Thống kê chi ngân sách và thống kê GDP

TS. Vũ Quang Việt (*)

Thứ Sáu,  6/8/2021

(KTSG) – Bài viết này nhằm phân tích quan hệ giữa báo cáo thống kê chi ngân sách nhà nước và số liệu thống kê GDP. Các câu hỏi đặt ra là: chi ngân sách nhà nước đóng góp bao nhiêu vào GDP? Khi ước chi ngân sách quá khác với quyết toán (số liệu chân thật nhất), có cần phải sửa sai GDP trước đó chỉ dựa vào số ước đoán không? Và điểm cuối cùng là bàn về sự cần thiết có một trình tự điều chỉnh, tức là tính lại số liệu GDP thường xuyên.

Cho đến nay, Tổng cục Thống kê Việt Nam (TCTK) sau khi công bố thống kê về GDP và tốc độ phát triển thì gần như chưa bao giờ thấy GDP được sửa sai sau công bố lần đầu. Đây là lý do bài viết này ra đời.

Theo nguyên tắc, mỗi khi số liệu điều tra mẫu của năm ra đời thì toàn bộ các quý trong năm phải tính lại. Khi số liệu tổng điều tra mới ra đời thì toàn bộ GDP trong năm năm (năm và quý) trước đó phải tính lại.

Thông tin về thu chi ngân sách của Nhà nước ở Việt Nam qua thống kê của Bộ Tài chính

Đóng góp của chi ngân sách vào các hoạt động của Nhà nước bao gồm bốn phần chính:

(a) Chi tiêu bằng cách sản xuất ra dịch vụ nhà nước qua việc mua hàng hóa và dịch vụ và trả lương lao động nhằm sản xuất dịch vụ nhà nước, bao gồm dịch vụ hành chính, quân sự, an ninh, giáo dục và y tế công, nhà ở… Chi tiêu ở đây chia làm hai phần: phần để cho cá nhân hay hộ gia đình tiêu dùng không phải trả tiền (gọi tên chi tiêu nhà nước cho tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình); và phần phục vụ lợi ích chung như hành chính, an ninh, quốc phòng (gọi tên chi tiêu của nhà nước cho lợi ích chung).

(b) Chi đầu tư như đầu tư vào cơ sở giáo dục, y tế và hạ tầng cơ sở.

(c) Chi chuyển nhượng tiền cho dân cư qua trợ cấp xã hội để người dân tự chi tiêu hay trợ cấp cho doanh nghiệp.

(d) Chi chuyển nhượng tiền trả nợ và viện trợ.

Chi tiêu ở mục (a) và (b) mang tính sản xuất do đó ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị GDP của nền kinh tế, bởi vì các chi tiêu này chủ yếu nhằm mua hàng hóa và dịch vụ cũng như trả lương cho công chức nhằm cung ứng dịch vụ nhà nước cho dân chúng, hay một phần nhỏ cho đầu tư.

Chi ở mục (c) và (d), thí dụ như chi trả thất nghiệp hay bù lỗ sản xuất, không trực tiếp ảnh hưởng đến GDP, và nếu như khu vực nhận được như hộ gia đình đem chi mua hàng hóa và dịch vụ hay đầu tư thì ảnh hưởng của chúng sẽ thể hiện qua chi tiêu của các khu vực như hộ gia đình, hay với doanh nghiệp cũng thế; nếu không được đem chi tiêu thì chúng chỉ ảnh hưởng đến dự trữ tài chính.

Bảng 1 cho thấy một cái nhìn so sánh về chi ngân sách nhà nước ở Mỹ và Việt Nam. Chỉ có phần chi sản xuất dịch vụ nhà nước và chi đầu tư của nhà nước trực tiếp được dùng để biên soạn GDP.

Phần chi chuyển nhượng là nhằm tăng chi tiêu của các thành phần khác trong xã hội, như trợ cấp xã hội cho dân chúng hay bù lỗ cho doanh nghiệp. Phần chi chuyển nhượng thường xuyên này rất lớn ở Mỹ, thường khoảng 11% GDP, năm 2020 do đại dịch Covid-19 đã tăng vọt lên 20,3% GDP, bằng một nửa chi ngân sách.

Phần chi chuyển nhượng này cho dân cư ở Việt Nam nói chung là rất thấp, chỉ bằng 1,5% GDP.

Chi tiêu của Nhà nước qua thống kê GDP của Tổng cục Thống kê

Chi ngân sách nhà nước ở Việt Nam, theo Bộ Tài chính, chủ yếu là tạo ra dịch vụ nhà nước, mà theo Bảng 1 là 14,6% GDP, nhưng tại sao trong hệ thống tài khoản quốc gia của TCTK lại rất thấp, chỉ có 6,5% (Bảng 2)?  Câu trả lời rất đơn giản là trình bày của TCTK chỉ là chi tiêu của nhà nước cho lợi ích chung hay lợi ích của nhà nước.

Phần chi tiêu của nhà nước cho tiêu dùng cá nhân hay hộ gia đình bao gồm chi giáo dục, y tế, nhà ở mà rất có thể gồm cả những dịch vụ khác như hoạt động đoàn thể (không thể xếp vào đây)…, ước lên tới 8,1% GDP, đã được chuyển sang chi tiêu dùng của hộ gia đình. Đây là phần hộ gia đình được hưởng nhưng không phải chi trả. Cách biên soạn này cho thấy chi của Nhà nước thấp, không phản ánh toàn bộ chi để sản xuất dịch vụ nhà nước.

