Nguyễn Ngọc Chu
Cuộc chạy dịch và thước đo chính quyền nhân dân
Dịch họa đang bộc lộ rõ ràng lớp nghèo mới ở Việt Nam. Một phần trong đó chính là những người lăn lóc chạy dịch trên các nẻo quốc lộ hổm rày.
Đó là một đời sống thế thảm. Không chỉ vì mức độ ngặt nghèo, khốn khó về sinh kế. Quan trọng là họ không có cơ hội tiếp cận bình đẳng về chính trị.
Một chính quyền của dân, do dân, vì dân chỉ là một mớ luân lí sáo rỗng trong cuộc vật vạ chạy dịch của họ. Hoặc khá hơn, đó chỉ mới là một chính quyền nhân đạo, tế chẩn.
Chính quyền ấy tuỳ tâm, để họ kẹt lại ở các cửa ngõ địa phương giãn cách chống dịch, hay buộc họ quay lại nơi họ đã quyết định rời bỏ. Họ bị đối xử bằng thái độ ban ơn, hay chỉ được nhủ lòng thương xót, trắc ẩn. Họ bị trói buộc về ý thức như là những thần dân tuân phục.
Không phải cấp chính quyền nào cũng đã ứng xử tệ hại như vậy với những người chạy dịch. Phú Yên tổ chức liên tục các chuyến xe an toàn đưa hàng ngàn người lao động ly hương của họ về quê, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho cả người dân và giúp thuận lợi cho hoạt động phòng chống dịch. Đó là một cách tiếp cận đúng đắn không chỉ về mặt đạo lí, mà cơ bản là về quyền. Không thể ngăn cản người ta chạy dịch bằng phương tiện xe gắn máy nếu nhu cầu chính đáng ấy không được đáp ứng bằng những dịch vụ bảo đảm.
Nhưng nạn chạy dịch đã không còn là diễn biến nhỏ lẻ, mỗi địa phương đang hành xử bằng quan niệm của riêng mình, đòi hỏi chính phủ phải xắn tay áo vào cuộc.
Trợ giúp những người ly hương chạy dịch không chỉ bằng tiếp cận nhân đạo, mà chính yếu là tiếp cận từ quyền cơ bản của công dân.
Không thể có một chính quyền nào phải mỏi miệng xưng tụng của dân, do dân, vì dân mà để đàn bà, con trẻ vất vưởng tìm cách về quê chạy dịch cả.
Vấn đề dập dịch ở TP HCM không còn là vấn riêng của TP HCM mà đã trở thành vấn đề của toàn quốc. Chưa nói đến vai trò quan trọng số 1 của TP HCM trong nền kinh tế quốc dân, thì vấn đề người dân các tỉnh rời khỏi TP HCM (mang theo nguy cơ lây nhiễm về các tỉnh) trong những ngày qua đã khẳng định điều đó. Trách nhiệm dập dịch không chỉ còn là trách nhiệm của lãnh đạo TP HCM. Trách nhiệm dập dịch ở TP HCM trở thành trách nhiệm trực tiếp của Thủ tướng Chính Phủ, Chủ tịch Quốc Hội, Chủ Tịch nước và Tổng Bí thư của Đảng. Chức vụ càng cao trách nhiệm càng lớn.
Nói đến trách nhiệm trực tiếp tức là chủ thuyết về dập dịch bao gồm ý tưởng, biện pháp, quy trình dập dịch… với nội dung cơ bản được đề xuất trực tiếp từ người có trách nhiệm. Đây chính là “nghĩ thật”. Hô hào mà không đưa ra biện pháp cụ thể đều không dập được dịch. “Nghĩ thật” gắn liền tư tưởng với biện pháp.
Ở đây sẽ không đề cập đến các nguyên do trong quá khứ đã dẫn đến tình trạng dịch lan rộng và có nguy cơ thoát khỏi tầm kiểm soát. Chỉ xin đề xuất một số biện pháp về dập dịch ở TP HCM tại thời điểm này.
