Nhiệm vụ đích thực của quân Trung Quốc ở miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Theo Tân Hoa Xã được Washington Post dẫn lại trong bài “Trung Quốc thừa nhận đã chiến đấu trong chiến tranh Việt Nam” ấn hành ngày 17/5/1989, Trung Quốc đã đưa sang miền Bắc Việt Nam “320 ngàn quân để đánh Mỹ và đồng minh Nam Việt Nam của họ” trong chiến tranh Việt Nam (1).

Trong khi đồng ý rằng số quân Trung Quốc này (theo tôi là số lượt) là hoàn toàn có thể khi biết rằng đã có 2,97 triệu lượt Chí nguyện quân Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên, cũng như đã được Hà Nội chấp nhận từ trước, tôi cho rằng nhiệm vụ của đạo quân này không phải là đánh Mỹ và Việt Nam Cộng hòa để ”chia lửa” với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo thuyết “quốc tế vô sản” mà ngược lại, làm công việc “lót ổ” cho Trung Quốc xâm lược Việt Nam trong tương lai. Nhận định này xuất phát trước hết từ một vài trải nghiệm cá nhân mà tôi chia sẻ sau đây.

Ngày 5/8/1964, Mỹ mở chiến dịch “Mũi tên xuyên” (Operation Pierce Arrow), dùng không quân đánh phá ồ ạt một số khu vực ở Quảng Bình, Nghệ an), Thanh Hóa và Quảng Ninh ở miền Bắc Việt Nam nhằm ngăn chặn Miền Bắc chi viện Quân giải phóng miền Nam. Sau sự kiện này, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lệnh đưa người già và trẻ em ra khỏi Hà Nội và các thành phố và trung tâm công nghiệp khác, được gọi là “sơ tán”.

Ngay trước Chiến dịch Sấm Rền (Operation Rolling Thunder) mở rộng ném bom ra toàn miền Bắc được bắt đầu vào ngày 2/3/1965, tôi khi đó mới hơn 6 tuổi và nhiều trẻ em khác được đưa về xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, cách cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây Nam. Địa phương này nổi tiếng cả nước với Chùa Thầy, thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Nơi tôi ở sát cạnh nhà mà Chủ nhiệm Ủy ban vật giá Nhà nước Đỗ Mười chọn làm nơi sơ tán cho người nhà ông.

Sài Sơn có nhiều núi đá vôi, mà núi Thầy là lớn nhất, nên có nhiều hang, động, rất thuận lợi cho việc tránh bom. Trên thực tế thì bọn trẻ chúng tôi, vốn ham trò “đánh trận giả”, đều chạy ra khỏi hang để xem máy bay và tên lửa của “quân ta” – Quân đội nhân dân Việt Nam – quần nhau với “quân địch” – máy bay Mỹ – diễn ra ngay trên đầu, như xem phim vậy. Nhiều lần tôi chứng kiến tên lửa (SAM của Liên Xô) bắn cháy máy bay Mỹ một cách rất ngoạn mục. Có một tiểu đoàn pháo cao xạ bố trí trên cánh đồng của xã. Trên núi cũng có một số đơn vị cả quân đội lẫn dân quân được trang bị đại liên 12 ly 7 để bắn máy bay Mỹ.

Vào cuối năm 1965, một đơn vị quân Trung Quốc đến đóng trên núi Thầy và vài núi khác ở Sài Sơn. Họ không có tên lửa, cũng chẳng có pháo cao xạ, chỉ có súng cá nhân. Nơi họ đóng quân thì người Việt Nam không được vào, trong khi bọn trẻ chúng tôi thường xuyên chơi với các chú bộ đội ngay tại trận địa, tất nhiên khi máy bay Mỹ chưa đến. Cứ sáng sớm là chúng tôi nghe lính Trung Quốc khua xoong và hát “Tung pháng hùng, mao tre tung” (Đông phương Hồng, Mao Trạch Đông)…”. Khi máy bay bay Mỹ đến thì những lính Trung Quốc này lấy gương soi cá nhân hướng về máy bay, đồng thời khua nồi, xoong ầm cả lên nhưng không bắn! Chỉ có tiếng súng đánh trả, kể cả từ súng trường như CKC, từ các đơn vị vũ trang Việt Nam đóng bên cạnh. Đến giữa năm 1968 thì tôi không còn thấy lính Trung Quốc ở Sài Sơn nữa.

Quân Trung Quốc vào miền Bắc Việt Nam mà không bắn máy bay Mỹ thì rõ ràng họ không phải là “chí nguyện quân”, tức trực tiếp tham chiến như trong chiến tranh Triều Tiên. Vậy mục đích chính của đạo quân này là gì, ngoài việc xây dựng một số đường xá, cầu cống? Chỉ gần 2 thập kỷ sau bản thân tôi mới có lời giải đáp.

