Hai buổi tối liền giáp Tết Con Trâu 2021, Nguyễn Anh Tuấn từ Boston về ghé thăm như đã hẹn. Hai chúng tôi ngồi với nhau trước ấm trà nóng thoảng mùi hương sen, nghĩ và nói với nhau về ông Sáu Dân. Đã hơn nửa năm chỉ biết thu mình trước cái máy tính không rời khỏi căn phòng một bước vì bệnh kéo dài thì với tôi, đây là một giải tỏa thú vị. Cũng có thể nói là một ưu ái của người bạn trẻ ở xa về dành cho tôi.
Tuấn đang cùng với các bạn Mỹ tiến hành một công trình nghiên cứu về Võ Văn Kiệt trong kế hoạch hoạt động của họ và muốn tôi cung cấp những hiểu biết, suy ngẫm và kỷ niệm riêng tư với ông Sáu Dân. Tôi nhớ đến một nhận xét của giáo sư John Quelch – Phó Hiệu trưởng trường kinh doanh Havard – mà trước đây rất lâu Tuấn đã kể với tôi về cảm nghĩ của ông về Võ Văn Kiệt khi nghe tin ông qua đời: “Buồn quá, thế là dự định mời nhà lãnh đạo kiệt xuất của Việt Nam Võ Văn Kiệt đến đây nói chuyện sẽ không bao giờ thực hiện được nữa, một nhà lãnh đạo như vậy ở bất kỳ quốc gia hay dân tộc nào cũng không dễ có được đâu”!
Thời gian có hạn, cho dù Tuấn đã ngồi với tôi đến 23g30, tôi chọn hướng trao đổi lần này là bàn về “chất hào hoa rất văn hóa của con người tự làm ra mình trong cuộc sống, trở thành người trí thức xứng với danh hiệu ấy”. Đây là nhận xét của anh Việt Phương, người mà cả hai chúng tôi đều rất gần gũi, yêu thương.
Không lần nào Tuấn đến thăm tôi mà không nhắc đến Sáu Dân và Việt Phương, nhất là ba năm gần đây, khi mà Việt Phương cũng đã về thế giới bên kia với Sáu Dân cho dù anh đã khẩn khoản vật nài:
“Đời cần người lúc này bao xiết kể
Người đừng đi đừng đi đừng đi!”
“Người” ở đây chính là “người tự làm ra mình trong cuộc sống”. Đó là một mệnh đề ẩn chứa một chiều sâu triết lý, vừa gần gũi, vừa xa thẳm. Tuy nhiên thật ra, đứng trên bình diện triết học mà xét, thì luận điểm “người tự làm ra mình trong cuộc sống” không mới.
Trong “Hiện tượng học tinh thần” Hegel đã từng bàn về “sự tự sản sinh của con người như là một quá trình,”. Ở chương IV “Sự thật của việc xác tín về chính mình”, Hegel viết: “…tiến trình của Sự sống là cái toàn bộ tự phát triển, giải thể sự phát triển của chính mình và bảo tồn chính mình một cách đơn giản ngay trong toàn bộ tiến trình vận động này”.1 Còn trong “Bản thảo Kinh tế-triết học năm 1844” thì Marx đã viết “Toàn bộ cái gọi là lịch sử toàn thế giới chẳng qua chỉ là sự sáng tạo con người kinh qua lao động của con người, cho nên người đó chứng minh một cách rõ ràng không bác bỏ được sự sáng tạo ra bản thân mình bởi chính mình, quá trình phát sinh của mình”. 2
Gợi ra điều này chỉ nhằm chiêm nghiệm ý tứ của Việt Phương, một người gần gũi với ông Sáu Dân, như là sự đúc kết một cảm nhận từ chiều sâu triết lý về một con người mà thời gian chẳng những không làm phai nhòa đi, trái lại càng “soi sáng thêm lên, vừa ngày càng rõ ràng, rỡ ràng, vừa như mãi còn bí ẩn” mà Nguyên Ngọc đã viết. Nói “chiêm nghiệm” vì quả thật tác giả của những câu trích dẫn nói trên đã nói hộ tôi những suy tư về người tôi kính trọng và thương nhớ, nhất là trong những ngày tháng Sáu này.
Tôi còn nhớ như in buổi làm việc cuối cùng với ông chiều 19 tháng 5 năn 2008. Trước đó ba ngày, ông nói với tôi: “Anh chịu khó bay về Sài Gòn đón, rồi thay mặt tôi, mời cơm ông Lê Xuân Khoa và ông Phùng Liên Đoàn, lên chương trình làm việc cho họ, rồi anh cố bay về trước khi họ ra Hà Nội, tôi chỉ tiếp họ độ nửa giờ, sau đó anh và các anh ở Hà Nội làm việc với họ, anh báo trước cho các anh ấy để thu xếp chu đáo, nên là anh Nguyễn Quang A chủ trì. Mọi việc cụ thể trong Nam, Trịnh đã thu xếp chu đáo rồi, nếu phát sinh thêm thì anh tự giải quyết giúp”.