Để có thể cung cấp thông tin một cách toàn diện và đầy đủ, Hệ thống tài khoản quốc gia của Liên Hiệp Quốc khuyến nghị xử lý đúng đắn sẽ là phân chi tiêu dùng của nhà nước thành hai phần: phần hộ gia đình không phải chi trả và phần vì mục đích công cộng (Bảng 3). Cách trình bày đầy đủ này cho thấy toàn diện hơn chi tiêu của Nhà nước Việt Nam, rất lớn trong nền kinh tế Việt Nam.

Quyết toán ngân sách nói lên điều gì?

Quá trình làm ngân sách ở Việt Nam thường qua dự toán, được Quốc hội thông qua, rồi gần hai năm sau mới được kiểm tra và được Quốc hội quyết toán. Trên cơ sở đó, số quyết toán là số thực. Giữa hai thời điểm này, Bộ Tài chính làm số ước thực hiện, thường là cuối năm. Số ước này được dùng để tính GDP, như thế GDP cũng chỉ là số ước.

Cho đến nay, GDP không được tính lại theo số quyết toán nhằm phản ánh tình trạng thu chi thật. Ngay cả các nhà phân tích chính sách ở Việt Nam hình như cũng bỏ qua việc sử dụng số quyết toán để phân tích.

Chi ngân sách theo quyết toán chiếm đến 26-40% GDP là một tỷ lệ rất lớn, vượt xa dự toán, chỉ khoảng 25-27% GDP, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 2009-2016.  Tình trạng này thay đổi mạnh trong hai năm 2017-2018, sự khác biệt giảm hẳn. Phải chăng ngân sách được kiểm soát chặt chẽ hơn? Và hơn thế, thiếu hụt ngân sách trong quyết toán cũng giảm hẳn so với dự toán, chỉ còn -0,1% so với -3,7%.

Sử dụng quyết toán trong việc tính lại GDP

Về mặt thống kê, nếu GDP được ước dựa vào dự toán thì con số GDP đó sẽ rất sai lạc.

Còn nếu TTCK dựa vào ước chi thì số ước này (dựa vào thông tin phổ biến trên mạng của TCTK) cũng rất khác quyết toán và con số GDP cũng sai lạc.

Số quyết toán chi từ năm 2009-2016 cao hơn số ước chi từ 17-31% (Bảng 5). Nếu dựa vào số quyết toán, chi tiêu dùng của nhà nước trong GDP sẽ phải điều chỉnh cao lên.  Ngược lại với năm 2018, số quyết toán chi ngân sách lại nhỏ hơn số ước, do đó GDP cần được điều chỉnh nhỏ đi.  Tốc độ tăng GDP cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng khó đoán theo hướng nào.

Hướng tăng sự tin cậy của GDP

Có hai dấu hiệu cho thấy có vấn đề về độ tin cậy trong thống kê GDP ở Việt Nam.

– Sai số giữa sản xuất và tiêu dùng:  Bảng 2 cho thấy sai số khá lớn, GDP sử dụng lớn hơn GDP sản xuất 4%. Cách làm của Việt Nam chủ yếu là dựa vào phương pháp sản xuất và không được cân bằng với phương pháp sử dụng cũng như phương pháp thu nhập qua việc sử dụng bảng cung ứng và sử dụng sản phẩm (supply and use table) để cân bằng cung và sử dụng từng sản phẩm trong nền kinh tế. Đây là lý do sai số lớn.

– Sai số giữa quyết toán, dự toán và ước chi ngân sách: Điều này đã được phân tích ở mục 4 ở trên do đó không được lập lại ở đây.

Để tăng độ tin cậy của số liệu GDP, cần:

(a) Cập nhật hóa quyết toán nhanh hơn ở mức hiện nay. Hiện nay Bộ Tài chính đưa ra số liệu quyết toán gần hai năm sau khi năm ngân sách chấm dứt (thí dụ quyết toán ngân sách năm 2018 được công bố vào ngày 24-8-2020).

(b) Chấp nhận sự cần thiết của việc điều chỉnh lại (tức là tính lại) số liệu GDP thường xuyên và theo một trình tự nhất định.

Bất cứ ở một nước nào, tổng điều tra toàn diện về sản xuất và tiêu dùng chỉ thực hiện năm năm một lần, hàng năm và hàng quý phải dựa vào điều tra mẫu và các chỉ số hành chính, cỡ mẫu điều tra quý lại nhỏ hơn rất nhiều cỡ mẫu điều tra năm nhằm nhanh chóng có số liệu cũng như giảm chi phí, nên có sai số ở một mức độ nào đó.

Số liệu giữa hai cuộc tổng điều tra là ước theo điều tra mẫu, do đó số liệu GDP cần phải điều chỉnh hay tính lại khi số hoàn chỉnh ra đời. Theo nguyên tắc, mỗi khi số liệu điều tra mẫu của năm ra đời thì toàn bộ các quý trong năm phải tính lại. Khi số liệu tổng điều tra mới ra đời thì toàn bộ GDP trong năm năm (năm và quý) trước đó phải tính lại.

Thật đáng ngạc nhiên là số liệu GDP Việt Nam cho đến nay chưa bao giờ được điều chỉnh lại.

V.Q.V.

Nguồn: thesaigontimes.vn

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.