Gideon Rachman
Nguồn: “The Xi personality cult is a danger to China”, Financial Times, 13/09/2021.
Biên dịch: Trần Hùng
Các trẻ em Trung Quốc chỉ mới 10 tuổi sẽ sớm phải tiếp thu các bài học về tư tưởng Tập Cận Bình. Trước khi đến tuổi thiếu niên, học sinh sẽ phải học những câu chuyện về cuộc đời của nhà lãnh đạo Trung Quốc, và ghi nhớ rằng “Ông nội Tập Cận Bình đã luôn quan tâm đến chúng ta”.
Đây sẽ là một hồi chuông cảnh báo cho Trung Quốc hiện đại. Sự tôn kính mà nhà nước giúp xây dựng cho Tập gợi nhớ tới sự sùng bái cá nhân đối với Mao Trạch Đông, và đi cùng với đó là nạn đói và khủng bố do Mao gây ra trong Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa. Từ nước Nga của Stalin đến Romania của Ceausescu, Triều Tiên của Kim và Cuba của Castro, sự kết hợp giữa sùng bái cá nhân và sự cai trị của Đảng Cộng sản thường là công thức cho sự nghèo đói và tàn bạo.
Những so sánh này có vẻ quá lạc điệu, nếu xét mức độ giàu có và trình độ phát triển tinh vi của Trung Quốc hiện đại. Sự chuyển đổi kinh tế của đất nước trong những thập niên gần đây là rất đáng chú ý, khiến Bắc Kinh thúc đẩy một “mô hình Trung Quốc” mà từ đó thế giới có thể học hỏi.
Nhưng điều quan trọng là phải phân biệt giữa “mô hình Trung Quốc” và “mô hình Tập”. Mô hình cải cách và mở cửa của Trung Quốc, do Đặng Tiểu Bình đưa ra, dựa trên việc bác bỏ sự sùng bái cá nhân. Đặng kêu gọi các quan chức “tìm kiếm sự thật từ dữ kiện thực tế”. Chính sách nên được hướng dẫn bởi quan sát thực tế về những gì hiệu quả, thay vì những tuyên bố khoa trương của Chủ tịch Mao.
Để cho phép các quan chức thử nghiệm các chính sách kinh tế mới, điều cốt yếu là phải phá vỡ nỗi sợ hãi và giáo điều gắn liền với một nhà lãnh đạo toàn năng. Giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí chủ tịch nước Trung Quốc đã được đưa ra vào năm 1982, không cho phép bất kỳ nhà lãnh đạo nào được nắm giữ chức vụ này quá hai nhiệm kỳ 5 năm. Trong thời kỳ hậu Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã thực hiện hai cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo một cách trật tự, từ Giang Trạch Dân sang Hồ Cẩm Đào, và từ Hồ Cẩm Đào sang Tập Cận Bình vào năm 2012.
Các giới hạn nhiệm kỳ cũng là nhằm để giải quyết vấn đề kế vị thường xảy ra trong các quốc gia độc đảng. Do đó, sự lãnh đạo tập thể của đảng sẽ quan trọng hơn sự lãnh đạo lôi cuốn của một cá nhân duy nhất.
Tuy nhiên, trong thời đại của Tập, Đảng Cộng sản Trung Quốc một lần nữa chấp nhận sự sùng bái cá nhân. Đảng đã đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào điều lệ Đảng tại đại hội năm 2017. Vinh dự này trước đây chỉ dành cho một nhà lãnh đạo khác, khi vẫn còn nắm quyền, đó chính là Mao. Vào năm 2018, các giới hạn nhiệm kỳ thời Đặng đối với chức chủ tịch nước cũng bị bãi bỏ, tạo tiền đề cho ông Tập cầm quyền trong nhiều thập niên, nếu không muốn nói là trọn đời.
Sự gia tăng sùng bái cá nhân Tập Cận Bình hiện nay có vẻ như là một sự chuẩn bị cho đại hội đảng năm sau, nơi mong muốn duy trì quyền lực vô thời hạn của nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải được đảng mà ông kiểm soát thông qua.
