‘Không bao giờ tìm ra nguồn gốc COVID-19 nếu dựa vào WHO’

Nhân Hoàng

Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vạch ra kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch COVID-19, ngày càng nhiều nhà khoa học nói cơ quan của Liên Hợp Quốc không có nhiệm vụ và không nên tham gia.

Nhiều chuyên gia, một số có quan hệ chặt chẽ với WHO, nói rằng căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc khiến cuộc điều tra của cơ quan này không thể tìm ra câu trả lời đáng tin cậy.

Họ nói rằng điều cần thiết là sự phân tích rộng rãi, độc lập, gần hơn với những gì đã xảy ra sau thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.

Phần đầu tiên của nghiên cứu chung giữa WHO và Trung Quốc về nguồn gốc COVID-19 vào tháng 3.2021 kết luận rằng vi rút có thể đã lây sang người từ động vật và việc rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”.

nhieu-nha-khoa-hoc-noi-who-khong-nen-dan-dau-cuoc-dieu-tra-nguon-goc-covid-19.jpeg

Thành viên của nhóm WHO mặc đồ bảo hộ trong chuyến thăm thực tế tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Động vật Hồ Bắc ở Vũ Hán, Trung Quốc

Giai đoạn tiếp theo có thể cố gắng kiểm tra các trường hợp mắc bệnh đầu tiên của con người một cách chi tiết hơn hoặc xác định chính xác các loài động vật chịu trách nhiệm – có thể là dơi hay một số sinh vật trung gian.

Thế nhưng, ý tưởng rằng đại dịch bằng cách nào đó bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm và có lẽ liên quan đến một loại vi rút được tạo ra, đã gây chú ý khi Tổng thống Joe Biden hôm 26.5 ra lệnh tình báo Mỹ xem xét trong vòng 90 ngày để đánh giá khả năng xảy ra.

Đầu tháng 7, Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp của WHO – Tiến sĩ Michael Ryan cho biết rằng cơ quan này đang tìm hiểu các chi tiết cuối cùng giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra và rằng vì WHO hoạt động “bằng cách thuyết phục” nên tổ chức này không có đủ sức mạnh để buộc Trung Quốc hợp tác.

Một số người nói rằng đó chính xác là lý do tại sao cuộc kiểm tra do WHO đứng đầu chắc chắn sẽ thất bại.

Lawrence Gostin, Giám đốc Trung tâm cộng tác WHO về luật y tế công và nhân quyền tại Đại học Georgetown (Mỹ), cho biết: “Chúng tôi sẽ không bao giờ tìm ra nguồn gốc COVID-19 nếu dựa vào WHO. Trong một năm rưỡi, họ đã bị Trung Quốc ngăn cản và rõ ràng là họ sẽ không chạm tới đáy của vấn đề đó”.

Lawrence Gostin nói Mỹ và các quốc gia khác có thể cố gắng kết hợp những thông tin tình báo mà họ có, sửa đổi luật y tế quốc tế để trao cho WHO quyền lực cần thiết hoặc tạo ra một số thực thể mới để điều tra.

Giai đoạn đầu tiên sứ mệnh của WHO đòi hỏi phải nhận được sự chấp thuận từ Trung Quốc không chỉ với các chuyên gia đến đó mà còn với toàn bộ chương trình nghị sự của họ và cuối cùng là báo cáo mà họ đưa ra.

Richard Ebright, nhà sinh học phân tử tại Đại học Rutgers (Mỹ), gọi đây là “trò hề” và nói rằng việc xác định xem vi rút nhảy từ động vật hay thoát khỏi phòng thí nghiệm không chỉ là một câu hỏi khoa học mà có các khía cạnh chính trị nằm ngoài chuyên môn của WHO.

Mối liên hệ gần nhất về di truyền với COVID-19 trước đây đã được phát hiện trong đợt bùng phát năm 2012, khi 6 thợ mỏ bị bệnh viêm phổi sau khi tiếp xúc với những con dơi bị nhiễm bệnh ở mỏ Mặc Giang, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên, trong năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa khu mỏ và tịch thu các mẫu vật từ các nhà khoa học, đồng thời ra lệnh cho người dân địa phương không được nói chuyện với các nhà báo đến thăm.

Dù ban đầu Trung Quốc cố gắng tìm kiếm nguồn gốc của COVID-19 nhưng họ đã đột ngột rút lui vào đầu năm 2020 khi vi rút này xâm chiếm toàn cầu. Một cuộc điều tra của hãng tin AP vào tháng 12.2020 cho thấy Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế với việc công bố nghiên cứu COVID-19, bao gồm cả việc xem xét bắt buộc của các quan chức chính quyền trung ương.

Jamie Metzl, người tham gia nhóm cố vấn của WHO, cùng với các đồng nghiệp đề xuất khả năng tiến hành một cuộc điều tra thay thế do G7 (nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển gồm Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Canda) thiết lập.

Jeffrey Sachs, Giáo sư tại Đại học Columbia (Mỹ), cho biết Mỹ phải sẵn sàng đưa các nhà khoa học của mình vào cuộc kiểm tra nghiêm ngặt và thừa nhận rằng họ có thể đáng chê trách như Trung Quốc.

“Mỹ đã tham gia sâu vào nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán”, Jeffrey Sachs nói, đề cập đến việc Mỹ tài trợ cho các thí nghiệm gây tranh cãi và tìm kiếm vi rút động vật có khả năng gây bùng phát dịch.

Ông nói: “Ý tưởng rằng Trung Quốc đã hành xử tồi tệ là tiền đề sai lầm để cuộc điều tra này bắt đầu. Nếu công việc trong phòng thí nghiệm chịu trách nhiệm về cách nào đó với đại dịch thì khả năng cả Mỹ và Trung Quốc cùng làm việc trong một sáng kiến ​​khoa học là rất cao”.

N.H.

Nguồn: 1thegioi.vn

This entry was posted in Nguồn gốc virus Vũ Hán, WHO. Bookmark the permalink.