Làm sao để Vinfast, Trường Hải thành Hyundai và Hoà Phát, Hoa Sen thành Posco của Việt Nam?

Nguyễn Anh Tuấn

KINH NGHIỆM NHẬT BẢN, HÀN QUỐC, ĐÀI LOAN

Điểm chung của mô hình phát triển Đông Bắc Á mà các nước kể trên theo đuổi – chủ nghĩa phát triển (developmentalism), mà Việt Nam dịch là mô hình kiến tạo phát triển – nằm ở 3 chính sách quan trọng sau:

(1) Chính sách đất đai: Các nước này đều bắt đầu giai đoạn phát triển thần kỳ trong hoàn cảnh một tỷ lệ lớn dân số là nông dân. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là bộ phận lớn dân chúng này cần giàu lên và trở thành khách hàng tiêu thụ những sản phẩm công nghiệp nội địa đầu tiên. Bằng cách nào? Mở rộng quyền đất đai cho nông dân bằng việc trả lại cho họ quyền tự do mua bán ruộng đất và quyết định trồng cây gì, nuôi con gì sao cho hiệu quả nhất. Cộng thêm việc khéo léo dựng hàng rào bảo hộ và khuyến khích tiêu thụ nông sản trong nước, người nông dân chẳng những sẽ thoát khỏi nghèo đói mà còn trở nên khá giả, sẵn sàng chi tiêu mua sắm nhiều hơn.

(2) Kế tiếp là chính sách công nghiệp – xuất khẩu: Tư sản dân tộc chứ không phải doanh nghiệp nhà nước sẽ được hỗ trợ tối đa, nhưng với điều kiện phải cạnh tranh sinh tồn với nhau. Hyundai và Kia trong ngành ô tô, cũng như Posco và Hyundai trong ngành thép, phải cạnh tranh một sống một chết với nhau dựa trên các tiêu chí khách quan như tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp, tỷ lệ nội địa hoá, và các chứng thư xuất khẩu để đảm bảo đầu ra ở ngoại quốc và tạo áp lực cải tiến sản phẩm liên tục đáp ứng nhu cầu quốc tế chứ không chỉ quốc nội. Những doanh nghiệp thắng trong cuộc cạnh tranh này sẽ được tưởng thưởng bằng đảm bảo tín dụng, và hàng rào bảo hộ được dựng lên một cách khéo léo. Những sản phẩm công nghiệp nội địa non trẻ chẳng những có sẵn một thị trường nội địa với số đông là nông dân khá giả, mà còn luôn chịu áp lực phải cải thiện chất lượng sản phẩm để kiếm được những hợp đồng xuất khẩu, đặng nhận được ưu đãi tín dụng từ chính quyền.

(3) Bà đỡ của chiến lược này là một chính sách tài chính kỷ luật nghiêm ngặt để đảm bảo dòng tiền trong dân chúng không chạy vào các kênh đầu cơ thu tô (rent seeking) như bất động sản, hay tín dụng đen. Một số kênh cho vay hàng ngang kiếm lãi suất cao thậm chí còn bị chính quyền chủ động cho sập để nguồn lực ít ỏi quý giá của quốc gia được đưa vào sản xuất. Mô hình ngân hàng phát triển (development bank) là một sáng kiến hữu ích khác, khi ngân hàng trung ương có thể tái cấp vốn để các ngân hàng phát triển tài trợ các dự án của các doanh nghiệp tư nhân thắng trong cuộc đua một mất một còn nói trên. Dĩ nhiên việc cấp vốn phải theo quy trình thẩm định dự án khách quan, nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn quốc tế, do một ban quản trị ngân hàng được tuyển lựa cạnh tranh công khai như khu vực tư, thay vì là các công chức được bổ nhiệm vốn bị chi phối bởi bè phái chính trị. Các doanh nghiệp dân tộc sẽ không còn quá ưu tư tìm kiếm nguồn lực cho phát triển bằng những cách thức vốn chẳng liên quan đến tham vọng sản xuất của họ – như bất động sản chẳng hạn – để rồi thấy mình giữa làn sóng phản ứng từ công chúng bởi những xung đột khó tránh khỏi.

DOANH NGHIỆP DÂN TỘC ĐANG GẶP KHÓ THẾ NÀO?

Khó có thể nghi ngờ tham vọng sản xuất của những doanh nhân như Phạm Nhật Vượng của VinFast, Trần Bá Dương của Trường Hải, hay Trần Đình Long của Hoà Phát.

