Những cuộc tấn công mới


Đinh Đức Hoàng

Hay phải chăng, cái gọi là “Kinh tế Thị trường Định hướng XHCN” là bầu sữa nuôi lớn nhanh Chủ nghĩa Tư bản Thân hữu?

Bauxite Việt Nam

Các học giả phương Tây đề xuất nhiều cách để xác định các cột trụ (pillars) của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng, gần như trong tất cả các cách liệt kê, đều có một cột chống trời không thể thay đổi: chủ nghĩa thân hữu (cronyism).

Chủ nghĩa thân hữu, cùng với chênh lệch địa tô, hoặc ăn cắp tài sản trí tuệ, đã trở thành chất bôi trơn không thể thiếu để nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mấy thập niên qua. Và giờ họ đang tìm cách xuất khẩu nó.

Sẽ mất nhiều thời gian để định nghĩa “cronyism”. Tôi không phải chuyên gia kinh tế, nhưng chỉ muốn diễn đạt đơn sơ theo cách hiểu của mình.

Trong một nền kinh tế thị trường tự do lý tưởng kiểu Mỹ hay Hong Kong, thì bánh xe kinh tế sẽ chạy nhờ bơm dầu bằng các quy luật thị trường. Ví dụ: nhà thầu bỏ rẻ thì thắng thầu; hàng hóa tốt thì được tiêu thụ; cao một mét tám và đeo Rolex thì có nhiều gái theo, hoặc trai theo, vân vân. Trong nền kinh tế kiểu này, bàn tay vô hình tự điều chỉnh hết, cần rất ít sự “lên kế hoạch” hay “định hướng”.

Trong một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung kiểu Việt Nam, Trung Quốc hay Liên Xô trước đây, bánh xe kinh tế sẽ chạy bằng kế hoạch duy ý chí của đội ngũ lãnh đạo. Cơ bản là về sau người ta phát hiện ra nó cũng không chạy gì. Đói rạc mồm.

Và trong một nền kinh tế kiểu Bắc Kinh, họ đối mặt với một nan đề. Đầu tiên, họ biết rằng bánh xe kinh tế cần phải chạy. Họ muốn nó chạy thật nhanh. Nhưng họ biết rằng cách làm cũ, tức là các ủy ban trung ương ngồi nghĩ cách cho nó chạy là chả ăn thua rồi. Bọn này lương còn không đủ sống. Họ cũng không dám bơm cho nó thứ dầu nhớt của chủ nghĩa tư bản, tức là thị trường tự quyết hết được. Thế thì vai trò lãnh đạo ở đâu? Không nhẽ Jack Ma làm tổng thống à?

Thứ dầu nhớt quan trọng để nền kinh tế Trung Quốc vận hành như vậy sẽ là chủ nghĩa thân hữu. Nó không phải là một thứ sâu mọt, mà thực sự là liều thuốc tiên để cứu rỗi nan đề của nền kinh tế này.

Ví dụ bây giờ, chính phủ phải giải ngân 1 tỷ NDT cho dự án này, mà quốc gia rất cần dự án này để phát triển. Lựa chọn nhà thầu bằng cách nào? Nếu cho mở thầu công bằng thì chả ai muốn làm cán bộ nữa. Thế thì chả nhẽ lại quay về bi kịch của thời bao cấp, tức là cán bộ sẽ bảo thôi không giải ngân cũng chưa thấy chết ai, để họp thêm 37 cuộc họp nữa đã, bàn cho nó kỹ sai thì chết. Nhưng hóa ra không quyết định nhanh thì còn chết nhiều hơn. Chết đói.

Không được, phải xúc tiến quá trình đầu tư thật nhanh. Phải mở cái nút thắt khốn nạn của thời bao cấp quan liêu này. Bằng cách nào? Bánh xe kinh tế sẽ được chạy nhờ hồng bao, quan hệ họ hàng, và “anh ơi em để quên cái vali anh nhờ chị cất giúp em”. Doanh nghiệp có được hợp đồng, vốn đầu tư được giải ngân, hạ tầng được xây, kinh tế có phát triển. Nút thắt của thời bao cấp được mở nhờ chủ nghĩa thân hữu là vậy.

