Hội chứng đám đông

Phạm Đình Trọng

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết dưới đây, do nhà văn Phạm Đình Trọng vừa gửi đến, nhưng xin đứng ngoài mọi quan điểm cũng như phong cách thể hiện của tác giả, mong chờ bạn đọc phẩm bình.

Bauxite Việt Nam

MỘT.  Loài người đã bước vào nền văn minh tin học huy hoàng, tức là đã đi qua nền văn minh công nghiệp xán lạn.

Vai trò lịch sử của văn minh công nghiệp không phải là những phát minh khoa học vĩ đại, cũng không phải là những kĩ thuật công nghệ kì diệu. Vai trò lịch sử của văn minh công nghiệp là tách con người ra khỏi bầy đàn thành những cá nhân, là khẳng định sự có mặt của những cá nhân trong cuộc đời. Và vai trò lịch sử của văn minh tin học là nâng những cá nhân đó lên tầm vũ trụ.

Xã hội trước tư bản công nghiệp, con người hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, sống nhờ vào thiên nhiên. Mỗi con người riêng lẻ quá nhỏ bé trước sức mạnh thần linh bí hiểm của thiên nhiên. Sấm sét. Giông tố. Bão bùng. Lũ lụt. Những con người bé nhỏ phải tìm sức mạnh, tìm sự tồn tại trong bầy đàn, trong số đông.

Chỉ có số rất it tách ra khỏi bầy đàn, có vị thế cao hơn bấy đàn, có vai trò dẫn dắt bầy đàn. Đó là những tù trưởng, chủ nô, vua chúa. Chỉ tù trưởng, chủ nô, vua chúa mới có cá nhân. Tù trưởng, chủ nô, vua chúa được thể hiện quyền uy, được thể hiện cái Tôi của mình bằng qui định, luật lệ, phép tắc sai khiến đám đông, thâu tóm xã hội, được đòi hỏi bề tôi phải răm rắp phục tùng. Khổng Tử, con đẻ của xã hội phong kiến Trung Hoa chia giống người ra làm hai loại là quân tử và tiểu nhân. Quân tử là người biết chữ thánh hiền, biết phép tắc xã hội, biết đạo lí làm người, răn dạy số đông, răn dạy tiểu nhân. Quân tử là những cá nhân có tên tuổi đã tách ra khỏi bầy đàn. Tiểu nhân là những con người  chưa có khuôn mặt riêng, còn lẫn lộn trong bầy đàn vô danh.

Không có cá nhân nên trong xã hội không có quan hệ cá nhân với cá nhân, không có quan hệ bình đẳng con người với con người. Chỉ có quan hệ trên và dưới. Trên ban phát và dưới hàm ơn. Đám đông hàm ơn luôn cần được chỉ bảo, dẫn dắt, noi theo. Vì vậy đám đông luôn cần có minh quân cai trị và cần có thần tượng tôn thờ. Đó là xã hội thần dân. Thần phục người cai trị, hàm ơn người ban phát, sùng bái người có danh là tâm lí tự nhiên, là nhu cầu văn hoá, tinh thần của đám đông vô danh.

Thời bầy đàn, văn học chỉ có anh hùng ca, ca ngợi những người hùng dẫn dắt bầy đàn chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng các bầy đàn khác. Nhân vật anh hùng ca không có cá tính, không có tính cách tầm thường, dung tục của những con người bình thường mà chỉ có những phẩm chất cao thượng, những đức tính phi thường tiêu biểu cho phẩm chất, đức tính tốt đẹp của cộng đồng mà nhân vật anh hùng ca đại diện. Không gian trong anh hùng ca là không gian linh thiêng tôn giáo. Mối quan hệ trong anh hùng ca là mối quan hệ thần thánh, không có mối quan hệ suồng sã của những con người thường, của cuộc đời thực.