Mọi việc ở Sài Gòn hoàn tất, sáng 19.5.2008, tôi bay về Hà Nội, vừa xuống cầu thang máy bay đã nhận được điện thoại của Trịnh: “Chú ơi, chú Sáu muốn găp chú ngay, cháu đã cho xe đón chú thẳng về Hồ Tây luôn”. Về đến nhà số 6, Trịnh nói khẽ: “Chú Sáu đang mệt đấy, chú làm việc ít thôi”. Bước vào phòng khách, ông Sáu Dân đang nửa ngồi nửa nằm trên chiếc ghế dài bọc da của bộ xa lông tiếp khách, chân gác trên thành ghế: “Xin lỗi nhé, cho mình ngả lưng một tí, anh ngồi xuống đi”. Ông chỉ tay về phía tách trà vừa pha sẵn, mời tôi “Uống nước đi rồi ta nói chuyện, tôi vừa đi thực hiện “nghi lễ” về, mệt quá, tranh thủ làm việc ngay vì chiều lại có việc”.
Tôi báo cáo vắn tắt nội dung buổi đón tiếp hai nhà trí thức Việt Nam ở Mỹ về theo lời mời của ông nhằm bước đầu thực hiện một hợp tác khoa học giữa những người trí thức Việt Nam yêu nước hiện sống ở Mỹ với những trí thức có tên tuổi trong nước để hình thành một nhóm liên kết mang tính dân sự giữa những trí thức Việt Nam trong và ngoài nước.
Thực ra, đây là lần thứ hai ông Sáu Dân yêu cầu tôi thực hiện việc đón tiếp này. Trước đó một năm là với giáo sư Lê Xuân Khoa, “người mở đường”, đã bay về gặp ông để chuẩn bị cho việc ký kết một hợp tác “phi quan phương” giữa những trí thức trong và ngoài nước.
Giáo sư Lê Xuân Khoa đã viết một bản tường thuật dài đến 28 trang khổ A4 kể lại chuyện đi thú vị nhằm chuẩn bị cho đề án thành lập Viện Kiến quốc Việt Nam thế kỷ 21 do Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn soạn thảo và đã gửi đến các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tiến sĩ Đoàn tốt nghiệp tiến sĩ Khoa học nguyên tử Viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT), Chủ tịch Tổng Giám đốc Công ty Professional Analysis, Inc từ năm 1983, đã từng sáng lập Quỹ Học bổng Việt-Mỹ (Vietnamese American Scholarship Fund) năm 1989… Ông cũng đã có nhiều lần về Việt Nam. Là học trò cũ của giáo sư Lê Xuân Khoa, ông đề nghị giáo sư Khoa thay mặt cho ông – tác giả của “Việt Nam thế kỷ 21” – về trước gặp ông Võ Văn KIệt, nhằm thành lập một “Trung tâm Nghiên cứu Phát triển bền vững như một nơi hội tụ các tài năng trong nước cũng như ngoài nước và tạo cho họ đóng góp những công trình phát triển có ích lợi cho tương lai đất nước và dân tộc Việt Nam”. Có lẽ vì thế mả bản tường thuật của giáo sư Khoa rất tường minh, vừa không bỏ qua những sự kiện chi tiết, vừa khái quát khá súc tích nội dung chuyến công du của ông.
Ở trang 4, ông ghi lại nguyên văn lời của ông Võ Văn Kiệt: “Tôi đã chuyển những đề nghị của ông, cùng với những ý kiến của tôi về những đề nghị đó đến các vị đương nhiệm trong Đảng cũng như trong Chính phủ… Tôi, trong khi chờ đợi, sẽ làm hết sức mình để những mong muốn tâm huyết cho đất nước đó sớm trở thành hiện thực”. Tiếp đó giáo sư Khoa kể lại tỉ mỉ những buổi họp làm việc, ăn phở, ăn cơm với ông Võ Văn Kiệt, với các bạn trí thức Sài Gòn, đi dạo phố, gặp bạn bè, vào hiệu sách… Rồi tiếp đó bay ra Hà Nội trình bày và trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Hà Nội. (Riêng nội dung cuộc trao đổi này, tác giả ghi rõ “hầu hết dựa theo bản ghi chép của Huy Đức”, tr. 14).
Với tuổi ngoài 80, giáo sư Khoa có trí nhớ tuyệt vời và một văn phong uyển chuyển, đằm thắm, người đọc nhận ra ngay! Trong bản tường thuật ấy (mà riêng tôi có cảm nhận như một “tản văn” của nhà sử học), thể hiện cái tâm của một người trí thức yêu nước. Kết thúc bản tường thuật, theo trình tự thời gian, giáo sư Khoa ghi cả giờ lên máy bay trở về Mỹ: “11 giờ sáng hôm sau, ngày 4/4/2007, tôi được đưa ra phi trường Tân Sơn Nhất. Tới nơi, tôi đã thấy anh Tương Lai có mặt ở phòng VIP để tiễn chân tôi. Vì có nhân viên chính phủ lo giấy tờ thủ tục nên tôi có nhiều thì giờ trò chuyện… Tôi có dịp chia sẻ thêm với anh Tương Lai những điều tôi đã nói với ông Kiệt. Trước khi tôi lên máy bay, anh Tương Lai đã thay mặt cho “anh Sáu” và các bạn mà tôi đã cùng làm việc trong những ngày qua chúc tôi thượng lộ bình an. Tôi cám ơn anh và cũng gửi lời chào tất cả mọi người và xin gặp lại một ngày gần đây” (tr.27). Phải một năm sau, cuộc gặp ấy mới diễn ra được.
