nhiều hơn với Mỹ và hy vọng có thể đi vào hoạt động sớm hơn nhiều.

Ảnh hưởng trong việc xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng Úc?

Các chi tiết vẫn còn sơ sài nhưng có vẻ như kế hoạch ban đầu sẽ là ký hợp đồng phụ phát triển các tàu ngầm theo Mỹ hoặc Anh.

Nhưng nếu Úc muốn tự chủ, điều mà tôi tin rằng chính phủ nhận ra sự cần thiết của nó, thì phần lớn công nghệ này sẽ phải được chuyển giao cho Úc – ít nhất là để cho phép bảo trì.

Không nghi ngờ gì nữa, các khía cạnh của việc xây dựng không liên quan trực tiếp đến kiến thức nội bộ về bí mật động cơ đẩy hạt nhân, vì vậy sẽ có một phần đáng kể công việc có thể được thực hiện ở Úc. Nhưng điều đó sẽ gây ra sự chậm trễ và chi phí bổ sung.

Hoàn cảnh của Úc đang rối ren hơn và viễn cảnh liên minh Mỹ đến giải cứu trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Điều trớ trêu là để tự chủ hơn, cần phải tăng gấp đôi công nghệ và khả năng của Hoa Kỳ. Họ là những người dẫn đầu thế giới và họ có năng lực công nghiệp để nhanh chóng cung cấp công nghệ.

Một trong những điều Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton tới Washington để làm là thuyết phục Mỹ chia sẻ công nghệ. Thỏa thuận AUKUS này nói về việc phát triển cơ sở công nghiệp công nghệ và dây chuyền cung cấp – điều này có nghĩa là Hoa Kỳ và Vương quốc Anh dường như đã sẵn sàng đầu tư vào khả năng duy trì nó của Úc.

Phản ứng của Trung Quốc?

Đó là câu hỏi hàng triệu đô la: điều này có giúp chúng ta an toàn hơn không? Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta sẽ nhận được những lời chỉ trích mạnh mẽ và sắc bén từ Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc sẽ nhìn nhận vấn đề theo ý nghĩa của thuyết âm mưu.

Nhưng những lời hùng biện của Trung Quốc không cần phải coi trọng. Những lời lẽ ấy chủ yếu có mục đích đối nội và nhằm gây ảnh hưởng và định hình quan điểm phù hợp với lợi ích theo cách nhận thức của Trung Quốc.

Trong vài năm qua, Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn trong cách hùng biện, nó phù hợp với việc xây dựng quân đội của Trung Quốc, điều mà hầu hết các chuyên gia an ninh hiện nay nói là Trung Quốc tìm cách đe dọa các đối thủ tiềm năng để cho họ sẽ chỉ lùi bước.

One of China's new nuclear-powered submarines.

Trường Chinh là một trong những chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới của Trung Quốc. Mark Schiefelbein / AP

Vì vậy, liệu một liên minh AUKUS có năng lực hơn, với Úc ở trung dung, có ngăn chặn được Trung Quốc hay làm cho vấn đề tệ hại hơn?

Công bằng mà nói, ngày càng có nhiều sự đồng thuận là chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn các hành động của Trung Quốc trong khu vực. Sự răn đe đòi hỏi những khả năng đáng tin cậy. Liên minh mới này phù hợp với lý luận đó.

Chúng ta đã giao trứng của mình vào giỏ an ninh của Hoa Kỳ trong 70 năm qua – và liên minh mới này đặt nhiều trứng hơn vào giỏ đó. Hy vọng rằng việc hợp tác với Vương quốc Anh và Hoa Kỳ sẽ cải thiện khả năng tự vệ của chúng ta. Nhưng các tàu ngầm chỉ thực sự hữu ích nếu tự thấy mình đang cân nhắc việc phải sử dụng chúng.

Trong hoàn cảnh như vậy, một số biện pháp ngoại giao khéo léo và sự can dự trong khu vực là chìa khóa. Sách Trắng về Chính sách Đối ngoại của Úc năm 2017 đã đề cập đến việc đầu tư vào các mối ràng buộc trong an ninh khu vực. Đối với sự thay đổi chính sách này nhằm tăng cường an ninh, nó cần được thực hiện cùng với những nỗ lực lớn hơn nhiều nhằm tăng cường an ninh và ổn định cùng với các nước láng giềng của chúng ta ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

J. B.

***

*Giáo sư, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, Đại học Quốc gia Úc

Bài liên quan:

Bình luận về Hiệp định Đối tác Tăng cường An ninh của Mỹ, Anh và Úc (AUKUS)

Bộ Tứ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Bắc Kinh*

Aukus đừng để Pháp ‘thấy bị ra rìa’ còn TT Macron nên chấp nhận sự thật

Dịch giả gửi BVN.

This entry was posted in Liên minh AUKUS. Bookmark the permalink.