Thanh Hà – RFI
Theo hãng tin Pháp AFP, trong ngày cuối cùng ở cương vị chủ tịch luân phiên, Việt Nam đã triệu tập một cuộc họp Hội đồng Bảo an về Miến Điện. Mục tiêu là nhằm chuẩn bị một tuyên bố, dựa trên thỏa thuận tìm giải pháp cho khủng hoảng Miến Điện đã được khối Đông Nam Á thông qua nhân thượng đỉnh Jakarta hồi tuần trước (24/04/2021).
Ảnh minh họa : một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. AP – Craig Ruttle
Ba tháng sau cuộc đảo chính của tập đoàn quân sự lật đổ chính phủ dân cử tại Miến Điện, trong phiên họp hôm 30/04/2021, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua tuyên bố kêu gọi thực hiện kế hoạch của ASEAN nhằm chấm dứt bạo lực.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu thực thi «ngay lập tức» Kế hoạch 5 điểm của khối ASEAN về Miến Điện. Theo hãng tin Pháp AFP, trong ngày cuối cùng ở cương vị chủ tịch luân phiên, Việt Nam đã triệu tập một cuộc họp Hội đồng Bảo an về Miến Điện. Mục tiêu là nhằm chuẩn bị một tuyên bố, dựa trên thỏa thuận tìm giải pháp cho khủng hoảng Miến Điện đã được khối Đông Nam Á thông qua nhân thượng đỉnh Jakarta hồi tuần trước (24/04/2021).
Văn bản thỏa thuận gồm 5 điểm: chấm dứt bạo lực, kêu gọi các bên liên quan đối thoại một cách xây dựng, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN với trọng trách tạo điều kiện cho phe dân chủ đàm phán với tập đoàn quân sự Miến Điện, đặc phái viên của ASEAN đến Miến Điện gặp gỡ các bên liên quan, và sau cùng là đề xuất viện trợ nhân đạo cho quốc gia Đông Nam Á này.
Vẫn theo AFP, để có được đồng thuận nói trên, 15 thành viên Hội đồng Bảo an đã thảo luận gay go, phương Tây đã phần nào nhượng bộ quan điểm của Nga và Trung Quốc. Matxcơva và Bắc Kinh cương quyết bác bỏ một đoạn trong dự thảo Tuyên bố, theo đề xuất của Anh, ghi nhận Hội Đồng Bảo An «một lần nữa mạnh mẽ lên án bạo lực nhắm vào những người biểu tình ôn hòa» và đòi quân đội Miến Điện «kiềm chế tối đa».
Một nhà ngoại giao, được AFP trích dẫn, giải thích điều quan trọng là tránh để gây chia rẽ trong nội bộ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đồng thời gián tiếp nhìn nhận là đã phải chiều lòng Bắc Kinh, điểm tựa quan trọng nhất của chính quyền Naypyidaw. Từ sau cuộc đảo chính, đây là bản tuyên bố thứ tư của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, và cả bốn tuyên bố đều chỉ đạt được sau khi đã giảm nhẹ mức độ cứng rắn của dự thảo ban đầu, theo đòi hỏi của Trung Quốc.
LHQ không nhất trí về tuyên bố chung Myanmar, chủ yếu do Nga-Trung
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 30/4 không đồng lòng về một thông cáo chung đối với cuộc khủng hoảng tại Myanmar sau một cuộc họp kín, các nhà ngoại giao đổ lỗi cho Bắc Kinh và Nga vì đã đưa ra các phản đối và thúc đẩy những nội dung văn từ mà họ đề xuất.
Phiên họp do Việt Nam triệu tập để trình bày những kết luận từ hội nghị thượng đỉnh mới đây của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra ở Indonesia. ASEAN sẽ chỉ định một đặc sứ để giúp giải quyết khủng hoảng do cuộc đảo chánh ngày 1/2 của quân đội Myanmar gây nên.
Trong cuộc họp, Đặc sứ Liên hiệp quốc về vấn đề Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, người đang thị sát khu vực, báo cáo về cuộc gặp với lãnh đạo phe đảo chánh, Tướng Min Aung Hlaing, được tổ chức bên lề hội nghị ASEAN.
Các nhà ngoại giao cho biết yêu cầu của vị đặc sứ này muốn được đến thăm Myanmar một lần nữa bị khước từ.
Trong cuộc họp, Brunei, hiện là chủ tịch ASEAN, đưa ra ý kiến về một chuyến đi thăm chung của đặc sứ Liên Hiệp Quốc và người tương nhiệm phía ASEAN tới Myanmar.
Một dự thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, do Anh soạn thảo, không được sự ủng hộ hoàn toàn của Hội đồng.
Một bản sao AFP có được cho thấy bản thảo đó định đưa ra “sự ủng hộ hoàn toàn đối với vai trò trung tâm của ASEAN” và khuyến khích một chuyến thăm như vậy của bà Schraner Burgener “càng sớm càng tốt”.
Dự thảo tuyên bố nói các thành viên Hội đồng Bảo an “một lần nữa mạnh mẽ lên án bạo động chống lại người biểu tình ôn hòa” và “nhắc lại lời kêu gọi quân đội tự chế tối đa”.
Tuy nhiên các nhà ngoại giao cho hay Trung Quốc và Nga bác dự thảo của Anh, và đề nghị bản thảo của họ, vốn không thể chấp nhận đối với đa số Hội đồng Bảo an.
Hôm 30/4 diễn ra các cuộc thảo luận về việc hòa nhập hai dự thảo tuyên bố, các nhà ngoại giao cho hay.
Có gần 760 thường dân bị cảnh sát và quân đội Myanmar giết chết trong ba tháng qua, theo Hội Hỗ trợ Tù Chính trị.
Hội đồng quân nhân đưa ra con số 258 người chết, tính đến ngày 15/4, và tố cáo người biểu tình “bạo loạn” tham gia những “hành động khủng bố”.
VOA
Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, bà Christin Schraner Burgener, hy vọng rằng kế hoạch của ASEAN tháo gỡ bế tắc tại Miến Điện sẽ «được thực hiện sớm chừng nào tốt chừng nấy».
Đúng 3 tháng sau cuộc đảo chính do tập đoàn quân sự tiến hành, phe chống đảo chính đã liên tục tổ chức tuần hành trên toàn quốc, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Rangoon, Mandalay hay Dawei. Chính quyền quân sự đàn áp khốc liệt.
Theo Hiệp hội Trợ giúp Tù chính trị Miến Điện (AAPP), từ khi chính quyền dân sự do đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo bị lật đổ hôm 01/02/2021, đã có gần 760 thường dân bị sát hại, gần 3.500 người bị quân đội bắt giữ.
T.H.
Nguồn: RFI tiếng Việt