HAI.  Triết học ánh sáng thế kỉ 18 giúp con người mở bừng mắt nhìn vào thế giới tự nhiên và nhìn vào xã hội loài người. Nhìn vào tự nhiên, khám phá tự nhiên, con người tạo ra liên tiếp những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật mang lại sức sống mạnh mẽ cho loài người và mang lại sức mạnh phi thường cho từng con người. Nhìn vào xã hội, con người có sức mạnh, có ánh sáng của trí tuệ bừng bừng nộ khí trước bất công xã hội, trước bất bình đẳng giữa con người, giữa vài cá nhân cai trị với bầy đàn bị trị. Cách mạng tư sản dân quyền là sự nổi dậy của những cá nhân trong bầy đàn đòi cá nhân phải được nhìn nhận, đòi con người có mặt trong cuộc đời là những cá nhân, những cái Tôi riêng biệt chứ không phải là bầy đàn, không phải là số không.

Xã hội công nghiệp ra đời từ cách mạng khoa học kĩ thuật xác nhận vị trí của cá nhân trong xã hội. Nhà nước dân chủ tư sản ra đời từ cách mạng dân chủ dân quyền xác nhận vị trí cá nhân trong luật pháp nhà nước tư sản công nghiệp. Chỉ đến xã hội công nghiệp con người mới có mặt trong cuộc đời với tư cách cá nhận, tư cách công dân. Trước đó, con người chỉ là đám đông, là bầy đàn, là thần dân.

Văn học ghi nhận sự có mặt của cá nhân trong cuộc đời, viết về số phận những cá nhân với cuộc sống, tính cách của những con người bình thường là tiểu thuyết hiện đại với đủ độ dài ngắn. Trường thiên tiểu thuyết như truyện dài Bỉ Vỏ của nhà văn Nguyên Hồng, truyện dài Eugénie Grandet của nhà văn Pháp Honoré de Balzac, truyện dài Bố Già của nhà văn Mỹ Mario Puzo. Đoản thiên tiểu thuyết như truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Không còn mối quan hệ thần thánh giữa cá nhân cai trị ban phát và bầy đàn bị trị hàm ơn. Chỉ còn mối quan hệ bình đẳng, suồng sã giữa cá nhân với cá nhân, con người với con người. Không viết về chiến công, không viết về cái cao cả anh hùng, tiểu thuyết quan tâm khai thác góc khuất số phận những con người bình dị, quan tâm đến nỗi đau và niềm vui, yêu thương và căm ghét, cao thượng và hèn hạ của những cái Tôi. Không có cái Tôi trong cuộc đời thì không có tiểu thuyết hiện đại.

Cuối thế kỉ 18, cách mạng tư sản dân quyền mới nổ ra ở một số nước châu Âu, mở đầu sự kết thúc chế độ phong kiến trung cổ châu Âu. Đi trước thời đại hơn thế kỉ, từ đầu thế kỉ 17, nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Carvantes đã viết tiểu thuyết Don Quijote kể câu chuyện loài ngưởi giã từ xã hội phong kiến trung cổ bước sang xã hội mới dù đổ vỡ, mất mát nhưng đầy háo hức và hài hước.

Để rồi đến thế kỉ 19 cụ Mác mới nhận ra rằng loài người giã từ chế độ xã hội cũ đều với nụ cười châm biếm, hài hước.

Phát hiện của cụ Mác đúng cả với xã hội Việt Nam. Tiểu thuyết Số đỏ của tài năng văn chương kiệt xuất Vũ Trọng Phụng đã phát hiện, ghi nhận nét hài hước, châm biếm, chất humour của xã hội Việt Nam từ văn minh làng xã ngưng đọng, trì trệ bước vào văn minh đô thị đầy biến động, đầy may rủi bất ngờ và cũng đầy bi hài.

Không phải chỉ ghi nhận cái Tôi trong xã hội công nghiệp. Xã hội công nghiệp đầy biến động bất ngờ. Với mẫn cảm nghệ sĩ của nhà văn, tiểu thuyết hiện đại còn là dự báo xã hội.

BA.  Theo phân chia tiến trình lịch sử loài người của cụ Mác, xã hội loài người đi từ hang động cộng sản nguyên thuỷ, qua vật vã lam lũ nông nô, đến giấc ngủ ngàn năm trong đêm tối phong kiến âm thầm trung cổ, rồi mới vươn vai thức dây bước vào xã hội công nghiệp để hình thành giai cấp công nhân và giai cấp công nhân vĩ đại của cụ Mác sẽ đưa loài người bước lên đỉnh cao chói lọi là xã hội xã hội chủ nghĩa và xã hội cộng sản. Như vậy văn minh xã hội chủ nghĩa còn rực rỡ, còn cao hơn văn minh công nghiệp.