Và cứ thế, giới cầm quyền hiểu rằng họ cứ phân bổ lợi ích càng kỹ lưỡng, họ càng có nhiều lợi ích. Họ khác xa thế hệ cha anh mình, những người suốt ngày họp, họp xong đưa ra quyết sách chết đói. Họ tham gia tích cực vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng, nhưng ….vì lợi ích cá nhân.

Mỗi tội thứ dầu nhớt này tạo ra sự không công bằng, và cũng không ai biết tiềm năng của nền kinh tế có thể ra sao, hoặc những rủi ro hàm chứa trong tương lai có thể là gì, vì quyền lực thị trường không được tham gia vào giám sát đầy đủ.

Tôi đã thử và thành công còn bạn? Có một tín hiệu rất dễ nhận ra trong kế hoạch vĩ đại Vành đai và Con đường (BRI), cũng như là chính sách đầu tư nước ngoài của chính phủ Trung Quốc, là họ đem mô hình kinh tế kỳ diệu này ra nước ngoài. Họ hướng tới gây ảnh hưởng ở các quốc gia đang phát triển nhạy cảm với tham nhũng, và đồng hóa những Uzbekistan, Mông Cổ, Ghana,… bằng chủ nghĩa thân hữu. Những khối hạ tầng khổng lồ và vô dụng được xây lên bởi nhà thầu Trung Quốc trong cơn giận dữ của nhân dân nhiều nước, với các điều tiếng không ngừng. Có dấu hiệu cho thấy họ dùng chủ nghĩa thân hữu để tha hóa chính phủ nhiều quốc gia, biến các quốc gia này thành các mỏ quặng mới cho Bắc Kinh.

Như thể chủ nghĩa thân hữu – cùng với các tập đoàn kinh tế khổng lồ của Trung Quốc – là con chó ngao Tây Tạng mà giờ Bắc Kinh sau hai thập niên cưng chiều và cho nó ăn hết thịt bò trong nhà, giờ họ phải dắt sang nhà hàng xóm, lừa cho ăn cả đồ ăn bên đó. Đấy là thức ăn của bọn tư bản, thậm chí còn không phải thức ăn cho chó. Từ bé tao nuôi kiểu khác rồi.

Và cuộc xâm lấn mới này, nói một cách hình ảnh, giống như tu hú đẻ nhờ vào tổ chim khác, hoặc là con nhện bơm nọc độc vào cơ thể con mồi để nó mềm ra, sẽ xông vào cửa nhà bạn bất kỳ lúc nào.

Các đại ngân hàng, các đại tập đoàn Trung Quốc, đang nở nụ cười trắng lóa, tay ôm khư khư thứ gia bảo mang đến từ Bắc Kinh, chủ nghĩa thân hữu, để tìm cách tạo ảnh hưởng, hay thậm chí thu nạp chư hầu. “Ô nhà chú có rồi à? Nhưng mà loại này không tốt đâu, giải ngân được mấy triệu đô chứ bao nhiêu. Để anh giới thiệu cho chú Cronyism 2.0 với công nghệ giải ngân tỷ đô. Bây giờ nước đang phát triển nào cũng dùng chú ạ”, nói giọng multilevel marketing là như vậy.

Làm thế nào để chống lại nó, hay ít nhất là giám sát quá trình này, trong bối cảnh mà chính nước ta cũng đang đối mặt với các vấn đề minh bạch?

Tôi có thể đề xuất, nhưng sẽ rất dài, và đằng nào cũng thiếu. Tôi chỉ là nhắc lại một thực tế mà nhiều người đã biết.

Và có thể ai đó trong số chúng ta, những người sẽ tiếp quản nền kinh tế này trong tương lai với vai trò định hướng, sẽ mở to mắt được hơn những đồng sự Châu Phi nào đó.

Đ.Đ.H.

Nguồn: FB Đinh Đức Hoàng

This entry was posted in Chủ nghĩa Tư bản Thân hữu. Bookmark the permalink.