Năm 1982, tôi là chiến sĩ của Sư đoàn 3 – Sao Vàng đóng tại khu vực giáp với Trung Quốc ở Lạng Sơn. Sư đoàn này là một trong vài đơn vị chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam đã bẻ gãy cuộc tấn công xâm lược của Trung Quốc vào tháng 2/1979. Khi đó, Trung Quốc hàng ngày vẫn bắn pháo và tung thám báo vào đất ta.

Tôi được đồng đội kể lại rằng trong cuộc chiến tháng 2/1979, quân ta mới nhận thấy rằng các lô cốt mà quân Trung Quốc xây dựng trong chiến tranh chống Mỹ đều có lỗ châu mai hướng về Nam, điều này là cực kỳ nham hiểm. Thực vậy, quân ta đã không sử dụng được các lô cốt này để đánh trả quân Trung Quốc tấn công từ phía Bắc mà ngược lại, phải mất nhiều xương máu mới chiếm lại được một số lô cốt oái oăm đó.

Như vậy, Trung Quốc xây dựng các lô cốt này là nhắm tới đánh Việt Nam một lúc nào đó trong tương lai. Các nhà lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam lúc đó chắc nghĩ chỉ Mỹ và Việt Nam Cộng hòa mới là “địch” nên không thấy việc Trung Quốc xây lô cốt chỉ có lỗ châu mai hướng Nam là bất hợp lý!

Cũng trong và ngay sau cuộc tấn công xâm lược của Trung Quốc vào tháng 2/1979, sư đoàn tôi và các đơn vị khác đã phát hiện nhiều kho chứa vũ khí và thực phẩm do quân Trung Quốc xây trong lòng các núi đá. Các kho này sau khi xây xong được quân Trung Quốc lấp lại, trồng cây lên trên, như thể không có chuyện gì xảy ra trong lòng núi. Chỉ đến khi bị pháo bắn vào thì các kho bí mật này mới lộ ra. Ở Đồng Đăng (Lạng Sơn) có một hầm chứa nước mắm, không thối, ăn vẫn rất ngon.

Quân Trung Quốc xây các kho này không chỉ ở vùng núi giáp giới với Trung Quốc mà còn ở các vùng có núi đá khác, như ở Ninh Bình. Từ đó tôi nhận ra rằng quân Trung Quốc đến vùng núi nơi tôi sơ tán là để xây các kho bí mật chuẩn bị cho cuộc xâm lược Việt Nam trong tương lai. Cũng có thể quân Trung Quốc đã không thực hiện được kế hoạch nham hiểm này ở Sài Sơn vì khó giữ được bí mật. Thực vậy, núi ở địa phương này không quá cao và hiểm trở, người dân vẫn trèo lên hàng ngày.

Bất luận thế nào, Bộ Quốc Phòng Việt Nam cần kiểm tra lại các vùng núi đá nơi quân Trung Quốc đã đóng quân trong chiến tranh chống Mỹ để khui ra cho hết “đạo quân hậu cần thứ Năm” này của Trung Quốc.

Kết luận lại, Mao Trạch Đông và ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đưa 320 ngàn quân vào miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ không phải là để “kề vai” các lực lượng vũ trang Việt Nam đánh trả các máy bay Mỹ oanh tạc, mà là để xây dựng các công trình và kho quân sự phục vụ cho xâm lược Việt Nam sau này.

Việc Trung Quốc rút quân khỏi Bắc Việt Nam vào năm 1968 theo tôi bắt nguồn từ việc Mỹ xuống thang chiến tranh sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 31/3/1968, Tổng thống Johnson tuyên bố Mỹ đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hẳn là để tạo môi trường tích cực cho việc Mỹ chấm dứt chiến tranh, các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam, mà đa phần vẫn cảnh giác với một Trung Quốc bành trướng, đã yêu cầu láng giềng phương Bắc này rút quân về xứ họ. Bực tức vì kế hoạch “lót ổ” của mình bị phá hỏng nửa chừng, trong cùng năm, Bắc Kinh đã giảm viện trợ cho Hà Nội (2).

C.H.H.V.

Tác giả gửi BVN

Chú thích:

1. China admids combat in Vietnam War, Washington Post, 17/5/1989.

2. 1964-1975: Trung Quốc ‘viện trợ Hà Nội nhưng không thể chỉ huy’, BBC Tiếng Việt, 29/4/2019.

This entry was posted in Chiến tranh biên giới, Quan hệ Việt - Trung, Trung Quốc. Bookmark the permalink.