Em Đô tự tử hay chết vì lý do gì?!

LS Lê Ngọc Luân

[Hãy đọc kỹ bài viết trước khi có ý kiến]

Bài phân tích này dựa trên một số thông tin do người cha của Đô và Đại tá Nguyễn Xuân Thìn (Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1 – Bộ Quốc phòng) cung cấp với báo chí chính thống (Tuổi trẻ, Thanh niên, PL.TPHCM, Tiền phong…). Mục đích của bài viết duy nhất chỉ là sự phân tích pháp lý dựa trên kinh nghiệm của người hành nghề luật sư với niềm tin sự việc đau đớn của em Đô được sáng tỏ, nếu em Đô bị chết do đánh phải đòi công lý cho em, còn nếu em mất vì điều không may mắn khác thì coi như là nén nhang thơm thắp cho em và mong gia đình an lòng để vượt qua được nỗi đau này.

Trước hết, cần đặt câu hỏi là có việc quân nhân bị đánh đập khi đi nghĩa vụ quân sự không?

Việc dư luận nghi ngờ Đô chết bị đánh có căn cứ không, cái đó hồi sau sẽ rõ. Tuy nhiên, tôi khẳng định thực tế có một số trường hợp quân nhân đi nghĩa vụ bị đánh là chính xác 100% vì bản thân từng là luật sư đã đứng ra bảo vệ cho một quân nhân tuổi đời còn rất trẻ bị chính đồng đội đánh dập tinh hoàn. Đó là vụ án gây ra làn sóng phẫn nộ của gia đình cũng như dư luận. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm tuyên án treo, sau đó gia đình tìm gặp, kết quả may mắn công lý đã về nhưng nỗi đau đớn mà Thân chủ tôi gánh chịu sẽ mãi còn đó vì mất khả năng làm cha.

Quay trở lại vụ em Đô, có mấy vấn đề mà luật sư của gia đình Đô (nếu gia đình có nhờ) và cơ quan điều tra cần thực hiện, hay nói một cách thẳng thắn là PHẢI LÀM RÕ VÀ làm một cách NHANH CHÓNG, cụ thể:

1) Một người phụ nữ trong đám tang của Đô thông tin: “Trước ngày 25, cháu tôi có gọi gọi điện tôi, cháu bảo chỉ huy hay đánh cháu… Cách mấy ngày sau, tôi nhận được tin của cháu, cháu nói sẽ đi Đà Bạt một tháng trời và bảo tháng sau, cháu không đi nữa đâu. 28 cháu chết…”.

Đây là một nguồn chứng cứ, thông tin này có chính xác không? CQĐT cần ngay lập tức lấy lời khai của người phụ nữ và trích xuất lịch sử cuộc gọi để xem Đô có gọi điện và nói như vậy không? Phải làm ngay vì nếu để thời gian kéo dài dữ liệu sẽ mất, bản thu âm của mạng viễn thông không thể lưu.

2) Ông Hội cha của em Đô thông tin: “Khoảng 17h ngày 28/6 (thời điểm sau khi Đô chết), tôi nhận được điện thoại của người xưng là thủ trưởng của cháu Đô gọi đến báo với gia đình cháu bị đột quỵ tại thao trường. Đến 10 phút sau thì họ lại gọi bảo con tôi đang nguy cấp được cấp cứu tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên nên gia đình tôi tức tốc lên đó”.

Thông tin này có chính xác không? Quá dễ để cơ quan điều tra làm rõ. Nếu điều tra cho thấy thông tin của ông Hội là chính xác thì vụ này có nhiều vấn đề, bởi tại sao có lúc thông tin “đột quỵ tại thao trường”, có lúc bảo “nguy cấp”? Nếu phát hiện Đô “tự tử”, “đột quỵ”, “nguy cấp” sao không gọi ngay báo mà phải đợi đưa đến bệnh viện mới gọi?

3) Ông Nguyễn Xuân Thìn – Trưởng Phòng tuyên huấn Quân khu 1 thông tin trên Báo Tuổi trẻ rằng: “Chiều 28-6 tổ chức huấn luyện tại thao trường dã ngoại, cách trường hơn 20 km. Đầu giờ chiều, khi đơn vị tập trung để quán triệt chuẩn bị bước vào huấn luyện thì quân nhân Đô xin ra ngoài với lý do đau bụng để đi vệ sinh. Khoảng 14h đơn vị bước vào huấn luyện, 20 phút sau vẫn không thấy quân nhân Đô quay lại thì chính trị viên đại đội và một đồng chí nữa đi tìm ở khu nhà vệ sinh không thấy, nên tiếp tục đi tìm thì phát hiện quân nhân Đô treo cổ trên cây ở đằng sau khu vệ sinh”.

CQĐT cần phải thực hiện các biện pháp nghiệp vụ lấy toàn bộ lời khai của các quân nhân có mặt tại buổi thao trường ngày hôm đó xem có trùng khớp với lời của ông Thìn đưa ra hay không? Việc lấy lời khai như thế nào để đảm bảo khách quan không mớm cung thì cái này không có gì khó. Đặc biệt, cần làm rõ tại sao một người trẻ tuổi như Đô, với ước mơ khát vọng trở thành người lính đặc công phục vụ QĐVN lại tự tử? Đô có bị sức ép gì không? Có bị chèn ép hay bị ức chế tinh thần trong quãng thời gian nhập ngũ không?

