Cùng Vars trồng rừng

Huy Đức

Tôi không muốn nhìn nạn phá rừng như một người vô can. Năm 1983, lần đầu tiên vào Sài Gòn, thấy củi chất đầy hai bên xa lộ Đại Hàn; củi từ rừng Trị An về. Những năm sau 1975, cả miền Nam gần như không còn thứ chất đốt nào khác ngoài củi. Rồi, kinh tế mới, rồi, thanh niên xung phong… Để sống, con người đã phải phá cả những gì quý nhất. Tôi cũng vào rừng đốn củi từ khi chưa đầy 10 tuổi. Thuở ấy, Truông Bát quê tôi còn là rừng già…

Hàng chục năm trước, tôi từng nghĩ, mình sẽ phải trồng trả lại rừng những cây mà mình đã chặt. Thoạt đầu tôi định mua lại mảnh vườn mà cha con tôi đã khai phá từ 1973 rồi trồng lên đó những cây bản địa. Nhưng, rồi tôi nhận ra, không thể tạ lỗi ngang giá với thiên nhiên. Từ năm 2013, tôi nhiều lần trao đổi với những người bạn đang làm lãnh đạo địa phương. Ai cũng ủng hộ việc trồng rừng nhưng khi hỏi trồng ở đâu thì không ai trả lời được. Rừng xưa giờ là đồi trọc, đã thành trang trại tư nhân…

Cũng từ năm 2015, tôi được làm việc chung với bạn Ngô Văn Hồng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và Phát triển (CIRD)- người suốt hơn 22 năm nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật trồng và phục hồi rừng cho nhiều chương trình dự án khác nhau tại các tỉnh Bắc Trung Bộ; với bạn Lê Công Nam – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị tài nguyên vùng Cao – một kỹ sư từng tham gia nhiều chương trình dự án trồng và phục hồi rừng cho các dự án quốc tế và trong nước, người đang tư vấn kỹ thuật cho các mô hình trồng rừng, các mô hình dược liệu dưới tán rừng, mô hình lâm sản ngoài gỗ.

Tôi bắt đầu nhận thấy mong muốn phục hồi rừng của mình không phải là không có khả năng hiện thực.

Từ giữa năm 2020, chúng tôi (cùng Ngô Văn Hồng, Lê Công Nam, Nguyễn Quang Đồng…) đã đi thực địa, gặp gỡ bà con các dân tộc sinh sống trên đầu nguồn sông Gianh. Đặc biệt là bà con người dân tộc thiểu số ở những vùng rừng bị phá, hiện đang trở thành đất trống, đồi núi trọc. Bà con muốn khôi phục lại rừng nhưng không có khả năng tự lực.

Một lần, từ trên núi cao, TS Hứa Đức Nhị – Chủ tịch hội Chủ Rừng, nguyên Thứ trưởng bộ NN & PTNT – chỉ xuống phía đồi dưới và nói với tôi: “Đừng thấy xanh mà tưởng là rừng có thể tự hồi phục. Đấy là những cây tạp, không có giá trị, chúng phát triển và khép tán rất nhanh, khiến cho những cây có giá trị khác không thể ngoi lên được”. Bức ảnh trên cover của tôi chụp bằng flycam một đoạn ở đầu nguồn sông Gianh, phần lớn là keo, xanh đấy rồi trọc đấy.

Cũng như băn khoăn của nhiều bạn, điều đầu tiên chúng tôi đặt ra là, trồng rừng rồi liệu có bị người dân ở nơi đó lại chặt phá hay không. Chúng tôi đã cùng chính quyền địa phương, chi cục kiểm lâm ký kết với bà con một cam kết, nơi nào đã trồng, nơi đó sẽ được chăm sóc và bảo vệ như chính sách bảo vệ rừng hiện hành.

Chúng tôi cùng hiểu rằng, không có chữ ký nào thực sự có ý nghĩa nếu nhận thức của các bên, đặc biệt là nhận thức của người dân bản địa không thay đổi. Sở dĩ người dân nhất trí đồng hành với chúng tôi vì, nhiều nơi, bà con nhận ra, việc trồng và khôi phục rừng tự nhiên không những có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn mang lại cho họ nhiều lợi ích như: khai thác lâm sản ngoài gỗ, nuôi ong, lấy mật ong rừng và bảo vệ không gian sinh tồn của cộng đồng. Người dân sẽ càng ý thức đầy đủ hơn và sẽ gắn bó hơn khi nhìn thấy những thành công của dự án.

Chúng tôi cũng đồng ý với các bạn, không chỉ có trồng, chúng ta phải ngăn chặn được nạn phá rừng. Nhưng, nếu vì chưa thể ngăn chặn ngay được nạn phá rừng mà không trồng thì cũng như, chúng ta chỉ để cho một bên hành động là lâm tặc.

Hãy đồng hành cùng VARS. Góp Một Cây Để Có Rừng. Tài khoản của chúng tôi: Ngân hàng ACB, chi nhánh Minh Khai, Hà Nội, số tài khoản 213216 [công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi Rừng Việt Nam].

Các bạn cũng có thể góp qua tài khoản thứ hai của chúng tôi tại ngân hàng Techcombank, Chi nhánh Hai Bà Trưng, phòng giao dịch Lĩnh Nam, Hà Nội, số TK 19036682427014.

Xin cám ơn tất cả các bạn. Cám ơn T&A Ogilvy đã đồng hành cùng VARS.

T.H.S.

Nguồn: FB Truong Huy San

This entry was posted in Môi Trường, Rừng. Bookmark the permalink.