Tập gần như chắc chắn sẽ có được điều mình muốn. Những người ủng hộ ông và những kẻ muốn o bế ông sẽ hoan nghênh động thái này. Làm thế nào họ có thể làm khác được? Nhà lãnh đạo Trung Quốc được coi là một “hoàng đế tốt”, một nhà lãnh đạo sáng suốt, người đang thực hiện tất cả các bước đi đúng đắn để hiện đại hóa đất nước.
Chắc chắn, có thể đưa ra những lập luận ủng hộ các chính sách quan trọng của Tập, chẳng hạn như chiến dịch chống tham nhũng và một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn. Các chiến dịch hiện tại để giảm bất bình đẳng và kiểm soát quyền lực của các công ty công nghệ lớn cũng có thể được biện minh.
Nhưng tất cả các chính sách này cũng có thể dễ dàng sai lầm. Việc đe dọa Đài Loan có thể dẫn đến một cuộc đối đầu không cần thiết với Mỹ. Đàn áp các công ty công nghệ lớn có thể khiến các doanh nhân sợ hãi và cản trở khu vực tư nhân.
Khó khăn thực sự là nếu mọi thứ diễn ra không như ý, sẽ rất khó để một ai đó có thể nói một cách công khai như vậy. Tất cả mọi sự sùng bái cá nhân đều dựa trên ý tưởng rằng nhà lãnh đạo vĩ đại khôn ngoan hơn tất cả những người xung quanh ông ta. Không thể thừa nhận ông ta đã mắc sai lầm. Những người chỉ trích cách ông Tập xử lý đại dịch Covid-19 đã bị tống vào tù. Sẽ không có cuộc điều tra công khai hoặc điều trần của quốc hội về đại dịch ở Trung Quốc của ông Tập.
Sự sùng bái Tập về bản chất cũng là một sự sỉ nhục đối với các quan chức cấp cao và tầng lớp trung lưu có học của Trung Quốc, những người phải nghiên cứu tư tưởng của Tập hàng ngày trên một ứng dụng đặc biệt. Họ được kỳ vọng sẽ bày tỏ sự tôn kính đối với những suy nghĩ của nhà lãnh đạo, và lặp lại những câu nói yêu thích của ông, chẳng hạn như “núi xanh và nước trong cũng chính là rừng vàng biển bạc”. Bất kỳ ai thấy thủ tục này là điều đáng phản đối hoặc buồn cười, thì tốt hơn hết nên giữ những suy nghĩ đó cho riêng mình.
Sự sùng bái đối với Tập Cận Bình có nghĩa là sự thiếu thành thực và sợ hãi giờ đây đã ăn sâu vào hệ thống của Trung Quốc.
Việc kéo dài sự lãnh đạo của Tập trong tương lai cũng là một công thức cho cuộc khủng hoảng kế vị trong tương lai. Nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện 68 tuổi. Đến một lúc nào đó, ông sẽ không còn đủ sức để cai trị nữa. Nhưng ông ta sẽ bị loại bỏ như thế nào?
Việc Tập tạo ra một sự sùng bái cá nhân và những động thái của ông để trở thành một “nhà cai trị trọn đời” là một phần của một mô hình toàn cầu đáng lo ngại.
Ở Nga, Vladimir Putin cũng đang thúc đẩy các thay đổi hiến pháp để cho phép ông tiếp tục giữ chức tổng thống tới lúc 80 tuổi.
Donald Trump từng “nói đùa” một cách ghen tị rằng, Mỹ nên bắt chước Trung Quốc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống.
Nhưng Mỹ có các biện pháp kiểm soát và cân bằng, cho đến nay đã giúp ngăn chặn những bản năng tồi tệ nhất của Trump. Ở một quốc gia như Trung Quốc – nơi không có tòa án độc lập, bầu cử hay phương tiện truyền thông tự do – không có sự kiềm chế thực sự nào đối với sự sùng bái lãnh đạo. Đó là lý do tại sao Tập giờ đây chính là một mối nguy hiểm cho đất nước của mình.
G.R.
Nguồn: Nghiên cứu Quốc tế