Kể nữa thì còn dài, chỉ nhắc lại một kỷ niệm: cũng tháng Sáu, cách đây 14 năm, khi nghe tin ông Sáu Dân mất, GS Lê Xuân Khoa gọi điện cho tôi giọng nghẹn ngào “Anh Tương Lai ơi, rồi đây tôi còn biết nói chuyện với ai!”.
Tôi hiểu tâm trạng đó của nhà trí thức đã vượt quá cái tuổi “xưa nay hiếm” gần hai thập kỷ đau đáu nỗi lo “nếu không sớm có chính sách hòa giải thật sự thì thế hệ trẻ sẽ ngày càng thờ ơ với những lời kêu gọi của chính phủ, đất nước sẽ mất luôn các thế hệ trẻ ở hải ngoại” (tr7)!
Người trí thức già ấy hiểu rõ tầm nhìn và tấm lòng của ông Sáu Dân, cũng xấp xỉ tuổi ông. Nhà lãnh đạo từng trải ấy hiểu rằng không thể có sáng tạo và bứt phá trong nghiên cứu khoa học nếu không có tự do tư tưởng, độc lập trong tư duy, thoát ra khỏi cái khung quá chật hẹp, quá gò bó và mất dân chủ của cách quản lý nhà nước hiện tồn. Ý tưởng phải có những tổ chức nghiên cứu tư nhân, tập hợp những nhà khoa học tâm huyết có đủ khả năng tiến hành những đề tài khoa học có tính thực tiễn cao nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách cũng như lâu dài của đất nước ấp ủ trong ông từ lâu và nhiều lần ông nói với tôi. Để bước đầu thực hiện kế hoạch hợp tác với Đề án Việt Nam thế kỷ 21 của các anh ở Mỹ đưa ra, ông Sáu Dân cho xúc tiến ngay việc thăm dò và quy tụ một số nhà khoa học ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để hình thành một vài tổ chức nghiên cứu tư nhân, hoạt động theo Luật Khoa học và Công nghệ đã ban hành. Viện Nghiên cứu Phát triển (Institute of Development Studies) viết tắt là IDS ra đời ngày 27.9.2007 tại Hà Nội do một số các nhà khoa học tự tổ chức căn cứ theo Luật Khoa học, Công nghệ và Nghị định số 81/2002 ngày 17/10/2002 của Chính phủ, là một ví dụ.
Xin kể một vài sự kiện lý thú về việc này. Theo yêu cầu của ông Sáu Dân, tôi bay ra Hà Nội để dự cuộc họp của mấy anh chị ở Hà Nội tại nhà anh Việt Phương bàn về việc thành lập một tổ chức nghiên cứu tư nhân. Sôi nổi trao đổi khá lâu, anh Quang A đứng dậy nói to, “Các anh chị trao đổi có vẻ “quan phương” quá, theo tôi, cứ dựa vào luật Khoa học và Công nghệ, mình tự đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội mà làm thôi, chẳng phải xin phép ai cả. Theo cách đó, tôi cho chỉ một tuần là xong. Anh Chu Hảo nguyên là Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ chắc có quan hệ với Sở Khoa học – Công nghệ Hà Nội, liên hệ ngay với họ đi. Mọi việc khác tôi lo”.
Tôi bay về Sài Gòn báo cáo với ông Sáu Dân. Ông cười, ngồi trầm ngâm, mời tôi uống ly nước bưởi. “Anh quen Quang A lâu chưa? Có thể mời anh ấy vào gặp tôi được không?”.
Xin phép Ông, tôi bước ra sân móc điện thoại gọi cho Quang A, vắn tắt lại buổi nói chuyện và đề nghị của ông Sáu Dân muốn gặp Quang A. Rất thoải mái, anh nói với tôi: “Được thôi, chiều tối nay em bay vào, sáng mai thứ Bảy đến gặp ổng, liệu ổng có bận không?”. Quay vào bàn, tôi nói lại với ông Sáu trả lời của tiến sĩ Nguyễn Quang A. Ông cười thú vị: “Đúng chất của một người hành động, quãng 9 giờ sáng mai anh đưa anh ấy sang chơi, tiện thể ăn trưa với tôi luôn, có Ngô Vĩnh Long ở Mỹ về nữa, chắc nhiều chuyện hay”.
Câu chuyện diễn ra suôn sẻ, buổi cơm trưa do cô Hiếu Dân, con gái Ông chuẩn bị thật ngon và ấm cúng. Sáng hôm sau tại quán “Ba miền” quen thuộc, ba chúng tôi, Quang A, Chu Hảo và tôi ngồi bàn cụ thể những bước tiến hành, trước hết là mời cho được một số nhà khoa học tâm huyết có uy tín như các giáo sư Hoàng Tụy, Phan Huy Lê, Đỗ Quốc Sam và một số nhà hoạt động từng được công chúng biết tiếng như Trần Đức Nguyên, Nguyễn Trung, Lê Đăng Doanh… tham gia.
