Trung Quốc gặp “thảm cảnh” tồi tệ nhất thập kỉ: Cả thế giới bị vạ lây vì mục tiêu tham vọng của ông Tập

Tất Đạt | 03/07/2021

Người ta gọi ông Tập Cận Bình đang “già néo”. Hình như ông đang tiến sát đến gần nước Nhật trong cuộc chạy đua kinh tế với nước Mỹ mấy thập niên về trước. Mong đồng chí Tập Cận Bình phấn đấu lên cho bằng bác Mao trong phong trào đại nhảy vọt.

Bauxite Việt Nam

Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đang khiến kinh tế nước này và ngành vận tải cả thế giới gặp rắc rối.

Trung Quốc đang ở trong cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng do thời tiết khắc nghiệt, nhu cầu năng lượng tăng cao và các giới hạn nghiêm ngặt trong việc sử dụng than đá đã giáng một đòn mạnh vào ngành điện quốc gia. Vấn đề này có thể kéo dài trong nhiều tháng, gây căng thẳng cho sự phục hồi kinh tế và trở thành gánh nặng với thương mại toàn cầu.

Một số tỉnh của Trung Quốc cho biết đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng trong những tuần gần đây, bao gồm một số tỉnh quan trọng và có đóng góp lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế tại quốc gia này.

Trung Quốc thiếu điện nghiêm trọng

Tỉnh Quảng Đông – một trung tâm sản xuất chiếm 1,7 nghìn tỷ USD, tương đương hơn 10% sản lượng kinh tế hàng năm của Trung Quốc và chiếm tỷ trọng lớn trong mảng thương mại quốc tế – đã “yếu đi” trong hơn 1 tháng qua. Các hạn chế sử dụng điện đã buộc các công ty trên toàn tỉnh phải ngừng hoạt động vài ngày mỗi tuần. Một số chính quyền địa phương cảnh báo rằng việc cắt điện luân phiên có thể kéo dài đến cuối năm nay.

Quảng Đông không phải là khu vực duy nhất thiếu điện. Ít nhất 9 tỉnh khác cho biết cũng đang phải giải quyết các vấn đề tương tự, bao gồm tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và trung tâm sản xuất Chiết Giang. Việc này buộc chính quyền khu vực phải thông báo giới hạn điện trên một khu vực của Trung Quốc có diện tích bằng Vương quốc Anh, Đức, Pháp và Nhật Bản cộng lại.

Trung Quốc gặp thảm cảnh tồi tệ nhất thập kỉ: Cả thế giới bị vạ lây vì mục tiêu tham vọng của ông Tập - Ảnh 1.

Hôm 29/6, Cục Thống kê Quốc gia nước này thừa nhận rằng thiếu điện thậm chí còn là điều khiến tăng trưởng tại các nhà máy ở Trung Quốc chững lại vào tháng 6.

Đây là giai đoạn thiếu điện tồi tệ nhất ở Trung Quốc kể từ năm 2011, khi hạn hán và giá than tăng cao đã đẩy 17 tỉnh hoặc khu vực phải hạn chế sử dụng điện. Các nhà máy điện không muốn sản xuất nhiều điện khi than trở nên đắt đỏ: Bắc Kinh kiểm soát giá điện, vì vậy các nhà sản xuất không thể tùy tiện tăng giá.

Trong khoảng thời gian này, lượng hàng hóa bùng nổ sau đại dịch và thời tiết khắc nghiệt đã buộc các nhà máy điện than phải hạn chế sản lượng điện. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tìm cách để đáp ứng mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình về một Trung Quốc trung hòa carbon vào năm 2060. Mục tiêu đầy tham vọng đối với nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới đã buộc các mỏ than của nước này sản xuất ít hơn, dẫn đến giá than leo thang.

