Diễm Thi, RFA
Phó Giáo sư Hoàng Dũng kết luận, đổi mới giáo dục là chuyện vượt tầm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nó là chuyện thể chế. Nó là chuyện quyết tâm chính trị của cơ quan cao nhất.
Một giáo viên phát cờ Trung Quốc và Việt Nam cho học sinh trước lễ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước tại Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2017. REUTERS
Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền, thông qua truyền thông Nhà nước, đề xuất Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quan tâm vấn đề dân chủ trong trường học hiện nay. Theo ông Hiền, sự mất dân chủ trong trường học là vấn đề nhức nhối ở hầu hết các địa phương. Các hiệu trưởng lạm quyền, thích chứng tỏ quyền uy và thích quản lý theo mệnh lệnh. Đó là rào cản cho việc đổi mới giáo dục.
Theo một số trí thức, khó khăn lớn nhất để phát huy dân chủ trong nhà trường từ xưa đến nay là vấn đề nhận thức. Cơ chế dân chủ trong nhà trường thường thể hiện ở kỳ họp định kỳ như họp giao ban, họp Hội đồng sư phạm…
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa kể rằng, hồi ông còn dạy ở trường THPT Vân Tảo, Hiệu trưởng Lê Xuân Trung cấm giáo viên mang điện thoại đến trường, cấm giáo viên phát biểu trong các cuộc họp. Muốn phát biểu phải đăng ký trước cuộc họp 30 phút nhưng đăng ký rồi cũng không được phát biểu. Còn giữa học sinh với thầy cô thì cũng tùy từng thầy cô. Số đông các thầy cô vừa dạy vừa dùng quyền lực của mình để bắt nạt học sinh và bóp chết dân chủ trong lớp học. Thầy Khoa nhận định:
“Vấn đề dân chủ trong trường học là một vấn đề chung của xã hội. Nó rất phức tạp. Tùy vào người hiệu trưởng mà nó có dân chủ hay không. Về cơ bản thì hiệu trưởng các trường gần như có toàn quyền và nhà giáo vẫn ví họ là ‘ông Vua con của một xứ’. Nhiều hiệu trưởng dùng quyền lực của mình để áp đặt các vấn đề trong trưởng và họ không thích dân chủ, bởi dân chủ công khai thì họ sẽ mất quyền lợi.
Về cơ bản, quyền lực trong tay họ do chính quyền quy định. Họ có cực kỳ nhiều quyền hành và đòi hỏi được dân chủ đối với họ thì rất khó, tùy vào tâm của họ thôi.
Số đông hiệu trưởng như thế sẽ bóp nghẹt dân chủ và họ nói mọi người chỉ có nghe thôi, còn ý kiến ý cò gì thì cũng về chuyên môn thôi chứ vấn đề nghiêm trọng nhất là tài chính thì cấm không ai được phép thắc mắc gì cả. Đấy là giữa hiệu trưởng với giáo viên”.
Dân chủ là một sự tiến bộ của xã hội. Ở đó, mọi người dân đều được tôn trọng, có quyền tự do bình đẳng, mọi thành viên đều có quyền ngang nhau khi tham gia ra quyết định và được luật pháp bảo vệ.
Để có dân chủ trong nhà trường thì phía lãnh đạo nhà trường phải nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và giá trị của dân chủ, phải lắng nghe những ý kiến đúng, những nguyện vọng chính đáng của giáo viên và học sinh.
Chừng nào mà ban tuyên giáo cứ chăm chăm xen vào đại học, bắt người ta phải thế này thế kia thì đừng mong có con đường gọi là dân chủ trong khoa học.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng
Là người hàng ngày trực tiếp giảng dạy trên giảng đường đại học, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng nêu quan điểm của ông:
“Nếu bàn đến dân chủ thì ở đại học nó rõ rệt hơn ở phổ thông rất nhiều, vì không ai ở phổ thông mà đặt vấn đề phải nghiên cứu khoa học cả. Trong lúc đó là vấn đề sống chết ở đại học. Mà đã là nghiên cứu khoa học thì nó gắn chặt với vấn đề dân chủ. Tức là không được áp đặt người ta phải nghiên cứu cái gì và phải nghiên cứu ra sao.
Chừng nào mà ban tuyên giáo cứ chăm chăm xen vào đại học, bắt người ta phải thế này thế kia thì đừng mong có con đường gọi là dân chủ trong khoa học.
Người ta trông chờ khoa học xã hội là ngọn đuốc soi đường; làm sao giúp cho những người lãnh đạo đất nước họ thấy đâu là đáng làm và đâu là không đáng làm. Bây giờ họ biến khoa học xã hội thành tên nô bộc ngợi ca theo ý chủ. Chừng nào khoa học còn làm đầy tớ của chính trị thì chừng ấy không có dân chủ hay khai phóng gì cả”.
Phó Giáo sư Hoàng Dũng kết luận, đổi mới giáo dục là chuyện vượt tầm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nó là chuyện thể chế. Nó là chuyện quyết tâm chính trị của cơ quan cao nhất.
Một giáo viên và học sinh vẫy cờ Việt Nam và Lào nhân dịp Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith sang thăm Việt Nam. Ảnh chụp ngày 19 tháng 12 năm 2017. REUTERS
Trong một lần trả lời với truyền thông trong nước, Tiến sĩ Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, khó khăn lớn nhất để phát huy dân chủ xưa nay trong nhà trường là vấn đề nhận thức, và quan trọng nhất vẫn là vai trò của cán bộ quản lý và lãnh đạo nhà trường. Nếu cán bộ bảo thủ, cố chấp, thiếu tôn trọng, lắng nghe thì giáo viên, nhân viên sẽ thụ động, co thủ, đối phó.
