Trương Thị Hà
“Cám ơn em đã viết những lời trong sáng, đầy can đảm. Cách tranh đấu hữu hiệu nhất là cách tranh đấu bền bỉ, có mục đích xây dựng (bất kỳ trong hoàn cảnh bất công nào). Anh hùng là những người kiên trì bước từng bước nhỏ, không bận tâm tới những đàm tiếu chung quanh.”
Thục Quyên
Hồi mới quan tâm chính trị, với sự đam mê, nhiệt huyết, ham học hỏi của tuổi trẻ, tôi thường xuyên viết các status về các vấn đề chính trị, xã hội tại Việt Nam. Ngoài ra, tôi thường xuyên tham gia các lớp học xã hội dân sự, tham gia các hội nhóm thảo luận về chính trị, luật pháp, tham gia biểu tình… Hồi đó, tôi thoải mái bày tỏ quan điểm về chính trị, về các bất công xã hội mà không ngại hay sợ bất kỳ sự tác động, hay trả thù nào. Về sau, những gì tôi viết, những gì tôi nói đã có sự tác động ít nhiều đến việc thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân Việt Nam. Và rồi, an ninh Việt Nam cũng chú ý đến tôi hơn. Tôi bắt đầu phải đối diện với các rủi ro như mất việc làm, bị đuổi ra khỏi phòng trọ, bị giám sát, bị tịch thu giấy tờ tuỳ thân, thậm chí bị bắt giữ và đánh đập chỉ vì tôi quan tâm và có các hoạt động liên quan đến chính trị. Tôi cũng tận mắt chứng kiến hoặc nghe thấy những người bạn của tôi bị bắt bỏ tù chỉ vì họ quá hiểu chuyện chính trị, xã hội. Tôi không biết cách họ làm đúng hay không nhưng có một điều tôi chắc, họ là những người yêu nước thực sự và họ muốn đóng góp để đất nước tốt đẹp hơn.
Chứng kiến những người bạn, những người cùng chiến tuyến của mình lần lượt bị bắt bỏ tù, tôi cảm thấy lo lắng cho sự an toàn của mình. Tôi lo lắng không phải vì tôi sợ, mà vì tôi muốn mình có thể hoạt động lâu dài và hiệu quả hơn. Bất kể nhà hoạt động nhân quyền nào, đặc biệt là những bạn trẻ đã và đang dấn thân ít nhiều vào các hoạt động chính trị ở Việt Nam như tôi, có lẽ đều đã từng đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để hạn chế rủi ro bị bắt bớ, bỏ tù?” Qua nghiên cứu, thực tiễn hoạt động cũng như kinh nghiệm của những nhà hoạt động đi trước, các giải pháp có thể kể đến như: cần trang bị kiến thức, kỹ năng hoạt động, cần chú ý đến bảo mật thông tin, cần có sự chuẩn bị tốt khi tham gia các sự kiện đặc biệt (như ngày biểu tình, các ngày tưởng niệm…). Tôi cho rằng, không có giải pháp nào là tối ưu, đặc biệt trong bối cảnh chính trị phức tạp ở Việt Nam. Nhiều lúc, chúng ta cũng không hiểu, tại sao chính quyền bắt bỏ tù người này nhưng lại không bắt bỏ tù người kia. Người hoạt động tích cực vẫn chưa bị bắt, mà có người mới nhen nhóm lên ngọn lửa đấu tranh đã bị bỏ tù.
Tôi quan sát và đi hỏi nhiều người, cuối cùng, tôi đã tìm được câu trả lời cho chính bản thân mình, đó là “mức độ dấn thân”. “Mức độ dấn thân” được hiểu là mức độ tham gia các hoạt động chính trị của mỗi nhà hoạt động. Bản thân mỗi nhà hoạt động cần căn cứ vào hoàn cảnh của mình, cụ thể, cần xác định rõ, mình đã có một công việc tốt trang trải cuộc sống để yên tâm tham gia các hoạt động chính trị chưa? Mình đã có được sự ủng hộ từ gia đình chưa? Mình có thường xuyên bị an ninh gây khó dễ không? … Càng đặt ra nhiều câu hỏi để hiểu hoàn cảnh của bản thân thì các bạn sẽ càng dễ dàng lựa chọn cho mình sẽ tham gia các hoạt động chính trị ở mức độ nào? Chỉ quan tâm chính trị, tham gia một số hoạt động chính trị hoặc trở thành một nhà hoạt động chuyên nghiệp.
Nhiều người nói tôi cực đoan, không hiểu chuyện, ngây thơ chính trị. Tôi chỉ cười nhạt mà không tranh luận bởi tôi rất hiểu hoàn cảnh của mình và hiểu mức độ dấn thân chính trị của mình đến đâu. Việc xác định “mức độ dấn thân” vào các hoạt động chính trị tức quyền được quyết định số phận và chấp nhận rủi ro chính trị sẽ tạo ra sự “an tâm” trong chính bản thân mỗi chúng ta. Chỉ khi bạn cảm thấy bình yên trong suy nghĩ thì bạn mới có những hành động đúng đắn và sáng suốt. Để rồi, dù sau này, gặp bất cứ rủi ro gì, các bạn sẽ không coi đó là một thất bại, mà đó chính là viên gạch lót đường, là niềm tự hào đối với con đường đóng góp cho một đất nước tự do, nhân bản và công bằng.
Hà Nội, ngày 31/12/2020
T.T.H.
Nguồn: FB Trương Thị Hà