Sự hao hụt điện năng có thể sẽ khiến sự phục hồi mong manh của Trung Quốc đi chệch hướng, đồng thời gây thêm vấn đề cho các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tình trạng thiếu điện có thể làm giảm sản lượng trên hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm cả các ngành xây dựng và sản xuất then chốt. Theo Cục Thống kê Quốc gia, các doanh nghiệp như vậy đã sử dụng gần 70% lượng điện của Trung Quốc vào năm ngoái và là động lực chính cho sự phục hồi vào năm 2021.

Cắt giảm sản lượng

Công ty Chengde New Material có trụ sở tại Quảng Đông – 1 trong những nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất của Trung Quốc – đã nói với khách hàng vào cuối tháng trước rằng họ sẽ đóng cửa hoạt động trong 2 ngày mỗi tuần cho đến khi không cần cắt điện luân phiên nữa. Công ty dự kiến khối lượng sản xuất sẽ giảm 20%, tương đương 10.000 tấn thép mỗi tháng.

“Các công ty không hài lòng về điều này”, Klaus Zenkel, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu ở Trung Quốc, cho biết. Ông cho biết có tới 80 công ty thành viên của viện có thể đã bị ảnh hưởng bởi lệnh của chính phủ về việc tạm ngừng hoạt động vài ngày trong tuần, đồng thời cho biết thêm rằng các nhà sản xuất trong nước cũng buộc phải tạm dừng sản xuất. Một số công ty thậm chí đã bắt đầu thuê máy phát điện chạy dầu diesel đắt tiền để duy trì hoạt động kinh doanh, ông nói.

Theo dữ liệu của chính phủ và nghiên cứu độc lập, việc phân bổ nguồn điện ở tỉnh Vân Nam thậm chí đã khiến nguồn cung một số loại kim loại, bao gồm nhôm và thiếc, bị cắt giảm.

Nga – Trung “liên thủ”: Đằng sau thông điệp hòa bình là lời tuyên chiến “gửi tặng” ông Biden?

Việc cắt giảm sản lượng và nguy cơ bị trễ thời hạn giao hàng trên khắp Trung Quốc cũng có nguy cơ đè nặng lên chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã gặp nhiều vấn đề sau đại dịch. Riêng tỉnh Quảng Đông đã sản xuất tới 1/4 tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc, bao gồm quần áo, đồ chơi và đồ điện tử.

Henning Gloystein, giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên của Eurasia Group cho biết: “Tình trạng thiếu điện có thể làm gia tăng thêm tình trạng chậm trễ trong ngành hậu cần toàn cầu.”

Việc tồn đọng hàng hóa có thể mất nhiều tháng để giải quyết và dẫn đến tình trạng thiếu hàng trong mùa mua sắm cuối năm. Việc này khiến tình trạng thiếu điện càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.

Lara Dong, Giám đốc cấp cao về Năng lượng và Năng lượng tái tạo tại IHS Markit cho biết: “Tình trạng thiếu điện có thể dẫn đến việc sắp xếp lại lịch trình làm việc cho các nhà sản xuất địa phương, gây ra thách thức đối với thời gian giao hàng và do đó, ảnh hưởng tới phần còn lại của chuỗi cung ứng”.

Tình trạng thiếu điện có khả năng tiếp tục diễn ra trong ít nhất vài tháng tới, đặc biệt là khi nhu cầu vẫn cao trong những tháng mùa hè nóng nực.

Chính phủ cũng có những lựa chọn khác. Một chuyên gia gợi ý rằng Trung Quốc có thể dỡ bỏ các rào cản đối với than nhập khẩu từ Úc, mặc dù “điều đó sẽ khiến Bắc Kinh bớt cứng rắn”.

Và cuối cùng, các nhà chức trách có thể phải suy nghĩ về việc thay đổi một số mục tiêu khí hậu. Tình trạng thiếu điện có thể vẫn là một vấn đề “khá thường xuyên” trong thời gian tới. Trung Quốc dường như cam kết kiểm soát điện và đang cố gắng tăng cường sử dụng các nguồn tái tạo và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.


T.Đ.

Nguồn: soha.vn

This entry was posted in Mặt thật Trung Cộng, Phát triển kinh tế. Bookmark the permalink.