1. KHÔNG ĐƯA DỊCH RA KHỎI TP HCM
Không đưa dịch ra khỏi TP HCM. Đây là nguyên tắc xuyên suốt. Mọi chuyển động đều phải tuân thủ nguyên tắc này.
2. CỨU TRỢ VÔ ĐIỀU KIỆN
Những người đã và đang rời khỏi TP HCM hiện nay là vì không có gì để sống, và không có việc làm để nhận lương hiện tại, cũng như chưa thấy có việc làm để nhận lương trong tương lai gần. Nếu trong tài khoản của những người này hàng tháng được nhận lương cứu trợ như các nước, thì đã không có dòng người rời khỏi TP HCM như trong những ngày qua.
Đề xuất Chính Phủ cứu trợ tức thì, vô điều kiện cho tất cả những người lao động ở TP HCM mất việc làm, không có lương. Mức cứu trợ là 70% mức lương tối thiểu theo vùng. Chuyển trả hàng tháng. Thời hạn trước mắt là 3 tháng.
Chính Phủ đã có khoản tiền 26 000 tỷ đồng cứu trợ người lao động khó khăn trong đại dịch, nhưng tại sao dòng người lao động rời khỏi TP HCM vì không có tiền sống? Chứng tỏ tiền cứu trợ chưa đến đúng địa chỉ cần đến, tiền cứu trợ không đến kịp thời. Chứng tỏ thủ tục phức tạp, yêu cầu phiền hà, bỏ sót người lao động. Đây là trách nhiệm của Bộ LĐ&TBXH.
Cứu trợ vô điều kiện là không đòi hỏi bất cứ yêu cầu gì từ người lao động – không phải làm đơn, không phải trình giấy tờ… mà người lao động tự nhiên có tiền cứu trợ. Việc xác định là việc của cơ quan chức năng có trách nhiệm. Hãy học tập các nước.
Thủ tướng nên tham khảo cách quản trị của tiền nhân và trong thời chiến, uỷ thác cho một đặc phái viên giải quyết việc cứu trợ để chấm dứt tình trạng ra đi khỏi TP HCM vì không có tiền để sống. Chính sách được ban vào lúc nào thì dòng người “di tản” khỏi TP HCM sẽ dừng lại ngay lúc đó. Thủ tướng cần một đặc phái viên giỏi. Lãnh đạo Bộ LĐ&TBXH đã thể hiện sự không tương năng trong giải quyết cứu trợ trong đại dịch.
Làm tốt việc cứu trợ vô điều kiện, không chỉ giúp cho những người không có gì để sống đang chuẩn bị rời TP HCM không hoảng loạn, mà quan trọng hơn là làm yên lòng tất cả những người lao động ở TP HCM. Lòng tin đưa đến ổn định. Sự bất ổn định sẽ đến bất kỳ lúc nào khi lòng tin dao động. Đừng bao giờ nghĩ là đã muộn.
3. DÃN CÁCH KHOA HỌC, KHÔNG CỨNG NHẮC
Việc giãn cách tuy phải tuân thủ nghiêm ngặt, nhưng quy trình phải khoa học và con người thực thi phải tương xứng. Vụ “bánh mỳ không phải là thực phẩm thiết yếu”, và công văn khẳng định “bánh mỳ là thực phẩm thiết yếu”, cũng như nhiều thí dụ oái ăm khác, đã chứng tỏ quy trình giãn cách chưa khoa học, và nhân sự thực thi không đáp ứng được yêu cầu.
Cho nên phải có quy trình khoa học và người thực thi đủ năng lực để giãn cách hiệu quả. Lúc đó giãn cách mới ít làm phiền dân và đảm bảo cho sản xuất và lưu thông ít bị gián đoạn. Giãn cách không khoa học sẽ làm tê liệt toàn bộ đất nước.