Chu Hảo trầm ngâm: “Một số người thì chúng ta có thể mời trực tiếp, một vài người thì đã có mặt trong buổi thảo luận hôm trước, nhưng một số “nhân vật” thì phải anh Việt Phương ngỏ lời mới có tính thuyết phục cao để họ nhận lời”. Chu Hảo quay sang tôi, “Việc này thì anh Tương Lai phải ra tay thôi”. Tôi ra một góc, gọi điện thoại nói chuyện với anh Việt Phương. Nghe tôi trình bày công việc đã làm trong này và đề nghị anh tham gia với tư cách là một “thành viên hạt nhân” như anh đã từng làm trong “Tổ Nghiên cứu Đổi mới”, đồng thời nhờ anh mời các anh Hoàng Tụy, Phan Huy Lê…
Anh Việt Phương nói lại với tôi với giọng nghiêm túc khiến tôi hơi hoảng: “Sao Tương Lai lại tự mâu thuẫn thế, chính Tương Lai rất kiên quyết đòi mình gạt bỏ mọi hoạt động, tập trung toàn bộ thời gian cho việc hoàn tất những vấn đề mình đang viết. Bây giờ lại đòi mình tham gia vào việc này?”. Tôi vật nài: “Thì đúng thế, nhưng không còn cách nào khác, đây là công việc mà anh Sáu Dân giao và đòi thực hiện gấp. Nếu không có sự hiện diện và giúp đỡ của anh thì gay go quá. Có Quang A và Chu Hảo đây, anh nói chuyện với họ nhé”, tôi gỡ bí. Anh trả lời ngay, “Thôi không cần đâu, để mình suy nghĩ thêm, ra Hà Nội rồi bàn”. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì biết cái “nhược điểm” của Việt Phương. Anh là người rất khó nói không với những yêu cầu giúp đỡ của bạn bè.
Bảy ngày sau tại Hà Nội công việc được thu xếp xong. Mọi người nhất trí tiến cử Tiến sĩ Nguyễn Quang A gánh vác trách nhiệm Viện trưởng IDS. Tôi bay về Sài Gòn báo cáo lại với ông Sáu Dân. Quãng hơn một tuần sau, ông lại yêu cầu tôi bay ra để bàn với anh Việt Phương và anh Quang A nên mời giáo sư Hoàng Tụy đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện IDS để tăng thêm uy tín cho IDS. Là người am hiểu sâu sắc giới trí thức và quý mến họ thật lòng, khi đưa ra gợi ý nên mời giáo sư Hoàng Tụy ngồi vào vị trí ấy, ông cười: “Ổng là người không sợ ai và ai cũng phải sợ ổng, nếu ổng nhận lời thì quá hay”.
Chỉ đến tháng Sáu năm sau, khi Ông qua đời, nhắc đến câu nói ấy của Ông, anh chị em IDS tán với nhau: “Có lẽ cần thưa với ông Sáu Dân rằng, ông chưa nói đến người vô học quen cầm rìu phá rừng lấy gỗ, cưa cây chặt cành, đốn ngã cổ thụ, thì một “ổng” chứ mười “ổng” hắn ta cũng đốn hạ như chơi thôi”. Là nói vui thế! Chuyện “nhạy cảm” chẳng nên ghi rõ làm gì. Thì các cụ ta xưa đã dạy “nhân bất học bất tri lý” đó thôi.
Ông Sáu Dân khai trong lý lịch ở mục trình độ học vấn là “biết đọc biết viết”, ấy thế mà giáo sư Cao Huy Thuần, một nhà trí thức “thứ thiệt”, dạy Đại học Picardie ở Paris, lại viết: “Tại sao ông Sáu Dân để lại nhiều tình cảm đặc biệt nơi người trí thức? Chỉ đứng trên lĩnh vực trí thức mà thôi, câu trả lời là: Tại vì, ở cương vị quyền hành, ông đã biết nhìn và nhận người trí thức như vậy. Và tại vì, ở cuối đời, khi chỉ còn cây bút và hai bàn tay không, ông đã làm nhiệm vụ của một người trí thức như thế”. Một người trí thức như thế, theo tôi hiểu thì Cao Huy Thuần muốn nói là người “không đánh mất khả năng tự phê phán, để biết tự mình khai phóng, tự mình phát triển, tự mình đổi mới, tự mình mở cửa cho tiến bộ – để trật tự và ổn định không đồng nghĩa với bất biến, ù lì”.
Có lần ông Sáu Dân chất vấn tôi: “Tại sao anh lại cho những sai lầm trong vụ “Nhân văn – Giai phẩm” có tác hại không kém gì sai lầm trong vụ cải cách ruộng đất, thậm chí hệ lụy của nó còn kéo dài hơn”. Tôi trả lời rất vắn: “Vì nó đánh vào trí thức, bộ phận tinh hoa của dân tộc, làm thui chột tài năng sáng tạo của họ, cũng là đánh vào văn hóa, anh xem, sự nghiệp chiến đấu của dân tộc ta vĩ đại như thế, nhưng nghiêm túc nhìn lại, đã có một tác phẩm văn học nào tương xứng chưa. Đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng không có không gian tự do để sáng tạo, lấy đâu ra tác phẩm lớn!”.