Nhưng thực tế nhà nước xã hội chủ nghĩa của đảng cộng sản cai trị người dân đã đưa quan hệ con người với con người thời công nghiệp trở về thời phong kiến trung cổ, chỉ người có quyền lực mới có cá nhân. Còn dân chúng chỉ là đám đông vô danh, chỉ là bầy đàn công cụ, phải chịu sự chăn dắt, sử dụng của quyền lực. Thời văn minh công nghiệp nhưng trong thể chế cộng sản không còn cá nhân, không còn mối quan hệ bình đẳng con người với con người. Chỉ còn bề trên và phận dưới. Chỉ còn ban phát và hàm ơn. Người có quyền hiện nguyên hình là chủ nô, là lãnh chúa được thần thánh hoá thành những con người siêu phàm, cao cả.

Một kẻ vô danh lọt được vào hệ thống quyền lực, vừa ngồi lên ghế lãnh đạo nhà nước liền được báo chí thêu dệt thành bậc chí thánh, tuổi thơ nghèo khổ phải ngồi học dưới ánh sáng lập loè đom đóm mà thành tài! Những bần cố nông, cùng đinh dưới đáy xã hội trở thành lãnh đạo nhà nước cộng sản đều mang mặc cảm hèn kém phải cố thêu dệt tạo ra những huyền thoại lung linh có tài đức xuất chúng, khác người như Thánh Gióng!

Quyền lực được thần thánh hoá để ngu dân, để tạo ra khoảng cách thần thánh giữa cá nhân có quyền và bầy đàn dân ngu. Quyền lực càng được thần thánh hoá, xã hội càng tăm tối ngu dân thì người dân càng an phận cam chịu. Dân cứ an phận cam chịu sự chăn dắt của bất kì quyền lực nào, dù là kẻ dẫn dắt mù quáng, dốt nát nhưng đã được thần thánh hoá cũng thành tài giỏi. Dù dân phải chịu những mất mát đau đớn, phải tham gia vào những tội ác man rợ nhưng vẫn phải biết ơn. Ơn đảng, ơn bác trở thành xiếng xích trong tiềm thức, trong tư duy, trở thành công cụ cai trị của nhà nước cộng sản.

Mọi lãnh đạo cộng sản đều trở thành những bậc thánh, thánh chết và cả thánh sống là vậy. Từ thánh Hồ Chí Minh, thánh Võ Nguyên Giáp, thánh Trần Đại Quang đã chễm chệ chiếm chỗ ngang hàng tượng Phật trong các chùa chiền, đến Bồ tát Đỗ Mười. Rồi thánh đầu bạc hiên ngang Nguyễn Phú Trọng. Các công thần dựng đảng Trần Phú, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh… không hiển thánh trong các chùa chiền thì cũng hiển thánh trong bảo tàng, nhà lưu niệm, lăng mộ bề thế, nguy nga hơn cả những cung điện, lăng tẩm vua nhà Nguyễn.

Giữa kỉ nguyên văn minh công nghiệp, Hiến pháp nhà nước cộng sản phải ghi đủ mọi quyền con người của người dân như Hiến pháp mọi nước dân chủ văn minh trên thế giới. Nhưng Quốc hội làm ra Hiến pháp cho người dân mọi quyền con người rồi Quốc hội lại hối hả nặn ra đủ các thứ luật vi Hiến tước đoạt hết mọi quyền của người dân ghi trong Hiến pháp. Luật đất đai tước quyền tư hữu mảnh đất sống. Luật bầu cử tước quyền bầu cử, ứng cử. Luật báo chí, luật an ninh mạng, luật tố tụng hình sự… tước đoạt sạch sành sanh các quyền khác. Hiến pháp bảo đảm quyền tự do ngôn luận của người dân nhưng người dân bộc lộ chính kiến trên mạng xã hội không cùng chính kiến với chính thống liền bị khép vào điều 117 luật tố tụng hình sự: Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước! Còn gì quái gở hơn khi nhà nước làm ra luật mẹ cho người dân quyền, lại làm ra luật con buộc tội người dân thực thi quyền đó là phạm pháp!

