Dương Thu An
Kiến Văn dịch từ nguyên tác tiếng Pháp Témoignage de Thu An (Instagram)
“Xuống giữ chỗ cho Bác, nha”, bác gái bảo tôi. 8 giờ sáng, chúng tôi đứng trước Toà án Evry. Trời còn tối, lạnh, nhưng một số người đã có mặt trước cổng toà nhà. Tôi thấy phần lớn là nhà báo. Có những thành viên của Collectif Vietnam Dioxine. Tôi chào các cô các chú, cha mẹ của các bạn tôi. Cảm giác rõ ràng có sự nối kết giữa chúng tôi, với trái đất này, với đất nước quê hương.
Đất nước nhiễm độc của tôi (Ma terre empoisonnée) là tên cuốn sách của Trần Tố Nga. Trong đó, bà kể lại chuyện đời, chuyện lịch sử chiến tranh Việt Nam, chuyện Chất độc Da cam. Hậu quả của cuộc huỷ diệt sinh thái mà bà và con cháu phải gánh chịu. Ngợi ca nhân dân ta, cuốn sách đồng thời nói tới những hậu quả không thể hàn gắn mà nhân dân Việt Nam trải nghiệm.
“Mình vô ngồi trước, nha”, bác trai nói. Ông bước đi vội vã. Nóng lòng nghe những lời biện hộ. Nóng lòng bày tỏ sự ủng hộ, nóng lòng chờ đợi công lý cho đồng bào.
Bác đóng bộ chỉnh tề. Người chỉ huy an ninh chỉ lối cho bác: Luật sư đi vào cửa đằng kia. Bác tôi mỉm cười, tôi cười theo. Nếu có thể, mọi người chúng tôi đều sẵn sàng lên tiếng bảo vệ bà Trần Tố Nga.
Phía trước, một nhóm người ăn mặc chỉnh tề như bác tôi. Tôi ngây thơ nói với bác gái: “có rất đông người Pháp đến ủng hộ”. Bác cười sự ngây thơ của tôi: “Họ là Luật sư đấy, con ạ”.
Chúng tôi bước vào phòng xử gần như cùng một lúc với họ.
Họ hầu hết rất trẻ, mượt mà lắm. Tôi tự hỏi đã có lần nào gặp họ trong những buổi dạ hội. Có thể chúng tôi đã từng cụng ly, cầu chúc cho những ngày mai tốt đẹp. Tôi nhẩm đếm xem họ bao nhiêu người. 12, 16, rồi 17. Không chắc chỉ có vậy.
Nhìn sang phía đối diện, tôi thấy ba Luật sư của Trần Tố Nga. Tương phản lực lượng thật hiển nhiên (*). Một bên, 17 Luật sư được những đại công ty siêu quốc gia trả tiền, bên kia, ba Luật sư biện hộ không nhận thù lao. Một bên bảo vệ khách hàng một cách thực dụng, bên kia bảo vệ mạng sống của những con người.
Phòng xử án bỗng đầy nghẹt. Tôi cảm thấy nghẹn ngào, cứ như đây là chuyện liên quan tới sinh mạng của chính mình. Như là chính mình đã trải qua những trận mưa Chất Da cam. Như niềm đau của đồng bào và của bản thân là một.
Uni Royal, Tierra Solution, Dow Chemical, Maxus Energy Corporation, Monsanto và gì gì nữa. Mỗi lần bà Chánh án gọi tên công ty, một Luật sư giơ tay.
Bắt đầu biện hộ là Luật sư của bà Nga. Tôi ghi vội trong sổ tay những từ ngữ quan trọng, những câu nói khiến tôi ấn tượng.
“Có ngang chướng lắm không nếu chúng tôi kỳ vọng rằng luân lý và đạo đức song hành với pháp lý?”
“Có cần thiết phải hành bà Nga như vậy không? Làm như nạn nhân chiến tranh phải chịu trách nhiệm? Người ta muốn chúng tôi quên đi bối cảnh cuộc chiến tranh. Không thể nào”.
Tôi không ghi làm gì những chi tiết pháp lý, những trích dẫn điều này khoản nọ. Tôi không hiểu hết các từ ngữ pháp lý, nhưng tôi xúc động, xúc động trước sự ngoan cường của ba Luật sư, xúc động được chứng kiến giờ phút lịch sử này.
Tôi ra về, tư lự, im lặng. Hai bác tôi cũng vậy, không nói gì. Họ muốn hy vọng, nhưng công lý chưa bao giờ là một đồng minh đáng tin cậy, nên họ cũng không biết thế nào.
Tôi hít một hơi dài, và tiếp tục hy vọng. Vâng, tôi tin tưởng. Tôi tìn tưởng ở thắng lợi, ở công lý. Nhờ công tác tận tuỵ của Collectif Vietnam Dioxine, của các Luật sư, của những người ủng hộ. Tôi tin vào âm hưởng của những lời nói, dù nhỏ nhẹ đến đâu, của chúng tôi. Đông đảo chúng tôi đã hưởng ứng lời kêu gọi, ủng hộ Trần Tố Nga và ba triệu nạn nhân của Chất Da cam, ngày hôm nay, ở Toà án Evry.
Và chúng tôi sẽ có mặt, đông đảo hơn nữa, ở buổi Tập hợp thứ bảy tới, 30 tháng 1, 14g30, tại quảng trường Trocadéro, để cất lên tiếng nói, cao hơn, xa hơn, mạnh hơn.
D.T.A.
