Xoay như đèn cù, vì sao?

Nguyễn Thị Hậu

1. Vì sao Giấy phép đi đường thay đổi liên tục, “giấy đi đường mẫu mới do Phòng PC08 hoặc công an quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn cấp” (theo báo Tuổi trẻ) mà không phải là Sở Giao thông hay Sở Công thương – hai cơ quan quan trọng trong việc tham mưu cho UBNDTP về lưu thông và cung cấp hàng hóa trong/ngoài thành phố? Tình trạng này làm cho nơi cần người cần thì không kịp nhận mẫu giấy mới, không có giấy thì không thể đi đâu, trở ngai cho nhiều việc nhiều người. Mà có cần phải in mới, in đẹp để tốn kém thêm như vậy ko?

2. Việc đi chợ giùm: Xin khẳng định ngay tôi vô cùng quý trọng bộ đội cũng như các anh chị công tác tại phường đã không quản ngại nguy hiểm, kể cả sự phức tạp nữa, để lo bữa ăn cho người dân. Nhưng đây là lực lượng mua bán và vận chuyển hàng hóa không chuyên nghiệp, có năng lực làm công việc khác phù hợp và hiệu quả hơn, sử dụng vào việc này rất phí phạm, có nguy cơ lây bệnh cao, làm giảm sức “chiến đấu” khi cần thiết. Cũng phải nói rằng, chuyện đi chợ nếu không có những chỉ thị “đùng một cái” thì dân đâu có bất chấp nguy hiểm để xếp hàng mua thực phẩm. Cho nên chỉ cần hàng hóa được lưu thông và tương đối đầy đủ, thì việc chợ búa đâu có gì phức tạp, sao biện pháp cứ phải “xoay như đèn cù”?

Vì sao không tổ chức bán hàng lưu động đến từng khu phố, từng hẻm bằng những xe bán tải hoặc xe bus nhỏ, các hộ gia đình mua theo phiếu hẹn ngày/giờ, đồng thời thực hiện giãn cách và các biện pháp 5K khác? Thậm chí, như ở nhiều nước khác, đóng cửa siêu thị, cửa hàng, chợ lớn, nhưng có thể cho mở các cửa hàng nhỏ bán bách hóa, thức ăn mang về, cũng thực hiện đúng 5K… Hiện nay dồn toàn bộ việc cung cấp thực phẩm (chủ yếu, sau đó là lương thực và một số mặt hàng thiết yếu khác) lên vai quân đội và cán bộ phường, tạo nên “tình trạng quá tải các đơn hàng ở siêu thị” đồng thời nhiều nơi dân phải chờ 2, 3 ngày hoặc hơn mới nhận được hàng mua giùm;

3. Những ngày trước lực lượng sipper chuyên nghiệp đã giải quyết việc lưu thông khá tốt, ngay cả khi chỉ cho giao hàng trong nội quận. Vậy vì sao không tiếp tục phương án này – có thể giảm bớt số lượng – mà lại chấm dứt ngay. Để rồi phải thành lập Đội hình tình nguyện viên hỗ trợ tiếp nhận và phân phối hàng hóa đến người dân khó khăn (gọi tắt là đội shipper tình nguyện). Theo đó, đội shipper tình nguyện với số lượng 700 thành viên gồm: sinh viên, thanh niên tình nguyện, tài xế các hãng xe công nghệ… (tin từ báo Thanh Niên). Tức là thay thế đội ngũ có sẵn bằng một đội ngũ khác, chắc chắn tổ chức và vận hành không linh hoạt và hiệu quả như trước.

4. “Nhiều phường ở TP.HCM phản ánh có tình trạng người dân nhờ cán bộ đi chợ hộ. Khi hàng giao đến thì không nhận mà nói là đặt thử xem có thật không”.

Thông tin này được ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), chia sẻ trong Livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tối 26/8 (tin từ Zing). Xin hỏi lại: việc này có thật hay không? Nếu có đề nghị nêu tên người “bom hàng” và đề nghị địa phương xử lý, vì đây là “hành vi cản trở người thi hành công vụ”. Nếu không có việc này thì ai phản ánh sai có bị phạt như việc “phao tin giả” hay không, vì đã tạo nên những dư luận không tốt về người dân TPHCM?

5. Việc Sở Nội vụ đề xuất việc cán bộ công chức đi lại trong những ngày này phải mặc “đồng phục nhận diện” là một việc làm hoàn toàn không cần thiết, tốn kém, gây phiền phức cho các cơ quan đơn vị. Bởi vì đã có giấy đi đường (hoặc giấy phép, giấy công tác, thẻ công chức, thậm chí cả tin nhắn trong điện thoại nếu có việc đột xuất…). Lại thêm một kiểu “thừa giấy vẽ voi”!

Đây là những giải pháp “đúng mà không trúng” vì sai đâu sửa đó, sai đó sửa đâu, sửa đâu sai đó, đâu đó sửa sai… Không biết nơi nào và TẠI SAO lại tham mưu cho chính quyền những “giải pháp” như trên góp phần làm cho tình hình thành phố đã rối càng thêm rối?

N.T.H.

Nguồn: FB Hau kc Nguyen

This entry was posted in Quản lý nhà nước trong đại dịch. Bookmark the permalink.