Cô Kiều Thị Giang, một giáo viên ở Tây nguyên cho rằng, không riêng ngành giáo dục mà trong các cơ quan công quyền, người ta thậm chí chỉ dám thì thầm cái tiếng ‘dân chủ’ chứ không dám nói lớn đúng như định danh của từ ‘dân chủ’, nói gì đến việc bày tỏ thái độ hoặc có ý kiến. Còn ở trường học, cô cho hay:
“Thật ra, ở trường học thì có thể nói nhận thức và tư tưởng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, thậm chí của cả học sinh và phụ huynh học sinh đã được nâng cao rất nhiều, nhưng vấn đề chính không phải là nồi cơm hay túi tiền mà vấn đề là sự đàn áp, sự kiểm soát quá gắt gao, theo tôi là đến mức nghẹt thở, đã làm cho không ai dám lên tiếng.
Nếu Nhà nước nới lỏng một số thiết chế thì tôi nghĩ, toàn dân nói chung và giới trí thức nói riêng, sẵn sàng ăn một nửa, đói một phần để được hưởng không khí dân chủ.
Thực trạng đáng buồn hiện nay là có rất nhiều giáo viên họ tâm huyết với nghề, có đạo đức nghề nghiệp. Họ có nhiệt huyết để giáo dục học sinh về kiến thức cũng như tư tưởng tiến bộ. Bên cạnh đó lại cũng có rất nhiều những trí thức sẵn sàng làm tay sai. Họ để ý, theo dõi những giáo viên khác nên có trường hợp có những giáo viên xúi học sinh ghi âm lại những bài giảng của thầy cô có tư tưởng tiến bộ. Hoặc họ kích động giữa những học sinh có tư tưởng khác nhau làm các em xung đột lẫn nhau. Chính vì vậy, không có sự liên kết giữa những thầy cô cấp tiến và các học sinh”.
Thật ra, ở trường học thì có thể nói nhận thức và tư tưởng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, thậm chí của cả học sinh và phụ huynh học sinh đã được nâng cao rất nhiều, nhưng vấn đề chính không phải là nồi cơm hay túi tiền mà vấn đề là sự đàn áp, sự kiểm soát quá gắt gao, theo tôi là đến mức nghẹt thở, đã làm cho không ai dám lên tiếng.
Cô Kiều Thị Giang
Làm sao để có dân chủ trong trường học?
Theo ông Nguyễn Sóng Hiền, mặc dù trong các chính sách giáo dục đều có đề cập vấn đề phát huy tinh thần dân chủ ở các cấp cơ sở, cũng như phát huy vai trò quan trọng của đội ngũ quản lý trong việc thúc đẩy tinh thần dân chủ trong nhà trường, nhưng dường như tiếng nói của giáo viên trong trường học không được coi trọng. Lý do có thể vì sợ ảnh hưởng đến công việc, hoặc có thể do sự áp chế của ban giám hiệu khiến giáo viên chấp nhận ngậm đắng nuốt cay trước thực trạng bất công ngay trong trường của mình.
Qua những bất công mà một số giáo viên phải chịu đựng, dường như giáo viên thiếu một tổ chức đứng về phía họ để bảo vệ họ, cho họ có quyền nói lên những mong muốn chính đáng của mình dù trong trường luôn có tổ chức Công đoàn. Công đoàn đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Là một người từng bị trù dập do tố cáo sai phạm trong trường, thầy giáo Đỗ Việt Khoa nói về tổ chức Công đoàn:
“Giáo viên chúng tôi vẫn thường ví von công đoàn và hội phụ huynh cũng như kế toán giống như cánh tay nối dài của hiệu trưởng. Họ chi phối tất cả mọi thứ và không ai có quyền thắc mắc gì cả”.
Cô giáo Kiều Thị Giang nêu quan điểm của mình:
“Tôi thì hoàn toàn thông cảm với tổ chức công đoàn, thông cảm với ngành giáo dục, vì ngành nào, tổ chức nào nằm trong thể chế Nhà nước hiện nay, dưới sự kiểm soát gắt gao về tư tưởng thì đều xảy ra tình trạng như thế”.
Giáo dục có vai trò quan trọng cho sự phát triển đất nước. Trong đó, đại học là trí tuệ của đất nước, là nơi sinh dưỡng hiền tài. Nếu không có dân chủ thì sẽ không có đổi mới trong giáo dục. Vậy trong tương lai, giáo dục Việt Nam sẽ đổi mới ra sao, Phó Giáo sư Hoàng Dũng cho hay:
“Sẽ không có thay đổi gì đâu, vì mới đây, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viết một bài về chủ nghĩa xã hội mà vẫn còn nói chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới có độc lập dân tộc, mới làm cho các dân tộc hạnh phúc. Đọc xong mà ngán ngẩm. Không khác gì cách đây 50 năm! Mới năm ngoái, ông Võ Văn Thưởng làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội vẫn ra chỉ thị là nghiên cứu thế nào để chứng minh sự đúng đắn của Chủ nghĩa Mác Lê.
Một khi những người cao cấp nhất mà nói như vậy thì làm sao các nhà nghiên cứu ở các cơ sở đại học, tức là những tinh hoa của dân tộc, đủ can đảm để nghiên cứu thật hiệu quả, đúng theo suy nghĩ của họ?”.
Ông nhắc lại một câu nổi tiếng của Thân Nhân Trung khắc trên tấm bia tiến sĩ đầu tiên của Văn Miếu Quốc Tử Giám: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”.
D.T.
Nguồn: rfa.org/vietnamese