Người dân không còn cá nhân thì đương nhiên lại trở về bầy đàn. Con người không có quyền công dân làm chủ đất nước thì lại trở về thân phận thần dân, làm công cụ của quyền lực. Với tư cách công dân làm chủ đất nước, người dân biểu tình bày tỏ chính kiến trước những vấn đề hệ trọng của đất nước thì hệ thống truyền thông ra rả “Mọi việc đã có đảng và nhà nước lo”, phủ nhận trắng trợn con người công dân của người dân. Còn công an thì thẳng tay quật dùi cui, dí roi điện, tung chân đá, thoi nắm đấm vào mặt người dân biểu tình. Ra đòn đánh nhừ tử thân xác người dân, công an nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng đánh tơi tả, đánh rách nát Hiến pháp ghi nhận quyền bất khả xâm phạm thân thể của công dân, biến Hiến pháp thành mớ giấy lộn.

BỐN.  Xã hội không còn cá nhân. Quyền lực trở thành thần thánh. Người dân dù là nhà khoa học, trí thức, nghệ sĩ cũng chỉ là những thân phận nhỏ bé, hèn kém, vô nghĩa trong bầy đàn. Và cuộc sống hàng ngày đầy rẫy hội chứng đám đông.

Thời đau đớn giống nòi, dân bị dìm trong biển máu và nước mắt, trong chất ngất oan khiên. Nhưng ông nhà thơ không nguyện nói nỗi đau của một thời lịch sử, không nói nỗi khắc khoải của dân mà ông chỉ nguyện làm con chim hót quanh lăng mộ một ông thánh cộng sản: Mai về miền Nam thương trào nước mắt / Muốn làm con chim hót quanh lăng bác!

Ông nghị sĩ Quốc hội, giáo sư, tiến sĩ, viện trưởng một viện y học danh giá đứng giữa hội trường Diên Hồng toà nhà Quốc hội nỉ non hót ca ngợi ông thánh cộng sản đầu bạc hiên ngang Nguyễn Phú Trọng. Không có cá nhân, tâm thế bầy đàn, tâm thế tôi tớ, ông giáo sư tiến sĩ dù đã được phong anh hùng vẫn chưa thoát khỏi đám đông bầy đàn, vẫn chỉ là thần dân, thần thánh hoá quyền lực. Lời nhục nhã tâng bốc quyền lực, ngợi ca quyền lực của ông giáo sư nghị sĩ đã làm ô uế lâu đài mang tên Diên Hồng, làm nhục nhã dân tộc đã từng lừng lững khí phách Diên Hồng viết lên những trang vàng son lịch sử.

Xã hội Việt bước vào văn minh đô thị, cá nhân đươc nhìn nhận. Cái Tôi của cuộc đời đi vào văn chương đã tạo nên thành tựu rực rỡ của văn học Việt Nam với những tên sách, tên người mãi mãi sáng chói trong văn học sử Việt Nam. Vũ Trọng Phụng với tiểu thuyết Số đỏ. Nguyên Hồng với tiểu thuyết Bỉ Vỏ, Nguyễn Tuân với những trang bút kí lấp lánh cái Tôi cá nhân lịch lãm, sang trọng. Khái Hưng, Nhất Linh với những truyện tình phố huyện ghi nhận, phản ánh đúng cái Tôi lớp thị dân tiểu tư sản vừa hình thành. Vì vậy Khái Hưng, Nhất Linh không chỉ viết văn mà các ông còn viết lịch sử xã hội Việt Nam. Với tổ chức Tự Lực Văn Đoàn của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Trần Tiêu… lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, văn chương của người dân được tổ chức thành đội ngũ, thành lực lượng, tham gia vào đời sống văn hoá đất nước, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử.

Trên đường đi đến văn minh công nghiệp, văn minh đô thị, xã hội Việt Nam vừa đến phố huyện thì bão táp cách mạng vô sản nổi lên. Những người cộng sản nắm chính quyền nhà nước ở nửa nước rồi cả nước, xoá bỏ cá nhân, đưa xã hội về bầy đàn, về phong kiến trung cổ.

