I. Vấn đề Biển Đông
II. Mỹ đối phó hai trận tuyến ngoại giao của Trung Quốc ở châu Phi
Thứ sáu, 26/2/2021 08:32 (GMT+7)
Ngoại trưởng Mỹ kể từ khi nhậm chức đã có 4 cuộc điện đàm với các lãnh đạo khu vực châu Phi trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ ngoại giao, đối trọng Trung Quốc tại châu lục.
Cuộc điện đàm đầu tiên của Ngoại trưởng Antony Bliken đến châu lục là để gặp người đồng cấp Nam Phi. Kế tiếp trong danh sách là chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) và Ethiophia.
Ngày 23/2, ông tiếp tục điện đàm với Ngoại trưởng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Cape Verde Rui Figueiredo. Đây là đảo quốc đầu tiên tại châu Phi nhận cuộc gọi từ tân ngoại trưởng Mỹ.
Ông Blinken đã xếp Cape Verde, đảo quốc chỉ có 550.000 dân ở ngoài bờ biển phía Tây Phi, trước 52 nước thành viên còn lại trong AU. Theo Nikkei Asia, cuộc điện đàm có thể xem là thông điệp nặng ký từ Washington, rằng chính phủ Tổng thống Joe Biden nhìn nhận hoàn toàn nghiêm túc về “cạnh tranh cường quốc” với Bắc Kinh tại khu vực.
Thiếu sinh quân tuần duyên Mỹ trên tàu USNS Carson City rời Cape Verde vào tháng 8/2019. Ảnh: Hải quân Mỹ.
1. Địa điểm chiến lược giữa Đại Tây Dương
Cape Verde nằm ở vị trí trung tâm Đại Tây Dương, cách bờ biển phía tây châu Phi khoảng 570 km. Quần đảo là điểm tiếp nhiên liệu giữa các hành trình, giữ vai trò quan trọng đối với giao thông hàng hải lẫn hàng không trên vùng biển.
Quan hệ giữa Mỹ và Cape Verde đã phát triển từ thế kỷ 18 qua các tuyến đường biển phục vụ săn bắt cá voi. Năm 1818, quần đảo trở thành nơi đầu tiên trong khu vực Hạ Sahara có lãnh sự quán Mỹ. Tàu hải quân và tuần duyên Mỹ cũng thường xuyên ghé thăm.
Đến năm 2017, hai nước ký kết Thỏa thuận Tình trạng Các lực lượng để quy định cụ thể điều kiện pháp lý cho phép quân đội Mỹ đến đảo quốc. Cam kết được thúc đẩy giữa thời điểm hiện diện quân sự của Trung Quốc ở châu Phi đã trở thành hiện thực.
Phía bên kia lục địa châu Phi, trong cùng năm 2017, Trung Quốc thành lập căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên trong lịch sử, đặt ở Djibouti. Nếu Bắc Kinh thiết lập thành công chỗ đứng cả phía đông lẫn phía tây châu lục, vùng hoạt động tác chiến cho hải quân Trung Quốc sẽ được mở rộng đáng kể.
Hải quân Trung Quốc lần dầu diễn tập hàng hải với Djibouti vào năm 2015. Ảnh: Hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc đang đổ tiền đầu tư vào Cape Verde. Họ xây cho đảo quốc dinh tổng thống mới, khu phức hợp các cơ quan chính phủ và một sân bóng đá. Các nhà đầu tư Trung Quốc còn lên kế hoạch chi 60 triệu USD nâng cấp một trường đại học trong năm 2021.
“Vị trí địa lý của quốc gia này mang tầm quan trọng chiến lược to lớn với bất kỳ nước nào có tham vọng thương mại hàng hải, thậm chí là tham vọng hải quân”, Thượng nghị sĩ Mỹ Mitt Romney bình luận trong phiên điều trần Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào năm 2019.
“Không hề bất ngờ khi Trung Quốc đang đầu tư mạnh tay”, ông nhận định.
Trong phiên điều trần bổ nhiệm trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ vào tháng 10/2020, ứng viên Victor Mercado cũng chia sẻ với Thượng viện rằng sức ảnh hưởng của Bắc Kinh tại châu Phi có thể trở thành thách thức đối với Washington.