Nhưng, họ đã và đang gặp không ít khó khăn.

Đầu tiên và lớn nhất là vốn vay. Họ đã phải chịu lãi suất quá cao từ các ngân hàng thương mại, thay vì được đảm bảo tín dụng từ các ngân hàng phát triển dưới quyền ngân hàng trung ương. Hai mươi năm qua, những nguồn lực ít ỏi quý báu của quốc gia thay vì được cấp cho họ để nâng tầm nền sản xuất quốc gia, đã bị chôn vùi cùng đống sắt vụn mang tên Vinashin, Vinalines, hay Gang thép Thái Nguyên, chỉ để đảm bảo cho một định hướng ngày càng tỏ ra phi thực tế về vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước. Vốn vay lãi suất cao thì chi phí tài chính cao tương ứng khiến sản phẩm làm ra đắt đỏ, làm sao có thể cạnh tranh và lấy gì tích luỹ cho nghiên cứu & phát triển (R&D) để nâng cao năng suất và chất lượng.

VinGroup lẽ ra đã không phải dùng bất động sản để tích luỹ vốn cho tham vọng sản xuất của mình để rồi nhận lấy phản ứng từ cộng đồng, Hoà Phát cũng không phải chôn chân trong việc sản xuất nội thất giản đơn lâu đến thế để mãi đến hôm nay mới đưa vào hoạt động một tổ hợp thép tầm cỡ. Chi phí cơ hội phải trả khiến họ bị trì hoãn trở thành Hyundai và Posco của Việt Nam nằm ngay chính trong những quả đấm thép thiếu tham vọng nhưng thừa tham lam của những công chức bị buộc phải đóng vai doanh nhân để rồi đứng trước vành móng ngựa mấy năm qua.

VIỆT NAM CẦN LÀM GÌ? CÓ KHẢ THI KHÔNG?

Việt Nam, về mặt văn hoá và lịch sử, thuộc về khu vực Đông Bắc Á. Bởi vậy, cứ theo lối đó mà đi. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và phần nào đó là cả Trung Quốc đều đã thành công thì chẳng có lý do gì Việt Nam không làm được. Cụ thể bằng cách:
Đầu tiên là tăng quyền đất đai cho nông dân, ngay cả khi vẫn giữ khái niệm chính trị ‘sở hữu toàn dân về đất đai’ một cách hình thức. Người nông dân phải được tự do mua bán và sẽ toàn tâm toàn ý đầu tư vào mảnh đất của họ khi họ chắc chắn về quyền của mình. 60% dân số đang sống ở nông thôn Việt Nam sẽ khấm khá lên, trở thành nguồn khách hàng chính cho các sản phẩm công nghiệp non trẻ của quốc gia.

Chính sách tưởng thưởng bằng ưu đãi tín dụng, đất đai, chính sách cho các doanh nghiệp sản xuất nội địa thắng trong cuộc cạnh tranh dựa trên các tiêu chí khách quan kể trên cần được áp dụng ngay.

Các kênh đầu cơ thu tô như bất động sản cần phải được kỷ luật nghiêm ngặt bằng chính sách thuế luỹ tiến, vừa đưa giá bất động sản về vừa túi tiền của đại bộ phận dân chúng đang cần an cư lạc nghiệp, vừa tích cóp nguồn lực quý báu ít ỏi của quốc gia cho sản xuất. Các ngân hàng quốc doanh được trung ương tái cấp vốn để tài trợ cho các doanh nghiệp dân tộc thắng trong cuộc cạnh tranh.

Các doanh nghiệp quốc doanh kém hiệu quả hoặc không cốt yếu cần được cổ phần hoá, tư nhân hoá để chẳng những không còn là nơi thiêu đốt nguồn lực quý báu của đất nước mà còn tham gia vào cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân khác cho mục tiêu tối hậu là phát triển quốc gia.