Trong khi Bắc Việt Nam cộng sản, văn học lại là ngôi đền vàng son thờ những vị thánh cộng sản từ lớn đến nhỏ, lại là anh hùng ca, ca ngợi cuộc nội chiến đẫm máu người Việt giết người Việt: Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Ca ngợi người lính náo nức đi vào cái chết vì lí tưởng thống trị cả nước của đảng cộng sản. Ca ngợi người mẹ ham chiến vì lí tưởng thâu tóm cả giang sơn của những người cộng sản đến bỏ cả bầy con lít nhít tự trông nhau, mẹ ôm súng xông trận. Ca ngợi người Việt giết người Việt đến mức, đàn bà cũng máu lửa chỉ còn cái lai quần cũng đánh! Những tập sách Hòn Đất của Anh Đức, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Mặt trận trên cao của Nguyễn Đình Thi, cả đến Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi của Nguyễn Tuân đều là anh hùng ca, thần thánh hoá con người thời cộng sản của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Văn học là phát hiện tính Người, đề cao tính Người. Tính Người cao nhất là yêu thương. Ca ngợi máu đổ, ca ngợi chiến tranh bắn giết con người thì không thể là văn học đích thực của thời văn minh công nghiệp, thời cá nhân với khát vọng sống, khát vọng thể hiện mình đã có mặt trong cuộc đời. Đó chỉ là anh hùng ca của thời trung cổ, thời những người hùng phi thường như thần thánh dẵn dắt bầy đàn vào những cuộc chiến tranh liên miên thể hiện quyền uy và tham vọng của những thủ lĩnh đám đông.

Trong khi văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa mê mải lạc lõng viết anh hùng ca thời bầy đàn thì Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện với những truyện ngắn viết về cái Tôi tầm thường. Không có anh hùng. Không có thần thánh. Chỉ có những con người bình thường đến tầm thường với những góc khuất cá nhân, có khi hèn hạ, có khi tội lỗi. Đó là con người thực của cuộc đời. Cả những danh nhân, nhân vật lịch sử như Nguyễn Du, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh có khát vọng cao cả nhưng cũng có cả dục vọng tầm thường. Có sự nghiệp anh hùng nhưng cũng có cái Tôi của đời thường. Lịch sử đã viết về con người anh hùng. Văn chương phải viết về con người đời thường của những anh hùng, danh nhân đó. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chính là văn chương đích thực của văn minh công nghiệp, văn minh của cái Tôi cá nhân.

Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã làm cả giới nhà văn Việt Nam giật mình ngỡ ngàng, sửng sốt nhìn lại mình. Công lớn nhất của Nguyễn Huy Thiệp là đánh thức cả nền văn học đang mộng mị, lạc lõng, mê mải viết anh hùng ca biết dừng lại và trở về thời của minh, trở về chức phận đích thực của nhà văn. Chỉ vậy thôi.

Nhưng khi Nguyễn Huy Thiệp mất, giới văn học nghệ thuật cả nước lại thành đám đông lảo đảo lên đồng, lảm nhảm tụng niệm, không tiếc lời thần thánh hoá Nguyễn Huy Thiệp. Đánh giá về một tên tuổi là trung thực chỉ ra đúng mức đóng góp của tên tuổi đó. Đưa giá trị lên quá mức, thần thánh hoá giá trị là không nhìn ra giá trị thật và làm hại giá trị đó. Năm 1956 – 1957 hội chứng đám đông xúm lại đấm đá, bóp cổ, đạp xuống bùn đen các nhà văn bị vu tội Nhân Văn Giai Phẩm. Nửa thế kỉ sau, năm 2021, hội chứng đám đông lại gọi nhau tụng ca Nguyễn Huy Thiệp, làm hại Nguyễn Huy Thiệp. Chưa có cái Tôi thật chững chạc, chưa có ý thức cá nhân thật mạnh mẽ thì hội chứng đám đông còn diễn ra.

Một bài viết gượng gạo về bạo lực xã hội, không có gì mới và lí giải về nguyên cớ bạo lực cũng không đúng, lí giải chỉ nhằm làm lạc hướng nhìn nhận, đánh giá của người đọc, che giấu, lấp liếm, bảo vệ nguồn gốc thực sự của bạo lực. Gượng gạo về lí lẽ, đánh lạc hướng người đọc về cội nguồn bạo lực, nếu bài viết của hạng thứ dân sẽ chìm nghỉm vô tăm tích. Hội chứng đám đông ở đây là người viết là con trai của một vị thánh cộng sản liền được một người thường la cà với giới quyền lực hú lên, thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Thế là lại lao xao, ồn ào bình loạn.