“Chúng ta đã biết Trung Quốc rất quan tâm đến châu Phi. Họ không chỉ chú tâm vào căn cứ mới xây ở Djibouti, mà còn để mắt đến phía tây, như Cape Verde và New Guinea Xích đạo”, ông lưu ý.
Lauren Johnston, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học London, đồng tình rằng bất kỳ quốc gia nào có vị trí hàng hải đắc địa đều mang ý nghĩa quan trọng trong tính toán quyền lực hàng hải.
“Thiết lập tiếp cận với cảng đắc địa là điều quan trọng. Làm người đến sớm còn tốt hơn”, bà đánh giá.
“Mối quan tâm của Trung Quốc đang được thể hiện rất rõ tại Tây Phi. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có vẻ đã trở thành đối tác hậu cần và tiền số hóa cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Họ đồng ý đầu tư hơn 1 tỷ USD xây cảng nước sâu và cơ sở hàng hải mới ở Sengal. Điều này khiến Cape Verde nắm giữ vai trò quan trọng hơn trước”, Johnston phân tích.
Vaccine Covid-19 của hãng được Sinopharm được đưa từ Trung Quốc đến sân bay quốc tế Cairo, Ai Cập, vào ngày 23/2. Ảnh: Reuters.
2. Đối trọng tại Liên Hợp Quốc
Song song với vấn đề Cape Verde, Washigton cũng đẩy mạnh củng cố quan hệ ngoại giao với các nước châu Phi lục địa cho trận tuyến ngoại giao ở Liên Hợp Quốc.
Ngày 23/2, Thượng viện Mỹ thông qua đề cử bà Linda Thomas-Greenfield làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc. Nhà ngoại giao 68 tuổi có đến 35 kinh nghiệm hoạt động đối ngoại với châu Phi. Bà từng là trợ lý ngoại trưởng chuyên trách các vấn đề châu Phi trong chính phủ Tổng thống Barack Obama. Bên cạnh đó, Thomas-Greenfield có kinh nghiệm làm việc ở Nigeria, Kenya và Liberia.
Theo nhận định của chuyên gia Jeffrey Feltman thuộc Viện Brookings, dưới nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, sự thiếu quan tâm cho Liên Hợp Quốc đã tạo ra cơ hội để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại tổ chức quốc tế. Điều này được thể hiện rõ qua cuộc họp tháng 10/2020 của ủy ban chuyên trách các vấn đề nhân quyền trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Tại cuộc họp, 39 nước thành viên với đại đa số là những quốc gia phương Tây đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc với tình hình Hong Kong và vấn đề Tân Cương của Trung Quốc. Tuy nhiên, có hơn 50 quốc gia, trong đó hơn 1/2 là những nước châu Phi, vẫn ủng hộ Bắc Kinh và nhìn nhận vấn đề Hong Kong là “chuyện nội bộ” của Trung Quốc.
Tân Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield trong buổi chất vấn của Thượng viện Mỹ ngày 27/1. Ảnh: Reuters.
Theo chuyên gia Jeffrey Feltman, Bắc Kinh thường trông cậy vào 3 ghế thành viên không thường trực từ châu Phi trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mỗi khi cần sự ủng hộ.
Bắc Kinh cũng ngày một lấn sâu vào hệ thống quy định tiêu chuẩn quốc tế, giữ đến 4/15 ghế lãnh đạo các cơ quan đặc biệt: Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) và Tổ chức Phát triển Công nghiệp (IDO).
Trả lời điều trần vào tháng 1, bà Thomas-Greenfield khẳng định củng cố quan hệ với các nước châu Phi sẽ là chìa khóa để Washington đối trọng sức ảnh hưởng Bắc Kinh đang nắm giữ tại Liên Hợp Quốc.
T.D.
Nguồn: zingnews.vn
Tin thêm
1. Trung Quốc có thể thuê cảng Sri Lanka đến 198 năm Ngoại trưởng Sri Lanka nói Trung Quốc có thể gia hạn thuê cảng Hambantota đến 198 năm, gọi đây là “sai lầm” của chính quyền tiền nhiệm.
2. Quốc hội Hà Lan cáo buộc ‘diệt chủng’ ở Trung Quốc, Trung Quốc phản đối