Kamala Harris có cơ hội đứng lên đấu tranh cho dân chủ trong tuần này – Bà ấy nên nắm lấy nó

Will Nguyễn

Hoa Nguyễn dịch

Đây là tiêu đề của Tờ báo The Washington Post đăng hôm nay với bài viết xã luận của Will Nguyễn, mục Ý kiến Toàn cầu. Tôi cố gắng hết sức để dịch sang Tiếng Việt một cách sát nghĩa nhất với những gì Will, người đồng nghiệp tuyệt vời của chúng tôi, viết. Song do gấp gáp nên sẽ có những lỗi nhỏ, mong được thể tất.

Nhà vệ sinh, bồn rửa và bồn rửa mặt của tôi tất cả là một cái hố trên sàn nhà. ” Cái gối” của tôi là một bao đường nhỏ và giường của tôi là một cái chiếu manh trên nền đá trống không. Trong suốt 41 ngày của năm 2018, tôi đã sống mòn mỏi trong một phòng giam nhỏ ở tp HCM, bị đánh đập và bị bắt vì giúp người Việt Nam bản xứ thực hiện các quyền hiến định của họ.

Nhưng nếu xét về những vụ kết án chính trị ở Việt Nam, tôi là một trong những người may mắn. Tôi có nguồn gốc là người Việt Nam, nhưng do một sự thay đổi của số phận, tôi đã được sinh ra ở Hoa Kỳ. Những công dân Việt Nam đang đấu tranh cho quyền lợi của mình phải chịu đựng những điều kiện thời Trung Cổ này trong nhiều năm, có khi hơn một thập kỷ, việc họ ở sau song sắt trực tiếp liên quan tới những ý kiến bất chợt của cảnh sát, điều tra viên, công tố viên và những thẩm phán toà án, những người đều do một đảng chính trị hợp pháp kiểm soát.

Sự bất công có thể thấy rõ – và Phó Tổng thống Harris có thể nỗ lực để giảm bớt nó khi bà đến thăm Việt Nam trong tuần này. Với tư cách là một chính quyền đã hứa sẽ nhấn mạnh lại việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, bà có cơ hội lên tiếng đòi trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam, những người không làm gì hơn là yêu cầu những gì mà Hiến pháp của chính họ đảm bảo cho họ.

Trong số ít các nước “cộng hoà xã hội chủ nghĩa” còn lại trên thế giới, Việt Nam là một nhà nước độc tài do một đảng cộng sản trên danh nghĩa điều hành, cai trị một dân số thuộc nhóm thân tư bản và thân Mỹ nhất trên Trái đất*. Sự sụp đổ nhanh chóng của Afghanistan cho thấy rằng Hoa Kỳ không thể đơn giản áp đặt nền dân chủ tự do lên các quốc gia khác, ngay cả khi họ có chung quan hệ đồng cảm như vậy. Mong muốn về quyền và cải cách phải xuất phát từ chính người dân. Và ở Việt Nam, thì cũng đúng là như vậy.

Nhưng trong một nhà nước công an trị được trang bị mạnh để dẹp tan bất đồng chính kiến – bộ máy an ninh hiện tại của Việt Nam trên thực tế được hình thành với sự giúp đỡ của Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức** (Stasi là cơ quan tình báo nội vụ và hải ngoại của cộng hoà dân chủ Đức, hay còn gọi là Đông Đức) và sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì những người bất đồng chính kiến rất cần sự quan tâm và giúp đỡ của chúng ta.

Những người bất đồng chính kiến như Phạm Đoan Trang, người không thể thiếu trong việc giúp người dân Việt Nam hiểu các quyền hiến định của họ, người đã đồng sáng lập một nhà xuất bản sách bị Nhà nước cấm, chuyên ấn hành các cẩm nang chính trị trao quyền cho đồng bào của mình. Hoặc Cấn Thị Thêu, người mẹ đứng đầu một gia đình của các nhà hoạt động vì quyền đất đai bị cầm tù, người đã cùng tôi và Phạm Đoan Trang giúp dân làng Việt Nam bị chiếm đoạt đất bằng cách ghi lại và công khai các vụ cướp đất bạo lực của chính quyền, làm đối trọng với báo chí do nhà nước kiểm soát.

Sau đó là Nguyễn Thuý Hạnh, người đã hỗ trợ tài chính then chốt cho những dân làng bị tước quyền và gia đình của những người bất đồng chính kiến, lấy tiền đóng góp từ cộng đồng và thành lập các quỹ độc lập.

