RFA tiếng Việt
2021-01-22
VOA: Sau khi Bắc Kinh thông qua luật, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên lên tiếng. Hôm qua 22/01, ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi bày tỏ «quan ngại» về luật Hải Cảnh Trung Quốc vừa ban hành trong ngày. Năm 2020 vừa qua là năm mà số lượng tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập vùng biển Senkaku/Điếu Ngư (do Tokyo kiểm soát) đạt mức kỷ lục. Theo Bloomberg, luật mới sẽ làm gia tăng căng thẳng hiện nay tại các vùng biển ven Trung Quốc. Báo chí Việt Nam nói đến nguy cơ «rủi ro bạo lực gia tăng tại Biển Đông» với luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc.
Kể từ năm 2018, Hải Cảnh Trung Quốc, vốn thuộc bên dân sự quản lý, trở thành một bộ phận của Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc, dưới quyền lãnh đạo của Quân Ủy Trung ương, cơ quan ra quyết định cao nhất trong lĩnh vực quân sự của Trung Quốc. Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, số lượng phương tiện của Hải Cảnh Trung Quốc tăng vọt lên 130 tàu hơn 1.000 tấn, vào năm 2019, tức gấp hơn ba lần so với năm 2012. Hải Cảnh Trung Quốc được trang bị tàu tuần tra hơn 10.000 tấn, với súng máy 76 mm. Tàu được coi là lớn nhất tại vùng Biển Đông.
Hình minh hoạ. Tàu hải cảnh của Trung Quốc nhìn từ tàu cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông hôm 14/5/2014. Reuters
Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua luật Hải cảnh mới hôm 22/1/2021, cho phép tàu hải cảnh của nước này được quyền bắn vào các tàu nước ngoài trong vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền. Truyền thông Nhà nước Trung Quốc loan tin này vào cùng ngày.
Dự luật Hải cảnh được Trung Quốc giới thiệu vào tháng 11 năm 2020. Theo đó, luật quy định trong từng trường hợp cụ thể, lực lượng chấp pháp của Trung Quốc có thể sử dụng các loại vũ khí khác nhau để đối phó với tàu nước ngoài bao gồm vũ khí cầm tay, vũ khí phóng từ tàu hoặc từ trên không.
Luật cũng cho phép nhân viên chấp pháp của Trung Quốc được quyền phá huỷ các cấu trúc mà nước khác xây dựng trên các thực thể mà Trung Quốc đòi chủ quyền, lên tàu và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Luật mới cũng cho phép hải cảnh được quyền tạo các vùng cấm di chuyển “khi cần” để ngăn tàu thuyền và người xâm nhập.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 22/1 nói với báo giới rằng luật mới hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, Australia, luật mới của Trung Quốc là một mối nguy đáng báo động cho các ngư dân Việt Nam đi đánh bắt cá ở Biển Đông, đặc biệt là vùng ngư trường truyền thống Hoàng Sa, nơi Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.
“Trung Quốc đang cố gắng nguỵ trang cho những gì mà họ làm và nói luật của chúng tôi cho phép cho nên đừng có can thiệp vào chủ quyền của chúng tôi. Đây là điều đáng báo động. Các tàu hải cảnh của TQ được trang bị đầy đủ và tương đương như các tàu chiến.
Trung Quốc bây giờ với luật hải cảnh mới, trong bất cứ đụng độ nào giờ đây họ không còn phải đâm tàu nữa. Họ chỉ cần bắn vào tàu nếu ngư dân chống cự”.
Trung Quốc là nước đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích Biển Đông dựa vào đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển, bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đang tranh chấp với các nước.
Toà Trọng tài Quốc tế (PCA) trong một phán quyết vào năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lý của đường đứt khúc này nhưng Trung Quốc không công nhận phán quyết của toà.
Trung Quốc hiện kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa mà nước này chiếm được từ Việt Nam trong một trận hải chiến vào năm 1974.
Các ngư dân Việt Nam ra đánh bắt cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị tàu cá và tàu chấp pháp của Trung Quốc xua đuổi, đâm chìm.
Sự việc gần đây nhất là vào tháng 4 năm 2020 khi một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Nguồn: rfa.org/vietnamese