Ông trầm ngâm: “Toàn bộ thời gian dành vào cuộc chiến đấu quyết liệt tại chiến trường ở Miền Nam, tôi không am hiểu mấy về vụ “Nhân văn – Giai phẩm”, lúc nào anh trình bày vắn tắt cho tôi về chuyện này, chuyển cho tôi những tư liệu anh có, để tôi bố trí thời gian đọc”.
Hiểu tâm trạng của ông, nhưng cũng hiểu thời gian của ông đang cần dành cho những việc mà tôi biết là cấp bách hơn, nên tôi chỉ đưa ông đọc bài Phát biểu của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 30.10.1956 và nói thêm về những hệ lụy mà nhà trí thức lớn ấy phải chịu đựng vì bài phát biểu đó. Tôi lưu ý: “Nguyễn Mạnh Tường là người đã lập một kỷ lục mà suốt 60 năm không một sinh viên Pháp hoặc sinh viên quốc tế nào phá được – kỷ lục đoạt hai bằng tiến sĩ ở tuổi 22! Đó cũng là người đã đươc Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng và trân trọng giao cho ông những nhiệm vụ khó khăn của những năm đầu của chính quyền còn non trẻ phải đối phó với thù trong, giặc ngoài”.
Đọc xong, ông trách tôi: “Tại sao anh không nói sớm với tôi. Tôi nhớ khi anh tham gia vào “Tổ Nghiên cứu Đổi Mới” thì luật sư Tường vẫn còn ở Hà Nội. Chí ít, với tư cách là Thủ tướng, tôi đến thăm ông ấy. Ít nhất cũng để biểu tỏ một lời xin lỗi về những gì ông đã phải trải qua, đó là chuyện phải làm và rất cần làm”.
Một thời gian sau, trong ngày 20 tháng 11, nhân biết tôi vừa ra Hà Nội, lớp học sinh, sinh viên cũ mời tôi dự buổi gặp mặt tại nhà một học sinh cũ ở phía sau Nhà Hát lớn. Nhân các bạn học sinh hỏi tôi hiện đang làm gì sau khi từ chức Viện trưởng và bay thẳng vào Sài Gòn, tôi có kể lại chuyện trên. Khi chia tay bước ra cửa, một cô học sinh cũ đến chào và cầm tay tôi: “Thầy ơi, em là con gái của luật sư Nguyễn Mạnh Tường đây”. Nước mắt lưng tròng, cô nói: “Giá mà thầy ra sớm một tuần, trước khi mẹ em mất. Bà biết được chuyện thấy vừa kể cũng là một an ủi cho mẹ em trước khi bà nhắm mắt”. Tôi sững người. Không biết nói gì hơn ngoài việc nắm chặt tay cô học trò cũ cho đến khi phải lấy khăn lau đôi mắt kính đã nhòe lệ.
Chuyện này tôi có kể lại cho ông Sáu Dân. Nghe xong, ông lặng đi. Tự tay cầm ấm trà trên bàn rót mời tôi và chậm rãi: “Biết bao con người, bao thân phận, bao cảnh ngộ, còn quá nhiều điều phải nghĩ, nhiều việc phải làm!”.
Chính vì vậy, khi tôi báo tin nhà văn Nguyễn Khải mất, ông rất buồn vì ông đã có ý mời anh Nguyễn Khải đến nhà chơi nhưng anh Khải chần chừ nói với tôi: “Thôi, anh Tương Lai ơi, anh tha cho tôi”. Tôi thuật nguyên văn câu ấy với ông, nét mặt ông thoáng buồn, không nói gì.
Tôi kể cho ông nghe: “Sau một buổi họp Chi bộ hưu tại trụ sở Báo Văn Nghệ của Nguyễn Duy, anh Khải mời tôi đi uống cà phê tại một quán cóc vỉa hè. Anh rút từ túi vải vẫn đeo vai tập truyện đánh máy: “Đây là tập tùy bút tôi vừa hoàn thành. Mỏng thôi, nhưng tôi phải suy ngẫm rất lâu. Hôm anh Việt Phương vào, anh có đưa Việt Phương sang thăm tôi. Tôi nhớ trong câu chuyện, Việt Phương có nói “Nghĩ không bao giờ muộn cả, Khải ạ”, chắc anh cũng nhớ. Viết xong cái tùy bút này, tôi đặt tên cho nó là “Nghĩ muộn”. Đây tôi đưa anh đọc và nhờ anh tìm cách đưa cho một nhà xuất bản nào đáng tin cậy in giúp tôi”.