Và Trần Huỳnh Duy Thức, người chủ trương cải cách chính trị ôn hoà, đã phải chịu đựng sau song sắt từ năm 2009. Ông đã thực hiện nhiều cuộc tuyệt thực khiến ông hiện nay phải nằm trên giường bệnh chờ chết.

Có nhiều người mong mỏi Phó Tổng thống Hoa Kỳ sẽ tạo áp lực lên các nhà lãnh đạo Việt Nam phải thả những người bất đồng chính kiến trên ​​như một trường hợp khác của chủ nghĩa can thiệp của Mỹ. Nhưng quan điểm như vậy không chỉ làm Hoa Kỳ trệch hướng, bỏ qua những người Việt bản xứ khác đang bị bỏ tù vì đòi hỏi dân chủ mà nó còn là cách nhìn lịch sử thiển cận.

Những hy vọng về nền dân chủ tự do như chúng ta biết đã bắt đầu khởi động trước khi những đôi ủng của người Mỹ chạm mảnh đất VN. Chính những trí thức Việt Nam được đào tạo ở phương Tây đã bắt đầu kích động đòi các quyền cơ bản, tự do và bình đẳng khi Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Cũng chính những khát khao về các quyền và tự do cơ bản này vẫn tiếp tục cháy bỏng trong trái tim của những người Việt Nam bình thường. Tôi cũng đã sánh vai cùng hàng nghìn người trong số họ ngày tôi bị bắt vào tháng 6 năm 2018, và tôi đã có may mắn được gặp, nói chuyện và làm việc với nhiều người trong số họ những năm sau đó.

Chính phủ Việt Nam tự công nhận tính phổ quát của những mong muốn này bằng cách ghi nhận những quyền cơ bản này trong các Điều từ 14 đến 43 trong Hiến pháp của mình. Đảng Cộng sản VN chỉ từ chối tôn trọng những điều đó.

Thật vậy, đối với Việt Nam, việc bảo vệ các quyền tự do này là nền tảng, cũng như mối quan hệ đồng cảm tương thích của nước này với Hoa Kỳ. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam mà Hồ Chí Minh đưa ra vào năm 1945, có tham khảo phiên bản Mỹ của chính chúng ta: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng.” Bản tuyên ngôn viết: “Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được Sống, quyền Tự do và quyền Mưu cầu hạnh phúc.”

Nhưng Hoa Kỳ đã phớt lờ mang tính định mệnh trước lời đề nghị giúp đỡ năm 1946 của Hồ Chí Minh trong cuộc chiến đấu giúp Việt Nam thoát khỏi tay người Pháp. Cuối cùng, ông ấy phải chuyển sang Liên Xô và Trung Quốc để nhờ hỗ trợ, và phần còn lại, như họ nói, là lịch sử thuộc loại đáng tiếc nhất.

Đừng bỏ qua lời yêu cầu khẩn thiết của người Việt Nam khao khát được tự do một lần nữa.

Nguyên văn bài viết tiếng Anh ở đây: https://wapo.st/3jagzce

Chú thích:

*trong các nước XHCN độc tài theo Mác Lê Nin còn lại hiện nay như Trung Quốc, Cu Ba, Lào và nước XHCN độc tài không theo Mác Lê Nin như Bắc Triều Tiên thì Việt Nam có quan hệ thân Mỹ nhất.

** Các cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Bộ Công an Bắc Việt Nam và Bộ An ninh Nhà nước CHDC Đức bắt đầu từ năm 1957. Năm 1959, phái đoàn đầu tiên từ Hà Nội đến Đông Berlin và theo hồ sơ của Stasi, năm 1960, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn thăm chính thức CHDC Đức.

Người đứng đầu Nhà nước CHXHCN Việt Nam hiện nay, thủ tướng Phạm Minh Chính là một trung tướng công an, đã từng học đại học ở Đông Âu (Rumani) và làm việc ở Đại sứ quán với nhiệm vụ trực tiếp xem xét, đánh giá sự biến chuyển của các nước Đông Âu, phục vụ cho đường lối của Việt nam trong thời kỳ này cho đến hiện tại.

W.N.

Nguồn: FB Hoa Nguyen

This entry was posted in Mỹ và chính sách nhân quyền, Quan hệ Mỹ - Việt. Bookmark the permalink.