TQ chưa kịp giàu đã già: “Quả bom hẹn giờ dài hạn” sẽ nổ tung Giấc mộng Trung Hoa của ông Tập?

An An | 11/05/2021

Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức nhân khẩu học đặc thù cấp bách nhất và nghiêm trọng nhất thế giới.

Chưa kịp giàu đã già

Dân số Trung Quốc đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ những năm 1960. Tỷ lệ sinh giảm và lực lượng trong độ tuổi lao động già hóa đã mang đến một trong những thách thức kinh tế và xã hội nghiêm trọng nhất đối với chính quyền Bắc Kinh.

Vào ngày 11/5, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố số liệu chính của cuộc tổng điều tra dân số quốc gia lần thứ 7: Tổng dân số toàn quốc Trung Quốc là 1,41 tỷ người, tăng 72,06 triệu người hay 5,38% so với mức 1,33 tỷ người năm 2010, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 0,53%.

Phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày 11/5, ông Ninh Cát Triết, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, dân số Trung Quốc đã tiếp tục tăng trong 10 năm qua, và nước này vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới.

Ông Ninh cho biết thêm, chỉ có 12 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra ở Trung Quốc vào năm ngoái. Đây là năm thứ tư liên tiếp tỷ lệ sinh của nước này giảm và cũng là mức thấp nhất kể từ cuộc thống kê chính thức năm 1961.

Những dữ liệu này chỉ ra rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, điều này có thể cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến già hóa tương tự như ở các nước phát triển nhưng thu nhập trung bình của các hộ gia đình Trung Quốc lại thấp hơn nhiều.

Nói cách khác, Trung Quốc chưa kịp giàu đã già.

Lão hóa đã trở thành vấn đề quốc gia cơ bản của Trung Quốc trong một thời gian tới“, ông Ninh nói trong cuộc họp báo công bố kết quả điều tra dân số.

Theo The New York Times (NYT – Mỹ), lão hóa dân số có thể ảnh hưởng tiêu cực, làm phức tạp Giấc mộng Trung Hoa của Chủ tịch Tập Cận Bình. Giấc mộng Trung Hoa là một lời cam kết về sự thịnh vượng kinh tế lâu dài và sự trẻ hóa quốc gia, có thể được coi là di sản chính trị của ông Tập.

Bắc Kinh hiện đang chịu áp lực lớn hơn trong việc từ bỏ chính sách kế hoạch hóa gia đình, một trong những chính sách có tính can thiệp sâu nhất thế giới; cải cách triệt để mô hình kinh tế lâu nay vốn dựa vào lượng dân số khổng lồ và lực lượng lao động ngày càng tăng; lấp chỗ trống lớn trong trong vấn đề chăm sóc sức khỏe và lương hưu.

Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức nhân khẩu học đặc thù cấp bách nhất và nghiêm trọng nhất thế giới“, Giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Đại học Bắc Kinh và là chuyên gia về nhân khẩu học Lương Kiến Chương cho biết. “Đây là một quả bom hẹn giờ dài hạn“.

Các số liệu mới về dân số cho thấy tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm trong 10 năm qua là 0,53%, thấp hơn mức 0,57% từ năm 2000 đến năm 2010. Theo xu hướng này, trong vài năm tới, Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

TQ chưa kịp giàu đã già: Quả bom hẹn giờ dài hạn sẽ nổ tung Giấc mộng Trung Hoa của ông Tập? - Ảnh 1.

Kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc có thể gây ra vấn đề cho nhiều người trẻ khi họ thường nhờ bố mẹ đã nghỉ hưu chăm cháu. Ảnh: NYT

Kết quả điều tra dân số 10 năm/lần cũng cho thấy dân số nước này đang già đi nhanh chóng. Dân số trên 65 tuổi hiện chiếm 13,5% tổng dân số, tăng 8,9% so với năm 2010.

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã dựa vào lực lượng lao động trẻ đông đảo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và họ sẵn sàng làm việc chăm chỉ với mức lương thấp. Ngày nay, giá nhân công đang tăng cao, một phần là do thiếu lao động. Các chủ nhà máy ở thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc từng phải xếp hàng dài trên phố, cầu xin những người tìm việc chọn họ. Một số công ty thậm chí phải chọn robot vì họ không thể tìm đủ nhân công.

Mặc dù hầu hết các quốc gia phát triển ở phương Tây và châu Á cũng đang trải qua quá trình già hóa dân số nhưng vấn đề dân số của Trung Quốc phần lớn chịu ảnh hưởng từ chính sách kế hoạch hóa của nước này. NYT cho hay, chính sách một con được thực hiện từ năm 1980 có thể đã ngăn chặn 400 triệu trẻ sơ sinh ra đời và cũng làm giảm số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Tình trạng dân số già hóa sẽ gây áp lực to lớn lên các bệnh viện và hệ thống lương hưu.

