Đi chợ hộ cho gần 2 triệu 200 ngàn hộ dân TPHCM?

Vũ Kim Hạnh

Trang FB của Tung Hoang (chủ tịch TP Thủ Đức) hôm qua có đưa tin: TP. Thủ Đức phối hợp cùng Grab để đi chợ và mua giúp hàng hoá thiết yếu phục vụ nhân dân.

Trong đầu tôi bỗng bật nhanh khúc phim “đi chợ hộ” (làm nghề phân phối nên tôi cũng có biết và cũng thường tổ chức huấn luyện cho DN nhỏ mà).

Chỉ hai ngày sau “quyết định giãn cách nghiêm ngặt 238” đã thấy Thời báo Kinh tế Sài Gòn đăng: còn quá ít đơn đặt hàng đi chợ hộ và cần thêm combo y tế. Vâng, đến lúc đó, chỉ có 3 đến 4% số hộ dân TPHCM gửi đơn nhờ đi chợ. Phản ánh đầu tiên là: giá hàng siêu thị còn cao, tổ chức combo chưa phù hợp và thiếu thuốc.

Đến hôm nay, sau 5 ngày thì đơn đặt hàng đi chợ hộ đã tăng như chỉ đạo, thì đây là tựa nhỏ (tóm nội dung) của 2 bài báo tiêu biểu: “Hàng chục vấn đề phát sinh khi triển khai “đi chợ hộ”, đặt combo hàng hóa khiến nhiều người dân cũng như hệ thống phân phối bối rối, lúng túng.” và: “Không đơn giản như kế hoạch, việc đi chợ hộ ở TPHCM đang tắc từ đầu vào lẫn đầu ra. Lượng đơn đặt hàng đang dồn ứ tại các siêu thị ngày một nhiều bởi nhân lực vận chuyển đang rất hạn chế và việc phối hợp với các địa phương vẫn còn rối”.

Tôi lật lại tài liệu riêng mà tôi lưu đúng ngày 23/8 để nghiên cứu và chuẩn bị tài liệu huấn luyện về bán lẻ – phân phối sau dịch. Đọc lại thấy cũng sinh động vui vui, tôi đưa lên đây các bạn đọc chơi:

Hai người bạn tôi quen có đề cập trên một trang Facebook về việc GRAB tình nguyện giúp việc đi chợ hộ như sau (các ý kiến, tôi đều ghi nguyên văn, không ghi tên người có ý kiến vì coi như ghi nhận từ một diễn đàn công cộng):

Ý kiến 1: “Grab đề xuất hỗ trợ miễn phí công việc này cho các đơn vị quân đội bằng nền tảng công nghệ và lực lượng shipper”

Grab đã gửi đề xuất cho TP HCM. Grab không đặt vấn đề thay thế các bộ phận mua hộ của chính quyền ở các phường, mà xin làm chân, làm tay cho họ trong việc mua hộ, để công việc hiệu quả hơn khi có ứng dụng công nghệ và lực lượng chuyên nghiệp. Đây là đề xuất hỗ trợ MIỄN PHÍ của Grab, như một hoạt động thiện nguyện giúp thành phố chứ không phải kinh doanh

Sau khi có các phản ứng không đồng tình thì bạn tôi viết tiếp:

Người ta thấy các bộ phận mua hộ làm việc vất vả thì đề xuất được giúp. Nếu không cần thì nói cám ơn, chúng tôi không cần. Chứ nói: “nên cấm Grab” hay “cấm Grab là đúng” nghe rất buồn cười. Chả ai lại bảo người đề xuất giúp mình là TÔI CẤM ANH GIÚP cả, thật ngớ ngẩn (xin lỗi).

Ý kiến 2: Các bạn ơi, mình dân quản lý kinh tế nên tin vào hiệu quả bàn tay vô hình của thị trường, miễn Nhà nước biêt kiến tạo. Vấn đề là chúng ta không có được sự kiến tạo. Dân nghèo và shipper đang chết đói, tại sao không cho họ tiêm nhanh và để họ làm chuyên môn? Cái gì cũng cần chuyên nghiệp. Shipper, Grab, Tiki…Họ có cầm súng dọa “tàu lạ” đâu!

