Góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới

Mạc Văn Trang

Có người bảo: Ông là nhà giáo mà sao không góp ý nội bộ, lại cứ “chọc ngoáy” làm gì!? Khổ lắm, góp mãi, nó có nghe đâu! Đây là một ví dụ.

1. Về cách hiểu một số thuật ngữ

- Mục chuyên đề tự chọn, nên bỏ chữ “NĂNG LỰC” trong cụm từ … “hiểu biết, kỹ năng, năng lực”…, vì năng lực đã bao gồm 2 yếu tố kia. Hơn nữa trong một chuyên đề chưa hình thành nên “năng lực” ngay được…

- Mục Dạy phân hóa, nên xem lại từ “nhịp độ”, chưa rõ “dạy theo nhịp độ” là sao?

- Cần hiểu “TRẢI NGHIỆM” không chỉ trong tổ chức các hoạt động thực tiễn hời hợt cho HS.

Trải nghiệm là cá nhân tự “sống qua”, “rung động”, “cảm nhận được” trạng thái tâm lý mới, ấn tượng, khó quên, là “ngộ ra” được điều gì đó… Trải nghiệm là quá trình HS “trải qua” một việc làm, xử lý một tình huống, sống qua một trạng thái tâm lý nào đó (sung sướng, khoái chí, tự hào, hồi hộp, thương cảm, xúc động, thấu hiểu, đồng cảm, tức giận, đau khổ, xấu hổ, ân hận… Ví dụ, xúc động về tình bạn, một lời khen của GV, một lỗi lầm xấu hổ, ân hận về làm tổn thương bạn, cảm nhận về tình bạn khác giới, tình yêu bạn đầu…). Giáo dục phải giúp cho HS có những trải nghiệm đó và “ngộ ra” được thế nào là tích cực đúng đắn.

Có thể là hình ảnh về Mạc Van Trang

- Thuật ngữ NĂNG LỰC cần cân nhắc thêm. Trong một bài dạy hay một Chương cũng chỉ hình thành được những Kiến thức, Kỹ năng, Thái độ nhất định; phải hệ thống hoá, khái quát hoá nhiều mục tiêu bộ phận như vậy mới hình thành nên NĂNG LỰC mà người GV nhằm tới.

- Thuật ngữ PHẨM CHẤT cũng vậy. Nên diễn đạt: phẩm chất là những tính tốt của con người, thể hiện ở nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử trong đạo đức, lối sống, chấp hành pháp luật…

Phảm chất cũng như năng lực, không thể hình thành ngay ở 1- 2 bài dạy; nó phải được định hướng, hình thành qua một chuỗi những hoạt động của HS…

Tóm lại, yêu cầu cần đạt, cần nói rõ: Mục tiêu ở từng bài, từng chương, từng hoạt động… thì hình thành tri thức, thái độ, kỹ năng; còn ở môn học, cấp học hãy diễn đạt là phẩm chất, năng lực, vì phẩm chất, năng lực là những thuộc tính nhân cách được hệ thống hóa, khái quát hóa, tích hợp, định hình dần dần mới tương đối ổn đinh, bền vững. Giáo dục nếu chỉ hình thành những tri thức, thái độ, kỹ năng rời rạc, thậm chí “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, không nhìn suốt cả chương trình một cấp học, thì không thể hình thành phẩm chất, năng lực ở HS được; HS khó trưởng thành về CHẤT qua từng giai đoạn phát triển.

2. Về quan điểm xây dựng chương trình GDPT (tr 7)

- Vẫn nợ vấn đề: Xây dựng chương trình theo “Triết lý giáo dục nào”?

Xem diễn đạt “Nội dung GDPT” thấy rõ rất lộn xộn, không rõ triết lý nào? Theo cấu trúc nào?

Nếu ngại theo Triết lý GD của VNCH: “ NHÂN BẢN, DÂN TỘC, KHAI PHÓNG” thì nên theo triết lý GD tôi đề xuất: KHOA HỌC, NHÂN VĂN, DÂN TỘC”.

Chương trình, SGK cần trình bày có hệ thống: Tính KHOA HỌC thể hiện ở những kiến thức cơ bản khoa học, hiện đại”; Tổ chức quản lý nhà trường, phương pháp giáo dục mang tính khoa học của thời đại… Tính NHÂN VĂN mang những giá trị nhân văn có tính nhân loại phổ quát, thể hiện trong Chương trình, SGK, trong toàn bộ cách tổ chức và các mối quan hệ trong giáo dục. Tính DÂN TỘC mang giá trị đặc trưng của truyền thống dân tộc (VD, Yêu nước, Thương nòi, Đoàn kết, Ý chí độc lập, Tự cường…). Nếu tính khoa học, nhân văn mang tính thời đại và phổ quát thì có thể lấy sách giáo khoa của các nước có nền GD tiên tiến mà vận dụng vào VN (như Hàn Quốc dùng SGK của Nhật). Riêng những môn Xã hội thì cần cân nhắc kỹ để mang tính dân tộc đậm đà…

3. Mục tiêu (tr 8)

- Phẩm chất ‘cao đẹp”, nên là “tốt đẹp”, biết thế nào là cao – thấp?

- “Duy trì, tăng cường”… nên gọi là “phát triển”…

Cần hiểu: Tiểu học và THCS nhằm hình thành NHÂN CÁCH XÃ HỘI (HS biết tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực xã hội chung); THPT hình thành NHÂN CÁCH CÔNG DÂN (Cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ với Tổ quốc); chuyên nghiệp, đại học, hình thành NHÂN CÁCH NGHỀ NGHIỆP.

4. Yêu cầu cần đạt (Tr. 8)

- Bỏ sống “Mẫu mực”! Nên diễn đạt: Sống yêu thương – Sống tự chủ – Sống trách nhiệm. Tự chủ cần được hình thành từ lớp 1 và được định hình ở lứa tuổi 15 – 16, tức là một nhân cách xã hội, biết tự ý thức, tự điều chỉnh hành vi theo những chuẩn mực, quy định xã hội nói chung. (Các em đã có thể đi du lịch, homestay ở nước ngoài theo nhóm, không có bố mẹ, giáo viên đi cùng…).

- Những năng lực chung, sau Năng lực tự học, thêm Năng lực tự chủ (Làm chủ bản thân).
5. Lĩnh vực giáo dục (tr.16)

Môn GD ĐĐCD cần nhấn mạnh GD an ninh quốc phòng, không phải “hiểu biết ban đầu” mà phải là HIỂU BIẾT CƠ BẢN, SÂU SẮC về vấn đề cốt tử này của đất nước đối với HS THPT.

6. Phụ lục (tr. 30); Sửa lại: Sống yêu thương, Tự chủ, Trách nhiệm, thay vì “Mẫu mực”!

10/6/2015

M.V.T.

Nguồn:  FB Mạc Van Trang

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.