Thái độ của người dân thay đổi

Sau 30 năm thực hiện chính sách một con để hạn chế gia tăng dân số, thái độ của người dân đối với quy mô gia đình đã thay đổi, nhiều người Trung Quốc hiện thích chỉ có một con.

Vương Phong, Giáo sư xã hội học tại Đại học California, Irvine, ví chính sách kiểm soát sinh đẻ của Trung Quốc với khoản vay thế chấp của chính phủ để phát triển trong tương lai.

Kết quả điều tra sẽ chứng minh, thời gian trả nợ đã đến”, ông Uông Phong nói. “Cơ cấu nhân khẩu học sẽ hạn chế nhiều chủ trương đầy tham vọng của Trung Quốc“.

Bắt đầu từ năm 2016, chính sách kế hoạch hóa gia đình đã nới lỏng hạn chế đối với các cặp vợ chồng sinh hai con và cuộc điều tra dân số này có thể khiến các nhà hoạch định quyết định nới lỏng hơn nữa. Nhiều chính quyền địa phương đã cho phép các gia đình có từ ba con trở lên mà không bị nộp phạt.

Nhưng các nhà nhân khẩu học nói không có giải pháp đơn giản trong vấn đề này. Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc có học vấn đang trì hoãn việc kết hôn và tỷ lệ kết hôn đã giảm kể từ năm 2014. Trong khi đó, kể từ năm 2003, tỷ lệ ly hôn liên tục tăng cao. Nhiều thế hệ millennials (thế hệ Y) hoãn việc sinh con do chi phí nuôi dạy con cái quá cao.

Vụ “con voi chui lọt lỗ kim” làm Bắc Kinh thịnh nộ: Ông Tập chỉ thị tận nơi, cấp dưới mặc kệ

Tại thành phố Thành Đô, phía Tây Nam Trung Quốc, Tracy Wang, 29 tuổi, người sáng lập một trung tâm hoạt động tiếng Anh cho trẻ em, cho biết cô quyết định không muốn sinh con ngay khi mới 20 tuổi.

“Về bản chất tôi không thích trẻ con, dù chúng đáng yêu thì đáng yêu nhưng tôi không muốn sinh con hay chăm sóc chúng“, Wang nói.

Trước đây mọi người đều sẽ rất khó tin, nghĩ bạn làm sao có thể nghĩ như vậy, sao lại có tư tưởng như vậy“, cô nói. “Nhưng bây giờ họ cũng hiểu điều này, quả thực áp lực giờ đây rất lớn“.

Trong những thập kỷ tới, với nguồn dự trữ lao động ngày càng thu hẹp, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết: “Trong tương lai gần, Trung Quốc có thể không thể thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới“.

Tốc độ già hóa của dân số Trung Quốc cũng đang nhanh hơn hầu hết các quốc gia, và nhanh hơn nhiều so với mức đầu tư của chính phủ vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe và xã hội cho người già. Một thách thức cốt lõi mà Bắc Kinh phải đối mặt là làm thế nào để giúp thế hệ trẻ ở Trung Quốc chăm sóc dân số nghỉ hưu ngày càng tăng. Hiện dân số dưới 14 tuổi chiếm 18% tổng dân số, chỉ tăng nhẹ so với mức 17% của 10 năm trước.

Chính phủ hy vọng sẽ tăng tuổi nghỉ hưu để giảm bớt áp lực thiếu ngân quỹ trong hệ thống lương hưu. Tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc tương đối thấp trên thế giới, với nam giới là 60 tuổi và hầu hết phụ nữ là 50 tuổi. Quỹ hưu trí quốc gia của Trung Quốc chủ yếu dựa vào nguồn thu thuế của người lao động. Theo một nghiên cứu của Bắc Kinh, nếu chính sách này không thay đổi, quỹ sẽ đối mặt với nguy cơ cạn kiệt tài chính trước năm 2036.

Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian lao động của người dân cũng mang lại một loạt vấn đề và những tiếng nói phản đối việc nâng độ tuổi nghỉ hưu cũng đang lan rộng. Nhiều thanh niên ở Trung Quốc lo lắng rằng các biện pháp như vậy sẽ khiến họ khó tìm việc hơn, trong khi nhiều cặp vợ chồng trẻ lo lắng nếu cha mẹ họ chưa nghỉ hưu thì sẽ không ai chăm cháu. Cũng có những người cao tuổi lo ngại họ sẽ khó tìm hoặc khó giữ được việc làm trong một xã hội mà lao động trẻ có xu hướng phổ biến hơn.

A.A.

Nguồn: soha.vn/

This entry was posted in Dân số, Giấc mộng Trung Quốc. Bookmark the permalink.