Bên cạnh nhà nước khổng lồ liên tục mang sức mạnh binh đao của đội quân thiện chiến thôn tính lân bang, dân tộc Việt Nam bé nhỏ tồn tại được chỉ nhờ biết thương yêu, đùm bọc dân tộc. Ca dao dân ca về lòng yêu thương chiếm phần lớn trong kho tàng đồ sộ ca dao dân ca Việt Nam. Bản chất người dân Việt Nam rất xa lạ với bạo lực. Bạo lực trong xã hội Việt Nam chỉ có trong thời cộng sản. Bạo lực tràn lan trong xã hội ngày nay đâu phải từ dân mà bảo dân phải thức tỉnh. 

Nhà nước cộng sản thâu tóm quyền lực bằng bạo lực. Nòng súng đẻ ra chính quyền. Nhà nước cộng sản càng mở rộng không gian thống trị, càng kéo dài thời gian cai trị càng phải thi thố bạo lực, càng phải lạm phát bạo lực. Lạm phát bạo lực từ Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930, Trí Phú Địa Hào đào tận gốc, trốc tận rễ. Đến lạm phát bạo lực trong trận ba ngàn cảnh sát cơ động đánh úp thôn Hoành làng Đồng Tâm nhỏ bé, bình yên, xả súng vào buồng ngủ nhà dân đêm 9.1.2020. Những đợt sóng bạo lực nhà nước cộng sản trút xuống đầu dân lành khủng khiếp nhất, man rợ nhất là Cải cách ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm, Xét lại hiện đại và đẫm máu nhất là phát động bạo lực chiến tranh người Việt giết người Việt để cộng sản hoá cả dải đất Việt Nam. 

Bạo lực Nhân Văn Giai Phẩm, Xét lại hiện đại diễn ra dưới thời ai là Bí thư thứ nhất đảng cộng sản? Ai là người thảo Nghị quyết 15 sử dụng bạo lực xoá sổ nhà nước Việt Nam Cộng hoà? Ai quyết liệt thực hiện bằng được cuộc bạo lực đẫm máu tết Mậu Thân 1968, đưa chiến tranh vào thành phố, vào tận giường ngủ nhà dân? Hàng ngàn dân Sài Gòn chết giữa hai làn đạn. Hàng ngàn dân Huế bị những người từ rừng về thủ tiêu trong Mậu Thân 1968. Chiến dịch đẫm máu dân đó do ai quyết định tiến hành?

Không phải chỉ bạo lực bằng sức mạnh vật thể. Người dân còn chịu muôn vàn bạo lực tinh thần từ nhà nước cộng sản. Toà án xử oan sai diễn ra tràn lan. Dân bị chính quyền đỏ và tư bản đen cướp đất diễn ra khắp mọi làng quê. Bạo lực vật thể và bạo lực tinh thần nhà nước cộng sản trút xuống người dân. Người dân dồn nén uất ức, căng thẳng stress nhưng không thể trút trả bạo lực lại với nhà nước đành dồn nén trong lòng. Nỗi oan ức dồn nén làm cho con người mất bình tình, mất tỉnh táo và trở thành hung bạo. Một sự cố nhỏ chợt đến. Sự dồn nén bật tung. Hung bạo xổ ra. Cả nước là dân oan. Cả nước dồn nén chịu đựng. Bạo lực diễn ra hàng ngày trên cả nước là tất yếu.

Nhà nước nào cũng là khuôn mẫu của xã hội. Nhà nước ứng xử với dân bằng bạo lực làm sao xã hội không bạo lực. Vì vậy nhà nước phải thức tỉnh. Đừng coi dân là thế lực thù địch rồi quyết thắng dân bằng bạo lực. Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Lời Nguyễn Trãi, lời cha ông, lời lịch sử, lời chân lí muôn đời đó.

P.Đ.T.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Chủ nghĩa bầy đàn, Vai trò cá nhân trong lịch sử. Bookmark the permalink.