(*) Chú thích của người dịch: Đây mới chỉ là những luật sư Pháp đại diện cho Monsanto, Dow Chemical và 17 công ti khổng lồ sản xuất chất khai quang. Đằng sau họ là hàng trăm luật sư Mỹ làm việc ở văn phòng New York. Chính những người này đã cung cấp tư liệu, luận điểm và “yếu tố ngôn ngữ” cho các đồng nghiệp của họ ở Evry. Hai thí dụ điển hình : Buối sáng 25-1, một luật sư (chúng tôi xin miễn nêu tên, tội nghiệp) trách bà Nga “mấy năm sau khi khởi kiện mới đi thử nghiệm để đo hàm lượng dioxin trong máu”. Ông ta quên rằng, bà Nga mang trong người một loạt căn bệnh nằm trong danh sách những bệnh “có liên quan tới Chât Da Cam” (danh sách chính thức của chính phủ Hoa Kỳ) Nhưng đến khi luật sư W. Bourdon đề nghị toà cho xét nghiệm bệnh lý, thì họ lại phản đối. Thí dụ thứ hai : trong mấy năm tố tụng, họ đã từng nêu ra yêu cầu “bà Nga cung cấp hợp đồng lao động với Thông tấn xã Giải phóng năm 1966” vì “bà tự xưng là phóng viên TTXGP”. Tất cà những luận điểm ấy đều mang nhãn “Made in USA”.
Nguồn: Diễn đàn
Đọc thêm:
Công lý cho Trần Tố Nga: Vụ kiện không chỉ của một người
Nguyễn Thế Thanh
TTO – Phiên tòa mở ra ở nước Pháp xa xôi là phiên tòa xét xử vụ kiện của một người Pháp gốc Việt và còn mang quốc tịch Việt Nam, là câu chuyện Việt Nam không thể bị lãng quên, còn đang tiếp diễn tại Việt Nam sau 46 năm chiến tranh kết thúc.
Hastag trên mạng kêu gọi “Công lý cho Trần Tố Nga” do các thành viên của Hội Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam của Việt kiều tại Pháp thực hiện. Người Việt tại Pháp và các bạn người Pháp đã quyên góp tiền để dịch các tài liệu cho phiên xử này – Ảnh: Hội Collectif Vietnam Dioxine
Ngày mai 25-1, tại tòa Ivry tỉnh Esson (phía nam Paris), Tòa án Pháp sẽ chính thức xét xử vụ kiện dân sự giữa bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, với các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, gây ra thương tổn sức khỏe nghiêm trọng suốt đời và nhiều đời cho hàng triệu nạn nhân, trong đó có bà Nga.
Có thể nói đây là một vụ kiện hi hữu trong lịch sử tư pháp của nước Pháp nói riêng và quốc tế nói chung. Bởi người kiện là một cá nhân chống lại các tập đoàn đa quốc gia bằng sản phẩm của mình tham gia phá hoại thiên nhiên và đầu độc con người.
Bởi tác hại của chất da cam/dioxin đối với thiên nhiên và con người đã được khoa học chứng minh, nhưng để thắng kiện các tập đoàn hóa chất các nạn nhân phải trải qua cuộc chiến pháp lý vô cùng khó khăn, phức tạp.
Trước vụ kiện của bà Trần Tố Nga, các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam 3 lần kiện thì cả 3 lần đều bị các Tòa án Mỹ bác bỏ. Ngay cả Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA) trước năm 2009 cũng đã bị Tòa án tối cao của Mỹ bác đơn kiện.
Sự hi hữu của phiên tòa ngày 25-1 chính là nguyên đơn Trần Tố Nga hội đủ các điều kiện nói trên: là công dân Pháp và có đủ bằng chứng y khoa là nạn nhân của chất dioxin để trên cơ sở đó cùng bạn bè trong và ngoài nước chuẩn bị hồ sơ vụ kiện trong gần 10 năm và khởi kiện từ 5 năm qua.
Bà Nga đã phải vượt qua biết bao trở lực để quyết không từ bỏ vụ kiện cuối cùng trong cuộc đời 80 năm của mình chỉ bởi suy nghĩ: Nếu bà không làm thì không còn ai đủ được các điều kiện để kiện và điều đó có nghĩa là nạn nhân chất độc da cam/dioxin nói chung và 4 triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam nói riêng không còn hi vọng đòi được công lý.
Bà Nga và bạn bè của bà trong nước và ngoài nước đều biết họ đã và đang phải đối mặt với trùng trùng khó khăn: làm cho các tập đoàn sừng sỏ của Mỹ thừa nhận sai lầm không hề dễ và vấn đề tài chính để theo đuổi vụ kiện.
Biết nhưng vẫn phải theo đuổi và đi đến cùng, bởi vì tính chính nghĩa của vụ kiện dân sự này đã vượt ra khỏi phạm vi một đất nước và đang ngày càng được công nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia, ngay cả khi quốc gia ấy không có một nạn nhân chất độc da cam nào.
Sau 6 năm và 19 phiên làm việc tại tòa, phiên tòa ngày 25-1 không còn là phiên tòa của cá nhân bà Nga mà là phiên tòa của tất cả những người có lương tri ở nhiều nước chứ không chỉ ở Việt Nam.
Nó cho thấy giá trị của mỗi con người sẽ được tìm thấy, được khẳng định như thế nào khi tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ mạng sống của con người chống lại những kẻ vì lợi nhuận mà coi thường các giá trị thiêng liêng ấy.
Phiên tòa nếu đạt được sự phán xét công bằng cho bà Nga còn là tia hi vọng cho các thế hệ tương lai, cho tất cả các nạn nhân của chiến tranh hóa học.
Phiên tòa mở ra ở nước Pháp xa xôi là phiên tòa xét xử vụ kiện của một người Pháp gốc Việt và còn mang quốc tịch Việt Nam, là câu chuyện Việt Nam không thể bị lãng quên, còn đang tiếp diễn tại Việt Nam sau 46 năm chiến tranh kết thúc.
N.T.T.
Nguồn: tuoitre.vn