4. TỔ CHỨC KHOA HỌC DÒNG NGƯỜI ĐẾN VÀ ĐI
Không đưa dịch ra khỏi TP HCM không có nghĩa là TP HCM bị bao vây tuyệt đối. TP HCM vẫn phải tiếp tục sản xuất và lưu thông. Cho nên việc tổ chức lưu thông cho dòng người đến và đi đều phải rất khoa học. Việc này cũng cần người đứng đầu giỏi. Có người đứng đầu giỏi, tự khắc “nghĩ thật”. Khi “nghĩ thật” thì sẽ có đầu ra “thật”.
5. THẦN TỐC TIÊM VACCINE CHO TOÀN BỘ CÔNG DÂN TP HCM
Quyết định tiêm vaccine cho toàn bộ công dân TP HCM là đúng. Việc trở lại hoạt động bình thường của TP HCM phụ thuộc phần lớn vào thời điểm khi nào thì tiêm xong vaccine. Cho nên tốc độ tiêm vaccine là rất quan trọng – thuộc hàng bậc nhất hiện nay.
6. ĐƯA PHƯƠNG TIỆN VÀ NHÂN LỰC TỪ NGOÀI VÀO TP HCM
Thay vì đưa bệnh nhân từ TP HCM đến các địa phương khác để cứu chữa, thì mang bệnh viện và đội ngũ cán bộ y học từ nơi khác đến TP HCM. Đây cũng là nguyên tắc côt lõi trong chiến lược dập dịch ở TP HCM.
7. HỖ TRỢ CỦA TỈNH THÀNH KHÁC
Vào thời điểm sáng nay 31/7/2021, số ca nhiễm Covid -19 ở TP HCM là 88 285. Rồi sẽ vượt 100 000 và hơn nữa. TP HCM có cơ hội trở lại hoạt động bình thường chỉ khi tiêm vaccine hết cho các công dân đang sống và làm việc ở TP HCM.
Lãnh đạo các tỉnh muốn giúp đỡ đồng hương của tỉnh mình đang sống ở HCM nên có chiến lược hợp lý. Thay vì đón họ rời khỏi TP HCM thì hỗ trợ để họ ở lại. Hỗ trợ bằng tài chính và vật chất.
Mặt khác, các tỉnh cần chung tay hỗ trợ TP HCM chống dịch bằng cách đưa bệnh viện, nhân lực, và cả thuốc vaccine phòng chống Covid (một đơn vị đầy đủ) đến TP HCM. Đó là cách giúp đỡ đồng hương thiết thực và hiệu quả.
Từ đó để thấy, các tỉnh thành có trách nhiệm chuẩn bị ngay các bệnh viện dã chiến cùng nhân lực và thuốc men để vào trợ giúp TP HCM.
Bệnh viện dã chiến của các tỉnh thành trong trường hợp cần thiết có thể điều động đến để dập dịch bất cứ ở một địa phương nào. Thủ tướng nên chỉ đạo để tất cả các tỉnh thành phải có bệnh viện dã chiến phòng chống dịch Covid – 19 như là yêu cầu bắt buộc.
CHIA SẺ
Tiền nhân đã nhắc nhở về một chân lý hiển nhiên: “Chạy trời không khỏi nắng’”. Từ góc độ toàn quốc, vận dụng vào hoàn cảnh hiện tại, là “Không đưa dịch ra khỏi TP HCM”.
Dập dịch ở TP HCM không còn chỉ là nhiệm vụ của lãnh đạo TP HCM và lãnh đạo Bộ Y tế nữa. Dập dịch ở TP HCM đã trở thành nhiệm vụ trực tiếp của các lãnh đạo cao nhất của nhà nước. Muốn dập dịch hiệu quả thì khắp mọi mắt xích trong hệ thống đều phải “nghĩ thật”.
N.N.C.
Tác giả gửi BVN