Hãy thương bước chân viễn xứ…

Nguyễn Tiến Tường

Để đánh dấu địa hạt của 1 tỉnh lỵ, người ta thường xây cổng chào với dòng chữ kiểu như “ABC XYZ….đón chào quý khách.”

Ấy vậy mà khi người dân gặp hoạn nạn, quay về tỉnh nhà, lại không được chào đón, thậm chí cấm cửa là sao?

Khi kêu gọi người dân đóng góp vào quỹ vacxin, khi kêu gọi người dân hỗ trợ thiên tai bão lũ, thì chính quyền có phân biệt địa danh không? Dân tuy nghèo, nhưng vẫn tằn tiện để đóng góp chung lo cùng Chính phủ đó chứ?

Giờ, họ tìm đường về nhà, nhưng cửa nhà thì đóng lại. Dân biết phải đi đâu?

Thuy Hong

Hôm nay em coi clip thấy anh thanh niên kia quê Gia Lai chạy xe về vì thất nghiệp và mẹ bệnh nặng mà họ ko cho, bắt quay lại TP. Thấy đứng khóc van xin mà chảy nước mắt.

Lê Hằng

Từ sớm đã thiếu một giải pháp chủ động dựa trên tính toán cơ cấu xã hội và khả năng chịu đựng của Sài Gòn trong trường hợp xấu nhất. Nếu việc việc này được làm sớm, trong đó các địa phương cùng tính ngay giải pháp giảm áp lực dân số cho Sài Gòn thì có lẽ giờ không đến mức như thế này.

Minh Đức

Minh Đức Dạ! Thật sự là loay hoay như mang băng keo đi vá lỗ thủng ozone.

Nguyễn Tiến Tường

Dòng người lầm lũi rời Sài Gòn. Từng đoàn xe máy nối đuôi nhau. Có bốn mẹ con đạp xe về Nghệ An. Có gia đình chạy xe ra tận ngoài miền núi phía Bắc. Có người đi bộ xuống miền Tây.

Chính, cậu em làm báo ở quê Quảng Bình tôi viết: 52 người về bằng xe máy, có những phụ nữ mang bầu. Có hai người sinh em bé…

Sài Gòn chưa bao giờ buồn đến vậy. Sài Gòn tổn thương một thời gian ngắn, vạn vạn người dân đã kiệt sức. Sài Gòn hoa lệ bỗng chốc thành nơi không thể nương náu.

Phải lặn lội đường xa vời vợi để về quê giữa trùng vây dịch bệnh, tôi tin rằng họ không còn lựa chọn khác. Bởi vì nếu có lựa chọn, thậm chí chẳng ai ra đường.

Rời Sài Gòn, nghĩa là của nẻo chắt chiu dành dụm không cho phép họ trụ lại, dù chỉ là thời gian ngắn trước mắt. Tiền thuê phòng trọ, tiền sinh hoạt, gạo sâm củi quế vượt ngoài sức chịu đựng của một bộ phận người tạm cư lam lũ.

Họ không được duyên may lọt vào các chương trình đón công dân về tỉnh. Họ lựa chọn mạo hiểm…

Địa phương, sau những phong trào đón con em của mình về quê, bắt đầu ái ngại. Nơi này từ chối khéo, nơi kia ra văn bản từ chối tiếp nhận thẳng thừng. Tôi cũng hiểu rằng địa phương có cái khó của địa phương. Nhưng nếu tôi là lãnh đạo, nhìn con em mình lấm lem tìm quê, chắc khó cầm lòng.

Có thể là hình ảnh về đi xe máy, xe môtô và đường

Địa phương có lẽ cũng không lường trước được phải đón người trong nghịch cảnh này. Nhưng nói không có cách, thì nghe xót xa quá. Cần chỗ cách ly thì mượn trường học, mượn trụ sở. Có f0 thì sàng lọc chăm sóc y tế. Sài Gòn đất chật người đông, quê hương mênh mông ngại gì không có chỗ.

Tỉnh khó thì lập trạm ở tỉnh, báo về trạm huyện, huyện bố trí. Tỉnh cả triệu con người, không lẽ nào không chăm lo được cho vài nghìn ruột thịt? Lòng dân rộng mở, lãnh đạo không ngại thành tích, dang tay đón nhau. Dân tộc mình xưa nay vốn không sợ khó, chỉ sợ chưa hết lòng vì nhau.

Cũng những bàn chân ấy năm xưa ra đi, cũng những bàn chân ấy trở về, nét quê còn vẹn giọng quê còn nguyên, nỡ từ chối nhau sao đành đoạn.

Ở Sài Gòn không đặng, về quê cũng không đặng, rồi họ sẽ ra sao. Không lẽ làm người tứ cố vô thân ở giữa đất nước mình?

N.T.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tiến Tường

This entry was posted in Đại dịch virus Vũ Hán. Bookmark the permalink.