Giả sử Đô chết không phải bị đánh như dư luận nghi ngờ mà tự tử vì những lý do sức ép từ nơi đóng quân thì rõ ràng có dấu hiệu của tội “Bức tử” được quy định trong Bộ Luật Hình sự 2015 và cơ quan điều ra cần ra quyết định khởi tố vụ án. Cơ quan luật pháp cần lý giải hợp lý, hợp tình tại sao một người quân nhân nếu bình thường, yêu màu áo lính lại tự nhiên đi tự tử? Nếu cho rằng Đô có bệnh về tâm lý trước khi nhập ngũ thì sự việc này bất hợp lý bởi muốn đi nghĩa vụ phải trải qua khâu khám sức khỏe rất chặt chẽ. Đủ tiêu chuẩn mới được đi.

4) Trung tướng Dương Đình Thông – bí thư Đảng ủy, chính ủy Quân khu 1, Bộ Quốc phòng cho biết cơ quan đang điều tra, khẩn trương làm rõ nguyên nhân quân nhân Trần Đức Đô và cho rằng: “Tôi cũng biết việc gia đình phát video cho rằng nạn nhân bị đánh, nhưng thực tế, sự việc không hẳn như thế”.

Ông Thông khẳng định “KHÔNG HẲN NHƯ THẾ” nghĩa là chưa chắc Đô tự tử hay bị đánh dẫn đến tử vong, nhưng tại sao Đại tá Thìn lại khẳng định trên Báo Tuổi trẻ rằng:

“Chúng tôi dựa vào kết luận của cơ quan điều tra. Khi tìm ra nguyên nhân sẽ làm việc theo đúng trình tự pháp luật. Nếu động cơ dẫn đến tử vong do mâu thuẫn sẽ xử lý công minh chứ không bao che. Các vết thương trên người Quân nhân Trần Đức Đô không có tác động ngoại lực”.

Điều này có nghĩa là chưa có bất kỳ kết luận nào của cơ quan chức năng về nguyên nhân Đô chết thì tại sao trước sự việc đặc biệt nghiêm trọng như vậy lại vội vàng cho rằng Đô “tự tử”? “Không có tác động ngoại lực”? Mục đích ở đây là gì?

5) Việc Đô có tự tử hay không, không quá khó để kết luận thông qua việc khám nghiêm tử thi ban đầu và quá trình giải phẫu tử thi để tìm rõ có lực tác động bên ngoài hay không. Điều này cần sự chính xác, khách quan của Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát. Trường hợp này cần sự chuyên sâu và tâm huyết luật sư của Đô để góp phần bảo vệ cho Thân chủ của mình. Thông qua đây tôi chia sẻ pháp luật là nếu gặp trường hợp nạn nhân bị tử vong và nghi ngờ có dấu hiệu tội phạm thì cần nhờ luật sư ngay để luật sư lập tức tham gia chứng kiến buổi mổ tử thi nhằm có phương án bảo vệ trong trường hợp có “bất thường”.

Dù biết việc khám nghiệm tử thi sẽ có sự tham gia giám sát của VKS nhưng với kinh nghiệm của mình, ngoài việc cần có niềm tin với cơ quan tiền hành tố tụng thì tôi chỉ tin chắc chắn khi mình tận mắt chứng kiến việc khám nghiệm. Tất nhiên, luật sư cũng phải có kiến thức về pháp y.

Đây là sự việc đau lòng và đặc biệt nghiêm trọng cần cơ quan pháp luật làm rõ và phải trả lời cho gia đình nạn nhân câu trả lời thỏa đáng đúng pháp luật. Muốn thỏa đáng thì cần làm rõ một số giả thiết mà tôi đã nêu ra trong bài phân tích này.

P/S: Tổ Quốc là thiêng liêng bất khả xâm phạm. Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là những chàng trai trẻ sẽ tự hào khoác lên mình màu áo xanh người lính. Vì thế, cần sớm có kết luận sớm vụ việc này để em Đô được bình an ở đất Mẹ yêu thương.

Tôi mạn phép đăng clip cách đây mấy năm, một quân nhân – Thân chủ của tôi bị đồng đội đánh dập tinh hoàn – mất khả năng làm cha. Bạn ấy tập đi trước khi vào phiên tòa. Vụ việc này tạo nên nỗi phẫn uất của gia đình khi công lý không được thực thi ở phiên tòa cấp sơ thẩm.

Link video: https://www.facebook.com/LSLeNgocLuan/posts/1640984036232958

May mắn nhân duyên người nhà thông qua một nhà báo giới thiệu và họ đã tìm đến chúng tôi, hành trình mòn mỏi tìm lại công bằng cho em đã được thực thi, nhưng nỗi đau còn lại của chàng thanh niên trẻ là hồi chuông thức tỉnh LƯƠNG TRI làm người cho tất cả chúng ta.

Sài Gòn, 01/7/2021

L.N.L.

Nguồn: FB LS Lê Ngọc Luân

This entry was posted in Quân Đội. Bookmark the permalink.