Hàng rào bảo hộ cũng cần được xét tới, mặc dù sẽ khó khăn hơn nhiều so với các nước Đông Bắc Á trước đây vì bối cảnh quốc tế và thực tiễn tham gia quá nhiều FTAs của Việt Nam. Tuy nhiên, khó nhưng không phải không có cách, nếu biết tận dụng độ trễ của các biện pháp trả đũa từ các nước, sự nhiêu khê của quy trình pháp lý trong thương mại quốc tế, và cả những cân nhắc địa chính trị đến từ các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam, để mua thời gian cho các doanh nghiệp dân tộc kịp phát triển. Sẽ có lúc hàng rào bảo hộ cần hạ thấp bớt, nhưng không phải vào giai đoạn đầu phát triển nền sản xuất quốc gia. Bài toán khó giải này sẽ được giao cho những công chức cấp cao được tuyển lựa dựa trên thực tài qua các kỳ thi tuyển tập trung cấp quốc gia, thay vì để mặc cho các đợt tuyển biên chế được phân cấp đầy rẫy tiêu cực như hiện nay. Những trí thức giàu năng lực của đất nước ở khắp mọi nơi nếu được huy động cũng sẽ góp phần tìm ra lời giải tốt nhất có thể.

Điểm qua những việc cần làm, câu hỏi ở đây là có khả thi không?

Băn khoăn đầu tiên có thể sẽ đến từ sự tương thích của thể chế chính trị. Chế độ chính trị hiện hành liệu có thực hiện được những cải cách trên không?

Dứt khoát được, bởi lẽ lúc Hàn Quốc và Đài Loan thực hiện những chính sách này họ vẫn là quốc gia quân phiệt hoặc một đảng cầm quyền. Trung Quốc cũng đã áp dụng tuy với một mức độ hiệu quả thấp hơn, ngay cả khi có thể chế chính trị tương đồng với Việt Nam. Chuyển đổi chính trị như một phần của sự phát triển quốc gia sẽ đến khi mà chính xã hội và nền kinh tế cảm thấy đã đến lúc. Dĩ nhiên, sớm thì tốt hơn muộn, như Hàn Quốc và Đài Loan thì tốt hơn là như Trung Quốc.

Lo lắng thứ hai đến từ phản ứng tiêu cực của bộ phận đông đảo công chúng đối với các sản phẩm trong nước, nhất là của các tập đoàn tư nhân khi trên con đường tích luỹ tư bản cho sản xuất đã làm những việc chưa hẳn phù hợp với lợi ích chung.

Cần một quá trình hoà giải giữa đôi bên. Từ phía các doanh nghiệp dân tộc, một khi đã được đảm bảo tín dụng từ chính phủ, cần phải bù đắp cho những người chịu thiệt bởi quá trình tích luỹ tư bản của họ như dân oan mất đất hay nạn nhân môi trường. Từ phía công chúng, lẽ dĩ nhiên ai cũng muốn ủng hộ các doanh nghiệp tử tế với cộng đồng, thân thiện với môi trường, lại vừa sinh lợi hiệu quả. Tuy nhiên, có thể phải mất một thời gian nữa để Việt Nam có những doanh nghiệp tầm cỡ hội đủ tất cả yếu tố như vậy, với sự giám sát chặt chẽ của chính quyền mạnh, hội đoàn dân sự năng động và ngôn luận cởi mở. Ngày đó sẽ đến, còn ngay lúc này, câu hỏi gấp gáp và nhãn tiền hơn là giữa những doanh nghiệp nhà nước đầy rẫy tham nhũng, lãng phí – nền tảng của một thể chế kinh tế lạc hậu, và những doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả, tạo ra đa số công ăn việc làm cho quốc gia – nền tảng của một thể chế kinh tế hiện đại, chúng ta sẽ chọn ủng hộ ai?

Chuyện doanh nghiệp không phải chỉ là của doanh nghiệp, mà còn của đất nước. Việt Nam cần phải nhanh lên, khi mà lân bang vẫn đang phủ bóng bành trướng lên dân tộc chúng ta và thế giới đang chuyển động nhanh chóng khó lường. Chỉ khi thật hùng cường trong một thời gian nhanh nhất có thể, dựa trên nền tảng sản xuất quốc gia mạnh mẽ với động lực chủ đạo là các doanh nghiệp dân tộc, chúng ta mới có hy vọng giữ cho đất nước hoà bình trong cơn lốc xoáy địa chính trị đã dần thành hình giữa các siêu cường.

Hoà bình trong tư thế ngẩng cao đầu, chứ không phải đánh đổi bằng danh dự, để rồi mất cả hai trong nhục nhã.

Có thể là hình ảnh về đại dương

Ảnh: Nhà giàn DK1, tiền đồn của Việt Nam giữa sóng nước Biển Đông. (Nguồn ảnh: Báo Thanh niên)

N.A.T.

Nguồn: FB Nguyen Anh Tuan

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.