Thời khó khăn của nền dân chủ tại châu Á

Larry Diamond , East Asia Forum Quarterly, Vol.13 No.1 January–March 2021, 15-17
Nguyễn Tuấn Anh dịch

Biểu tình chống cuộc đảo chính quân sự mới đây, diễn ra trên đường phố Yangon, Myanmar. tháng 2 năm 2021.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, mối quan tâm về dân chủ và nhân quyền đã bị hạ cấp trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Chính quyền của Trump xứng đáng được ghi nhận vì đã định hướng lại chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm đối đầu với một Trung Quốc ngày càng độc tài. Nhưng trong khi một số quan chức Mỹ đã làm những gì có thể để thúc đẩy nhân quyền – ví dụ như phản đối việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông hoặc kỷ niệm truyền thống đấu tranh cho dân chủ của chính người Trung Quốc – thì bản thân Trump lại có cách tiếp cận mang tính mua bán, trung lập về giá trị trong các giao dịch với Trung Quốc.

Tổng thống Biden sẽ khác. Trong một bài phác thảo quan điểm chính sách đối ngoại của mình vào đầu năm 2020, Biden đã ưu tiên đổi mới nền dân chủ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chính quyền mới sẽ phải đối mặt với những khó khăn và mâu thuẫn ghê gớm trong việc cố gắng chống lại chủ nghĩa độc tài và bảo vệ tự do ở châu Á. Điều này là do sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và tầm vóc đang giảm sút của Mỹ – do kết quả của các cuộc khủng hoảng dân chủ, kinh tế và phòng chống dịch tễ xảy ra đồng thời. Nó cũng bắt nguồn từ sự va chạm không thể tránh khỏi của logic thuyết duy thực (realist) và thuyết lý tưởng (idealist) trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Cuộc chiến về chính sách đối với Trung Quốc trong chính quyền Biden có thể sẽ xuất hiện từ hai quan điểm cạnh tranh là điều gì tạo nên lập trường ‘duy thực’ đối với Trung Quốc.

‘Thuyết duy thực cũ’ xuất phát từ việc Tổng thống Nixon mở cửa với Trung Quốc (và chi phối chính sách đối ngoại của Mỹ trong vài thập kỷ sau đó) cho rằng việc thu hút Bắc Kinh sâu hơn vào hệ thống quốc tế sẽ khiến nước này trở thành một ‘bên tham gia có trách nhiệm’, tạo điều kiện cho ‘sự trỗi dậy hòa bình’ và từng bước hiện đại hóa thành một hệ thống chính trị cởi mở hơn – nếu không phải là hoàn toàn dân chủ.

‘Thuyết duy thực mới’ cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi thống trị châu Á với các mục tiêu cụ thể, bao gồm việc đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, xây dựng các căn cứ quân sự, kiểm soát giao thông hàng hải qua Biển Đông, và làm xói mòn các liên minh của Mỹ. Từ góc độ này, chống lại nỗ lực thống trị khu vực của Trung Quốc là cấp thiết cho cả an ninh khu vực và bảo vệ tự do và dân chủ.

Quy mô quân sự của sứ mệnh này là rất lớn. Với việc hiện đại hóa và mở rộng quân đội Trung Quốc – được hỗ trợ bởi bốn thập kỷ trộm cắp công nghệ không ngừng và chiến dịch ‘hợp nhất quân – dân sự’ của Đảng Cộng sản Trung Quốc – ngày càng đe dọa Đài Loan. Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc phát biểu những lời lẽ hiếu chiến về ý định ‘thống nhất’ Đài Loan với đại lục, họ không còn sử dụng tính từ ‘hòa bình’ để mô tả quá trình sẽ xảy ra. Chính sách kiềm chế của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vấp phải cuộc chiến tranh tâm lý và các hình thức đe dọa khác.

Chính quyền Biden phải xem xét cách thức họ có thể triển khai lực lượng quân sự lớn hơn để phòng thủ – và hy vọng ngăn chặn hành vi cưỡng bức quân sự của Trung Quốc, đồng thời tránh đối đầu không cần thiết hoặc tiếp tục khơi dậy tinh thần dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc. Và Đài Loan phải làm nhiều hơn nữa để tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự và khả năng răn đe.

Ở châu Á, Ấn Độ là đối trọng cần thiết để cân bằng với Trung Quốc. Ấn Độ sẽ có dân số lớn hơn Trung Quốc trong vòng một thập kỷ tới. Trong khi Trung Quốc giàu gấp ba lần về thu nhập bình quân đầu người, thì Ấn Độ đang bắt kịp về kinh tế và công nghệ. Và mặc dù chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ chỉ bằng một phần tư của Trung Quốc, nhưng nước này có một trong những quân đội lớn nhất thế giới và là đối tác trong Bộ tứ Quad với Mỹ, Nhật và Úc.

Là một diễn đàn chiến lược lỏng lẻo, Bộ tứ Quad thiếu các cuộc tập trận quân sự chung nhưng đang phát triển theo hướng hợp tác quân sự nhiều hơn và chia sẻ thông tin tình báo để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc. Trong khi di sản của sự ‘không liên kết’ trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ ngăn cản một liên minh quân sự chính thức, các nước Nhóm Quad chia sẻ một sứ mệnh chiến lược mạnh mẽ trong việc duy trì một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Điều này dường như là một dự báo tốt cho sự hợp tác ngày càng tăng giữa các nền dân chủ có thế lực trong khu vực – nhưng ngay cả khi Ấn Độ đang trở nên quan trọng đối với tương lai của nền dân chủ ở châu Á, thì nước này đang trượt theo hướng độc đoán.

