Hoàng Dũng
Trên The Diplomat (https://thediplomat.com/…/why-taiwan-is-beating-covid…/), Wayne Soon cho biết ở Đài Loan số ca mắc mới mỗi ngày đã giảm từ 535 ca vào ngày 17 tháng 5 xuống mức trung bình ít hơn 20 ca trong bảy ngày qua. Ngày 26 tháng 7, chỉ có 10 trường hợp lây truyền trong cộng đồng.
Kết quả đó, theo Wayne Soon, là do:
(1) Đài Loan đã đẩy mạnh chiến lược mang khẩu trang, các biện pháp kiểm dịch và truy vết.
(2) Chính phủ Đài Loan sẵn sàng lắng nghe các nhà phê bình và thay đổi chính sách của mình trong việc chống lại đại dịch.
(3) Người dân Đài Loan tích cực tìm kiếm trách nhiệm giải trình từ các chính trị gia trong việc chống lại đại dịch.
(4) Phương tiện truyền thông của Đài Loan đã tích cực tham gia chống lại đại dịch, cạnh tranh nhau để cung cấp thông tin mới nhất về việc chống lại COVID-19. Hầu hết tất cả các chương trình tạp kỹ và chương trình tin tức đều chuyển sang trực tuyến hoặc nhấn mạnh tất cả khách mời và người dẫn chương trình phải đeo khẩu trang và giãn cách tiếp xúc.
(5) Đài Loan được nhiều nước giúp đỡ. Đài Loan đã tặng hơn 51 triệu chiếc khẩu trang cho các quốc gia trên toàn thế giới vào năm ngoái. Đổi lại, Nhật Bản cung cấp cho Đài Loan hơn 3,3 triệu liều vắc xin AstraZeneca, và Hoa Kỳ đã cung cấp 2,5 triệu liều vắc xin; Lithuania, Slovenia và Séc cũng đã cam kết cung cấp hàng chục nghìn loại vắc xin. Với các loại vắc xin mà họ mua từ COVAX và Hoa Kỳ, Đài Loan đã tiêm một liều vắc xin cho 28% dân số của mình, một bước nhảy vọt đáng kể so với 1% dân số trước khi đợt bùng phát gần đây nhất.
Đối chiếu với Việt Nam, có thể thấy Việt Nam làm tương đối tốt (1), (4) và (5). Nói tương đối, là vì có trường hợp nhà chính trị không ý thức đủ sâu sắc về ứng xử của mình trong bối cảnh chống dịch: VTV chiếu cảnh tất cả các đại biểu Quốc hội đều nghiêm túc đeo khẩu trang, chỉ trừ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là một ví dụ tiêu biểu. Hay Việt Nam tuy được thế giới viện trợ nhiều về vaccine (Thủ tướng Phạm Minh Chính gọi đó là “ngoại giao vaccine”) song việc tiêm chủng còn quá chậm.
Nhưng còn hai việc rất quan trọng: Chính phủ có sẵn sàng lắng nghe các nhà phê bình để KỊP THỜI thay đổi chính sách của mình trong việc chống lại đại dịch hay không và người dân có tích cực tìm kiếm trách nhiệm giải trình từ các chính trị gia trong việc chống lại đại dịch hay không, thì lại phụ thuộc vào THÓI QUEN ỨNG XỬ của quan chức, thậm chí vào THỜI TIẾT CHÍNH TRỊ.
Sự việc ông Đoàn Ngọc Hải quy trách nhiệm cho chính quyền quận 3 TPHCM về cái chết của bà Ngô Trân Châu (con gái Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, em ruột của Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn), và Bí thư quận 3 mau mắn phủ nhận trách nhiệm, còn có ý cho ông Đoàn Ngọc Hải và cả gia đình bà Châu nói sai sự thật, phản ánh thói quen đó: không dám chịu trách nhiệm. Tất nhiên, trong một xã hội quá tập trung quyền lực, người dân không cách gì TRUY CHO ĐẾN CÙNG thói vô trách nhiệm của quan chức.
Đó là chưa kể nhìn chung chính quyền mang tâm lý muốn được ca ngợi hay tự ca ngợi: hôm nay tán dương mình tài giỏi, không dễ gì hôm sau thừa nhận quả đắng mình sai. Mặt khác, chính quyền thường rất cảnh giác với xã hội dân sự, nhiều trường hợp phản ứng quá đà trước sự phê phán của dân, khiến cho không ít người vì sợ hãi mà không dám lên tiếng. Quả thật, làm dân thì an toàn nhất là tụng niệm câu thần chú xưa: “Thánh thượng sáng suốt, nô tài đắc tội”.
Cho nên, các điểm (2) và (3) đối với Việt Nam là khó khăn nhất. Và chừng nào chưa làm được các điều này, thì giá trả không hề nhỏ, về sinh mạng và về kinh tế.
H.D.
Tác giả gửi BVN