Muốn thắng dịch Tâm phải an

Lưu Trọng Văn

Càng ngày càng phân rõ ra hai cách nhìn chống dịch ở Sài Gòn.

Khi bí thư Nên phải nói đã đến lúc cần gặp các chuyên gia độc lập để lắng nghe cách chống dịch thì chứng tỏ lãnh đạo Sài Gòn đang lúng túng, bất an, có những dấu hỏi với hệ thống chính quy của mình.

Chính quy vẫn công thức quyết liệt phong toả, xét nghiệm sàng lọc, truy quét,cách ly, điều trị, tiêm vaccine.

Các chuyên gia độc lập cơ bản cũng góp ý theo lộ trình này và kiện toàn nó.

Trong khi đó một số bác sĩ tên tuổi trên mạng liên tục đưa ra cách nhìn khác hẳn về dịch. Họ cho rằng không việc gì mà ầm ĩ. Không cần phong toả, chỉ cần tập trung điều trị các con bệnh có triệu chứng và nguy hiểm đến sức khoẻ, còn lại cách ly tại nhà.

Gã không phải chuyên gia y tế phòng dịch, gã chỉ xin thêm một góc nhìn nữa.

Khi thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ý kiến nên đông tây y kết hợp phòng và chữa bệnh đã có một số người chế nhạo, phản ứng.

Rất tiếc ý kiến này hầu như đã bị ngành y tế và dư luận bỏ qua.

Gã cho rằng muốn chống dịch thì phải phòng dịch. Và có rất nhiều cách phòng dịch. Ngành y tế chưa đưa ra được công thức phòng dịch tốt nhất thể hiện tầm nhìn và năng lực phòng dịch của lãnh đạo ngành có vấn đề.

Khi dịch cúm gà xảy ra, nông dân ta tự có cách phòng và chống dịch theo truyền thống của mình đó là xông bồ kết cho gà. Chả con gà nào được xông bồ kết dính cúm gà cả.

Những kinh nghiệm Dân gian của Dân tộc hầu như không được ngành y tế cổ vũ, tuyên truyền để mỗi gia đình, mỗi người Dân tự phòng và chống bệnh.

Dịch virus covid cơ bản cần cơ chế bảo vệ họng, mũi và phổi. Cách bảo vệ tốt nhất là sống trong không gian thoáng, sạch, thường xuyên xông họng, mũi bởi sả chanh gừng và một số loại cây lá dân gian khác. Đồng thời thường xuyên uống nước sả, chanh, gừng cùng mật ong.

Rất nhiều Việt kiều ở Mỹ và châu Âu đã vượt qua dịch bởi kinh nghiệm Dân gian của cha ông này.

Trên đây chỉ là một trong hàng chục cách phòng chống dịch Dân gian tạo nên sức đề kháng của cơ thể trước virus và vi khuẩn.

Nếu mỗi gia đình, mỗi cá nhân ở Sài Gòn làm theo các cách Dân gian này thì sẽ tạo nên hàng rào ngăn dịch hiệu quả và ít tốn kém nhất.

Thứ hai, cần nhìn dịch virus là một loại bệnh mà điều trị và phòng chống phải dùng biện pháp tổng thể. Cũng rất tiếc rằng ngành y tế hiện nay chưa có cách nhìn tổng thể này.

Cha ông ta luôn nói tâm bệnh thì bệnh vì một khi tâm bệnh thì cơ thể không phát huy được sức mạnh bản năng đề kháng, hạn chế, ngăn chặn bệnh.

Theo dõi các biện pháp chống dịch của ngành y tế hiện nay thấy các vị mắt chỉ chăm chăm nhòm đường đi của con virus bé tẹo và hãi sợ nó chứ ít ai quan tâm tới Tâm của người Việt giữa dịch bệnh.

Hàng loạt các chính sách, biện pháp thay đổi hoặc quá gắt gao đã làm xáo trộn tâm lý, gây hoang mang, tạo sự sợ hãi và đề phòng dẫn đến sự trốn tránh không cần thiết đã góp phần làm năng lượng tích cực của Tâm an bị ảnh hưởng theo chiều bất an.

Phòng bệnh, kháng bệnh mà Tâm bất an là thất bại.

Vì vậy hơn lúc nào hết lúc này tại tâm dịch Sài Gòn chính quyền phải thiết lập lại cơ chế triệt tiêu những nỗi lo không chính đáng và tạo ngay niềm tin vào các biện pháp phòng bệnh với các cách thức hiệu quả nhất trong đó có liệu pháp kinh nghiệm Nam y, Đông y, Tây y và Dân gian.

Chủ động, chủ động và chủ động cả Sài Gòn mỗi gia đình, mỗi công dân tự mình chủ động phòng bệnh cũng như tự mình biết cách chữa bệnh dạng nhẹ, tự mình biết cách cách ly sẽ tạo một tâm thế mới, nguồn năng lượng tích cực, nguồn Tâm an.

Còn việc của ngành y tế và chính quyền là tìm các nguồn lây, chữa trị bệnh nhân nặng, tiêm vaccine mà thôi. Như vậy cũng tạo Tâm an cho chính các y, bác sĩ và chính quyền khỏi sự quá tải và cả những hoang mang.

Và đó mới chính là tinh thần tấn công dịch bệnh mà thủ tướng đã nêu lên.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Phòng chống Covid-19. Bookmark the permalink.