Được bầu lại bằng chiến thắng áp đảo năm 2019, Đảng Bharatiya Janata (BJP) và Thủ tướng thuộc đảng này, Narendra Modi, đang làm xói mòn tính độc lập của các thể chế chính của Ấn Độ. Đảng dân túy cánh hữu theo đường lối chủ nghĩa sô vanh tôn giáo và bất khoan dung đối với những người chỉ trích và thiểu số.

Nếu chính quyền Biden giữ im lặng khi đối mặt những xu hướng này, quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ sẽ trở nên vô nghĩa trong việc bảo vệ nền dân chủ của nước này. Mặt khác, nếu nó quá đối đầu và giao giảng đạo đức – đặc biệt là khi nền dân chủ Mỹ suy giảm rõ ràng – thì quan hệ Mỹ – Ấn có thể chệch đường ray. Không có tình huống tiến thoái lưỡng nan nào làm phức tạp nguyện vọng thúc đẩy dân chủ ở châu Á của Biden hơn tình huống này, và nó vẫn chưa được hiểu rõ ở Washington.

Chính phủ trung tả của Hàn Quốc cũng đang vi phạm độc lập tư pháp và tự do ngôn luận, khiến cho Washington lâm vào một tình thế khó xử tương tự, đặc biệt là trước sức mạnh của tình cảm chống Mỹ của cánh tả tại Hàn Quốc. Đó là một thời kỳ khó khăn cho nền dân chủ ở châu Á. Quân đội Myanmar, mặc dù đã nắm quyền phủ quyết đối với việc thay đổi hiến pháp và quyền kiểm soát các bộ trưởng quyền lực của Myanmar, đã tổ chức một cuộc đảo chính vào tháng 2, kết thúc 5 năm thử nghiệm của nước này với chế độ bán dân chủ. Ở Thái Lan, quân đội vẫn nắm quyền cùng với chế độ quân chủ, ngăn chặn bất kỳ sự trở lại dân chủ nào. Rodrigo Duterte, một người dân túy phi tự do, đã làm suy thoái một nền dân chủ đang vận hành ở Philippines.

Hy vọng về một quá trình chuyển đổi dân chủ dường như bị đình trệ ở Malaysia và trở nên xa vời ở Singapore. Hun Sen đã hoàn thành việc đẩy Campuchia rơi vào chế độ độc tài độc đảng. Việt Nam đã và đang đàn áp nặng nề về bất đồng chính kiến và không gian dân sự. Indonesia và Mông Cổ vẫn còn là những nền dân chủ thực sự nhưng đang bận tâm đến những căng thẳng nội bộ. Ngay cả ở Nhật Bản, nền dân chủ tự do lâu đời nhất ở châu Á, các chuẩn mực và thực hành dân chủ đã bị suy yếu trong gần tám năm lãnh đạo của Shinzo Abe. Trong khi nền dân chủ tự do về nhiều mặt đang phát triển mạnh ở Đài Loan, nó đang ngày càng bị đe dọa bởi Trung Quốc. Vì vậy, có rất ít hy vọng thành công trong một chiến dịch trực diện – chưa kể đơn phương – đòi hỏi sự trung thành hoàn hảo với các chuẩn mực dân chủ. Bất kỳ chiến lược nào nhằm thúc đẩy dân chủ ở châu Á sẽ cần phải tích hợp các sứ mệnh chiến lược và nhân quyền, củng cố và bảo vệ các đối tác trong xã hội dân sự và hướng tới mục tiêu trung hạn.

Rất ít người trong khu vực muốn quốc gia của họ trở thành chư hầu của một trật tự khu vực dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Lợi ích chung này có thể cung cấp đòn bẩy cho việc tham gia vào các vấn đề nhân quyền và pháp quyền. Khi xuất hiện sự phục hồi dân chủ, nó sẽ được thúc đẩy bởi các lực lượng trong xã hội dân sự. Mỹ và các đồng minh dân chủ tự do, như Úc, Canada, Liên hiệp Châu Âu và hy vọng là Nhật Bản, phải hỗ trợ thông qua ngoại giao và các dòng viện trợ để duy trì các nhóm xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông độc lập. Các nền dân chủ này sẽ có nhiều tác động hơn nếu họ phối hợp các hoạt động của mình và ưu tiên phổ biến các công nghệ để giúp các nền dân chủ tránh được sự giám sát và kiểm duyệt kỹ thuật số. Trong một số trường hợp – và thật đáng buồn cho người Hồng Kông – các nền dân chủ tự do hiện hữu có thể cần cung cấp chỗ cư trú tạm thời hoặc thậm chí lâu dài cho các nhà dân chủ đang gặp nguy hiểm.

Trong thời gian tới, ưu tiên có thể cần là kiềm chế sự thoái lui dân chủ và chống lại sự trỗi dậy của một nước Trung Quốc độc tài. Ở một số nước, điều này có nghĩa là chỉ cố gắng giữ cho các nhà dân chủ sống sót. Nhưng yêu cầu ngày càng tăng của những người trẻ trong khu vực về một chính phủ cởi mở hơn và có trách nhiệm hơn, hy vọng sẽ tới thời điểm các thể chế độc tài này chấm dứt.

Larry Diamond là Giám đốc Trung tâm Dân chủ, Phát triển và Pháp quyền tại Đại học Stanford, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Hoover và Viện Freeman Spogli tại Stanford, đồng thời là tác giả của Tinh thần dân chủ (St Martin’s Griffin, 2008).

L. D.

Dịch giả gửi BVN.

This entry was posted in Dân chủ, Phong trào dân chủ châu Á. Bookmark the permalink.