Cầm trong tay tập bản thảo “Nghĩ muộn”, tôi hiểu đây là một sự trao gửi bạn bè chân tình thật xúc động. Anh Khải là bậc đàn anh, hơn tôi sáu tuổi. Đối với tôi, sự trao gửi này là một sự tin cậy rất đáng trân trọng anh dành cho tôi, tuy tôi tiếp xúc và gần gũi anh chưa lâu. Tôi cẩn trọng cân nhắc và cuối cùng chọn một tạp chí có uy tín, được nhiều trí thức có tên tuổi cộng tác. Người phụ trách nói có thể sẽ dành một “Phụ trương” để đăng tập tùy bút của anh Nguyễn Khải. Tôi cũng thận trọng chưa gửi cho họ tập bản thảo “Nghĩ muộn” thì anh Khải đến thăm tôi, mặt rất buồn: “Hỏng mất rồi anh Tương Lai ơi, tôi rất xin lỗi anh. Anh cho tôi rút lại lời đề nghị với anh. Có chuyện nhạy cảm khó nói, sau khi đắn đo cân nhắc tôi thấy chưa thể xuất bản “Nghĩ muộn” được anh ạ. Chắc anh cũng quá hiểu và thông cảm với tôi thôi”.
Tôi biết là anh rất “đau” nên chỉ nói mấy câu an ủi và đứng lên, định đi lấy tập bản thảo mà tôi cất kỹ trong tủ sách. Anh Khải ngăn lại: “Không, anh cứ giữ kỹ cho tôi, rồi khi có thể anh in giúp tôi”. Như có một luồng điện chạy dọc sống lưng, tôi linh cảm một điều không hay sẽ xảy ra. Khi anh ốm nặng, tôi vào thăm, anh nắm chặt tay và gắng nở nụ cười. Tôi cố kìm nước mắt. Sau khi anh qua đời, tôi mời cả ba cháu con trai và con gái anh đến nhà, trang trọng trao lại tập bản thảo “Nghĩ muộn” được xem như một di sản của gia đình mà anh để lại.
Thế rồi không hiểu từ đâu mà có tùy bút “Đi tìm cái tôi đã mất” của Nguyễn Khải xuất hiện trên mạng, hình như đã có sách in, có bình luận, nhận xét… nội dung có chỗ y hệt như “Nghĩ muộn”, có chỗ không, theo trí nhớ của tôi. Vì không còn trong tay bản thảo “Nghĩ muộn” nên tôi không thể nói cụ thể được.
Ông Sáu Dân trầm ngâm, rồi nói là ông cũng đã đọc “Đi tìm cái tôi đã mất”, ông hỏi tôi lý do mà anh Khải rút lại chuyện cho xuất bản mà tôi nghĩ là chắc Ông cũng đã biết, nên tôi chỉ thưa một câu: “Cũng như những người cầm bút khác thôi, nỗi lo con cái bị trù dập, bị khống chế, bị đàn áp, có khi khá tinh vi, có khi khá trắng trợn. Đó là “Chuyện thường ngày ở huyện” mà Anh!”. Ông thở dài, không nói gì thêm.
Đám tang anh Khải ông đến rất sớm. Tôi đón ông ở bậc thềm nhà tang lễ ở Phạm Ngũ Lão, vừa bước lên bậc thềm ông vừa nói: “Anh ghi giúp tôi mấy dòng lên sổ tang để tôi ký”. Tôi hỏi: “Thưa anh, thế anh định ghi những gì”. Ông dừng lại, nói rất nhanh: “Anh nghĩ tôi cần phải ghi gì thì anh viết, vì anh biết về anh Khải hơn tôi, và cũng hiểu là tôi nên viết những gì”. Rồi, ông đi thẳng đến thắp hương, chia buồn với gia chủ, nói chuyện với Nguyễn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn, Nguyễn Duy, bí thư chi bộ của chúng tôi – một số văn nghệ sĩ về hưu, trong đó có anh Khải và vài anh khác nữa, có cả tôi và Nguyễn Trọng Huấn – người kiến trúc sư tài hoa đã từng theo ông đi một số nơi theo yêu cầu của ông Sáu. Huấn ở trong một căn hộ chật hẹp trên tầng năm của một chung cư cũ, từng mời ông Sáu Dân đến “nhậu” với mấy anh em và ông vui vẻ nhận lời, một buổi “nhậu” rất vui, để lại đậm nét trong chúng tôi về “phong cách Sáu Dân”. Nguyễn Duy đang là người chuẩn bị và tổ chức tang lễ anh Khải.
Căng óc khi bước đến bàn để sổ tang, tôi nghĩ rất lung về những gì mà Sáu Dân cần ghi như tôi đã hiểu về Ông, và về người bạn quý mến của tôi vừa nằm xuống. Viết xong thì Ông cũng vừa bước đến. Ngồi xuống ghế, ông đọc rất chăm chú, chỉnh sửa vài dấu phẩy rồi thận trọng cầm bút ký. Thở phào nhẹ nhõm tôi tiễn Ông ra xe sau khi đã bắt tay Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy…
Chuyện Ông yêu cầu lãnh đạo thành phố dành đất cho mộ nhà văn Nguyễn Khải, nếu “đã hết” thì thì lấy “suất dành cho tôi” để thay vào thì Nguyễn Duy đã có dịp kể, tôi không nhắc lại.
