Việt Nam: Thủ tướng Phúc cho phép FLC xây sân gôn trên đất rừng vào giờ chót

BBC - 6 tháng 4 2021

Làm sân golf ở Gia Lai: Nguy cơ xung đột nguồn nước

Một năm về trước, cũng bằng tầm tháng 4 này, hạn hán xảy ra nghiêm trọng ở Gia Lai. Các con suối cạn khô, cây cũng khô và người thì khát. Không chỉ riêng năm 2020 mà năm 2019 và 2016 cũng vậy, hàng chục ngàn con gia súc, hàng trăm ngàn cây trồng chết khô vì thiếu nước. Khi mưa nắng trở nên bất thường, rừng nguyên sinh bị phá thì các con suối cũng cạn khô. Khi những con suối cạn khô thì người dân chỉ còn trông chờ vào mạch nước ngầm để cứu cây, cứu gia súc gia cầm và cứu mình. Nhưng cây không còn thì làm gì còn nước ngầm? Đó không còn là một vòng luẩn quẩn. Đó là một sự tuyệt vọng.

Xu hướng của hạn hán ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung sẽ ngày càng khốc liệt bởi ngay cả trong thời kỳ La-Nina năm 2020 mà Tây Nguyên còn thiếu nước thì ở thời kỳ El-Nino nắng hạn sẽ khốc liệt thế nào?!!!

Sân Golf tiêu tốn nước để tưới cỏ và vận hành nhiều gấp 3 lần so với cây nông nghiệp và cây công nghiệp với cùng diện tích. Vậy lấy nước ở đâu để vận hành sân golf? Tất nhiên là sẽ khoan sâu trong lòng đất để tìm nước. Người nông dân có thể không đủ sức để khoan sâu tìm nước, nhưng doanh nghiệp thì có thể khoan sâu bằng tiền. Khoan càng sâu, mạch nước ngầm càng tụt sâu. Như vậy nguồn tài nguyên nước ít ỏi trong vùng lẽ ra thuộc về người bản địa, nay lại ít hơn và sẽ không được chia công bằng.

Sân golf không những tiêu hao nguồn nước mà còn làm ô nhiễm nguồn nước. Theo báo cáo Môi trường quốc gia năm 2010, “một sân golf 18 lỗ sử dụng khoảng 1,5 tấn hóa chất mỗi năm (cao gấp 3 lần so với cùng diện tích đất nông nghiệp). Trong đó, có các chất như axit silic, oxit nhôm và ô xít sắt (tác nhân gây ung thư), acrylamide là chất cực độc với sinh vật và con người – đương nhiên, tất cả các hóa chất này có thể ngấm xuống đất, vào nước ngầm…”.

Sân golf và chơi golf vốn không dành cho người bản địa. Họ, những người phải nhường lại tài nguyên đất đai và nước sẽ được chiêm ngưỡng những bãi cỏ mướt xanh qua màn hình của tấm biển quảng cáo ven đường, qua khe hở của bức tường rào nơi cách biệt họ với thế giới bên trong – Thế giới của giới thượng lưu trên trời rơi xuống.

Huy Nguyen

FLC

Nguồn hình ảnh: FLC

Trước khi rời cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký chuyển đổi mục đích của 156 ha rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án làm sân gôn của Tập đoàn FLC. Điều này gây xôn xao dư luận.

Bảo Trân, sinh viên năm 3 trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, từ Sài Gòn bình luận với BBC hôm 6/4 về dự án:

“Tôi thấy rất nhiều dự án khác như thủy điện, chứ không riêng dự án sân gôn Đak Đoa này đều hy sinh rừng vàng biển bạc để đổi lấy lợi ích kinh tế cho khu vực. Nhưng trên thực tế, người dân chưa thấy lợi đâu mà đã hứng chịu những hậu quả về thiên tai, làm mất cân bằng sinh thái. Rừng là để trồng cây, đây cũng là chủ trương của thủ tướng khi muốn trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm nữa thì việc phá rừng để sử dụng cho mục đích khác là không hợp lý, như vậy lại là câu chuyện đổi kinh tế lấy môi trường”

“Tôi đọc có thấy rục rịch một số dự án nhỏ cho chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, nhưng tin tức nổi cộm hơn vẫn là việc rừng bị dùng để xây dự án. Với lại, không thể đổi rừng thông 50 tuổi lấy rừng tự nhiên thấp. Các dự án thông thường tôi không thấy được một bản đánh giá tác động môi trường toàn vẹn, vì vậy trước mắt là phản đối. Dù thủ tướng lẫn ban lãnh đạo địa phương và bên thầu dự án – công ty FLC đều nói sẽ đảm bảo không tác động đến rừng thông mà chỉ di thực các cây nằm trên đường golf để trồng vào vị trí khác chứ không chặt bỏ, nhưng khó mà giám sát được việc này”, Trân nói thêm.