Và đây là những ý kiến không đồng thuận với đề xuất công ty dịch vụ xin giúp miễn phí:

“Việc này, tôi nghĩ có mấy vấn đề. Thứ nhất là kỷ luật. Thứ hai, là vướng luật cạnh tranh. Thứ ba là sự tin tưởng. Vấn đề cốt lõi của TP bây giờ nằm ở cảm xúc của người dân, chứ không chỉ ở hiệu quả của công việc đi chợ hộ.

Người dân TP có thể vì thương và tin yêu bộ đội mà chấp hành nghiêm túc hơn, và sẵn sàng tha thứ cho các chiến sĩ khi có gì sơ suất. Nhưng với nhân viên Grab thì không chắc. Chưa kể có khi còn bị những thế lực cạnh tranh quấy phá”.

“Quân đội không chỉ mua hộ dân thực phẩm, mà còn cấp miễn phí túi quà cho những gia đình khó khăn. Để thực hiện cùng lúc 2 công việc ấy họ đã tổ chức ra 336 đội…bám sát dân theo địa lý, làm sao grab làm được. Đâu chỉ có mua hộ, họ còn làm nhiệm vụ phát túi thực phẩm cho những gia đình khó khăn, không có tiền mua. Thử hỏi ai được tin cậy và làm tốt việc này hơn quân đội” (xin chêm một ý ở đây: Sài Gòn có hằng hà tổ chức thiện nguyện giúp dân nghèo vì thương nhau, vì muốn chia sẻ, họ làm mọi thứ “êm” lắm, đọc đến đây cũng hơi chạnh lòng, dù chỉ nhẹ thôi, tôi tin chính các anh bộ đội không nghĩ thế).

“Quan trọng là đề cao tính kỉ luật quân đội: mọi người phải nghiêm túc cách ly người với người, việc sinh hoạt hàng ngày sẽ có người lo. Quyết tâm như vậy mới thắng được Covid. Riêng niềm tin phát túi lương thực thực phẩm miễn phí cho dân nghèo thì quân đội có niềm tin cao nhất, grab, shipper không ai tin giao làm việc này cả.

Thế chả nhẽ tồn tại 1 đội làm 2 việc riêng.

Bạn nói bạn là dân kinh tế, bạn tính hiệu quả và chi phí 2 cách làm đi”.

“Nên nhớ nhé, không ai chết đói cả vì lương thực, thực phẩm được cung cấp đến nhà từng ngày (khỏi phải đi chợ). Chỉ là thiếu rượu và mồi thôi. Vì thế mới mong mọi người chia sẻ chịu khổ thêm 2 tuần để giải quyết triệt để dịch bệnh này.

Hết trích.

…Và thực tế đang cho chúng ta thấy: có những ý kiến không chú ý khía cạnh chuyên nghiệp trong quản lý chuỗi cung ứng, một việc tưởng bình thường: đi chợ thôi mà. Thú thật là thấy các em, cháu bộ đội trẻ, chăm, tận tụy bị lúng túng, tôi có hỏi anh giám đốc vận hành Trung tâm BSA hiện nay, nguyên là giám đốc vận hành cả chuỗi siêu thị Auchan là: hay để tôi qua xin các anh lãnh đạo Quận 3 để cho mình làm vài buổi huấn luyện bộ đội về chuyện chuyên môn đi siêu thị và phân phát hàng nhé.

Tôi được trả lời: cô liên lạc được là cháu sẵn sàng, bài chỉ là tuồng bụng. Nhưng cần nhân sự chuyên môn, học vài buổi không thay được nhân viên siêu thị và shipper chuyên nghiệp cô ơi. Mà không biết có được phép không cô…

Nay thấy anh chủ tịch TP Thủ Đức “xử” nhanh. Thủ Đức gồm 3 quận, còn trăm thứ việc cấp bách hơn mà nếu cứ lo xử kiện việc “đi chợ hộ” thì bộ máy chính quyến chắc còn mệt.

Xin chúc mừng anh.

V.K.H.

Nguồn: FB Vu Kim Hanh

This entry was posted in Quản lý nhà nước trong đại dịch. Bookmark the permalink.