Thái Hạo
Một cô giáo 7x ở Quảng Ninh nói chuyện với mình, và mình nghe rõ sự run rẩy trong từng con chữ trên màn hình. Cô bảo, hiệu trưởng yêu cầu họ (gv) tiêm vaccine Sinopharm (của Trung Quốc), mà họ thì lo lắng không dám tiêm.
Mình bảo chưa yên tâm thì đừng tiêm, đó là quyền mình mà. “Vâng, tôi biết như vậy. Nhưng một khi không tiêm sẽ bị liệt vào thành phần chống đối, vào danh sách đen để trù dập. Tôi sợ lắm”.
Một cảm giác vừa đau nhói vừa bi phẫn dâng lên trong lồng ngực mình.
Tôi biết nhiều bạn sẽ chửi cô giáo là “hèn, là đáng kiếp”, tôi cũng thế. Nhưng không chỉ có thế, nếu các bạn không phải người trong giáo dục hay trong chốn công quyền thì các bạn không bao giờ hiểu được để mà thương xót đâu. Họ đáng giận vì đến cả chuyện chích cái gì vào thân thể mình mà cũng không dám há miệng để nói lấy một tiếng; nhưng họ cũng thật đáng thương, vì sống trong môi trường chuyên chế khốn nạn tột cùng. Những gì cô giáo kể với tôi vốn không khác những gì tôi đã trải qua trong các môi trường giáo dục mà mình từng gắn bó.
Tôi hỏi cô giáo: “Ở đó, nếu ghét mình thì họ làm những gì”? “Họ ghét thì bất cứ lỗi nào cũng phê bình trước hội đồng. Rồi dự giờ đột xuất bắt lỗi. Các cuộc thi đua luôn dìm mình xuống dù mình không kém người khác. Rồi họ lôi kéo giáo viên, tỏ thái độ coi thường mình…”.
Tôi nói: “Giáo viên phải đứng thẳng lên và đứng bên nhau để bảo vệ lẽ phải..”.
“Ở trường tôi ngay cả hiệu phó không được lòng hiệu trưởng thì cũng bị giáo viên tỏ thái độ coi thường ra mặt cơ. Thực ra nhiều khi chính gíao viên tự làm khổ mình. Cứ lo bợ đỡ nịnh nọt hiệu trưởng mà quay lưng với chính đồng nghiệp của mình. Bây giờ một người chống đối, là bị cả tập thể chống lại mình đấy. Kinh lắm”.
“Họ bắt chúng tôi cài đặt Bluzon hay VSS ID …cũng bắt chụp màn hình gửi lên. Cái gì cũng chụp màn hình điện thoại báo cáo, cứ bắt giáo viên phải ngoan ngoãn như con cừu ấy. Ức chế. Có lần họ đưa đường link facebook của một người lên yêu cầu báo cáo đánh sập, rồi cũng chụp màn hình báo cáo là đã làm xong. Có một phụ huynh bức xúc với một giáo viên của trường và đưa lên facbook, thế là họ kêu gọi giáo viên đánh sập facebook đấy đi. Tôi thì hèn, chả dám phản đối. Tôi tranh thủ tải trộm một tấm ảnh của ai đó rồi gửi lên coi như mình cũng xong việc báo cáo”…
Cô giáo kể tới đâu, tôi thấy hiện ra tới đó những ký ức của mình, cả những câu chuyện của biết bao nhiêu đồng nghiệp và bạn bè thân thiết trong trong giáo giới. Nó, một màu như thế: chuyên quyền, độc đoán, ngột ngạt, ti tiểu… Mỗi hiệu trưởng là một lãnh chúa, và giáo viên thì không những khiếp nhược mà còn sẵn sàng vào hùa với hiệu trưởng để cô lập và bóp chết những tiếng nói thật thà hiếm hoi. Cái môi trường giáo dục như thế, nó đã hủ hóa, hư nát đến đến tận cùng.
Một cảm giác vừa ngột ngạt, vừa xót xa, vừa giận dữ lẫn căm phẫn xâm chiếm. Người ta đã làm hỏng giáo viên bằng lối cai trị quân trị chủ nghĩa trong các trường học như thế; biến họ thành kẻ hoặc hèn nhát, hoặc hèn hạ, thậm chí lưu manh nữa. Một ít người còn chút lương tri sót lại thì đau khổ giằn vặt trong bóng tối.
Ông Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ạ! Tôi khẩn thiết gửi đến ông một lời từ đáy lòng mình: Trước khi thực hiện những đổi mới về chuyên môn, xin hãy làm trong sạch ngành giáo dục trước đã, hãy xóa bỏ loại hình chuyên chế trong nhà trường, phân chia quyền lực và phân cấp quản lý theo phương pháp quản trị khoa học của các nước tiến bộ, từ đó mà tạo ra một cơ chế dân chủ thực sự cho giáo dục. Nếu không làm được cái công việc bản lề và nền móng này, dù có “cải cách, đổi mới” gì gì đi nữa thì cũng không thể vực ngành giáo dục dậy được, nếu không muốn nói là chỉ làm cho rối và suy bại hơn mà thôi.
Vì con trẻ, vì đất nước, xin các ông hãy lắng nghe và khởi sự sửa chữa, nếu không sẽ không kịp nữa.
T.H.
Nguồn: FB Thái Hạo