Cụ thể, dự án sân gôn Đak Đoa có tổng mức đầu tư 1.142 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 172,912 tỷ đồng (chiếm 15,12% tổng mức đầu tư), vốn vay 969,163 tỷ đồng (chiếm 84,86%) tổng vốn đầu tư. Ngày 5/4, Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt dự án này.

Báo chí Việt Nam đưa tin, khu vực dự kiến làm sân gôn Đak Đoa có quy mô hơn 174 ha, trong đó diện tích đất có rừng 155,93 ha, diện tích đất chưa có rừng 18,08 ha. Dự án sẽ nằm trên một phần khu vực rừng thông trồng khoảng từ năm 1976 đến nay và không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp.

Tháng 12/2020, khi dự án được đề xuất, báo chí phản ánh ý kiến nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc triển khai dự án sân gôn này sẽ làm biến mất rừng thông ba lá gần 50 tuổi quý giá nói trên và thảm thực vật tại đây, dẫn đến mất cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, đánh giá tác động việc triển khai đầu tư dự án sân gôn Đak Đoa phải chuyển đổi hàng trăm ha rừng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, ông Phúc cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư dự án; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung báo cáo kết quả thẩm định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để triển khai dự án.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo lắng về việc chủ trương một đằng, thực thi một nẻo.

Gia Huy

Đồi thông và bãi cỏ hồng là một cảnh đẹp được nhiều người biết đến

Trang Save Tam Đảo ý kiến: “Với bản đồ quy hoạch như công bố của FLC thì tuyệt nhiên đây không phải là du lịch sinh thái. Không có nơi đâu du lịch sinh thái lại nhân tạo toàn bộ một cánh rừng để biến nó thành sân gôn, biệt thự cả. Không phủ nhận dự án này sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, tuy nhiên về dài hạn và tính bền vững lại không có nếu như không chỉ Gia Lai mà ở các tỉnh thành khác không tập trung vào giáo dục, tri thức và phát triển kinh tế dựa vào phát minh”

Năm 2017, phê bình việc phá rừng gây tác hại ghê gớm, nhất là Tây nguyên, làm thuỷ điện nhỏ, bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng…, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Rừng là vàng vì thế phải luôn tâm niệm muốn chặt 1 cây gỗ cần thắp hương mà lạy cây để nhắc nhở trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng”.

Năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 đã nhấn mạnh Việt Nam: “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương VN

“Việt Nam không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” – Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ

Người đứng đầu Chính phủ cũng từng nói: “Chỉ nghe nói làm du lịch, làm sinh thái, thuỷ điện… là phá rừng ào ào không theo nguyên tắc. Thậm chí có công trình thuỷ điện chưa có phép đã tiến hành phá rừng ảnh hưởng lớn đến sinh thái, kể cả rừng tự nhiên”.

Vì điều này, nhiều người bình luận: “Phải lạy bao nhiêu mới đền được bao nhiêu ha rừng bị mất đi vì những dự án như sân gôn?”.

Thống kê cụ thể của Bộ NN-PTNT cho thấy, diện tích rừng và tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc liên tục tăng từ 40,84% năm 2015 lên 42% năm năm 2020. Nhưng trong 15 năm qua, rừng phòng hộ trên cả nước đã mất 0,6 triệu ha. Diện tích rừng tuy có tăng nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học của một số trạng thái rừng tự nhiên còn bị giảm hoặc tăng chậm. Chất lượng rừng tự nhiên thấp.

Theo Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, thời gian gần đây, ước tính cứ 2 tuần Việt Nam có thêm một sân gôn được cấp phép. Sắp tới, dự kiến mỗi năm Việt Nam có thể có thêm 50 – 100 sân gôn.

Theo thông tin về dự án trên trang của FLC, trong quy hoạch 500 ha không chỉ có sân golf mà còn có các công trình phụ trợ như khu nhà ở, công viên, khu thể thao và một phần diện tích thảm cỏ hồng để người dân đến du lịch, thưởng ngoạn.

Nguồn: BBC tiếng Việt

This entry was posted in Môi Trường, Rừng. Bookmark the permalink.