Mở cửa bước vào xe, ông Sáu quay lại hỏi tôi: “Anh có phải “trực” ở đây nữa không?”. Tôi lắc đầu: “Có việc gì không anh”. “Vậy thì lên đây luôn”, ông trả lời. Ngồi trên xe, ông nói “Hôm rồi anh có nói với tôi về giáo sư Hoàng Như Mai đang ở trong một căn nhà quá cũ, tiện đây anh đưa tôi đến thăm ông ấy”. “Vậy thì xin anh để tôi gọi điện thoại báo trước cho giáo sư Mai”, tôi nói. Ông gạt đi. “Khỏi cần, cứ đến, rồi anh vào trước thưa với giáo sư, thế là được. Báo trước lại làm cho gia đình phải chuẩn bị, mất tự nhiên”. Buổi đàm đạo giữa hai ông già thật thoải mái. Chiều hôm đó, giáo sư Mai gọi điện thoại trách tôi: “Anh tệ quá không báo trước cho tôi một tiếng khiến tôi rất lúng túng”. Tôi lại phải giải thích, “Thì em cũng bị động bất ngờ. Vả chăng, anh đã gặp và nói chuyện với ông ấy, hôm nhóm các nhà ngôn ngữ do Cao Xuân Hạo dẫn đầu đến trao đổi với ông Sáu Dân, cũng có anh đấy thôi”.
Trở lại chuyện Nhân văn – Giai phẩm. Khi nói về sự kiện đáng xấu hổ này tôi có nói với Ông về Cao Xuân Hạo, một tài năng lớn về ngôn ngữ, có thể nói là thiên bẩm trên lĩnh vực này. Thân phụ của Hạo là cụ Cao Xuân Huy, một nhà đạo học uyên bác được giới khoa học trong nước và quốc tế nể phục. “Thiên bẩm” của Hạo phải chăng được truyền từ cha? Thế mà cả hai cha con đều phải lao đao bởi vụ “Nhân văn – Giai phẩm”. Cao Xuân Hạo đang dạy đại học, bị chuyển về phòng tư liệu, để chỉ chuyên dịch thuật. Nhưng Hạo nói với tôi:
“Mình “biết ơn” giai đoạn ấy, vì nhờ thế mà mình ngồi lỳ tại Thư viện Khoa học Trung ương để đọc hết những sách và tư liệu mình cần. Những gì mình viết ra được, cũng là nhờ vào thời gian ngồi lì suốt ngày trong thư viện ấy”.
Tôi kể cho ông Sáu Dân nghe về những tác phẩm của Hạo được in ở Pháp và sự đánh giá của những nhà ngôn ngữ Pháp, những tác phẩm lớn của văn học thế giới do anh dịch được công chúng yêu thích. Tôi đưa cho Ông đọc cuốn “Tiếng Việt. Văn Việt. Người Việt” của Hạo tặng tôi, ông thú vị nhắc lại trong buổi gặp các nhà ngôn ngữ tại 33 Tú Xương. Trần Chút, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP Hồ Chí Minh, nói với tôi khi chia tay ra về: “Anh đã làm được một việc rất có ích và rất tuyệt. Có thì giờ thì anh em ta phải “lai rai” một bữa để nói thêm, bàn thêm. Phải khai thác bằng được sự quan tâm của cụ Kiệt để đẩy mạnh chuyện nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ”.
Sau buổi trao đổi, ông Sáu Dân ngồi uống trà và hỏi tôi thêm về các nhà ngôn ngữ có hài lòng về buổi họp mặt không. Tôi kể lại với ông nhận định của anh Trần Chút. Cao hứng tôi kể một chuyện khá riêng tư và thú vị mà có lần Cao Xuân Hạo tâm sự với tôi:
“Vào những năm 40 sang 50, khi cuộc Kháng chiến Chống Pháp xâm lược ở vào giai đoạn tàn khốc và Bình, Trị, Thiên là điểm nóng nhất. Đang ở Khu IV, được xem là “Khu Tự do” gồm ba tỉnh Thanh, Nghệ Tĩnh, Cao Xuân Hạo và nhà văn Bửu Tiến rủ nhau vào “Bình Trị Thiên khói lửa” [tên của một ca khúc nổi tiếng của Nguyễn Văn Thương sáng tác năm 1948]. Một lần nằm nghỉ bên bờ suối, Hạo mở chíếc đàn guitar mang theo, hát nghêu ngao. Bửu Tiến nằm nghe, rồi nói: “Mình, và có lẽ cả cậu, dấn thân hết mình vào cuộc kháng chiến, nhưng khi thắng lợi rồi, chúng ta sẽ bị gạt ra ngoài đấy”. Hạo hỏi: “Thế sao anh lại rủ tôi cùng đi?”. Bửu Tiến trả lời: “‘Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách’, lúc này, người trí thức không thể trùm chăn đọc sách. Mình xấu hổ khi trốn vào nơi “an toàn” ở Khu IV, thế thôi”. Tôi hỏi Hạo: “Thế anh trả lời sao với anh Bửu Tiến?”. Hạo trầm ngâm: “Mình lặng yên, không nói gì, nhưng biết rằng anh Tiến nói đúng. Có sự bồng bột tuổi trẻ, nhưng đó là logic của cuộc sống, là hệ lụy của vấn đề ý thức hệ, sẽ còn rất nặng nề. Sau này, khi gặp những vấn đề tệ hại, mình vẫn nhớ đến câu nói ấy của Bửu Tiến. Tuy nhiên, mình vẫn thấy buổi dấn thân hơi phiêu lưu ấy là rất đẹp. Bửu Tiến bị bầm dập rồi vẫn viết được vở kịch “Giáo sư Hoàng” đấy thôi!”. Hạo cười chua chát!
Tôi thấy ông Sáu Dân có vẻ buồn. Ngồi trầm ngâm một lúc, ông vỗ vỗ vào tay tôi đang đặt trên bàn nước: “Chúng ta quá chủ quan và kiêu ngạo, còn rất nhiều vấn đề chúng ta chưa hiểu nổi, có lẽ vì thế mà phải trả giá quá đắt”. Tôi những muốn nói với ông: “Tôi kính trọng và thương mến anh Cao Xuân Hạo vì chính tôi cũng lao đao bầm dập nên quá hiểu câu chuyện của các anh ấy”, nhưng rồi may mà kìm lại được. Những đau buồn được chôn chặt vào lòng nên là một ứng xử của người tự trọng, cho dù những giọt nước nuốt vào trong bao giờ cũng đắng hơn.
Đúng buổi trưa hôm ấy, đang lim dim nhắm mắt tôi bỗng nghe điện thoại réo, tiếng Trang – người cận vệ cao lớn rất dễ thương của ông Sáu mà tôi rất thích: “Chú ơi, cháu đang ở đầu ngõ nhà giáo sư Cao Xuân Hạo như chú chỉ nhưng hỏi chẳng ai biết nhà của giáo sư cả. Chú hướng dẫn thật cụ thể giúp cháu nhé”. Thì ra, sau bữa ăn trưa, chỉ nằm nghỉ mươi phút, ông Sáu đã gọi Trang chuẩn bị đưa ông đi thăm Cao Xuân Hạo. Buổi đến thăm ra sao xin không nói dài. Cao Xuân Hạo là người kiệm lời, khi tôi hỏi, anh chỉ cười: “Thú vị và cảm động”.
Hôm đám tang Cao Xuân Hạo, Ông cũng đến rất sớm, vẫn lại câu nói nhỏ nhẹ: “Anh viết vào sổ tang để tôi ký”. Lần này tôi không hỏi lại nữa, cùng ông đi đến bàn tang lễ thắp hương, tôi quay sang nơi đặt sổ tang. Đã chuẩn bị trước trong đầu, tôi tự tin viết vào sổ tang người bạn thân quý, một tài năng thiên bẩm đã vĩnh viễn nằm xuống. Không cầm được nước mắt, tôi đặt bút đứng dậy nhìn ông Sáu Dân bước tới. Cách ứng xử của ông Sáu Dân trong việc ghi sổ tang để lại trong tôi một ấn tượng đậm nét. Ông không cần phải yêu cầu viết sẵn rồi tự tay chép vào sổ tang. Người có bản lĩnh không cần “đóng kịch”. Ông thẳng thắn nói ra những điều Ông nghĩ thật, hiểu thật, biết người biết mình. Người được Ông tin tưởng trao trách nhiệm vì thế mà thận trọng hơn, tự tin hơn với lòng tự trọng được thúc đẩy, tôi hiểu như vậy.
Tôi có cảm tưởng như ông Sáu Dân đang hối hả.
Hối hả, vì Ông hiểu quỹ thời gian của Ông không còn nhiều trong khi “còn quá nhiều điều phải nghĩ, nhiều việc phải làm” như Ông nói sau khi nghe câu chuyện về luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Tôi có cảm tưởng Sáu Dân đang day dứt với “biết bao con người, bao thân phận, bao cảnh ngộ” cần phải tháo gỡ, phải tạo điều kiện để họ bứt khỏi những ràng buộc vô lối của những giáo điều cũ kỹ và sai lầm đang kìm hãm cuộc sống của cả xã hội, trong đó có họ.
Thì chính Ông cũng đang bị trói buộc, bị cản trở bởi cái thể chế quá lạc hậu gắn liền với sự tha hóa quá mức của đám cầm quyền hư hỏng không biết chỗ dừng, vô phương cứu chữa. Cho dù, “ở cuối đời, khi chỉ còn cây bút và hai bàn tay không, ông đã làm nhiệm vụ của một người trí thức không đánh mất khả năng tự phê phán, để biết tự mình khai phóng, tự mình phát triển, tự mình đổi mới, tự mình mở cửa cho tiến bộ” mà Cao Huy Thuần đã viết.
Nhưng, thời gian không ủng hộ Ông. Sự hối hả của Ông không kịp để tháo gỡ cái nút thắt của cái thể chế toàn trị mà ông đã cố gắng vùng vẫy để thoát ra nhưng cái quy luật nghiệt ngã và tàn nhẫn của cuộc sống đã buộc ông phải ra đi. Tôi đau đớn tự ngẫm, dù sao thì những “hối hả” của Ông Sáu Dân vào những ngày cuối đời đã để lại một dư âm tuyệt đẹp, một ngọn lửa vẫy gọi cho những ai hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống như Ông đã hiểu.
Ngày 29.6.2021
T. L.
Chú thích
1. G.W.F. Hegel, Hiện tượng học tinh thần, tập 1. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB Văn học, Hà Nội, 2006, tr. 415.
2. Các Mác, Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844. Thuần Đức dịch. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1989, tr.145.
Tác giả gửi BVN